QUYẾT ĐỊNH
Ban hành quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2014 - 2016
______________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND các cấp ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ chế chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTG ngày 31/12/2009;
Căn cứ Nghị quyết số 74/2013/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2014 - 2016;
Xét đề nghị của Liên ngành: Sở Nông nghiệp và PTNT - Sở Tài chính tại Tờ trình số 429/TTrLN:STC-SNN&PTNT ngày 18 tháng 10 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2014 - 2016.
Điều 2. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp quy định tại Quyết định này được áp dụng thực hiện kể từ ngày 01/01/2014.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kế từ ngày ký và thay thế Quyết định số 38/2010/QĐ-UBND ngày 31/12/2010 của UBND tỉnh.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Tài chính; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Khắc Chử
|
QUY ĐỊNH
Về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2014 - 2016
(Kèm theo quyết định số: 29/2013/QĐ-UBND ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu)
________________________________
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu
Phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo ra tập quán sản xuất mới; thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững; đảm bảo an ninh lương thực, khai thác tiềm năng lợi thế về nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, tạo sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Phạm vi áp dụng
Chính sách này quy định mục tiêu, đối tượng, nội dung, mức, điều kiện áp dụng, cơ chế hỗ trợ của nhà nước khuyến khích phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Chính sách này áp dụng cho giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2016.
Điều 3. Đối tượng áp dụng
Chính sách này áp dụng cho các hộ gia đình, cá nhân là nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại áp dụng theo các văn bản hiện hành của tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, chính sách ưu đãi đầu tư khi được cấp phép đầu tư. Đối với các chương trình, dự án đặc thù thì đối tượng áp dụng theo chính sách đặc thù.
Điều 4. Nguyên tắc hỗ trợ
Chỉ thực hiện hỗ trợ những nội dung về sản xuất nông nghiệp mà nông dân gặp khó khăn, làm kém hiệu quả. Nội dung hỗ trợ phải mang tính phổ biến, dễ tiếp cận, hướng vào khai thác tiềm năng lợi thế tại địa phương.
Chính sách hỗ trợ phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.
Lồng ghép nguồn vốn từ ngân sách địa phương, các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn có cùng mục tiêu, nội dung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như: Sự phát triển nông nghiệp địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135, chương trình 30a, ODA ... để thực hiện chính sách này. Trong trường hợp đối tượng thuộc diện hỗ trợ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp có cùng nội dung hỗ trợ thì đối tượng nhận hỗ trợ chỉ được hưởng một chính sách với mức hỗ trợ cao nhất.
Chính sách này phải được kế hoạch hóa theo Kế hoạch phát triển KTXH hàng năm của tỉnh.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Hỗ trợ phát triển lúa lai, lúa thuần.
1. Hỗ trợ giá giống lúa lai.
a) Mục tiêu: Nâng cao năng xuất, thu nhập trong sản xuất lúa ruộng trên địa bàn tỉnh.
b) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ giá giống lúa lai phù hợp với đặc điểm sinh thái của tỉnh Lai Châu, cơ cấu giống cụ thể hàng năm giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn.
c) Mức hỗ trợ: Vùng 1 hỗ trợ 40% giá giống, vùng 2 hỗ trợ 60% giá giống, vùng 3 hỗ trợ 80% giá giống.
Hỗ trợ 100% diện tích đăng ký gieo trồng theo kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
d) Điều kiện hỗ trợ.
- Các hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa lai tại những vùng có điều kiện thâm canh (những chân ruộng chủ động nước tưới, có điều kiện đầu tư phân bón);
- Có đăng ký sản xuất lúa lai, có cam kết thực hiện theo quy trình kỹ thuật canh tác lúa lai, đồng thời thực hiện cơ cấu giống gieo trồng theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & PTNT.
e) Trình tự đăng ký kế hoạch hỗ trợ sản xuất và cam kết làm theo quy trình kỹ thuật.
Các hộ có nhu cầu phải đăng ký với UBND cấp xã, UBND cấp xã rà soát, tổng hợp gửi Phòng Nông nghiệp (Phòng Kinh tế) để kiểm tra, tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện (UBND thị xã). UBND huyện, thị xã tổng hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch thu chi ngân sách hàng năm của địa phương và trình UBND tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân tỉnh. Căn cứ vào Kế hoạch được giao của UBND tỉnh và đăng ký của UBND cấp xã, UBND huyện, thị xã thực hiện giao kế hoạch, phân bổ dự toán theo các qui định hiện hành.
Mẫu bản cam kết và Qui trình kỹ thuật: giao Sở Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn;
2. Hỗ trợ giá giống lúa thuần (tiêu chuẩn xác nhận).
a) Mục tiêu: Nâng cao năng xuất, chất lượng sản xuất lúa thuần ở những nơi thích hợp cho sản xuất lúa thuần.
b) Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ giá giống lúa thuần phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, đặc điểm sinh thái của tỉnh Lai Châu, cơ cấu giống cụ thể hàng năm giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn.
c) Mức hỗ trợ: 100% giá giống.
Hỗ trợ 50% diện tích đăng ký gieo trồng theo kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
d) Điều kiện hỗ trợ:
Các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sản xuất lúa thuần; có đăng ký sản xuất lúa thuần và có cam kết thực hiện theo quy trình kỹ thuật canh tác lúa thuần, đồng thời thực hiện cơ cấu giống gieo trồng theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & PTNT.
e) Trình tự đăng ký kế hoạch hỗ sản xuất lúa thuần và cam kết làm theo quy trình kỹ thuật: thực hiện như điểm e), Khoản 1, Điều này;
Điều 6. Hỗ trợ phát triển ngô lai
1. Mục tiêu: Khai thác tiềm năng về phát triển cây ngô, tăng nhanh sản lượng ngô hàng hóa.
2. Nội dung:
Hỗ trợ giá giống ngô lai, cơ cấu giống cụ thể hàng năm giao Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn.
3. Mức hỗ trợ:
- Đối với ngô chính vụ (vụ xuân hè): Vùng I hỗ trợ 40% giá giống, vùng II hỗ trợ 60% giá giống, vùng III hỗ trợ 80% giá giống.
- Đối với vụ ngô xuân sớm trên đất ruộng một vụ, vụ Thu đông, vụ Đông: Vùng I, II hỗ trợ 50% giá giống; Vùng III, vùng bán ngập lòng hồ thủy điện hỗ trợ 80% giá giống.
4. Điều kiện được hỗ trợ: Cá nhân, hộ gia đình sản xuất ngô lai; có đăng ký gieo trồng theo kế hoạch được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; có cam kết thực hiện theo quy trình kỹ thuật canh tác ngô lai và thực hiện cơ cấu giống gieo trồng theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & PTNT.
5. Trình tự đăng ký kế hoạch hỗ trợ sản xuất ngô lai và cam kết thực hiện theo quy trình kỹ thuật: thực hiện như điểm e), Khoản 1, Điều 5 quy định này;
Điều 7. Hỗ trợ phát triển cây ăn quả
1. Mục tiêu: Hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung, có giá trị kinh tế cao, thích hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh.
2. Nội dung và mức hỗ trợ.
Hỗ trợ một lần 100% giá giống; Hỗ trợ phân bón lót, thuốc BVTV trong thời kỳ kiến thiết cơ bản; hỗ trợ 100% giá giống cây trồng xen (lạc, đậu tương) trong 3 năm đầu (tối đa không quá 02 vụ/ năm).
3. Điều kiện được hỗ trợ:
Hỗ trợ theo dự án được UBND tỉnh phê duyệt.
Cá nhân, hộ gia đình có diện tích đất nằm trong vùng dự án cây ăn quả tập trung được UBND tỉnh phê duyệt; có đăng ký tham gia dự án và cam kết tuân thủ theo quy trình kỹ thuật của dự án.
Điều 8. Hỗ trợ phát triển và chuyển đổi phương thức chăn nuôi đại gia súc
1. Mục tiêu: Khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc; từng bước chuyển đổi phương thức chăn nuôi đại gia súc từ thả rông sang chăn nuôi có kiểm soát và trồng cỏ bổ sung thức ăn chăn nuôi; khắc phục mâu thuẫn giữa chăn nuôi với trồng trọt, kiểm soát được dịch bệnh và hạn chế gia súc chết rét trong mùa đông; tăng năng suất, hiệu quả trong chăn nuôi đại gia súc.
2. Nội dung và mức hỗ trợ.
a) Hỗ trợ giống trâu, bò: Hỗ trợ một lần, một con trâu giống hoặc bò giống (từ 1,5 đến 2 tuổi)/1 hộ nghèo hoặc cận nghèo. Mức hỗ trợ: Hộ nghèo tối đa không quá 7 triệu đồng; hộ cận nghèo tối đa không quá 5 triệu đồng.
b) Hỗ trợ làm chuồng trại.
Hỗ trợ làm chuồng trại cho hộ gia đình có chăn nuôi trâu bò trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hỗ trợ tập trung theo từng xã, bản theo hình thức cuốn chiếu; ưu tiên hỗ trợ trước các bản, xã trồng cao su, vùng sản xuất lương thực tập trung; khuyến khích làm chuồng, trại tập trung theo nhóm hộ.
Hỗ trợ một lần kinh phí làm chuồng trại đảm bảo yêu cầu: nền cứng (đổ bê tông hoặc lát gạch), có hố chứa ủ phân; có khung và mái che chắc chắn, đảm bảo che chắn được mưa, nắng, gió lùa; diện tích tối thiểu 4m2/con. Mức hỗ trợ 03 triệu đồng/01 chuồng/01 hộ.
c) Hỗ trợ trồng cỏ: Hỗ trợ một lần kinh phí mua giống cỏ, giống cỏ cụ thể theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Mức hỗ trợ 2.000 đồng/m2, tối đa không quá 500 m2 cỏ/01 đầu gia súc.
3. Điều kiện được hỗ trợ.
a) Hỗ trợ giống trâu, bò.
Chỉ hỗ trợ các hộ nghèo và cận nghèo chưa có trâu hoặc bò nhưng chưa được hỗ trợ lần nào và có nhu cầu phát triển chăn nuôi trâu, bò. Các hộ có nhu cầu phải đăng ký với UBND cấp xã;
b) Hỗ trợ làm chuồng trại.
Chỉ hỗ trợ các hộ chăn nuôi trâu, bò có nhu cầu làm chuồng trại chăn nuôi; có đăng ký với UBND cấp xã và có cam kết tuân thủ theo đúng yêu cầu kỹ thuật làm chuồng trại quy định tại điểm b), Khoản 2 Điều này.
c) Hỗ trợ trồng cỏ.
Chỉ hỗ trợ các hộ nuôi trâu, bò có nhu cầu trồng cỏ phục vụ chăn nuôi; có đăng ký với UBND cấp xã và có cam kết tuân thủ theo đúng quy trình, kỹ thuật trồng cỏ.
4. Trình tự đăng ký kế hoạch, cam kết phát triển và chuyển đổi phương thức chăn nuôi đại gia súc: thực hiện như điểm e), Khoản 1, Điều 5 qui định này.
Riêng nội dung hỗ trợ giống trâu bò, các hộ được đưa vào kế hoạch hỗ trợ tự lựa chọn nơi mua giống (trong phạm vi tỉnh) và báo với UBND cấp xã để làm các thủ tục hỗ trợ. Thủ tục hỗ trợ cụ thể giao Sở Tài chính hướng dẫn.
Điều 9. Hỗ trợ bảo vệ thực vật
1. Mục tiêu: Chủ động phòng, trừ sâu, bệnh; khống chế, ngăn chặn sâu, dịch bệnh lây lan; đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực.
2. Nội dung và mức hỗ trợ.
a) Khi UBND tỉnh có quyết định công bố dịch trên địa bàn các huyện, thị xã thì mức hỗ trợ thực hiện như sau:
Hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia phòng, trừ dịch bệnh và người giám sát tiêu hủy, mức tối đa là 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc, 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết.
Hỗ trợ 100% giá mua thuốc bảo vệ thực vật, vật tư trang thiết bị để phòng trừ dịch bệnh;
Hỗ trợ 100% kinh phí tuyên truyền, tập huấn cho những người được cử tham gia phòng, trừ dập dịch, giám sát tiêu huỷ diện tích bị nhiễm dịch bệnh.
b) Khi dịch bệnh bùng phát với quy mô nhỏ tại các huyện, thị xã trong khi chưa có quyết định công bố dịch của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã căn cứ vào mức hỗ trợ quy định tại chính sách này chủ động tổ chức chống dịch. Kinh phí chống dịch được sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách của các huyện, thị xã.
3. Điều kiện được hỗ trợ.
a) Đối với cá nhân, hộ gia đình: Có diện tích cây trồng bị nhiễm sâu, bệnh hại trong vùng công bố dịch phải phun thuốc bảo vệ thực vật, phải tiêu huỷ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
b) Đối với các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đến việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng trừ dập dịch: Thực hiện theo các Quyết định chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Điều 10. Hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh cho động vật nuôi
1. Mục tiêu: Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo vệ đàn vật nuôi, giữ gìn môi trường sinh thái.
2. Nội dung và mức hỗ trợ.
a) Hỗ trợ tiêm phòng vắc xin định kỳ và vệ sinh tiêu độc, khử trùng.
Hỗ trợ vắc xin tiêm phòng bệnh cho động vật nuôi với các bệnh nguy hiểm: Lở mồm long móng; nhiệt thán; tụ huyết trùng trâu, bò, lợn; dịch tả lợn; cúm gia cầm; lợn tai xanh; bệnh dại;
Mức hỗ trợ: hỗ trợ 100% tiền mua vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi hiện có. Hỗ trợ tiền công tiêm phòng: Trâu, bò, ngựa 4.000 đồng/mũi tiêm; lợn, dê 2.000 đồng/mũi tiêm; gia cầm 200 đồng/mũi tiêm; chó, mèo 4.500 đồng/mũi tiêm.
Đối với những vùng cần vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, theo đề nghị của cơ quan chuyên môn, nhà nước hỗ trợ 100% hóa chất và công phun; mức hỗ trợ công phun 100.000 đồng/người/ngày làm việc, 200.000 đồng/người/ngày nghỉ, ngày lễ, tết.
b) Hỗ trợ phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm khi có dịch:
- Khi UBND tỉnh có quyết định công bố dịch, mức hỗ trợ thực hiện như sau:
Hỗ trợ tiền công tiêm: Trâu, bò, ngựa 4.000 đồng/1 mũi tiêm; lợn, dê 2.000 đồng/1 mũi tiêm; gia cầm 200 đồng/1 mũi tiêm; chó, mèo 4.500 đồng/1 mũi tiêm;
Hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc xin, vật tư, thuốc thú y để chống dịch;
Hỗ trợ lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch, giám sát tiêu huỷ động vật mắc bệnh. Mức hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày làm việc, 200.000 đồng/người/ngày nghỉ, ngày lễ, tết;
Hỗ trợ lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm: Đại gia súc 18.000đ/1 mẫu; Tiểu gia súc 9.000đ/1 mẫu; Gia cầm 1.800đ/1 mẫu;
Hỗ trợ chi phí xét nghiệm để xác định dịch bệnh: Theo quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có);
Hỗ trợ tiêu huỷ gia súc mắc bệnh: Theo hướng dẫn và quy định hiện hành của bộ, ngành Trung ương;
- Khi dịch bệnh xảy ra với quy mô nhỏ chưa đủ điều kiện để UBND tỉnh ra quyết định công bố dịch. UBND huyện, thị xã căn cứ vào mức hỗ trợ tại chính sách này chủ động tổ chức phòng, chống dịch. Kinh phí phòng, chống dịch được sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách của các huyện, thị xã.
c) Hỗ trợ lực lượng tham gia tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật cố định và tạm thời theo Quyết định của UBND tỉnh: Mức hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày làm việc, 200.000 đồng/người/ngày nghỉ, ngày lễ, tết.
3. Điều kiện được hỗ trợ.
a) Cá nhân, hộ gia đình chăn nuôi: Nằm trong vùng quy định bắt buộc phải tiêm phòng, phải tiêu hủy theo quy định của Bộ Nông nghiệp & PTNT
b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và giám sát tiêu huỷ động vật: Thực hiện theo các Quyết định hoặc chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Điều 11. Hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp
1. Mục tiêu: Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng xuất, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
2. Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình giá mua máy làm đất, máy tuốt lúa, máy tẽ ngô. Mức hỗ trợ vùng I 30%, vùng II 40%, vùng III 50%.
3. Điều kiện được hỗ trợ: Các hộ gia đình có nhu cầu đăng ký với UBND cấp xã. Trình tự đăng ký kế hoạch: thực hiện như điểm e), Khoản 1, Điều 5 qui định này.
Điều 12. Hỗ trợ khai hoang ruộng nước, ruộng bậc thang
1. Mục tiêu: Mở rộng diện tích đất canh tác ruộng nước, ruộng bậc thang
2. Nội dung và mức hỗ trợ.
Hỗ trợ khai hoang ruộng nước, ruộng bậc thang: Ở những nơi có độ dốc dưới 15%: Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/1ha; ở những nơi có độ dốc từ 15% trở lên: Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/1ha.
3. Điều kiện hỗ trợ.
Thực hiện hỗ trợ theo dự án khai hoang ruộng nước, ruộng bậc thang được UBND cấp huyện phê duyệt. Nội dung dự án và trình tự thủ tục phê duyệt dự án giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn.
Cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu khai hoang ruộng nước, ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp, có đăng ký tham gia dự án, có điều kiện về lao động, có cam kết sử dụng đất đúng mục đích.
Điều 13. Hỗ trợ xây dựng các cánh đồng, các khu ruộng bậc thang tập trung
1. Mục tiêu: Xây dựng các cánh đồng, khu ruộng bậc thang để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung, thâm canh cao.
2. Nội dung và mức hỗ trợ.
Hỗ trợ làm đường giao thông nội đồng: Cứ 10 ha ruộng tập trung hỗ trợ 1km đường giao thông nội đồng theo tiêu chuẩn loại C nông thôn;
Hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương theo tiêu chuẩn hiện hành;
Hỗ trợ dồn điền (phá bỏ bờ con, san lại mặt ruộng), mức hỗ trợ: 5 triệu đồng/ha.
3. Điều kiện hỗ trợ: Theo dự án được UBND huyện, thị xã phê duyệt.
4. Trình tự, thủ tục phê duyệt dự án
Phòng Nông nghiệp & PTNT, Phòng Kinh tế chủ trì phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, thị trấn để xây dựng dự án.
Trong quá trình xây dựng dự án phải tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng thôn, bản và thống nhất với HĐND xã, cơ quan chủ trì tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự án trình UBND các huyện, thị thẩm định và phê duyệt.
UBND các huyện, thị thành lập Hội đồng tổ chức thẩm định dự án bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch huyện, thị xã làm chủ tịch Hội đồng, thành viên là các phòng ban chức năng và UBND các xã. Căn cứ kết quả thẩm định Phòng Nông nghiệp & PTNT, Phòng Kinh tế trình UBND huyện, thị xã phê duyệt.
Chương III
CƠ CHẾ QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Cơ chế lồng ghép các nguồn vốn
Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách địa phương, các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn có cùng mục tiêu, nội dung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như: sự nghiệp phát triển nông nghiệp địa phương, chương trình 30a, ODA… để thực hiện các mục tiêu, nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của chính sách này.
Giao Sở Tài chính chủ trì cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Ban Dân tộc tỉnh căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển hàng năm, căn cứ vào nội dung, mức hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ của chính sách này và căn cứ vào khả năng các nguồn vốn để thực hiện lồng ghép và phân bổ nội dung, nhiệm vụ hỗ trợ và cân đối, phân bổ nguồn vốn cho các huyện thị xã.
Điều 15. Cơ chế kế hoạch hóa
Hàng năm đến kỳ xây dựng kế hoạch, căn cứ vào chính sách này, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động Thương binh & Xã hội và Ban Dân tộc tỉnh giao số kiểm tra về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và mức hỗ trợ cho các huyện, thị xã.
Căn cứ số kiểm tra UBND các huyện, thị xã tổ chức lập kế hoạch mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và nhu cầu vốn hỗ trợ gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Lao động Thương binh & Xã hội và ban Dân tộc tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì cùng Sở Lao động Thương binh và Xã hội và ban Dân tộc tỉnh căn cứ vào chính sách này thẩm định và tổng hợp các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và nhu cầu vốn hỗ trợ gửi Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư .
Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào định hướng phát triển KT - XH hàng năm, các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã và đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tổng hợp mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh và phân bổ chỉ tiêu cho các huyện, thị xã, báo cáo UBND tỉnh.
Sở Tài chính căn cứ vào khả năng nguồn vốn sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia, sự nghiệp kinh tế địa phương, dự án ODA... đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và kế hoạch của Sở Kế hoạch và Đầu tư để cân đối các nguồn vốn và dự kiến phân bổ cho UBND các huyện, thị xã báo cáo UBND tỉnh.
Căn cứ vào Quyết định giao kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách của UBND tỉnh UBND các huyện, thị xã xây dựng phương án tổ chức thực hiện theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ và nguồn kinh phí đã được UBND tỉnh giao, chỉ được điều chỉnh khi có quyết định của UBND tỉnh.
Điều 16. Cơ chế thanh toán, quyết toán.
Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách được UBND huyện, thị xã giao thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, các đơn vị dự toán trực thuộc thực hiện dự toán theo quy định hiện hành.
Căn cứ dự toán năm được giao, các đơn vị dự toán trực thuộc các huyện, thị xã thực hiện việc rút dự toán chi trả chính sách hỗ trợ theo mức quy định tại văn bản này và tiến độ, khối lượng thực hiện kế hoạch đã được UBND huyện, thị xã phê duyệt.
Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thị xã có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán năm chi tiết theo nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện, thị xã gửi phòng Tài chính - kế hoạch huyện, thị xã theo quy định của luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thị xã thẩm định xét duyệt, quyết toán năm nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn và tổng hợp quyết toán thu, chi ngân sách địa phương theo quy định của luật Ngân sách.
Điều 17. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
a) Hàng năm lập kế hoạch về khối lượng nhiệm vụ cụ thể, dự toán nhu cầu hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách gửi Sở Tài chính tổng hợp.
b) Hướng dẫn về chủng loại giống, cơ cấu giống, quy trình kỹ thuật chuyên ngành đảm bảo thực hiện chính sách thiết thực, hiệu quả. Chịu trách nhiệm thẩm định về nội dung, định mức kỹ thuật thực hiện chính sách hỗ trợ.
c) Phối hợp với các sở, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để thống nhất lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chính sách trên đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả.
d) Hàng năm tổng hợp, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện, tính hiệu quả của các chính sách nông nghiệp báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để thực hiện các chính sách hàng năm.
b) Chủ trì, thẩm định các dự án đầu tư sử dụng nguồn kinh phí từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia hỗ trợ thực hiện chính sách trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí các nguồn vốn đầu tư, đảm bảo đủ kinh phí thực hiện chính sách theo kế hoạch hàng năm.
3. Sở Tài chính
a) Chủ trì, thẩm định dự toán kinh phí thuộc các nguồn vốn sự nghiệp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt và giao dự toán kinh phí thực hiện chính sách cho các cơ quan, đơn vị và các huyện, thị xã.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã
a) Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trên địa bàn hiểu và triển khai thực hiện tốt chính sách này. Hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, lập dự án sản xuất nông nghiệp và Phê duyệt các dự án theo thẩm quyền. Ngoài kế hoạch được UBND tỉnh giao hàng năm, khuyến khích UBND các huyện, thị xã huy động thêm các nguồn lực của địa phương và trong nhân dân để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch, dự án đã được duyệt.
b) Hàng năm lập kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện chính sách nông nghiệp gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư.
c) Quản lý, cấp phát và thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện chính sách nông nghiệp hàng năm theo đúng quy định.
d) Phối hợp với các cấp, các ngành kiểm tra, giám sát; định kỳ hàng quý tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện chính sách trên địa bàn về Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính.
5. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
a) Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trên địa bàn hiểu và triển khai thực hiện tốt chính sách này.
b) Thực hiện hỗ trợ kinh phí theo đúng chính sách và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo đúng chế độ quy định.
c) Định kỳ hàng quý tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND các huyện, thị xã.
Điều 18. Điều khoản thi hành
Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, thống nhất với Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.