Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH LAI CHÂU

V/v: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban Dân tộc tỉnh

________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ban hành ngày 10/12/2003 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh;

- Căn cứ Nghị định số 51/2003/NĐ-CP ngày 16/5/2003 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc;

- Căn cứ Thông tư liên bộ số 771/1998/TTLT-UBDTMN-BTCCP ngày 20/10/1998 của Uỷ ban Dân tộc Miền núi và Ban Tổ chức Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ);

- Xét đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và Giám đốc S Nội vụ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Vị trí và chức năng.

Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, có chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, công tác tôn giáo trong phạm vi địa phương; là đầu mối phối hợp với các ngành về công tác dân tộc và công tác tôn giáo; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Uỷ ban Dân tộc và Ban Tôn giáo Chính phủ.

Ban Dân tộc tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có kinh phí hoạt động và được mở tài khoản theo quy định của Pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn.

1/ Ban Dân tộc tỉnh là đầu mối liên hệ về công tác dân tộc và tôn giáo giữa tỉnh với Uỷ ban Dân tộc và Ban Tôn giáo Chính phủ; đồng thời là đầu mối phối kết hợp giữa các cơ quan trong tỉnh để tham mưu cho tỉnh về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, công tác tôn giáo và chính sách tôn giáo theo đúng chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

2/ Giúp UBND tỉnh phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước đối với các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.

3/ Giúp UBND tỉnh chuẩn bị nội dụng làm việc với các tổ chức, đoàn thể, cá nhân có liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo.

4/ Tham gia ý kiến với các Sở, ban ngành của tỉnh về những vấn đề có liên quan đến công tác dân tộc và tôn giáo. Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh trong công tác phổ biến, tuyên truyền và quản lý các hoạt động có liên quan đến công tác dân tộc và tôn giáo, nhằm thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc, chống mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ các dân tộc.

5/ Nghiên cứu đặc điểm, phong tục tập quản của các dân tộc, tộc người, dòng họ tham mưu cho tỉnh các giải pháp hỗ trợ đồng bào các dân tộc nhanh chóng phát triển kinh tế, nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần và trình độ dân trí.

Giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình lên cấp trên xem xét giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến công tác dân tộc và công tác tôn giáo. Phối hợp với các ngành, các cấp trong việc đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; không tin - không nghe theo các luận điệu tuyên truyền đạo trái phép của các phần tử xấu xúi giục.

6/ Phối hợp với các ngành, các cấp triển khai thực hiện các chương trình dự án phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi; ngăn chặn các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm trái chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Là đầu mối tiếp nhận, quản lý, theo dõi các chương trình, dự án trong và ngoài nước tài trợ đầu tư cho sự nghiệp phát triển dân tộc - miền núi trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo đúng pháp luật, đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.

7/ Theo dõi tổng hợp tình hình dân tộc, quan hệ dân tộc và tôn giáo trên địa bàn, kịp thời phản ánh báo cáo tỉnh và các Bộ ngành chủ quản; thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất theo hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên.

8/ Tổ chức đón tiếp, thăm hỏi đồng bào các dân tộc thiểu số; phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức kiểm tra giải quyết chu đáo các kiến nghị, đề đạt nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc theo đúng chế độ chính sách và quy định của Pháp luật.

9/ Hướng dẫn xây dựng những tập thể và cá nhân điển hình, tiêu biểu (là người dân tộc thiểu số) gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, làm hạt nhân xây dựng phong trào đoàn kết các dân tộc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

10/ Nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, vận dụng các chính sách của Nhà nước đối với điều kiện thực tế của địa phương.

11/ Dự thảo hoặc tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về chủ trương, chính sách của tỉnh đối với đồng bào các dân tộc.

12/ Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng mục tiêu kế hoạch hàng năm và dài hạn để phát triển Kinh tế - Xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số. Trực tiếp tổ chức hoặc phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện chương trình kế hoạch đề ra.

13/ Phối hợp với các ngành tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ công chức là người dân tộc thiểu số ở địa phương. Hàng năm có kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân tộc và tôn giáo của cơ sở.

14/ Chịu trách nhiệm về công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện các chính sách cán bộ theo thẩm quyền được phân cấp. Quản lý kinh phí, cơ sở vật chất được giao theo quy định của Pháp luật.

15/ Thực hiện nhiệm vụ khác khi được UBND tỉnh giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Ban.

1/ Lãnh đạo Ban.

Ban Dân tộc tỉnh có Trưởng ban và 2 Phó Trưởng ban.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thoả thuận với Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Trung ương. Các Phó Trưởng ban do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Trưởng ban.

2/ Các phòng chuyên môn.

- Phòng Tổ chức - Hành chính - Tổng hợp.

- Phòng chính sách dân tộc.

Giao cho Trưởng Ban Dân tộc tỉnh có trách nhiệm xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của các phòng chuyên môn theo quy định hiện hành.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Các ông (bà): Chánh Văn phòng HĐND-UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thủ trưởng các Ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Minh Quang