Sign In

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy định về việc quản lý, sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô

hai bánh,xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển

hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

________________________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ các Thông tư của Bộ Giao thông Vận tải: số 08/2009/TT-BGTVT ngày 23 tháng 6 năm 2009 về hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa; số 46/2014/TT-BGTVT ngày 06 tháng 10 năm 2014 về sửa đi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2009/TT-BGTVT;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định về quản lý, sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

 

 

 

 

 

QUY ĐỊNH

Về việc quản lý, sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh,xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tnh Lâm Đồng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về quản lý, sử dụng các xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Xe thô sơ gồm: xe đạp (kể cả xe đạp máy, xe đạp điện), xe xích lô, xe súc vật kéo.

2. Xe gắn máy: là phương tiện chạy bằng động cơ, có hai hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50 cm3, nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW (theo quy định QCVN 14: 2011/BGTVT ban hành tại Thông tư số 56/2011/TT-BGTVT ngày 17 tháng 11 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành 06 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện cơ giới đường bộ).

3. Xe mô tô hai, ba bánh: là phương tiện chạy bằng động cơ, có hai hoặc ba bánh (không bao gồm các xe gắn máy) và đối với xe ba bánh có khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg, nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất lớn nhất lớn hơn 4 kW (theo quy định QCVN 14: 2011/BGTVT ban hành tại Thông tư số 56/2011/TT-BGTVT ngày 17 tháng 11 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành 06 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện cơ giới đường bộ).

4. Các loại xe tương tự là các xe có cấu tạo, tính năng và công dụng gần giống các loại xe trên.

5. Hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự là việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để chở người, hàng hóa.

 

Chương II

HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA BẰNG XE THÔ SƠ, XE GẮN MÁY, XE MÔ TÔ HAI BÁNH, XE MÔ TÔ BA BÁNH VÀ CÁC LOẠI XE TƯƠNG TỰ

Điều 4. Người điều khiển phương tiện

1. Thực hiện theo quy định tại các Điều 58, 59, 60 và 63 của Luật Giao thông đường bộ.

2. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm và mang theo mũ bảo hiểm cho hành khách đi cùng; thực hiện và hướng dẫn hành khách thực hiện đúng quy định tại Điều 30 của Luật Giao thông đường bộ.

3. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ phải thực hiện và hướng dẫn hành khách thực hiện đúng quy định tại Điều 31 của Luật Giao thông đường bộ.

4. Người điều khiển xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tham gia hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa phải có phù hiệu do cơ quan có thẩm quyền cấp và phải mặc đồng phục của tổ chức (nếu có); trường hợp không ở trong tổ chức thì phải đeo phù hiệu để dễ nhận biết.

5. Quy định về giới hạn chiều cao, chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa lên xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 46/2014/TT-BGTVT ngày 06 tháng 10 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2009/TT-BGTVT ngày 23 tháng 6 năm 2009 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Điều 5. Phương tiện vận chuyển

1. Xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự phải bảo đảm quy định tại Điều 53 của Luật Giao thông đường bộ, cụ thể như sau:

a) Đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

b) Đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông, đảm bảo các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường:

- Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

- Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;

- Có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu;

- Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác theo thiết kế chế tạo của nhà sản xuất đảm bảo tầm nhìn cho người điều khiển;

- Có bánh lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe;

- Có còi âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật theo thiết kế chế tạo của nhà sản xuất;

- Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang bị, thiết bị khác đảm bảo khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường;

- Các kết cấu phải đủ độ bền và đảm bảo tính năng vận hành ổn định.

2. Xe thô sơ phải đảm bảo các điều kiện an toàn giao thông đường bộ sau:

a) Có đủ hệ thống hãm có hiệu lực;

b) Có hệ thống chuyển hướng có hiệu lực;

c) Khi hoạt động ban đêm có đèn chiếu sáng; đèn tín hiệu hoặc sơn phản quang tại các điểm giới hạn kích thước;

d) Các kết cấu phải đủ độ bền và đảm bảo tính năng vận hành ổn định.

Điều 6. Phạm vi, giờ giấc hoạt động

1. Xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa phải chấp hành các quy định về quy tắc giao thông, hệ thống báo hiệu đường bộ và tuân thủ quy định về phạm vi, luồng tuyến, giờ hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Hạn chế tối đa việc cho phép các loại xe súc vật kéo hoạt động trên các tuyến quốc lộ và trong khu vực đô thị trong giờ cao điểm; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ có liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình giao thông để quy định cụ thể phạm vi, luồng tuyến giờ giấc hoạt động của xe thô sơ, xe ba bánh và các loại xe tương tự trong khu vực nội thị và trên quốc lộ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Điều 7. Điểm đỗ đón khách và xếp hàng hóa

1. Điểm đỗ chờ đón khách và xếp hàng hàng hóa của các xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa phải đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định điểm đỗ chờ đón khách và xếp hàng hóa cho xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự vận chuyển hành khách và hàng hóa tại nơi công cộng trong phạm vi quản lý.

3. Các đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác bến xe, chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí,... phải bố trí, quy định điểm đỗ chờ đón khách và xếp hàng hóa cho xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự vận chuyển hành khách và hàng hóa trong phạm vi đất được giao quản lý.

4. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý tổ chức khai thác các điểm đỗ chờ đón khách và xếp hàng hàng hóa cho xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa nơi công cộng.

5. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm tổ chức quản lý các điểm đỗ, đón khách và xếp hàng hóa của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý theo quy định.

Điều 8. Hình thức tổ chức hoạt động

1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh phải đăng ký hành nghề với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có điểm đỗ đón khách và xếp hàng hóa mà mình tham gia. Trường hợp cá nhân không tham gia hoạt động tại các điểm đỗ, đón khách và xếp hàng hóa cố định (hoạt động theo hình thức lưu động) thì đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.

2. Khuyến khích cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh tham gia, tổ chức thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, hội nghề nghiệp để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động.

3. Cơ quan quản lý điểm đỗ, đón khách và xếp hàng hóa ưu tiên bố trí, sắp xếp và giao quyền tự quản các điểm đỗ chờ đón khách và xếp hàng hóa cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, hội nghề nghiệp vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để tự quản lý, khai thác.

Điều 9. Thủ tục đăng ký và cấp phù hiệu của người hành nghề

1. Tổ chức, cá nhân hành nghề nộp hồ sơ đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Điều 8 của Quy định này. Hồ sơ gồm: 01 đơn (theo mẫu quy định tại phụ lục 1), 01 bản photo chứng minh nhân dân, 01 bản photo chứng nhận đăng ký xe, 01 bản photo giấy phép lái xe, 01 tấm hình 3x4 và 01 giấy khám sức khỏe (trường hợp tổ chức đăng ký chung thì lập danh sách kèm theo hồ sơ cá nhân).

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã cấp phù hiệu cho người hành nghề (theo mẫu phụ lục 2). Phù hiệu có giá trị sử dụng 03 năm kể từ ngày cấp.

3. Trường hợp phù hiệu bị hư hỏng, mất, hết hạn thì được xét cấp lại; người có nhu cầu phải nộp đơn đề nghị cấp lại theo mẫu quy định tại phụ lục 1.

4. Ấn chỉ phù hiệu Thẻ hoạt động do Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng in ấn, phát hành đến Ủy ban nhân dân cấp xã để cấp cho người đăng ký hành nghề.

Điều 10. Các trường hợp bị thu hồi phù hiệu:

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Đậu, đỗ, đón khách trái quy định của các cơ quan có thẩm quyền.

3. Đeo phù hiệu nhưng không còn giá trị khi hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa.

4. Cơ quan thu hồi phù hiệu có trách nhiệm thông báo việc thu hồi phù hiệu cho cơ quan cấp biết.

5. Người bị thu hồi phù hiệu chỉ được cấp lại khi đã chấp hành việc xử phạt và có cam kết không tái phạm với cơ quan cấp.

6. Không cấp lại phù hiệu cho người vi phạm lần thứ ba trở lên.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông vận tải hướng dẫn và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Quy định này.

2. Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quy định này bằng các hình thức thích hợp đến các tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

3. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Công an xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý các phương tiện vi phạm theo thẩm quyền.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện thống nhất quản lý hoạt động vận tải khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; triển khai thực hiện và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện Quy định này.

5. Ủy ban nhân dân cấp xã định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động vận tải khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn về Ủy ban nhân dân cấp huyện để theo dõi, quản lý.

6. Các Sở, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông vận tải thực hiện Quy định này và các quy định khác của pháp luật khi có yêu cầu.

Trong quá trình tổ chức thực hiện; nếu có khó khăn, vướng mắc các địa phương phản ảnh đến Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

UBND tỉnh Lâm Đồng

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đoàn Văn Việt