Sign In

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ và Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Chương I

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh là Viet Nam Social Security, viết tắt là VSS.

3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

2. Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm và các dự án, đề án khác của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, dự án, đề án sau khi được phê duyệt.

3. Về tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế:

a) Ban hành văn bản hướng dẫn về thủ tục, chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện việc giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế; về thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; ban hành các văn bản cá biệt và văn bản quản lý nội bộ ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

b) Xem xét, giải quyết việc tính thời gian công tác đối với người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế;

d) Xác định, khai thác và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tổ chức khai thác, đăng ký và quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật;

đ) Ban hành mẫu thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, mẫu hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và tổ chức cấp thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

e) Tổ chức thu hoặc ủy quyền cho tổ chức dịch vụ thu các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động và cá nhân theo quy định của pháp luật. Tiếp nhận các khoản kinh phí từ ngân sách nhà nước chuyển sang để chi các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật;

g) Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản và sau khi điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật;

h) Tổ chức hoặc ủy quyền cho tổ chức dịch vụ chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật;

i) Tổ chức ký hợp đồng với các cơ sở khám, chữa bệnh có đủ điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật; kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tổ chức thực hiện giám định bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật bảo hiểm y tế; bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và chống lạm dụng, trục lợi chế độ bảo hiểm y tế;

k) Kiểm tra việc đóng, trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động, cá nhân; từ chối việc đóng và yêu cầu chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế không đúng quy định của pháp luật;

l) Lưu trữ hồ sơ của đối tượng tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật;

m) Thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế;

n) Cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng các chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế khi người lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu. Cung cấp đầy đủ và kịp thời tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế:

a) Quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bao gồm: quỹ hưu trí và tử tuất, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quỹ ốm đau và thai sản; quỹ bảo hiểm thất nghiệp; quỹ bảo hiểm y tế theo nguyên tắc tập trung thống nhất, công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật; tổ chức hạch toán các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật;

b) Hằng năm, xây dựng và tổ chức thực hiện phương án đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế sau khi được Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội phê duyệt; thực hiện quản lý rủi ro đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện nhiệm vụ khác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an; phối hợp với Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an quản lý việc thực hiện công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

b) Tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế;

c) Quyết định và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo mục tiêu, yêu cầu, chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế;

d) Tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật;

đ) Tổ chức thực hiện việc hỗ trợ, giải đáp, tư vấn chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế;

e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan bảo hiểm xã hội gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của pháp luật.

6. Thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

7. Thực hiện hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các hiệp định song phương, đa phương về bảo hiểm xã hội thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành bảo hiểm xã hội theo quy định.

8. Về tổ chức bộ máy, tài chính, tài sản:

a) Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; quyết định luân chuyển, nghỉ hưu, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tuyển dụng, sử dụng và chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

b) Quản lý tài chính, tài sản của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam và tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện công tác kiểm toán nội bộ các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định của pháp luật và quy chế kiểm toán nội bộ của đơn vị;

d) Tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

9. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê và quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

10. Định kỳ 6 tháng báo cáo Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Thực hiện chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế theo quy định của pháp luật.

11. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Hệ thống tổ chức

Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, gồm có:

1. Ở trung ương là Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

2. Ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội tỉnh) trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

3. Ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Bảo hiểm xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội huyện) trực thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh.

4. Không tổ chức đơn vị Bảo hiểm xã hội huyện tại đơn vị hành chính là thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, nơi có trụ sở Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh đóng trên địa bàn.

Điều 4. Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam

1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Tổng Giám đốc và không quá 05 Phó Tổng Giám đốc.

2. Tổng Giám đốc là người đứng đầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội. Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và thành viên Chính phủ được phân công phụ trách Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tổ chức thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 2 Nghị định này.

3. Các Phó Tổng Giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và Tổng Giám đốc; được Tổng Giám đốc phân công chỉ đạo một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc về nhiệm vụ được phân công. Khi Tổng Giám đốc vắng mặt, một Phó Tổng Giám đốc được Tổng Giám đốc ủy nhiệm lãnh đạo, điều hành hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

4. Chế độ làm việc và trách nhiệm, quyền hạn của Tổng Giám đốc:

a) Tổng Giám đốc làm việc theo chế độ Thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; ban hành quy chế làm việc, chế độ thông tin, báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy chế đó;

b) Tổng Giám đốc phân công hoặc ủy quyền cho Phó Tổng Giám đốc giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm về quyết định của Phó Tổng Giám đốc được phân công hoặc ủy quyền giải quyết;

c) Tổng Giám đốc có trách nhiệm chuẩn bị các nội dung quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định này để báo cáo Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội xem xét thông qua và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản lý;

d) Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra thâm hụt quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế do quản lý, điều hành của mình trong việc thu nộp, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế không đúng theo quy định của pháp luật;

đ) Tổng Giám đốc quy định cụ thể tiêu chuẩn chức danh và quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý trong hệ thống tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định của pháp luật;

e) Tổng Giám đốc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, giao biên chế, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các tổ chức thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc các đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc và quyết định số lượng cấp phó của các phòng thuộc bảo hiểm xã hội tỉnh. Căn cứ vào tình hình của mỗi địa phương, Tổng Giám đốc quyết định số lượng Phó Giám đốc cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo không vượt quá số lượng quy định tại khoản 2 Điều 6 và khoản 4 Điều 7 Nghị định.

Điều 5. Cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở trung ương

1. Vụ Tài chính - Kế toán.

2. Vụ Hợp tác quốc tế.

3. Vụ Thanh tra - Kiểm tra.

4. Vụ Thi đua - Khen thưởng.

5. Vụ Kế hoạch và Đầu tư.

6. Vụ Tổ chức cán bộ.

7. Vụ Pháp chế.

8. Vụ Quản lý đầu tư quỹ.

9. Vụ Kiểm toán nội bộ.

10. Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

11. Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.

12. Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ.

13. Văn phòng (có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh).

14. Viện Khoa học bảo hiểm xã hội.

15. Trung tâm Truyền thông.

16. Trung tâm Công nghệ thông tin.

17. Trung tâm Lưu trữ.

18. Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến.

19. Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng.

20. Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội.

21. Tạp chí Bảo hiểm xã hội.

Các đơn vị quy định từ khoản 1 đến khoản 13 Điều này là các đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc, các tổ chức quy định từ khoản 14 đến khoản 21 là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Tài chính - Kế toán, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kiểm toán nội bộ có 4 phòng; Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Vụ Thanh tra - Kiểm tra có 5 phòng; Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ có 6 phòng; Văn phòng có 9 phòng, bao gồm đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số lượng Phó Trưởng phòng thuộc đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ.

Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các phòng trực thuộc theo tiêu chuẩn chức danh do cơ quan có thẩm quyền ban hành và tuân thủ quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành, số lượng Phó Trưởng phòng các phòng trực thuộc đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 47/2019/NĐ-CP.

Điều 6. Bảo hiểm xã hội tỉnh

1. Bảo hiểm xã hội tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và trụ sở riêng; có các phòng chức năng trực thuộc.

2. Tổng Giám đốc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc, Phó Giám đốc và quy định kinh phí hoạt động của Bảo hiểm xã hội tỉnh. Số lượng Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh bình quân không quá 03 người.

3. Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng trực thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh theo tiêu chuẩn chức danh và quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.

4. Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, tài chính, tài sản thuộc phạm vi Bảo hiểm xã hội tỉnh quản lý theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Điều 7. Bảo hiểm xã hội huyện

1. Bảo hiểm xã hội huyện có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và trụ sở riêng.

2. Tổng Giám đốc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế và quy định kinh phí hoạt động của Bảo hiểm xã hội huyện.

3. Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế để thành lập các Tổ nghiệp vụ ở Bảo hiểm xã hội huyện trên cơ sở nguyên tắc thành lập Tổ nghiệp vụ do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.

4. Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện; Tổ trưởng, Phó Tổ trưởng các Tổ nghiệp vụ thuộc Bảo hiểm xã hội huyện theo tiêu chuẩn chức danh và quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành. Số lượng Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện bình quân không quá 02 người.

5. Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện chịu trách nhiệm quản lý viên chức, người lao động, tài chính, tài sản thuộc phạm vi Bảo hiểm xã hội huyện quản lý theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và của Bảo hiểm xã hội tỉnh.

Chương II

TRÁCH NHIỆM, MỐI QUAN HỆ GIỮA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM VỚI CÁC BỘ, NGÀNH, CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC Ở ĐỊA PHƯƠNG

Điều 8. Trách nhiệm, mối quan hệ giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các bộ, ngành

1. Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp;

b) Kiến nghị thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;

c) Chịu sự thanh tra, kiểm tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp;

d) Báo cáo định kỳ hằng năm và báo cáo đột xuất về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Đối với Bộ Y tế:

a) Đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách về bảo hiểm y tế;

b) Tham gia xác định mức đóng, phạm vi quyền lợi, mức hưởng của người khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế và cơ chế chi trả chi phí khám, chữa bệnh; giá dịch vụ y tế, danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế;

c) Kiến nghị thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật;

d) Chịu sự thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;

đ) Báo cáo định kỳ hằng năm và báo cáo đột xuất về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm y tế; tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng các quỹ bảo hiểm y tế.

3. Đối với Bộ Tài chính:

a) Đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và cơ chế tài chính áp dụng đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

b) Chịu sự thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài chính trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế;

c) Báo cáo định kỳ hằng năm và báo cáo đột xuất về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

4. Tham gia, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế thực hiện quản lý về thu, chi, bảo toàn, phát triển và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

5. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Điều 9. Trách nhiệm, mối quan hệ giữa Bảo hiểm xã hội các cấp với các cơ quan, tổ chức ở địa phương

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, với các bên tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

2. Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế khi có yêu cầu; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

3. Chủ trì, phối hợp với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trên địa bàn thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm gia tăng đối tượng tham gia và bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế .

4. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và cơ quan nhà nước khác trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên cơ sở kế hoạch đặt ra.

5. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và các cơ quan, tổ chức ở địa phương xử lý vấn đề trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; trong trường hợp cần thiết báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện biện pháp cần thiết để xử lý vấn đề trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người lao động.

6. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội đối với người lao động có thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995.

7. Định kỳ 06 tháng được cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương cung cấp thông tin về tình hình sử dụng và thay đổi lao động trên địa bàn. Được cơ quan thuế cung cấp mã số thuế của tổ chức, cá nhân; định kỳ hằng năm cung cấp thông tin về chi phí tiền lương để tính thuế của doanh nghiệp hoặc tổ chức.

8. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương thực hiện điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

9. Báo cáo định kỳ hàng quý, 06 tháng, một năm và báo cáo đột xuất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tình hình trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Chương III

HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 10. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội

1. Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội (sau đây gọi là Hội đồng quản lý) giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

2. Hội đồng quản lý gồm đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và thành viên khác do Chính phủ quy định.

3. Hội đồng quản lý có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý là 05 năm.

4. Hội đồng quản lý có Văn phòng giúp việc. Nhiệm vụ cụ thể của Văn phòng giúp việc do Hội đồng quản lý quy định.

5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý:

a) Chỉ đạo xây dựng và thông qua chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, kế hoạch dài hạn, năm năm, hằng năm về thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, đề án bảo toàn và tăng trưởng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giám sát, kiểm tra Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án sau khi được phê duyệt;

b) Giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thu, chi, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế;

c) Thông qua dự toán hằng năm về thu, chi các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trước khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình cơ quan có thẩm quyền quyết định;

d) Thông qua các báo cáo hằng năm về việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tình hình quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trước khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình cơ quan có thẩm quyền;

đ) Quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các hình thức đầu tư và cơ cấu đầu tư của các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên cơ sở đề nghị của Tổng Giám đốc;

e) Thành viên của Hội đồng quản lý là đại diện của bộ, ngành chịu trách nhiệm báo cáo về những nội dung liên quan với Bộ trưởng bộ, ngành đó;

g) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; chiến lược phát triển của ngành; kiện toàn hệ thống tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; cơ chế quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế;

h) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Điều 11. Chế độ làm việc của Hội đồng quản lý

1. Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ tập thể; họp thường kỳ 3 tháng một lần để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định này. Đối với một số vấn đề không nhất thiết phải thảo luận tại cuộc họp thì Chủ tịch Hội đồng quản lý gửi văn bản lấy ý kiến từng thành viên Hội đồng quản lý. Hội đồng quản lý có thể họp bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách khi Chủ tịch Hội đồng quản lý hoặc Tổng Giám đốc hoặc trên 50% tổng số thành viên Hội đồng quản lý đề nghị.

2. Chủ tịch Hội đồng quản lý hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý được Chủ tịch Hội đồng quản lý ủy quyền có trách nhiệm triệu tập và chủ trì cuộc họp của Hội đồng quản lý. Nội dung và các tài liệu cuộc họp phải gửi đến các thành viên Hội đồng quản lý trước ngày họp ít nhất là 5 ngày làm việc. Các thành viên Hội đồng quản lý có trách nhiệm nghiên cứu, chuẩn bị để đóng góp ý kiến vào quá trình thảo luận và ra Nghị quyết của Hội đồng quản lý.

3. Cuộc họp của Hội đồng quản lý được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba thành viên Hội đồng quản lý tham dự. Nghị quyết của Hội đồng quản lý phải được trên 50% tổng số thành viên Hội đồng quản lý biểu quyết tán thành. Đối với các thành viên vắng mặt được gửi lấy ý kiến tham gia bằng văn bản. Trường hợp số thành viên biểu quyết đồng ý và không đồng ý bằng nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản lý. Những vấn đề chưa thống nhất ý kiến giữa các thành viên Hội đồng quản lý thì Chủ tịch Hội đồng quản lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thành viên Hội đồng quản lý có quyền bảo lưu ý kiến của mình.

4. Khi bàn về nội dung công việc liên quan đến các bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì Hội đồng quản lý mời lãnh đạo bộ, ngành đó và Thủ trưởng đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự họp. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan được mời dự họp có quyền được phát biểu ý kiến, nhưng không tham gia biểu quyết.

5. Nghị quyết của Hội đồng quản lý được gửi đến các thành viên Hội đồng quản lý và Tổng Giám đốc để tổ chức thực hiện.

6. Thành viên Hội đồng quản lý có quyền yêu cầu Tổng Giám đốc cung cấp thông tin, tài liệu về những nội dung thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng quản lý. Tổng Giám đốc có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác các thông tin và tài liệu về những nội dung thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng quản lý theo yêu cầu của các thành viên Hội đồng quản lý.

7. Hằng năm, Hội đồng quản lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và kết quả hoạt động của Hội đồng quản lý.

8. Kinh phí hoạt động của Hội đồng quản lý do Bảo hiểm xã hội Việt Nam bảo đảm. Địa điểm làm việc của Hội đồng quản lý, Phó Chủ tịch thường trực và Văn phòng giúp việc của Hội đồng quản lý do Bảo hiểm xã hội Việt Nam bố trí. Hội đồng quản lý sử dụng con dấu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để hoạt động.

9. Các thành viên Hội đồng quản lý sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của bộ, ngành mình để giúp việc. Thành viên Hội đồng quản lý được hưởng chế độ thù lao do Chính phủ quy định.

Chương IV

HIỆU LỰC THI HÀNH

Điều 12. Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 9 năm 2020.

2. Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

3. Khoản 7 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

4. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm:

a) Rà soát, sắp xếp các đơn vị trực thuộc và các phòng của các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII;

b) Sắp xếp giảm 63 đầu mối cấp phòng của 63 Bảo hiểm xã hội tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025;

c) Sắp xếp giảm Bảo hiểm xã hội huyện theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã và Nghị quyết số 653/2019/UBTWQH14 ngày 12 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Chính phủ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc