Sign In

NGHỊ QUYẾT

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 83/2022/NQ-HĐND

ngày 08 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định

nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Xét Tờ trình số 5438/TTr-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 83/2022/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo số 130/BC-KTNS  ngày 09 tháng 7 năm 2024 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 Nghị quyết số 83/2022/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025

Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

“Điều 8. Định mức phân bổ vốn sự nghiệp

1. Phân bổ vốn sự nghiệp cho các sở, ngành, đơn vị liên quan cấp tỉnh: Phân bổ 20% tổng nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách trung ương, 50% tổng nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình.

a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: 10% vốn sự nghiệp của ngân sách trung ương để thực hiện các Tiểu dự án 1 (Dự án 4) phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; Tiểu dự án 3 (Dự án 4) hỗ trợ việc làm bền vững; Tiểu dự án 2 (Dự án 6) truyền thông về giảm nghèo đa chiều; Dự án 7 nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.

b) Sở Y tế: 7% vốn sự nghiệp của ngân sách trung ương, 15% vốn sự nghiệp đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện Tiểu dự án 2 (Dự án 3) cải thiện dinh dưỡng; Tiểu dự án 2 (Dự án 7) giám sát, đánh giá.

c) Sở Thông tin và Truyền Thông: 2,4% vốn sự nghiệp của ngân sách trung ương, 35% vốn sự nghiệp đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện Tiểu dự án 1 (Dự án 6) giảm nghèo về thông tin; Tiểu dự án 2 (Dự án 7) giám sát, đánh giá.

d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 0,4% vốn sự nghiệp của ngân sách trung ương để thực hiện Tiểu dự án 1 (Dự án 3) hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; Tiểu dự án 2 (Dự án 7) giám sát, đánh giá.

đ) Sở Tài chính: 0,1% vốn sự nghiệp của ngân sách trung ương để thực hiện Tiểu dự án 2 (Dự án 7) giám sát, đánh giá.

e) Sở Kế hoạch và Đầu tư: 0,1% vốn sự nghiệp của ngân sách trung ương để thực hiện Tiểu dự án 2 (Dự án 7) giám sát, đánh giá.

2. Phân bổ vốn sự nghiệp cho các huyện, thành phố: Phân bổ 80% tổng nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách trung ương, 50% tổng nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình. Hệ số phân bổ Phụ lục kèm theo Nghị quyết.”.

Điều 2. Bổ sung cụm từ, bãi bỏ điều, khoản của Nghị quyết số 83/2022/NQ-HĐND ngày 08 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025

 1. Bổ sung cụm từ “đảm bảo mục tiêu của” vào sau cụm từ “Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ đặc điểm tình hình của địa phương, xây dựng phương án phân bổ vốn cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực hiện” tại khoản 2 Điều 9.

2. Bãi bỏ Điều 7 và khoản 1 Điều 9.

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ đặc điểm tình hình của địa phương, xây dựng phương án phân bổ vốn cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực hiện đảm bảo mục tiêu của Chương trình, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

2. Đối với nguồn vốn sự nghiệp đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ năm 2024 và nguồn vốn năm 2023 chuyển nguồn sang năm 2024: Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện trong năm 2024 theo quy định. Các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 83/2022/NQ-HĐND tại Nghị quyết này được áp dụng trong năm 2025.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 22 tháng 7 năm 2024.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng Khóa X Kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2024./.

HĐND tỉnh Lâm Đồng

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

K' Mák