Hội đồng nhân dân NGHỊ QUYẾT
Về huy động sự đóng góp của nhân dân và các tổ chức kinh tế để
tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và
các công trình phúc lợi xã hội tại Lâm đồng.
Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm đồng khóa V
( Từ ngày 29/07 đến 30/07/1997)
Căn cứ luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994.
Căn cứ Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ở mỗi cấp ngày 25 tháng 6 năm 1996.
Căn cứ Nghị quyết về kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 1996 - 2000 đã được Quốc hội khóa IX - kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 12 tháng 11 năm 1996.
Sau khi xem xét đề án của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của Ban pháp chế HĐND tỉnh và ý kiến thảo luật của các đại biểu.
Quyết nghị:
I
- Trong khi chờ đợi Chính phủ ban hành các Quy chế về thành lập Qũy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị và Quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn để áp dụng chung trong cả nước, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm đồng nhất trí tán thành chủ trương của ủy ban nhân dân tỉnh Lâm đồng về "Huy động sự đóng góp của nhân dân và các đơn vị kinh tế để tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi xã hội tại Lâm đồng". theo các mục tiêu và yêu cầu chủ yếu sau đây:A - MỤC TIÊU :
1-
Tiếp tục thực hiện đầy đủ và có hiệu qủa các khoản huy động sự đóng góp của dân và huy động sức dân theo quy định hiện hành của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh:
- Huy động nghĩa vụ lao động công ích.
- Huy động đóng góp lập Quỹ phòng chống lụt bão.
- Phụ thu tiền điện, tiền nước để đầu tư cải tạo lưới điện và mạng cấp thoát nước.
2 – Soát xét lại các khoản huy động sự đóng góp của dân theo quy định hiện hành của UBND tỉnh (do Chính phủ cho phép), để tổ chức thực hiện chặt chẽ việc huy động và sử dụng đúng mục đích, có hiệu qủa:
- Huy động đóng góp để tham gia xây dựng trường học, lớp học.
- Huy động đóng góp xây dựng qũy bảo trợ trật tự – an toàn xã hội.
3 - Tổ chức lại việc huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng các công trình công cộng và phúc lợi xã hội tại các khu vực dân cư, thực hiện phương châm " Nhà nước và nhân dân cùng làm" trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy tính tích cực tự giác của nhân dân, đưa việc huy động và quản lý sử dụng nguồn vốn huy động này vào nề nếp và nâng cao hiệu qủa sử dụng.
B - YÊU CẦU :
1-
Việc huy động nghĩa vụ lao động và sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi xã hội phải được tiến hành trên cơ sở tuyên truyền vận động làm cho nhân dân quán triệt đầy đủ về ý nghĩa, tác dụng, nâng cao tính tự giác và trách nhiệm cộng đồng; được tổ chức thực hiện chặt chẽ, đúng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nguyện vọng nhân dân và điều kiện cụ thể của từng địa bàn dân cư; được tiến hành theo một quy chế chặt chẽ, bảo đảm nguồn vốn đóng góp được quản lý sử dụng đúng mục đích và có hiệu qủa.
Ngoài việc huy động sự đóng góp tự nguyện theo mức huy động bình quân chung trên từng địa bàn dân cư, cần phát huy sự đóng góp tự nguyện của mọi tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh, người của tỉnh Lâm đồng nay làm ăn sinh sống ở các nơi có nguyện vọng tham gia đóng góp xây dựng quê hương, làng xã.
2- Các tổ chức kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế có đăng ký thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi công cộng của tỉnh.
II - CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG:
1-
Đối tượng, mức huy động thuộc các khoản huy động theo các quy định của Chính phủ và của tỉnh về nghĩa vụ lao động công ích, phòng chống bão lụt, Bảo trợ trật tự an toàn - xã hội, xây dựng trường học, lớp học được tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành.
2- Đối tượng, mức huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng công trình công cộng tại các khu vực dân cư do nhân dân ở từng địa bàn dân cư tự bàn bạc xác định và cũng tự tổ chức bình xét miễn giảm cho những hộ có khó khăn, tự tổ chức quản lý sử dụng. Chính quyền xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, bảo đảm việc huy động được tiến hành công khai, dân chủ, phù hợp nhu cầu và khả năng đóng góp của dân; bảo đảm người đóng góp có thể trực tiếp tham gia quản lý, giám sát; ngăn ngừa được tình trạng tham ô lãng phí và sử dụng không đúng mục đích, kết thúc công trình phải quyết toán công khai, rõ ràng. Chính quyền huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ về mặt thủ tục và kỹ thuật, bảo đảm các yêu cầu quản lý Nhà nước về xây dựng cơ bản và quản lý đô thị trong địa phương. Đối với những công trình cần thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" thì chính quyền huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm cân đối kế hoạch ngân sách bảo đảm vốn ngân sách đối ứng để thực hiện.
3- Mức huy động, phương thức huy động và việc xét miễn giảm đối với khoản đóng góp của các đơn vị kinh tế, tập thể ủy ban nhân dân tỉnh sau khi thống nhất với thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ quy định cụ thể phù hợp với khả năng thực tế của từng đơn vị, từng địa phương và phù hợp với các quy định của pháp luật.
4- Kế hoạch huy động sự đóng góp của nhân dân và các đơn vị kinh tế phải lập ngay từ cuối năm trước, được đưa vào kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp và đúng với mục đích của từng khoản huy động.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN :
1-
Hội đồng nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cho ủy ban nhân dân tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của đại biểu Hội đồng nhân dân để hoàn chỉnh đề án và xây dựng quy chế cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết này. Trong đó cần có chính sách cụ thể để động viên khen thưởng kịp thời các địa phương, tổ chức và công dân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện quy chế này.
2- Chính quyền các cấp, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể quần chúng và tổ chức xã hội trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt chủ trương huy động sức dân đã đề ra tại Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa V, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 30/7/1997./.