QUYẾT ĐỊNH
V/v ban hành Quy định công tác bảo trì các công trình cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006- 2010;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT ngày 15/9/2008 của Ủy ban Dân tộc, Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006- 2010;
Căn cứ Thông tư số 08/2006/TT-BXD ngày 24/11/2006 của Bộ Xây dựng hướng dẫn công tác bảo trì xây dựng công trình;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 326/XD-QLN ngày 14/5/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định công tác bảo trì các công trình cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./-
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Huỳnh Đức Hòa
QUY ĐỊNH
Công tác bảo trì các công trình cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn
thuộc Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
(Ban hành kèm theo Quyết định số 56 /2009/QĐ-UBND
ngày 15/6 /2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Đối tượng áp dụng tại Quy định này là toàn bộ các công trình hạ tầng phục vụ lợi ích chung trong phạm vi xã, thôn, bao gồm các công trình xây dựng bằng nguồn vốn thuộc Chương trình 135 và các công trình được xây dựng bằng các nguồn vốn khác; được cấp có thẩm quyền giao cho UBND cấp xã quản lý, khai thác.
Không áp dụng Quy định này đối với các công trình điện do ngành điện quản lý; các công trình phục vụ mục đích kinh doanh, dịch vụ; công trình phục vụ lợi ích cho hộ hoặc nhóm hộ do người sử dụng quản lý, tự duy tu bảo dưỡng.
2. Phạm vi áp dụng là toàn bộ địa bàn các xã thuộc diện đầu tư của Chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2000- 2005 và Chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006- 2010 (sau đây gọi là Chương trình 135).
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này thuật ngữ bảo trì được hiểu là hoạt động nhằm duy trì các đặc trưng kỹ thuật, mỹ thuật và công năng của công trình bảo đảm việc vận hành, khai thác sử dụng công trình đúng thiết kế kỹ thuật và mục đích sử dụng. Công tác bảo trì bao gồm duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa, trong đó:
1. Duy tu, bảo dưỡng công trình: Là công việc kiểm tra, xử lý được tiến hành thường xuyên để đề phòng hư hỏng các chi tiết, bộ phận công trình.
2. Sửa chữa công trình gồm:
a) Sửa chữa nhỏ công trình: Là công việc được tiến hành khi có hư hỏng ở một số chi tiết của bộ phận công trình nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của các chi tiết đó.
b) Sửa chữa vừa công trình: Là công việc được tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở một số bộ phận công trình nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của các bộ phận đó.
c) Sửa chữa lớn công trình: Là công việc được tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở nhiều bộ phận công trình nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của công trình đó.
Điều 3. Nguyên tắc bảo trì
1. Công tác bảo trì phải căn cứ các hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác bảo trì công trình xây dựng, bao gồm:
a) Hồ sơ hoàn công công trình xây dựng (hồ sơ pháp lý và tài liệu quản lý chất lượng);
b) Sổ theo dõi quá trình vận hành hoặc sử dụng của công trình;
c) Quy trình bảo trì công trình xây dựng;
d) Hồ sơ, tài liệu kiểm tra định kỳ công trình hoặc bộ phận, hạng mục công trình trong thời gian khai thác sử dụng công trình;
đ) Các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo trì công trình.
2. Hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác bảo trì phải được lưu giữ và bổ sung kịp thời những thay đổi của công trình.
3. Công tác bảo trì phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn, vệ sinh và môi trường, cụ thể:
a) Tuyệt đối đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận, cho người thi công, người sử dụng và các phương tiện giao thông, vận hành trên công trình;
b) Lựa chọn các biện pháp và thời gian thi công hợp lý nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của tiếng ồn, khói, bụi, rung động,... do xe, máy và các thiết bị thi công khác khi thực hiện các hoạt động bảo trì gây ra;
c) Tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường; các quy phạm an toàn lao động; an toàn trong thi công; an toàn lao động trong sử dụng máy móc, thiết bị thi công.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Nội dung công tác bảo trì
1. Đối với công trình xây dựng mới, việc thực hiện bảo trì theo quy trình do nhà thầu thiết kế lập.
2. Đối với công trình đang sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì, chủ quản lý sử dụng công trình mời Phòng Công thương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc UBND cấp huyện thẩm định, đánh giá để xác định cấp bảo trì hoặc thuê tổ chức kiểm định chất lượng công trình có đủ điều kiện năng lực kiểm định, đánh giá để xác định cấp bảo trì và lập quy trình bảo trì.
3. Kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình:
Chủ quản lý sử dụng công trình phải tổ chức kiểm tra để đánh giá chất lượng công trình nhằm ngăn ngừa sự xuống cấp của công trình. Hoạt động kiểm tra thực hiện theo các thời điểm như sau:
a) Kiểm tra thường xuyên: Do chủ quản lý sử dụng thực hiện để phát hiện kịp thời dấu hiệu xuống cấp.
b) Kiểm tra định kỳ: Do tổ chức và chuyên gia chuyên ngành có năng lực thực hiện theo yêu cầu của chủ quản lý sử dụng. Thời gian kiểm tra định kỳ được quy định cụ thể như sau:
- Không quá 01 năm/lần đối với các loại công trình: nước sinh hoạt tập trung, thủy lợi, cầu, cống, đường giao thông.
- Không quá 02 năm/lần đối với các loại công trình: trường học, chợ, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, trụ sở làm việc UBND xã.
c) Kiểm tra đột xuất (kiểm tra bất thường): Được tiến hành sau khi có sự cố bất thường (lũ bão, hoả hoạn, động đất, va chạm lớn,...), nghi ngờ về khả năng khai thác sau khi đã kiểm tra chi tiết mà không xác định rõ nguyên nhân hoặc khi cần khai thác với tải trọng lớn hơn. Công việc này phải do cá nhân hoặc tổ chức có đủ năng lực kiểm định thực hiện.
4. Sau khi có kết quả kiểm tra, tùy theo thực trạng chất lượng công trình mà chủ quản lý sử dụng công trình quyết định chọn cấp bảo trì cho phù hợp.
5. Chủ quản lý sử dụng công trình tự thực hiện công tác bảo trì công trình xây dựng (nếu đủ điều kiện năng lực) hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện bảo trì công trình theo các cấp bảo trì.
Điều 6. Thời gian và nguồn vốn thực hiện bảo trì công trình
1. Công tác bảo trì công trình được thực hiện hàng năm bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thuộc Chương trình 135, huy động đóng góp của nhân dân vùng hưởng lợi và các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn.
2. Nguồn kinh phí thực hiện bảo trì từng loại công trình:
a) Đối với công trình giao thông, nước sinh hoạt tập trung, thuỷ lợi: huy động công lao động của nhân dân địa phương tự tổ chức thực hiện đối với khối lượng sử dụng công lao động đơn giản; khối lượng còn lại được hỗ trợ từ nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng Chương trình 135.
b) Đối với trụ sở xã, trường học, trạm xá: thực hiện bằng nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng Chương trình 135.
c) Đối với công trình chợ: sử dụng nguồn vốn hình thành từ hoạt động có thu của chợ, sau khi cân đối nếu chưa đủ thì được bổ sung bằng nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng Chương trình 135.
Điều 7. Quản lý vốn bảo trì
1. Nguyên tắc phân bổ vốn bảo trì:
UBND tỉnh phân bổ vốn bảo trì cho UBND cấp huyện căn cứ theo tỷ lệ phân bổ và tổng vốn bảo trì Chương trình 135, cụ thể như sau :
a) Tỷ lệ phân bổ = (tổng số xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135 cả hai giai đoạn của huyện/tổng số xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135 cả hai giai đoạn toàn tỉnh) x 100%.
b) Tổng vốn bảo trì của huyện = Tổng vốn bảo trì Chương trình 135 toàn tỉnh x tỷ lệ phân bổ.
2. Phân bổ kế hoạch vốn:
a) Hàng năm, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và dự toán ngân sách tỉnh và nguyên tắc phân bổ vốn tại khoản 1 Điều này, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Tài chính tham mưu trình UBND tỉnh quyết định phân bổ vốn bảo trì cho UBND cấp huyện.
b) Căn cứ kế hoạch vốn bảo trì được UBND tỉnh giao, UBND cấp huyện quyết định phân bổ vốn cho từng công trình, từng xã và giao chủ đầu tư để triển khai thực hiện.
c) Căn cứ quyết định của UBND cấp huyện, UBND cấp xã thông báo công khai vốn đến từng thôn, xóm, nhân dân trong xã biết.
d) Vốn giao cho UBND cấp huyện hàng năm không thực hiện hết được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định của Luật Ngân sách.
3. Tạm ứng vốn:
Mức tạm ứng vốn tối đa không quá 30% đối với đơn vị thi công là doanh nghiệp; không quá 50% đối với tổ, đội lao động của xã thi công.
Điều 8. Trình tự thực hiện bảo trì
1. Lập kế hoạch bảo trì: trên cơ sở báo cáo chất lượng công trình của chủ quản lý sử dụng công trình, UBND cấp xã tổ chức kiểm tra, hoàn thành việc lập kế hoạch bảo trì công trình trên địa bàn xã trước tháng 7 hàng năm; gửi Phòng Tài chính- Kế hoạch trực thuộc UBND cấp huyện để tổng hợp, xác định danh mục công trình cần bảo trì, báo cáo UBND cấp huyện.
2. Phê duyệt kế hoạch bảo trì: UBND cấp huyện quyết định phê duyệt danh mục công trình bảo trì (trước tháng 8 hàng năm) và giao UBND cấp xã có công trình bảo trì làm chủ đầu tư.
3. Lập báo cáo kinh tế- kỹ thuật bảo trì: Chủ đầu tư lập Báo cáo kinh tế- kỹ thuật bảo trì công trình trên cơ sở hồ sơ tài liệu hoàn công công trình (hồ sơ pháp lý, tài liệu quản lý chất lượng), tiêu chuẩn kỹ thuật đã sử dụng để thiết kế chế tạo, sản xuất vật liệu, vật tư, thiết bị của công trình, nhật ký theo dõi quá trình vận hành hoặc sử dụng công trình và kết quả điều tra, khảo sát. Báo cáo kinh tế- kỹ thuật bảo trì công trình gồm thiết kế bản vẽ thi công- dự toán và thuyết minh kèm theo.
Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán để trình UBND cấp huyện phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật.
4. Lập và quản lý chi phí bảo trì
a) Dự toán bảo trì công trình được áp dụng theo Thông tư số 02/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006- 2010.
b) Đối với công trình có sử dụng một số loại vật liệu khai thác tại chỗ thì chi phí các loại vật liệu này được tính theo giá mua thực tế phù hợp với mặt bằng giá tại địa phương và được tính bù trừ chênh lệch về giá mua vật liệu trong dự toán bảo trì. Việc xác định giá các loại vật liệu trong từng thời điểm thực hiện theo Thông báo giá của Liên sở Xây dựng - Tài chính hàng tháng để làm cơ sở lập dự toán và thanh quyết toán. Cự ly vận chuyển thực hiện theo Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 27/6/2008 của tỉnh Lâm đồng về việc ban hành cước vận tải hàng hóa bằng ô tô trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
c) Chi phí chung được tính bằng tỷ lệ (%) trên chi phí trực tiếp của từng loại công trình theo Thông tư số 02/2008/TT-BXD ngày 02/01/2008 của Bộ Xây dựng.
Điều 9. Tổ chức thi công xây dựng, giám sát, nghiệm thu, bảo hành công trình
1. Chủ đầu tư trực tiếp ký kết hợp đồng với đơn vị, tổ chức nhận thầu. Các đơn vị, tổ chức nhận thầu bảo trì do chủ đầu tư lựa chọn, ưu tiên cho các tổ thợ địa phương có tay nghề, có năng lực thực hiện.
2. Chủ đầu tư, Ban giám sát xã tổ chức giám sát thi công và nghiệm thu công tác bảo trì công trình theo quy định. Trong trường hợp không đủ điều kiện năng lực, chủ đầu tư được thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện giám sát thi công và nghiệm thu công tác bảo trì công trình.
3. Thành phần tham gia nghiệm thu bảo trì gồm chủ đầu tư, đại diện tổ chức nhận thầu thi công; đơn vị quản lý sử dụng; ban giám sát xã; đại diện phòng chức năng trực thuộc UBND huyện tùy theo từng loại công trình.
4. Thời hạn đầu tư: Thời hạn thi công để hoàn thành công tác bảo trì không vượt quá 01 năm, trừ trường hợp đặc biệt.
5. Bảo hành công tác bảo trì: Thời hạn bảo hành công tác bảo trì được tính từ ngày chủ quản lý sử dụng ký biên bản nghiệm thu công tác bảo trì để đưa vào sử dụng và được quy định thời gian như sau:
a) Không ít hơn 12 tháng đối với mọi loại công trình được thực hiện bảo trì cấp duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ;
b) Không ít hơn 24 tháng đối với mọi loại công trình được thực hiện bảo trì cấp sửa chữa vừa, sửa chữa lớn.
Điều 10. Thanh quyết toán vốn bảo trì
1. Kết thúc công tác bảo trì công trình, chủ đầu tư lập báo cáo quyết toán gửi Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện để chủ trì phối hợp với các phòng liên quan thẩm tra, trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định phê duyệt quyết toán.
2. Công tác quản lý, thanh toán, quyết toán vốn duy tu, bảo dưỡng thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của các ngành cấp tỉnh
1. Ban Dân tộc:
a) Là cơ quan thường trực Chương trình 135 giai đoạn II, có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đề xuất mức vốn hỗ trợ cho từng huyện trình UBND tỉnh quyết định trong kế hoạch hàng năm.
b) Kiểm tra, chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện bảo trì công trình đúng quy định.
c) Định kỳ năm, quý, tháng báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện công tác bảo trì.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Tài chính cân đối vốn bảo trì trong kế hoạch chi ngân sách hàng năm, tham mưu trình UBND tỉnh quyết định phân bổ kế hoạch vốn bảo trì hàng năm cho UBND cấp huyện.
3. Sở Tài chính :
a) Hàng năm, căn cứ biên bản thống nhất phân bổ vốn cho công tác bảo trì, trình UBND tỉnh quyết định giao dự toán chi ngân sách cho UBND cấp huyện để thực hiện.
b) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát sử dụng, quyết toán vốn bảo trì theo quy định.
4. Kho bạc Nhà nước :
a) Thực hiện giám sát chi và thanh toán cho công trình.
b) Tạm ứng cho các công trình khi có đủ thủ tục, hồ sơ dự toán theo quy định, mức tạm ứng theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Quy định này.
c) Thanh toán công trình hoàn thành và thu hồi tạm ứng sau khi UBND cấp huyện có quyết định phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành.
d) Hướng dẫn thủ tục thanh toán theo các quy định hiện hành.
5. Các sở, ngành liên quan: Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát chất lượng bảo trì công trình theo chuyên ngành.
Điều 12. Trách nhiệm của UBND cấp huyện
1. Lập kế hoạch, phê duyệt danh mục công trình bảo trì hàng năm.
2. Phê duyệt báo cáo kinh tế- kỹ thuật bảo trì công trình.
3. Căn cứ mức vốn được hỗ trợ và Báo cáo kinh tế- kỹ thuật đã phê duyệt, quyết định phân bổ vốn bảo trì cho các công trình.
4. Tổ chức thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn bảo trì.
5. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện việc bảo trì đúng quy định.
6. Định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo tình hình thực hiện và kết quả công tác bảo trì về Ban Dân tộc, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 13. Trách nhiệm của UBND cấp xã
1. Kiểm tra, tổng hợp nhu cầu bảo trì hàng năm trình UBND cấp huyện.
2. Thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư theo quy định.
3. Huy động sự đóng góp của nhân dân vùng hưởng lợi cho công tác bảo trì công trình trên địa bàn.
Điều 14. Trách nhiệm của chủ đầu tư bảo trì công trình
1. Tổ chức lập, trình thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo trì công trình theo quy định để triển khai thực hiện. Nếu không đủ điều kiện năng lực, chủ đầu tư được thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện.
2. Tổ chức quản lý thi công bảo trì, giám sát, nghiệm thu, bảo hành công tác bảo trì công trình theo Điều 10 bản Quy định này. Trong trường hợp chủ đầu tư không lập Ban quản lý dự án thì sử dụng bộ máy chuyên môn của mình để quản lý, điều hành dự án hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực để giúp quản lý thực hiện dự án.
Điều 15. Trách nhiệm của chủ sử dụng công trình
1. Quản lý, khai thác sử dụng công trình có hiệu quả. Trong trường hợp bị hư hỏng phải làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, quy rõ trách nhiệm để xử lý theo quy định pháp luật.
2. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình theo Điều 6 quy định này. Báo cáo, đề xuất UBND cấp xã nhu cầu bảo trì công trình.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
Các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến công tác bảo trì công trình bằng nguồn vốn Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phải thực hiện theo quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan./-