THÔNG TƯ
Quy định tạm thời về nhập khẩu rượu năm 1998
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 33/CP ngày 19/4/1994 về quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu;
Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 11/1998/QĐ-TTg ngày 23/01/1998 về cơ chế điều hành xuất, nhập khẩu năm 1998 và thực hiện chủ trương của Nhà nước về tiết kiệm tiêu dùng trong tình hình kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay;
Bộ Thương mại tạm thời quy định và hướng dẫn việc nhập khẩu rượu năm 1998 như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Thông tư này quy định việc nhập khẩu rượu và tiêu thụ rượu nhập khẩu năm 1998, trừ việc nhập khẩu rượu để bán ở các cửa hàng miễn thuế (Duty Free Shop).
2. Rượu nhập khẩu nói trong Thông tư này là các loại rượu hoặc nước cốt rượu do nước ngoài sản xuất được nhập khẩu vào Việt Nam.
3. Rượu nhập khẩu lưu thông trên thị trường phải có đủ điều kiện sau:
Có chứng từ nhập khẩu hợp lệ theo quy định hiện hành.
Đã được dán tem rượu nhập khẩu theo quy định (đối với loại rượu đóng chai tại nước ngoài).
Riêng loại rượu đóng chai tại Việt Nam bằng nước cốt rượu nhập khẩu trên bao bì và nhãn hiệu rượu ngoài phần ghi bằng tiếng nước xuất xứ còn phải ghi bằng tiếng Việt Nam: tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, số Giấy phép đầu tư (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) hoặc Giấy phép sản xuất, độ cồn trong rượu và không phải dán tem rượu nhập khẩu.
II. ĐIỀU KIỆN NHẬP KHẨU RƯỢU:
1. Bộ Thương mại căn cứ nhu cầu tiêu dùng ở từng khu vực, lựa chọn một số doanh nghiệp có đủ các điều kiện sau đây làm đầu mối nhập khẩu rượu (loại rượu đóng chai tại nước ngoài) năm 1998:
Doanh nghiệp nhà nước có Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu ngành hàng phù hợp.
Đã có quá trình nhập khẩu rượu trong 2 năm 1996-1997 với trị giá bình quân mỗi năm trên 200.000 USD.
Các doanh nghiệp gửi hồ sơ xin nhập khẩu rượu năm 1998 về Bộ Thương mại (Vụ Quản lý xuất nhập khẩu, 21 Ngô Quyền - Hà Nội).
Trên cơ sở văn bản chấp thuận của Bộ Thương mại, các doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan cửa khẩu, không phải xin chỉ tiêu của Bộ Thương mại. Riêng đối với loại rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên mỗi doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu trị giá tối đa 150.000 USD (Một trăm năm mươi ngàn)/năm, vượt trị giá trên phải được phép của Bộ Thương mại.
2. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định về xuất nhập khẩu hàng hoá của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc thực hiện Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, riêng đối với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn uống, khu du lịch nhập khẩu rượu chỉ được bán cho khách sử dụng tại chỗ trong phạm vi khách sạn, nhà hàng ăn uống, khu du lịch của doanh nghiệp.
3. Về nhập khẩu nước cốt rượu:
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan.
Đối với các doanh nghiệp khác Bộ Thương mại cấp giấy phép nhập khẩu trên cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu do cơ quan có thẩm quyền cấp. Doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
4. Các doanh nghiệp nhập khẩu rượu phải thực hiện các quy định sau:
Chỉ bán buôn (bán xỉ) rượu nhập khẩu cho các đối tượng có Đăng ký kinh doanh mặt hàng rượu theo quy định hiện hành.
Chấp hành chế độ hoá đơn, chứng từ, sổ sách kế toán theo quy định và phải cập nhật sổ sách lượng rượu nhập khẩu bán cho từng thương nhân và địa chỉ của họ.
Gửi báo cáo hàng tháng tình hình nhập khẩu và tiêu thụ rượu nhập khẩu về Bộ Thương mại (Vụ Quản lý xuất nhập khẩu và Vụ Chính sách thương nghiệp trong nước).
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký đến ngày 31/3/1999.
Trong quá trình thực hiện các địa phương, doanh nghiệp cần phản ánh về Bộ Thương mại các vấn đề phát sinh để kịp thời bổ sung, điều chỉnh./.