Sign In

SẮC LỆNH

SỐ: 116/SL NGÀY 25 THÁNG 1 NĂM 1948

CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu sắc lệnh số 33 ngày 22/3/1946 và số 71 ngày 22/5/1946 tổ chức và ấn định quy tắc Quân đội Quốc gia;

Chiểu sắc lệnh số 34 ngày 25/3/1946 và số 35/SL ngày 19/3/1947 tổ chức Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia;

Sau khi Hội đồng Chính phủ thoả hiệp;

 

RA SẮC LỆNH:

Điều thứ 1

Nay đặt một hệ thống Quân hàm dành cho các nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng không phải là quân nhân những vì nhiệm vụ phải trực tiếp luôn với Quân đội.

Điều thứ 2

Hệ thống Quân hàm này gồm có các cấp bậc từ Hạ sĩ đến Trung tướng.

Điều thứ 3

Về phương diện danh vị và kỷ luật, những nhân viên có quân hàm được quyền hạn và có nhiệm vụ như những quân nhân cùng cấp bậc trong Quân đội Quốc gia.

Điều thứ 4

Quân hàm chỉ thi hành trong thời gian nhân viên tại chức.

Sau thời gian tại chức, nếu một nhân viên được liệt vào ngạch trù bị, thì nhân viên đó được giữ quân hàm.

Một sắc lệnh sau sẽ qui định thể lệ chung cho ngạch trù bị.

Điều thứ 5

Quân hàm bậc Tướng sẽ do sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ xét cấp, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia.

Quân hàm bậc Tá sẽ do nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xét cấp theo đề nghị của Chủ nhiệm Bộ Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng, sau khi ông Tổng chỉ huy y hiệp.

Quân hàm bậc Uý sẽ do nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xét cấp theo đề nghị của Cục trưởng số quân.

Quân hàm bậc Sỹ sẽ do quyết nghị của Cục trưởng số quân có quân hàm xét cấp, và được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng duyệt y.

Điều thứ 6

Thể lệ về thăng cấp cũng định như trong qui tắc Quân đội Quốc gia.

Điều thứ 7

Các chi tiết thi hành sẽ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ấn định.

Điều thứ 8

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia chiểu sắc lệnh thi hành.

 

 

 

Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Chủ tịch Chính phủ

(Đã ký)

 

Hồ Chí Minh