Sign In

CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự

 

Ngày 14 tháng 6 năm 2005, Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 7 đã thông qua Bộ luật Dân sự và Nghị quyết về việc thi hành Bộ Luật Dân sự. Đây là một Bộ luật quan trọng, liên quan đến mọi mặt đời sống của người dân, liên quan đến hoạt động của nhiều ngành, nhiều cấp. Việc tổ chức và hướng dẫn thi hành tốt Bộ luật Dân sự sẽ góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

 

Để kịp thời triển khai việc thi hành Bộ luật Dân sự có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 và Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

I. TỔ CHỨC VIỆC RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT DÂN SỰ HIỆN HÀNH ĐỂ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HOẶC HỦY BỎ CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT KHÔNG CÒN PHÙ HỢP, BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN MỚI ĐỂ TRIỂN KHAI THI HÀNH BỘ LUẬT DÂN SỰ

1. Các Bộ, cơ quan Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương tổ chức việc rà soát các văn bản luật, pháp lệnh, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan mình gửi Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành văn bản mới hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành văn bản mới theo thẩm quyền, bảo đảm thi hành Bộ luật Dân sự được thuận lợi.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức việc rà soát các văn bản có liên quan đến pháp luật dân sự do cơ quan mình đã ban hành hoặc phối hợp với cơ quan khác ban hành và gửi báo cáo kết quả rà soát và xử lý về Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức việc rà soát các quy định liên quan đến pháp luật dân sự do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp thuộc địa phương mình ban hành và gửi báo cáo kết quả rà soát và xử lý về Bộ Tư pháp, Văn phòng chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Việc rà soát các quy định pháp luật dân sự hiện hành ở Trung ương và ở địa phương phải được hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2005.

II. VỀ VIỆC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH BỘ LUẬT DÂN SỰ

1. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị kế hoạch cụ thể và đôn đốc thực hiện việc xây dựng các văn bản của Chính phủ, các Bộ, Cơ quan ngang Bộ để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự. Trước mắt, cần ưu tiên xây dựng và ban hành các văn bản sau: Nghị định về quyền xác định lại giới tính (Bộ Y tế chủ trì), Nghị định về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Bộ Tư pháp chủ trì), Nghị định về họ, hụi, biêu, phường (Bộ Tư pháp chủ trì), Nghị định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (Bộ Tư pháp chủ trì). Đồng thời đôn đốc việc chuẩn bị các dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2005 và các năm tiếp theo nhằm cụ thể hóa Bộ luật Dân sự, trong đó có Luật Đăng ký bất động sản (Bộ Tư pháp chủ trì); Luật về nhà ở (Bộ Xây dựng chủ trì); Luật Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì); Luật Chuyển giao công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì); Pháp lệnh về hiến, lấy ghép mô, cơ quan, bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế chủ trì); Pháp lệnh Đăng ký giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp chủ trì); Pháp lệnh Công chứng (Bộ Tư pháp chủ trì), bảo đảm chất lượng đúng tiến độ. Giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh hợp tác xã Việt Nam tiến hành khảo sát thực tiễn tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác, báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp điều chỉnh tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác.

2. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm thi hành Bộ luật Dân sự thống nhất, đồng bộ.

III. PHỔ BIẾN, TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC VỀ BỘ LUẬT DÂN SỰ

1. Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Văn hóa - Thông tin và các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương chỉ đạo, tổ chức đợt tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, Bộ luật dân sự trong cán bộ và nhân dân bằng các hình thức thiết thực, có hiệu quả.

2. Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân nhân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức biên soạn các tài liệu, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Bộ luật Dân sự cho thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, hội thẩm nhân dân, hộ tịch viên, công chứng viên và các chức danh tư pháp khác để bảo đảm áp dụng thống nhất Bộ luật Dân sự.

3. Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Bộ Tư pháp chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng có kế hoạch ưu tiên cho việc phổ biến, tuyền truyền Bộ luật Dân sự từ nay đến hết năm 2006.

4. Báo nhân dân, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí khác ở Trung ương và địa phương thường xuyên tổ chức các chương trình, chuyên mục giới thiệu, giải thích nội dung và những điểm mới của Bộ luật Dân sự.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp chỉ đạo công tác rà soát hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy của các trường đại học, cao đẳng và các tài liệu về giáo dục công dân liên quan đến Bộ luật Dân sự trong các trường trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông và trung học cơ sở để có kế hoạch bổ sung, sửa đổi kịp thời cho phù hợp với Bộ luật Dân sự; tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân về Bộ luật Dân sự.

6. Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan, tổ chức hữu quan khác triển khai nghiên cứu một số đề tài khoa học cần thiết để làm rõ căn cứ khoa học, thực tiễn trong việc tổ chức thi hành Bộ luật Dân sự.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp lập kế hoạch để hướng dẫn, cân đối ngân sách, bảo đảm nguồn kinh phí cần thiết cho việc triển khai thi hành Bộ luật Dân sự.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

3. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải