THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện chế độ học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập
Thi hành Quyết định số 1121/1997-QĐ-TTg ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập, liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập như sau:
PHẦN I. VỀ HỌC BỔNG
I. HỌC BỔNG KHUYẾN KHÍCH HỌC TẬP (HBKKHT)
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng chế độ học bổng khuyến khích học tập.
Học bổng khuyến khích học tập được cấp trên cơ sở kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên học tập đạt kết quả tốt.
Đối tượng được hưởng học bổng khuyến khích học tập là học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập hệ chính quy tập trung - dài hạn trong nước, có kết quả học tập và rèn luyện đạt từ mức khá - giỏi trở lên:
Học sinh, sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện đạt loại khá là người có điểm trung bình chung mở rộng (TBCMR) từ 7 điểm đến cận 8 điểm, không có điểm thi và kiểm tra dưới 5 (lấy điểm thi và kiểm tra lần thứ nhất) và không bị kỷ luật từ khiển trách trở lên.
Học sinh, sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện đạt loại giỏi là người có điểm TBCMR từ 8 điểm đến cận 9 điểm, không có điểm thi và kiểm tra dưới 5 (lấy điểm thi và kiểm tra lần thứ nhất) và không bị kỷ luật từ khiển trách trở lên.
Học sinh, sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện đạt loại xuất sắc là người có điểm TBCMR từ 9 điểm trở lên, không có điểm thi và kiểm tra dưới 5 (lấy điểm thi và kiểm tra lần thứ nhất) và không bị kỷ luật từ khiển trách trở lên.
2. Mức học bổng khuyến khích học tập.
Trên cơ sở mức học bổng khuyến khích toàn phần 120.000 đồng/tháng đối với sinh viên đại học, cao đẳng và 110.000 đồng/tháng đối với học sinh trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, tuỳ theo kết quả học tập và rèn luyện theo phân loại hiện hành, học sinh, sinh viên được hưởng mức học bổng khuyến khích học tập như sau:
Loại khá được hưởng 120.000 đ/tháng đối với sinh viên đại học, cao đẳng và 110.000 đ/tháng đối với học sinh THCN, dạy nghề.
Loại giỏi được hưởng 180.000 đ/tháng đối với sinh viên đại học, cao đẳng và 165.000 đ/tháng đối với học sinh THCN, dạy nghề.
Loại xuất sắc được hưởng 240.000 đ/tháng đối với sinh viên đại học, cao đẳng và 220.000 đ/tháng đối với học sinh THCN, dạy nghề.
II. HỌC BỔNG CHÍNH SÁCH (HBCS)
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng chế độ học bổng chính sách.
a. Sinh viên hệ cử tuyển (học ở những lớp riêng được cơ quan có thẩm quyền duyệt danh sách) dành cho vùng cao và vùng sâu (danh mục các xã, phường, thị trấn thuộc vùng cao, vùng sâu do Uỷ ban Dân tộc và miền núi công nhận và ban hành theo Quyết định số 42/UB-QĐ ngày 23/5/1997) do Nhà nước cấp kinh phí đào tạo.
b. Học sinh các trường dự bị đại học dân tộc.
c. Học sinh phổ thông các trường dân tộc nội trú.
d. Học sinh là người tàn tật đang học tại các trường dạy nghề Trung ương dành cho thương binh và người tàn tật (không hưởng lương và sinh hoạt phí khi đi học) do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
2. Mức học bổng chính sách.
Học bổng chính sách thống nhất là 120.000 đ/tháng.
Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng học bổng chính sách nếu có kết quả học tập và rèn luyện đạt từ khá - giỏi trở lên thì ngoài phần học bổng chính sách được cấp hàng tháng còn được nhận thêm phần thưởng khuyến khích học tập từ kinh phí chi cho học bổng với các mức cụ thể như sau:
+ Bằng 30% mức HBKK toàn phần nếu đạt loại khá,
+ Bằng 80% mức HBKK toàn phần nếu đạt loại giỏi,
+ Bằng 120% mức HBKK toàn phần nếu đạt loại xuất sắc.
PHẦN II. VỀ TRỢ CẤP XÃ HỘI
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG TRỢ CẤP XÃ HỘI
Đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội là học sinh, sinh viên đang học tại các trường đào tạo công lập hệ chính quy tập trung - dài hạn trong nước thuộc các diện sau đây:
1. Học sinh, sinh viên là người dân tộc ít người ở vùng cao. Căn cứ để xác định người dân tộc ít người là giấy khai sinh bản gốc, hoặc giấy kết hôn của bố mẹ (nếu giấy khai sinh bản gốc bị thất lạc), trong đó có ghi bố hoặc mẹ là người dân tộc ít người. Người dân tộc ít người ở vùng cao là người dân tộc ít người liên tục sống ở vùng cao hoặc có hộ khẩu thường trú ở vùng cao ít nhất từ 3 năm trở lên (tính đến thời điểm vào học tại trường đào tạo).
2. Học sinh, sinh viên là người mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa. Đây là những người không có người đỡ đầu chính thức, không có nguồn chu cấp thường xuyên (học sinh, sinh viên phải xuất trình giấy xác nhận của cơ quan thương binh xã hội cấp quận, huyện, thị xã trên cơ sở đề nghị của phường, xã nơi học sinh, sinh viên cư trú).
3. Học sinh, sinh viên là người tàn tật theo quy định của Nhà nước tại Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 là những người gặp khó khăn về kinh tế, khả năng lao động bị suy giảm từ 41% trở lên do tàn tật, được Hội đồng y khoa có thẩm quyền xác định (hồ sơ, thủ tục giám định y khoa áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư 34/TT-LB ngày 29/12/1993 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế). Học sinh, sinh viên thuộc diện này phải xuất trình biên bản giám định y khoa và xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường về hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
4. Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, vượt khó học tập là những người mà gia đình của họ thuộc diện xoá đói giảm nghèo (phải xuất trình giấy chứng nhận là hộ đói nghèo do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp).
Học sinh, sinh viên thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội phải làm đơn xin hưởng trợ cấp xã hội và phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ theo quy định mới được nhà trường xét cho hưởng trợ cấp xã hội.
II. MỨC HƯỞNG TRỢ CẤP XÃ HỘI
Mức trợ cấp xã hội là 100.000 đồng/tháng.
Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội nếu kết quả học tập và rèn luyện đạt từ mức khá - giỏi trở lên thì ngoài mức trợ cấp xã hội được cấp hàng tháng còn được nhận thêm phần thưởng khuyến khích học tập lấy từ kinh phí chi cho học bổng với các mức cụ thể như sau:
Bằng 30% mức HBKK toàn phần nếu đạt loại khá,
Bằng 80% mức HBKK toàn phần nếu đạt loại giỏi,
Bằng 120% mức HBKK toàn phần nếu đạt loại xuất sắc.
PHẦN III. HỌC SINH, SINH VIÊN DIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI
1. Học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách ưu đãi theo Điều 66, Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ nếu kết quả học tập và rèn luyện đạt loại khá - giỏi trở lên thì được nhận thêm phần thưởng khuyến khích học tập lấy từ kinh phí cho học bổng với các mức cụ thể như sau:
Bằng 40% mức HBKK toàn phần nếu đạt loại khá,
Bằng 90% mức HBKK toàn phần nếu đạt loại giỏi,
Bằng 140% mức HBKK toàn phần nếu đạt loại xuất sắc.
2. Học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách ưu đãi theo Điều 66, Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ, nhưng đồng thời cũng là đối tượng được hưởng học bổng chính sách, hưởng trợ cấp xã hội (theo quy định tại khoản b Điều 1 và Điều 2 của Quyết định 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997) thì chỉ được hưởng một chế độ với mức trợ cấp cao nhất.
PHẦN IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Học bổng và trợ cấp xã hội được dự toán thành hai khoản riêng, được tổng hợp vào dự toán chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo hàng năm.
Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh Nhà nước giao hàng năm và căn cứ vào các quy định về cấp học bổng và trợ cấp xã hội, các cơ sở giáo dục - đào tạo tổ chức xét duyệt và lập bảng đăng ký những học sinh, sinh viên thuộc diện hưởng học bổng chính sách, trợ cấp xã hội và dự kiến số học sinh, sinh viên được nhận học bổng khuyến khích học tập và phần thưởng khuyến khích học tập để lập dự toán chi về học bổng và trợ cấp xã hội, tổng hợp vào dự toán chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo hàng năm của đơn vị, gửi cơ quan chủ quản xem xét và tổng hợp để lập dự toán ngân sách hàng năm gửi cơ quan tài chính. Sau khi được giao dự toán ngân sách năm, các cơ sở giáo dục - đào tạo lập dự toán chi chi tiết, trong đó có dự toán chi học bổng và trợ cấp xã hội, gửi cơ quan tài chính làm căn cứ cấp phát, đồng gửi cơ quan Kho bạc Nhà nước làm căn cứ chi trả và kiểm soát chi tiêu.
Học sinh, sinh viên học đồng thời nhiều ngành, nhiều trường, nếu đủ điều kiện cũng chỉ được hưởng một suất học bổng hoặc một suất trợ cấp xã hội tại một ngành hoặc tại một trường.
Việc xét học bổng khuyến khích học tập được tiến hành sau từng học kỳ. Học bổng này được cấp từng tháng và cấp 11 tháng trong năm. Riêng học kỳ cuối cùng của khoá học, ngay sau khi có kết quả học tập và rèn luyện cơ sở giáo dục - đào tạo phải tiến hành xét cấp toàn bộ học bổng và phần thưởng khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên của học kỳ đó.
Học bổng chính sách được cấp từng tháng và cấp 12 tháng trong năm.
Trợ cấp xã hội được cấp từng tháng và cấp 12 tháng trong năm.
Phần thưởng khuyến khích học tập được cấp từng tháng và cấp 11 tháng trong năm cùng với học bổng và trợ cấp xã hội.
(Mức học bổng cụ thể của các đối tượng theo phụ lục đính kèm).
Căn cứ vào các quy định chung và tình hình của nhà trường, Hiệu trưởng ra quyết định thành lập Hội đồng xét duyệt học bổng và trợ cấp xã hội. Thành phần Hội đồng gồm: Đại diện của các phòng, ban có liên quan, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội sinh viên do Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng làm Chủ tịch Hội đồng.
Việc xét cấp học bổng khuyến khích học tập phải được tiến hành khẩn trương ngay sau khi có kết quả học tập và rèn luyện của mỗi học kỳ.
Việc lập dự toán, cấp phát và thanh quyết toán học bổng và trợ cấp xã hội thực hiện theo các quy định tài chính hiện hành.
Cán bộ được cử đi học hiện đang hưởng sinh hoạt phí tại các trường công lập trước khi có Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội vẫn tiếp tục hưởng sinh hoạt phí đến khi kết thúc khoá học.
Đối với cán bộ được cơ quan cử đi học từ sau ngày 1/1/1998, việc trả lương được quy định như sau: cán bộ được cử đi học có thời gian công tác liên tục từ 3 năm trở lên sẽ được cơ quan cử đi học trả lương, sau khi tốt nghiệp sẽ được trả về cơ quan cử đi để công tác; cán bộ có thời gian công tác liên tục dưới 3 năm thì không được cơ quan trả lương mà được hưởng theo chế độ học bổng khuyến khích học tập.
PHẦN V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/01/1998.
Riêng năm 1998, quỹ học bổng và trợ cấp xã hội lấy trong dự toán ngân sách sự nghiệp giáo dục - đào tạo năm 1998 đã được giao.
2. Các quy định của Thông tư này thay thế các quy định có liên quan đến chế độ học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập tại các văn bản sau: Thông tư liên Bộ Đại học, THCN và DN - Tài chính số 19/TT-LB, ngày 16/9/1989; Thông tư của Bộ Đại học, THCN và DN, số 18/TT-BĐH ngày 18/9/1989 hướng dẫn "về học bổng và sinh hoạt phí của học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và THCN và dạy nghề"; Thông tư 25/TT-LB ngày 15/9/1990 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính về hướng dẫn thực hiện các Quyết định số 72/HĐBT và số 253/CT của HĐBT về học bổng cấp cho học sinh, sinh viên các trường sư phạm và học sinh, sinh viên miền núi; Thông tư 21/TT ngày 15/9/1990 hướng dẫn về cấp học bổng cho học sinh, sinh viên các trường sư phạm và học sinh, sinh viên miền núi và Công văn số 7322/HS-SV ngày 23/11/1993 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tạm thời điều chỉnh mức học bổng toàn phần và sinh hoạt phí.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ảnh về liên Bộ để nghiên cứu, giải quyết.