• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 08/05/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 18/04/2003
CHÍNH PHỦ
Số: 21-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 8 tháng 5 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

Về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban biên giới của Chính phủ

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia, bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên đất liền, trên biển, trên không, các hải đảo và thềm lục địa Việt Nam;

Theo đề nghị của Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ;

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban Biên giới của Chính phủ là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng quản lý Nhà nước và chỉ đạo công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia, xác định chủ quyền và các quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên đất liền, trên biển, trên không, các hải đảo và thềm lục địa Việt Nam.

Điều 2. Ban Biên giới của Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Giúp Chính phủ xác định biên giới quốc gia, các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, xác định phạm vi chủ quyền và các quyền của Việt Nam đối với các hải đảo, các vùng biển, thềm lục địa và vùng trời;

2. Nghiên cứu, đề xuất chủ trương ký kết, phê chuẩn các điều ước quốc tế liên quan đến vấn đề biên giới, lãnh thổ, vấn đề quản lý vùng biển, vùng trời, thềm lục địa Việt Nam;

3. Chủ trì soạn thảo các phương án hoạch định biên giới quốc gia, xác định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam với các nước láng giềng liên quan;

4. Hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc phân giới và cắm mốc quốc giới trên cơ sở các Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia được ký kết giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước láng giềng, chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ quy chế biên giới với các nước láng giềng và tổ chức hướng dẫn thực hiện quy chế biên giới đã được ký kết với các nước đó;

5. Chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ các chính sách và quy định về quản lý biên giới, lãnh thổ quốc gia, các vùng biển, thềm lục địa và vùng trời Việt Nam để Chính phủ xem xét và ban hành; tự ban hành hoặc cùng các ngành hữu quan ban hành trong phạm vi thẩm quyền của mình các văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của Chính phủ có liên quan đến việc quản lý biên giới, lãnh thổ quốc gia, các vùng biển, thềm lục địa và vùng trời Việt Nam; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các văn bản đã ban hành;

6. Kiểm tra, theo dõi, tổng hợp tình hình tranh chấp ở các khu vực biên giới đất liền, trên các vùng biển, thềm lục địa, các hải đảo và vùng trời Việt Nam để trình Chính phủ các phương án giải quyết;

7. Trình Chính phủ xử lý hoặc hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền các vấn đề phát sinh trong các hoạt động của các ngành, các địa phương liên quan đến chủ quyền, các quyền thuộc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên đất liền, các hải đảo, trên các vùng biển, thềm lục địa, cũng như ở trong vùng trời nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

8. Hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong và ngoài khu vực trong công tác nghiên cứu trao đổi thông tin, tư liệu, học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phục vụ cho công tác quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia, các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo và vùng trời cũng như việc giải quyết các tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, các vùng biển và thềm lục địa;

9. Yêu cầu các ngành và địa phương báo cáo định kỳ hoặc từng sự kiện về tình hình quản lý biên giới, lãnh thổ, các hải đảo, vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, đồng thời cung cấp những tài liệu cần thiết của ngành và địa phương mình liên quan đến những sự kiện xảy ra ở biên giới, các hải đảo, các vùng biển, thềm lục địa và trên vùng trời Việt Nam để tổng hợp báo cáo Chính phủ hoặc giải quyết theo sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ;

10. Bồi dưỡng cán bộ chuyên trách công tác quản lý biên giới, lãnh thổ quốc gia về chuyên môn nghiệp vụ; quản lý tổ chức bộ máy, biến chế, cơ sở vật chất được giao;

11. Ban Biên giới của Chính phủ là cơ quan thường trực của Tiểu ban nghiên cứu Thềm lục địa Việt Nam theo Quyết định số 205-CT ngày 28-5-1984, và là cơ quan thường trực và bộ máy giúp việc của Ban chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến Biển Đông và Trường Sa theo Quyết định số 252-HĐBT ngày 671992.

Điều 3. Tổ chức bộ máy của Ban Biên giới của Chính phủ gồm có:

Vụ Biên giới Việt Trung.

Vụ Biên giới phía Tây (phụ trách biên giới Việt Nam Lào, Việt Nam Campuchia).

Vụ Biển (phụ trách các vấn đề biển, hải đảo, thềm lục địa và vùng trời).

Trung tâm Thông tin tư liệu.

Văn phòng.

Nhiệm vụ, biên chế cụ thể của các đơn vị của ban do Trưởng ban Ban biên giới của Chính phủ quy định

Điều 4. Ban Biên giới của Chính phủ do Trưởng ban phụ trách; giúp việc Trưởng ban có các Phó Trưởng ban. Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ công tác được giao, các Phó Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về nhiệm vụ được phân công. Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, các Phó Trưởng ban do Thủ tướng bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Điều 5. Việc thành lập tổ chức về biên giới ở một số tỉnh, thành phố có biên giới và ven biển do Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ đề nghị và Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 6. Nghị định này thay thế Nghị định số 188-CP ngày 6-10-1975 và có hiệu lực từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãu bỏ.

Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.