• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 17/07/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2019
CHÍNH PHỦ
Số: 102/2007/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 14 tháng 6 năm 2007

NGHỊ ĐỊNH

Quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực

có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ,

công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ

___________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 28 tháng 4 năm 2000 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định thời hạn không được kinh doanh đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sau khi thôi giữ chức vụ trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp của nhà nước; quy định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) và xử lý vi phạm.

2. Nghị định này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức thôi giữ chức vụ được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết chế độ thôi việc, bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, nghỉ hưu hoặc chuyển ra khỏi cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, bao gồm:

a) Cán bộ, công chức, viên chức quy định tại khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;

b) Cán bộ, công chức, viên chức biệt phái sang làm việc tại các tổ chức kinh tế nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này sau đây gọi chung là người thôi giữ chức vụ.

Điều 2. Mục tiêu quy định thời hạn không được kinh doanh

Mục tiêu quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với người thôi giữ chức vụ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa người thôi giữ chức vụ lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực trước đây được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giao quản lý để vụ lợi cho bản thân và gia đình, làm thất thoát tài sản nhà nước, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. " Không được kinh doanh" là việc người thôi giữ chức vụ không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư thuộc các lĩnh vực quy định tại Điều 4 Nghị định này.

2. "Người thôi giữ chức vụ" là người khi đang là cán bộ, công chức, viên chức được giao nghiên cứu, xây dựng, thẩm tra, thẩm định hoặc là người ký, ban hành các quyết định phê duyệt, quản lý, quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về một trong các lĩnh vực quy định tại Điều 4 Nghị định này theo quy định của pháp luật, được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết chế độ thôi việc, bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, nghỉ hưu hoặc chuyển ra khỏi cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

3. "Thời hạn không được kinh doanh" là thời gian kể từ khi người thôi giữ chức vụ có quyết định của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết chế độ thôi việc, bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, nghỉ hưu hoặc chuyển ra khỏi cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước đến hết thời hạn đối với từng lĩnh vực quy định tại Điều 5 Nghị định này.

Chương II

CÁC LĨNH VỰC CÓ QUY ĐỊNH THỜI HẠN

KHÔNG ĐƯỢC KINH DOANH

Điều 4. Các lĩnh vực có quy định thời hạn không được kinh doanh

Các lĩnh vực mà người thôi giữ chức vụ quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này trước đây có trách nhiệm quản lý có quy định thời hạn không được kinh doanh, bao gồm:

1. Nhóm 1 gồm các lĩnh vực thuộc các Bộ, ngành:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

b) Bộ Tài chính;

c) Bộ Thương mại;

d) Bộ Tư pháp;

đ) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Nhóm 2 gồm các lĩnh vực thuộc các Bộ, ngành:

a) Bộ Bưu chính, Viễn thông;

b) Bộ Công nghiệp;

c) Bộ Giao thông vận tải;

d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

e) Bộ Tài nguyên và Môi trường;

g) Bộ Thuỷ sản;

h) Bộ Xây dựng;

i) Tổng cục Du lịch.

3. Nhóm 3 gồm các lĩnh vực thuộc các Bộ, ngành:

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Bộ Khoa học và Công nghệ;

c) Bộ Văn hoá - Thông tin;

d) Bộ Y tế;

đ) Ủy ban Thể dục thể thao;

e) Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

4. Nhóm 4 gồm các chương trình, dự án do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quy định cụ thể danh mục các lĩnh vực tại Điều này đối với người thôi giữ chức vụ.

Điều 5. Thời hạn không được kinh doanh

Thời hạn không được kinh doanh đối với người thôi giữ chức vụ thuộc các lĩnh vực quy định tại Điều 4 Nghị định này như sau:

1. Đối với nhóm 1 gồm các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này là từ 12 tháng đến 24 tháng;

2. Đối với nhóm 2 gồm các lĩnh vực quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này là từ 12 tháng đến 18 tháng;

3. Đối với nhóm 3 gồm các lĩnh vực quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này là từ 06 tháng đến 12 tháng;

4. Đối với nhóm 4 gồm các lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này là thời hạn thực hiện xong chương trình, dự án. Đối với các chương trình, dự án có thời hạn thực hiện trên 5 năm thì thời hạn không được kinh doanh kể từ khi người thôi giữ chức vụ có quyết định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết chế độ thôi việc hoặc bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc thực hiện chế độ hưu trí hoặc chuyển công tác ra khỏi cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước đến thời điểm chương trình, dự án đó đã được thực hiện tối thiểu là 36 tháng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quy định cụ thể thời hạn không được kinh doanh trong các nhóm tại  Điều này đối với người thôi giữ chức vụ.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ  KINH DOANH VÀ NGƯỜI THÔI GIỮ CHỨC VỤ

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

1. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thực hiện việc cấp phép đối với người thôi giữ chức vụ theo quy định tại các Điều 4 và 5 Nghị định này và quy định của pháp luật.

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ chối cấp phép cho người thôi giữ chức vụ vi phạm các quy định về lĩnh vực và thời hạn không được kinh doanh quy định tại các Điều 4 và 5 Nghị định này.

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi phát hiện lĩnh vực kinh doanh và thời hạn không được kinh doanh của người thôi giữ chức vụ được cấp phép không đúng quy định tại Nghị định này.

Điều 7. Trách nhiệm của người thôi giữ chức vụ

1. Người thôi giữ chức vụ thuộc các lĩnh vực quy định tại Điều 4 Nghị định này chỉ được kinh doanh sau khi hết thời hạn quy định tại Điều 5 Nghị định này.

2. Trường hợp người được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phát hiện lĩnh vực kinh doanh và thời hạn không đúng quy định tại Nghị định này thì kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương IV

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 8. Đối với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Người cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vi phạm các quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Đối với người thôi giữ chức vụ

Người thôi giữ chức vụ vi phạm các quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm phải bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 11. Trách nhiệm hướng dẫn thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng  cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Người đứng đầu các cơ quan khác của Nhà nước (Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Kiểm toán Nhà nước; Tòa án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Tòa án quân sự, Viện kiểm sát quân sự các cấp) hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này tại cơ quan, đơn vị mình quản lý.

3. Cơ quan có thẩm quyền của tổ chức chính trị căn cứ quy định tại Nghị định này và danh mục cụ thể các lĩnh vực có thời hạn không được kinh doanh hướng dẫn áp dụng đối với người thôi giữ chức vụ thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.