• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/11/2021
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2024
THANH TRA CHÍNH PHỦ
Số: 07/2021/TT-TTCP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 1 tháng 10 năm 2021

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ THẨM QUYỀN, NỘI DUNG THANH TRA TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ THANH TRA, TIẾP CÔNG DÂN, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Luật Tiếp công dân ngày 25 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Tố cáo ngày 12 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra;

Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;

Căn cứ Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân;

Căn cứ Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo;

Căn cứ Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng;

Căn cứ Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Khiếu nại;

Căn cứ Nghị định số 50/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

2. Trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng áp dụng theo quy định tại Luật Thanh tra và Mục 1, Chương III của Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về Tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra và các quy định khác của pháp luật về thanh tra.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra khi thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; giải quyết khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời kiến nghị của cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra; kết luận thanh tra và chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Trách nhiệm của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có trách nhiệm báo cáo, giải trình, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của người có thẩm quyền.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người có thẩm quyền tiến hành thanh tra.

Chương II

THẨM QUYỀN THANH TRA TRÁCH NHIỆM

Điều 5. Thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ

1. Thanh tra Chính phủ thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là bộ), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thuộc cơ quan hành chính nhà nước.

2. Trong quá trình tiến hành thanh tra trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ xem xét, đánh giá việc thực hiện pháp luật về thanh tra,tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với các bộ, Ủyban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan gồm:

a) Văn phòng bộ, các tổng cục, cục, vụ, đơn vị trực thuộc bộ, các doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng) quyết định thành lập và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác thuộc quyền quản lý của bộ;

b) Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi chung là sở), Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện), doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Văn phòng, các phòng, ban nghiệp vụ của doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và các tổ chức, đơn vị, cá nhân khác thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp đó.

3. Việc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 59 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 59/2019/NĐ-CP).

Điều 6. Thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra bộ

1. Thanh tra bộ thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của bộ; doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng quyết định thành lập.

2. Việc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 59 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP.

Điều 7. Thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra tỉnh

1. Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh) thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra,tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với cơ quan cấp sở; Ủy ban nhân dân cấp huyện; đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp nhà nước; đơn vị khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

2. Trong quá trình tiến hành thanh tra, Thanh tra tỉnh xem xét, đánh giá việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan cấp sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện và doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện, như sau:

a) Văn phòng, các phòng, ban, đơn vị nghiệp vụ trực thuộc cơ quan cấp sở và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác thuộc quyền quản lý của cấp sở;

b) Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện, các phòng, ban chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện;

c) Văn phòng, các phòng, ban nghiệp vụ, đơn vị của doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập và các tổ chức, đơn vị, cá nhân khác thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp đó.

3. Việc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP.

Điều 8. Thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra sở

1. Thanh tra sở thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của sở.

2. Trong quá trình tiến hành thanh tra đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, Thanh tra sở xem xét, đánh giá việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũngđối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của đơn vị thuộc sở, trực thuộc sở.

Điều 9. Thẩm quyền thanh tra trách nhiệm của Thanh tra huyện

1. Thanh tra huyện thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũngđối với phòng, ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân xã, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập.

2. Trong quá trình tiến hành thanh tra đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, Thanh tra huyện xem xét, đánh giá việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũngđối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của phòng, ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập.

Điều 10. Thẩm quyền xem xét, xác minh đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác

1. Trong quá trình tiến hành thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, căn cứ vào yêu cầu của cuộc thanh tra, ngoài các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, Đoàn thanh tra có quyền xem xét, xác minh đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan khác để làm rõ các nội dung cần thanh tra.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra có trách nhiệm làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn thanh tra trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Chương III

NỘI DUNG THANH TRA TRÁCH NHIỆM

Điều 11. Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra

1. Việc tổ chức xây dựng kế hoạch thanh tra, phê duyệt kế hoạch thanh tra, thực hiện kế hoạch thanh tra.

2. Việc thực hiện trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong việc tổ chức, thực hiện Luật Thanh tra.

3. Việc bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên.

4. Việc thực hiện thẩm quyền ra quyết định thanh tra; trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra và xử lý vi phạm về thanh tra.

5. Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, Người ra quyết định thanh tra trong quá trình thanh tra.

6. Việc giám sát, kiểm tra hoạt động của Đoàn thanh tra.

7. Việc ban hành quyết định và tổ chức thực hiện quyết định xử lý sau thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; việc áp dụng biện pháp để khắc phục, sơ hở, yếu kém, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

8. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo.

9. Việc quản lý, khai thác, sử dụng và lưu trữ hồ sơ thanh travà các nội dung khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 12. Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân

1. Việc thực hiện các quy định của pháp luật về Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân và tổ chức tiếp công dân.

2. Việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

3. Việc xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

4. Việc theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình tiếp công dân và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.

Điều 13. Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại

1. Việc thụ lý giải quyết khiếu nại.

2. Việc thực hiện quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại.

3. Việc tổ chức đối thoại.

4. Việc thực hiện quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

5. Việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại.

6. Việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

7. Việc xử lý vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

8. Việc theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình khiếu nại và kết quả giải quyết khiếu nại.

Điều 14. Nội dung thanh tra trách nhiệm về tố cáo

1. Việc tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo.

2. Việc thụ lý tố cáo.

3. Việc thực hiện quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo, xác minh nội dung tố cáo và thời hạn giải quyết tố cáo.

4. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo.

5. Việc ban hành kết luận nội dung tố cáo và việc xử lý kết luận nội dung tố cáo.

6. Việc bảo vệ người tố cáo.

7. Việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

8. Việc theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình tố cáo và kết quả giải quyết tố cáo.

Điều 15. Nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng

1. Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tập trung vào các nội dung sau đây:

a) Việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định;

b) Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng;

c) Việc thực hiện các biện pháp về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, thanh toán không dùng tiền mặt;

d) Việc xử lý và giải quyết phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng;

đ) Việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, báo cáo kiểm toán, các quyết định xử lý và việc chấp hành chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống tham nhũng.

2. Việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, gồm các nội dung sau đây:

a) Việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập;

b) Việc quản lý, cập nhật bản kê khai tài sản, thu nhập và các thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập;theo dõi biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai;

c) Việc xác minh tài sản, thu nhập và công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập;

d) Việc bảo vệ, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập;

đ) Việc xử lý người có hành vi vi phạm nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; vi phạm quy định về thời hạn kê khai tài sản, thu nhập và vi phạm các quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập;

e) Việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập.

3. Việc xử lý tham nhũng, gồm các nội dung sau đây:

a) Việc xử lý người có hành vi tham nhũng;

b) Việc thu hồi tài sản tham nhũng;

c) Việc xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

4. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2021.

2. Các văn bản sau hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật:

a) Thông tư số 02/2012/TT-TTCP ngày 13 tháng 7 năm 2012 của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

b) Thông tư số 04/2013/TT-TTCP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại;

c) Thông tư số 05/2013/TT-TTCP ngày 29 tháng7 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tố cáo;

d) Thông tư số 08/2014/TT-TTCP ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Thanh tra Chính phủ quy định thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh kịp thời về Thanh tra Chính phủ để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ

(Đã ký)

 

Đoàn Hồng Phong

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.