• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2024
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 19/2024/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 28 tháng 6 năm 2024

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2023/TT-NHNN ngày 30/6/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;

Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối ngày 18 tháng 3 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2023/TT-NHNN ngày 30/6/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2023/TT-NHNN

  1. Bổ sung khoản 9 vào Điều 3 như sau:

         “9. Khoản vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ phát hành Thư tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (ngân hàng phát hành) là khoản vay hình thành từ nghiệp vụ phát hành thư tín dụng trả chậm có điều khoản thanh toán trả ngay hoặc trả trước ngày đến hạn thư tín dụng theo quy định của pháp luật hiện hành về nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng. Trong đó, ngân hàng phát hành (bên đi vay) nhận khoản tín dụng từ ngân hàng hoàn trả (bên cho vay) là người không cư trú khi ngân hàng hoàn trả thanh toán cho bên thụ hưởng bằng nguồn tiền của ngân hàng hoàn trả trước ngày đến hạn thư tín dụng theo thỏa thuận tại thư tín dụng.”

2. Bổ sung Điều 5a như sau:

Điều 5a. Khoản vay nước ngoài để thanh toán hợp đồng nhập khẩu hàng hóa của bên đi vay không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Khi thực hiện khoản vay nước ngoài để thanh toán hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm phục vụ thực hiện dự án đầu tư hoặc kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án khác của bên đi vay:

a) Mục đích vay nước ngoài của bên đi vay được xác định nhằm thực hiện dự án đầu tư hoặc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án khác của bên đi vay theo quy định tại Điều 17 Thông tư này;

b) Bên đi vay được loại trừ dư nợ vay trung dài hạn nước ngoài bằng hàng phát sinh từ hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm khi tính toán giới hạn vay nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 18 Thông tư này.

2. Bên đi vay được vay nước ngoài để thanh toán hợp đồng nhập khẩu hàng hóa (bao gồm cả việc trả nợ bắt buộc đối với ngân hàng phát hành) theo thư tín dụng được phát hành bởi ngân hàng phát hành.”

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 9 như sau:

“3. Thỏa thuận vay nước ngoài phải được giao kết bằng văn bản  trước hoặc vào ngày rút vốn khoản vay nước ngoài. Việc giao kết thỏa thuận vay nước ngoài vào ngày rút vốn khoản vay nước ngoài chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau: 

a) Khoản vay ngắn hạn nước ngoài với điều kiện việc giải ngân khoản vay thực hiện sau khi các bên giao kết thỏa thuận vay;

b) Khoản vay nước ngoài phát sinh từ việc chuyển số tiền thực hiện chuẩn bị đầu tư của các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành vốn vay nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối đối với hoạt động vay trả nợ nước ngoài và hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam;

c) Khoản vay nước ngoài ngắn hạn phát sinh từ các nghiệp vụ thư tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”

  1. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:

Điều 14. Mục đích vay nước ngoài

1. Bên đi vay vay ngắn và trung, dài hạn nước ngoài để phục vụ các mục đích sau đây:

a) Bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động cấp tín dụng theo tăng trưởng tín dụng của bên đi vay;

b) Cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của bên đi vay;

c) Thanh toán cho bên thụ hưởng thông qua ngân hàng hoàn trả trong nghiệp vụ phát hành thư tín dụng trả chậm có điều khoản thanh toán trả ngay hoặc trả trước ngày đến hạn thư tín dụng theo quy định của pháp luật hiện hành về nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng.

2. Trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, bên đi vay khi vay trung, dài hạn nước ngoài phải chứng minh mục đích vay nước ngoài thông qua:

a) Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này trong trường hợp vay để thực hiện mục đích nêu tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Phương án cơ cấu nợ theo quy định tại Điều 8 Thông tư này trong trường hợp vay để thực hiện mục đích nêu tại điểm b khoản 1 Điều này.”

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:

“Điều 15. Giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài

1. Bên đi vay chỉ được vay ngắn hạn nước ngoài trong trường hợp đáp ứng giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài tại thời điểm 31/12 của năm liền trước thời điểm phát sinh khoản vay. Giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài là tỷ lệ tối đa tổng dư nợ gốc của các khoản vay ngắn hạn nước ngoài tính trên vốn tự có riêng lẻ, áp dụng với các đối tượng cụ thể như sau: 

a) 30% đối với ngân hàng thương mại;

b) 150% đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng khác.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng trong trường hợp khoản vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ phát hành thư tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16 như sau:

“1. Khi vay ngắn hạn nước ngoài hoặc thực hiện khoản vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ phát hành thư tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bên đi vay phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về các tỷ lệ bảo đảm an toàn tại Luật Các tổ chức tín dụng tại các thời điểm cuối của 03 tháng gần nhất trước ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài, thỏa thuận thay đổi tăng giá trị khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.”

Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 3. Điều khoản thi hành

  1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01  tháng  7 năm 2024.
  2. Sửa đổi khoản 1 Điều 11 của Thông tư số 12/2022/TT-NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp như sau:

         “1. Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài, trừ khoản vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ phát hành thư tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Phạm Quang Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.