• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2025
CHÍNH PHỦ
Số: 166/2024/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 26 tháng 12 năm 2024

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; tổ chức,

hoạt động của cơ sở đăng kiểm; niên hạn sử dụng của xe cơ giới

_________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; tổ chức, hoạt động của cơ sở đăng kiểm; niên hạn sử dụng của xe cơ giới.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về:

1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, bao gồm: kiểm định xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

2. Tổ chức, hoạt động của cơ sở đăng kiểm.

3. Niên hạn sử dụng đối với các loại xe ô tô chở hàng, bao gồm cả xe ô tô chở hàng chuyên dùng; xe ô tô chở người có số người cho phép chở từ 09 người trở lên, không kể người lái xe; xe ô tô chở trẻ em mầm non, xe ô tô chở học sinh, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và xe chở người bốn bánh có gắn động cơ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến:

a) Hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; kiểm định xe máy chuyên dùng;

b) Quản lý, sử dụng xe cơ giới và xe cải tạo có quy định về niên hạn sử dụng, trừ các trường hợp xe cơ giới không áp dụng niên hạn sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2. Nghị định này không áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Cơ sở đăng kiểm là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp hoặc hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật, bao gồm: cơ sở đăng kiểm xe cơ giới; cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

2. Cơ sở đăng kiểm xe cơ giới là tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.

3. Cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy (sau đây gọi tắt là cơ sở kiểm định khí thải) là tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

4. Kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng là việc kiểm tra, đánh giá lần đầu và định kỳ về tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng theo quy định của pháp luật. Xe cơ giới được kiểm định không bao gồm xe mô tô, xe gắn máy.

5. Kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy là việc kiểm tra, đánh giá về thành phần khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Thời điểm áp dụng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.

6. Đăng kiểm viên là người được cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định của pháp luật để thực hiện việc chứng nhận, kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

7. Nhân viên nghiệp vụ là người thực hiện công việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả, nhập dữ liệu, tra cứu thông tin, in kết quả kiểm định, lưu trữ hồ sơ.

8. Dây chuyền kiểm định là nơi bố trí, lắp đặt các thiết bị kiểm tra, thiết bị hỗ trợ kiểm tra, dụng cụ kiểm tra, dụng cụ hỗ trợ kiểm tra. Dây chuyền kiểm định có 2 loại sau:

a) Dây chuyền kiểm định loại I là dây chuyền kiểm định được xe cơ giới có khối lượng phân bố lên mỗi trục đơn đến 2.000 kg;

b) Dây chuyền kiểm định loại II là dây chuyền kiểm định được xe cơ giới có khối lượng phân bố lên mỗi trục đơn đến 13.000 kg.

9. Xưởng kiểm định là khu vực bố trí dây chuyền kiểm định đối với cơ sở đăng kiểm xe cơ giới hoặc bố trí các thiết bị kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy đối với cơ sở kiểm định khí thải.

10. Giấy chứng nhận kiểm định là chứng chỉ xác nhận xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đạt yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; xe mô tô, xe gắn máy đã được kiểm định khí thải và đạt yêu cầu về thành phần khí thải theo quy định của pháp luật về môi trường, bao gồm: giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng; giấy chứng nhận kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

11. Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (sau đây viết tắt là tem kiểm định) là biểu trưng tham gia giao thông đường bộ của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định.

12. Phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định là ấn chỉ do Cục Đăng kiểm Việt Nam thống nhất phát hành và cấp cho các cơ sở đăng kiểm sử dụng để in ấn các loại chứng chỉ kiểm định, tem kiểm định.

Chương II

ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ KIỂM ĐỊNH XE CƠ GIỚI

Điều 4. Điều kiện chung

1. Đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực và hệ thống quản lý chất lượng theo quy định tại Nghị định này và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật và vị trí cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy (sau đây viết tắt là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đăng kiểm).

2. Có đăng kiểm viên phù hợp với chức năng của cơ sở đăng kiểm. Đăng kiểm viên gồm: đăng kiểm viên hạng I, đăng kiểm viên hạng II, đăng kiểm viên hạng III.

3. Có giấy tờ, tài liệu theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đất đai; kết nối giao thông và đấu nối đường bộ theo quy định; bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy và pháp luật khác có liên quan khi xây dựng, đưa cơ sở đăng kiểm vào hoạt động.

Mục 1

ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI CƠ SỞ ĐĂNG KIỂM XE CƠ GIỚI

Điều 5. Điều kiện về diện tích

1. Mặt bằng cơ sở đăng kiểm xe cơ giới là nơi dùng để bố trí các công trình phục vụ việc kiểm định xe cơ giới trên cùng khu đất, có diện tích tối thiểu được quy định như sau:

a) Đối với cơ sở đăng kiểm xe cơ giới chỉ có một dây chuyền kiểm định loại I: 1.250 m2;

b) Đối với cơ sở đăng kiểm xe cơ giới chỉ có một dây chuyền kiểm định loại II: 1.500 m2;

c) Đối với cơ sở đăng kiểm xe cơ giới có hai dây chuyền kiểm định: 2.500 m2;

d) Đối với cơ sở đăng kiểm xe cơ giới có từ 03 dây chuyền kiểm định trở lên thì diện tích cho mỗi dây chuyền tăng thêm tương ứng tính từ dây chuyền thứ 3 trở lên: 625 m2.

2. Trường hợp cơ sở đăng kiểm xe cơ giới được bố trí chung với bến xe, trạm dừng nghỉ thì không áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này. Xưởng kiểm định phải đáp ứng quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đăng kiểm.

Điều 6. Điều kiện về nhân lực

1. Về số lượng

a) Có tối thiểu 01 lãnh đạo cơ sở đăng kiểm là đăng kiểm viên hạng II trở lên;

b) Có tối thiểu 01 lãnh đạo bộ phận kiểm định là đăng kiểm viên hạng I;

c) Có tối thiểu 02 đăng kiểm viên từ hạng II trở lên. Nhân sự quy định tại điểm a, điểm b khoản này được tham gia kiểm định tại các dây chuyền kiểm định và được tính là đăng kiểm viên theo quy định tại điểm này;

d) Có nhân viên nghiệp vụ để thực hiện các công việc được quy định tại khoản 7 Điều 3 của Nghị định này.

2. Đăng kiểm viên hạng II quy định tại điểm c khoản 1 Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Trình độ chuyên môn: có bằng cử nhân hoặc kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật liên quan đến xe cơ giới, xe máy chuyên dùng;

b) Có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực;

c) Được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên hạng II theo quy định của pháp luật.

3. Đăng kiểm viên hạng I quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Là đăng kiểm viên hạng II có thời gian hoạt động đăng kiểm đủ 05 năm;

b) Được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên hạng I theo quy định của pháp luật.

4. Nhân viên nghiệp vụ quy định tại điểm d khoản 1 Điều này phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Trình độ chuyên môn: tốt nghiệp hệ trung cấp trở lên;

b) Được Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn thực hiện các công việc quy định tại khoản 7 Điều 3 của Nghị định này.

Mục 2

ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI CƠ SỞ KIỂM ĐỊNH KHÍ THẢI

Điều 7. Điều kiện về diện tích

1. Đối với cơ sở kiểm định khí thải cố định

Khu vực kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy có diện tích tối thiểu là 15 m2 tương ứng với 01 phương tiện đo khí thải. Trường hợp diện tích của khu vực kiểm định được sử dụng chung với hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa xe mô tô, xe gắn máy thì không được gây cản trở cho việc di chuyển của phương tiện và thao tác của đăng kiểm viên.

2. Đối với cơ sở kiểm định khí thải lưu động

Cơ sở kiểm định khí thải lưu động không phải đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này. Trang thiết bị và phương tiện đo phục vụ cho việc kiểm định khí thải được lắp đặt cố định trên xe chuyên dùng kiểm định khí thải lưu động.

Điều 8. Điều kiện về nhân lực

1. Số lượng nhân lực

a) Có tối thiểu 01 đăng kiểm viên theo quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Có nhân viên nghiệp vụ để thực hiện các công việc được quy định tại khoản 7 Điều 3 của Nghị định này.

2. Đăng kiểm viên:

a) Đăng kiểm viên hạng I, II theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này;

b) Đăng kiểm viên hạng III có bằng trung cấp chuyên ngành kỹ thuật liên quan đến xe cơ giới, xe máy chuyên dùng và được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên hạng III theo quy định của pháp luật.

3. Nhân viên nghiệp vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Nghị định này.

4. Trường hợp nhân sự quy định tại khoản 1 Điều này kiêm nhiệm thực hiện công việc ở các vị trí của nhau thì được tính là nhân sự của vị trí kiêm nhiệm nếu đáp ứng các yêu cầu về chứng chỉ chuyên môn và điều kiện theo quy định tại Nghị định này.   

Chương III

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ SỞ ĐĂNG KIỂM

Điều 9. Cơ cấu tổ chức

1. Cơ cấu tổ chức của cơ sở đăng kiểm bao gồm:

a) Bộ phận lãnh đạo bao gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc phụ trách cơ sở đăng kiểm được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để tổ chức quản lý, điều hành đơn vị;

b) Bộ phận kiểm định bao gồm: lãnh đạo bộ phận kiểm định và đăng kiểm viên để thực hiện kiểm định phương tiện;

c) Bộ phận văn phòng bao gồm: nhân viên nghiệp vụ và các nhân viên khác để thực hiện các công việc văn phòng, hỗ trợ hoạt động kiểm định.

2. Nhân sự thuộc các bộ phận nêu tại khoản 1 Điều này có thể kiêm nhiệm thực hiện các nhiệm vụ giữa các bộ phận khác nhau và được tính là nhân sự thuộc bộ phận kiêm nhiệm nếu đáp ứng các yêu cầu về chứng chỉ chuyên môn và điều kiện theo quy định tại Nghị định này. 

Điều 10. Nguyên tắc hoạt động của cơ sở đăng kiểm

1. Bảo đảm tính độc lập, khách quan, minh bạch, tuân thủ các quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan về hoạt động kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

2. Cơ sở đăng kiểm xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới, thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

3. Cơ sở kiểm định khí thải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy thực hiện kiểm định khí thải và cấp giấy chứng nhận kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

4. Cơ sở đăng kiểm có đăng kiểm viên được cấp chứng chỉ chuyên môn về kiểm định xe máy chuyên dùng theo quy định của pháp luật được thực hiện kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe máy chuyên dùng.

5. Tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân khi đưa phương tiện đến kiểm định.

Điều 11. Hoạt động của cơ sở đăng kiểm

1. Thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy theo đúng quy định, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến công tác kiểm định.

2. Phân công đăng kiểm viên thực hiện việc kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy phù hợp với nội dung của chứng chỉ đăng kiểm viên. Lập sổ phân công nhiệm vụ kiểm định theo mẫu quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.

3. Bảo đảm thực hiện kiểm định phương tiện khi các thiết bị, dụng cụ kiểm tra (sau đây gọi là phương tiện đo) đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đăng kiểm; tuân thủ việc kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường.

 4. Bố trí phương tiện đo của cơ sở đăng kiểm tại xưởng kiểm định hoặc bên ngoài xưởng kiểm định phù hợp với các trường hợp kiểm định. Đối với các trang thiết bị và phương tiện đo phục vụ cho việc kiểm định khí thải thì có thể lắp đặt cố định trên xe chuyên dùng kiểm định khí thải lưu động.

5. Việc kiểm định bên ngoài cơ sở đăng kiểm được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

6. Khi có sự cố hư hỏng hoặc thay đổi phương tiện đo, cơ sở đăng kiểm chủ động khắc phục sự cố bảo đảm phương tiện đo đáp ứng quy định tại khoản 3 Điều này, đồng thời thông báo cho Sở Giao thông vận tải để theo dõi, quản lý theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.

7. Khi có sự thay đổi về lãnh đạo cơ sở đăng kiểm, lãnh đạo bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ, cơ sở đăng kiểm phải thông báo cho Sở Giao thông vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định này.

8. Thu hồi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định đã cấp sai quy định.

9. Không thực hiện kiểm định phương tiện bị cảnh báo trong các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị định này.

10. Ngừng hoạt động kiểm định khi có quyết định tạm đình chỉ hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy của cơ quan có thẩm quyền. Nộp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy cho Sở Giao thông vận tải trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận.

11. Được thực hiện các hoạt động dịch vụ kỹ thuật liên quan đến xe cơ giới, xe máy chuyên dùng và khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

12. Thực hiện các chương trình, kế hoạch tập huấn, thực tập, đánh giá, thực hiện các công việc chuyên môn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.  

13. Duy trì bộ phận giải quyết các công việc liên quan đến hồ sơ về kiểm định trong thời gian cơ sở đăng kiểm tạm ngừng, tạm đình chỉ hoạt động kiểm định, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

14. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp mới (cấp lần đầu) giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định, cơ sở đăng kiểm phải xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001.

Điều 12. Cảnh báo phương tiện

1. Các trường hợp cảnh báo phương tiện:

a) Vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

b) Theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng;

c) Có bằng chứng về việc chủ xe làm giả tài liệu của phương tiện;

d) Có sự sai khác giữa chứng nhận đăng ký xe với phương tiện thực tế khi làm thủ tục kiểm định;

đ) Chưa thực hiện cấp đổi chứng nhận đăng ký xe ở lần kiểm định tiếp theo sau khi phương tiện đã được cấp chứng nhận cải tạo;

e) Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định bị mất hoặc thông báo thu hồi.

2. Phương thức cảnh báo, gỡ cảnh báo

a) Phương tiện được cảnh báo trên phần mềm quản lý kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam và được công bố trên Trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam;

b) Phương tiện bị cảnh báo được gỡ cảnh báo ngay sau khi có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu hoặc có bằng chứng về việc đã khắc phục nội dung cảnh báo;

c) Phương tiện bị cảnh báo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này phải được đơn vị cảnh báo thông báo cho cơ quan công an tại địa phương.

3. Tổ chức thực hiện cảnh báo, gỡ cảnh báo

a) Sở Giao thông vận tải thực hiện việc cảnh báo, gỡ cảnh báo phương tiện đối với các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này theo yêu cầu của cơ quan chức năng, cơ quan tố tiến hành tố tụng tại địa phương;

b) Cơ sở đăng kiểm thực hiện cảnh báo, gỡ cảnh báo phương tiện đối với trường hợp quy định tại điểm c, điểm d, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều này;

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện cảnh báo, gỡ cảnh báo phương tiện, trừ các trường hợp phương tiện bị cảnh báo theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Điều 13. Giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định

1. Giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (bản giấy hoặc bản điện tử) gồm hai phần: giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định.

2. Xe tham gia giao thông thì được cấp đồng thời cả giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định.

3. Xe không tham gia giao thông hoặc khi tham gia giao thông phải được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc xe quá tải trọng, quá khổ theo quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ thì chỉ cấp giấy chứng nhận kiểm định, không cấp tem kiểm định.

4. Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định không có hiệu lực khi:

a) Phương tiện không được kiểm định theo đúng trình tự, thủ tục trong hoạt động kiểm định;

b) Hồ sơ kiểm định được lập và xác nhận không đúng quy định về kiểm định;

c) Được kiểm định bởi người không có chuyên môn và thẩm quyền;

d) Được kiểm định bởi phương tiện đo không bảo đảm độ chính xác;

đ) Cấp cho phương tiện đang bị cảnh báo theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Nghị định này.

5. Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định hết hiệu lực khi:

a) Phương tiện bị hư hại dẫn đến không bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

b) Đã có cảnh báo về việc giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định bị mất hoặc thu hồi trên phần mềm quản lý kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam;

c) Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định đã được thay thế bởi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định khác;

d) Phương tiện có kết quả kiểm định không đạt, phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại khi có khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng (MAJOR DEFECTS - MaD);

đ) Phương tiện có kết quả kiểm định không đạt, không được tham gia giao thông và phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại khi có khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm (DANGEROUS DEFECTS - DD).

6. Phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định

Phôi được sử dụng để in giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định phù hợp với các loại phương tiện cụ thể như sau:

a) Phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định màu xanh lá cây dùng cho xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường theo mẫu số 01 Phụ lục IV kèm theo Nghị định này;

b) Phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định màu vàng cam dùng cho các xe cơ giới khác theo mẫu số 02 Phụ lục IV kèm theo Nghị định này;

c) Phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định màu tím hồng dùng cho xe máy chuyên dùng theo mẫu số 03 Phụ lục IV kèm theo Nghị định này.

7. Cấp phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định

a) Từ ngày 15 đến ngày 20 của tháng cuối mỗi quý hoặc trường hợp đề nghị cấp bổ sung, cơ sở đăng kiểm có nhu cầu xin cấp phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định gửi văn bản đề nghị kèm theo báo cáo kiểm kê phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định theo mẫu quy định tại Phụ lục V kèm theo Nghị định này trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Giao thông vận tải;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo số lượng phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định cấp cho cơ sở đăng kiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục VI kèm theo Nghị định này; cơ sở đăng kiểm căn cứ thông báo để thực hiện việc thanh toán các khoản chi phí liên quan đến việc in và cấp phát phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận được tiền thanh toán của cơ sở đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định theo số lượng tương ứng.

8. Quản lý, sử dụng phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định

a) Cơ sở đăng kiểm xe cơ giới lập sổ (bản giấy hoặc bản điện tử) theo dõi quản lý nhập, cấp phát phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định theo mẫu quy định tại Phụ lục VII kèm theo Nghị định này;

b) Phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định bị hỏng được lưu trữ theo từng loại, theo thứ tự số seri và lưu theo từng tháng; ghi rõ lý do hỏng trên phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định.

9. Quản lý, sử dụng và hủy bỏ phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định bị hỏng

a) Trước ngày 30 tháng 01 hằng năm, cơ sở đăng kiểm gửi (bản giấy hoặc bản điện tử) đề nghị Sở Giao thông vận tải địa phương kiểm tra việc quản lý, sử dụng phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định; hủy bỏ giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định bị hỏng của năm trước đó theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII kèm theo Nghị định này.

b) Trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ sở đăng kiểm, Sở Giao thông vận tải tiến hành kiểm tra việc quản lý, sử dụng phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định và tiến hành lập biên bản hủy bỏ giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định bị hỏng theo mẫu quy định tại Phụ lục IX kèm theo Nghị định này.  

Điều 14. Thẩm quyền ký giấy chứng nhận kiểm định 

1. Cơ sở đăng kiểm xe cơ giới

a) Lãnh đạo cơ sở đăng kiểm xe cơ giới theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 của Nghị định này;

b) Lãnh đạo bộ phận kiểm định được cơ sở đăng kiểm xe cơ giới phân công.

2. Cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy

a) Lãnh đạo của cơ sở kiểm định khí thải được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật;

b) Đăng kiểm viên ký giấy chứng nhận kiểm định theo sự phân công của cơ sở kiểm định khí thải.

Điều 15. Tạm đình chỉ hoạt động kiểm định của cơ sở đăng kiểm

1. Cơ sở đăng kiểm bị tạm đình chỉ hoạt động khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây:

a) Không cung cấp thông tin lưu trữ hồ sơ phương tiện tại cơ sở đăng kiểm cho các cơ sở đăng kiểm khác trong hoạt động kiểm định khi có đề nghị;

b) Cung cấp tài khoản đăng nhập để đăng tải thông tin cảnh báo đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên phần mềm sử dụng trong hoạt động kiểm định cho người không do cơ sở đăng kiểm phân công quản lý, sử dụng;

c) Không thực hiện việc thông báo thu hồi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định đã cấp sai;

d) Tự ý sửa chữa, tẩy xóa, xóa bỏ phiếu lập hồ sơ phương tiện, phiếu kết quả kiểm định phương tiện.

2. Thời hạn tạm đình chỉ

Cơ sở đăng kiểm bị tạm đình chỉ hoạt động kiểm định 01 tháng khi vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 16. Thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định của cơ sở đăng kiểm

1. Cơ sở đăng kiểm bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy được cấp do làm giả các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được cấp giấy chứng nhận;

b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy bị cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung;

c) Bị tạm đình chỉ hoạt động kiểm định theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này từ 03 lần trong thời gian 12 tháng liên tục;

d) Bị xử phạt vi phạm hành chính từ 03 lần trở lên theo quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe trong thời gian 12 tháng liên tục;

đ) Có từ 05 lượt đăng kiểm viên bị tạm đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định hoặc từ 03 lượt đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng liên tục;

e) Sửa chữa dữ liệu phương tiện, dữ liệu kiểm định nhằm hợp thức hóa thông tin phương tiện, kết quả kiểm tra phương tiện;

g) Không duy trì bộ phận giải quyết các công việc liên quan đến hồ sơ về kiểm định trong thời gian đơn vị tạm ngừng, tạm đình chỉ hoạt động kiểm định, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật;

h) Ngừng hoạt động kiểm định quá 12 tháng liên tục;

i) Bố trí người thực hiện kiểm định không phải là đăng kiểm viên; phân công đăng kiểm viên cùng một thời gian trong ngày đồng thời thực hiện kiểm định tại 02 cơ sở đăng kiểm trở lên;

k) Cơ sở đăng kiểm giải thể.

2. Cơ sở đăng kiểm đã bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động chỉ được xem xét cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định sau 12 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều này.

Điều 17. Trách nhiệm của cơ sở đăng kiểm trong trường hợp ngừng hoạt động kiểm định xe cơ giới, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy

1. Trường hợp cơ sở đăng kiểm ngừng hoạt động từ 03 ngày liên tục trở lên nhưng dưới 30 ngày thì cơ sở đăng kiểm có trách nhiệm sau đây:

a) Thông báo bằng văn bản cho Sở Giao thông vận tải địa phương, Cục Đăng kiểm Việt Nam, nêu rõ lý do ngừng hoạt động và phương án khắc phục;

b) Thông báo bằng văn bản tại phòng chờ của cơ sở đăng kiểm;

c) Duy trì bộ phận giải quyết các công việc liên quan đến hồ sơ về việc kiểm định.

2. Trường hợp cơ sở đăng kiểm ngừng hoạt động từ 30 ngày đến 12 tháng liên tục thì cơ sở đăng kiểm có trách nhiệm sau đây:

a) Thông báo cho Sở Giao thông vận tải địa phương, Cục Đăng kiểm Việt Nam bằng văn bản, nêu rõ lý do và thời gian ngừng hoạt động trước thời điểm ngừng hoạt động 30 ngày;

b) Thực hiện trách nhiệm quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

Chương IV

NIÊN HẠN SỬ DỤNG CỦA XE CƠ GIỚI

Điều 18. Xác định niên hạn sử dụng

1. Hai mươi lăm (25) năm tính từ năm sản xuất đối với xe ô tô chở hàng (xe ô tô tải), xe ô tô chở hàng chuyên dùng (xe ô tô tải chuyên dùng).

2. Hai mươi (20) năm tính từ năm sản xuất đối với xe ô tô chở người có số người cho phép chở từ 09 người trở lên (không kể người lái xe), xe ô tô chở trẻ em mầm non, xe ô tô chở học sinh, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ.

3. Mười lăm (15) năm tính từ năm sản xuất đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ.

4. Niên hạn sử dụng đối với xe tương tự xe cơ giới được áp dụng như các loại xe cơ giới tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này; bảo đảm phù hợp với từng chức năng, công dụng của từng loại xe tương tự.

Điều 19. Xác định năm sản xuất

1. Năm sản xuất của xe được xác định căn cứ vào thông tin về năm sản xuất tại một trong các tài liệu theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a) Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu đối với xe nhập khẩu; phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước;

b) Thông tin năm sản xuất của nhà sản xuất gắn trên xe;

c) Kết quả tra cứu từ nhà sản xuất hoặc tài liệu do nhà sản xuất cung cấp.

2. Xe không có tài liệu, hồ sơ, cơ sở nêu tại khoản 1 Điều này được coi là hết niên hạn sử dụng.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy và tổ chức triển khai thực hiện Nghị định này.

2. Ban hành nội dung, chương trình tập huấn, thực tập, đánh giá, thực hiện các công việc chuyên môn cho các đăng kiểm viên hạng I, hạng II và hạng III.

Điều 21. Trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ

Tổ chức, thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng phương tiện đo trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy theo quy định của pháp luật về đo lường.

Điều 22. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

1. Tổ chức thanh tra chuyên ngành, kiểm tra: hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, kiểm định xe máy chuyên dùng, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy trên phạm vi cả nước; xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm.

2. Xây dựng, thống nhất quản lý, cấp quyền khai thác, hướng dẫn sử dụng các phần mềm sử dụng trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy cho cơ sở đăng kiểm; chia sẻ cơ sở dữ liệu đăng kiểm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng với các cơ quan chức năng để phối hợp thực hiện công tác quản lý; tổ chức triển khai thực hiện việc cảnh báo, gỡ cảnh báo theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 12 của Nghị định này.

3. Cấp quyền khai thác thử nghiệm phần mềm quản lý kiểm định tại cơ sở đăng kiểm cho tổ chức thành lập cơ sở đăng kiểm đề nghị cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.

4. Biên soạn tài liệu, tổ chức hướng dẫn, tập huấn, thực tập, đánh giá nghiệp vụ đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ; phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, cập nhật bổ sung nghiệp vụ đăng kiểm; tập huấn cho Sở Giao thông vận tải và cơ sở đăng kiểm về nghiệp vụ quản lý hoạt động kiểm định.

5. Thống nhất quản lý, phát hành phôi giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định; tổ chức việc in, cấp phát phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định.

6. Công bố trên Trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam danh sách các cơ sở đăng kiểm được cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định; danh sách đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ.

7. Định kỳ tháng 01 hằng năm, tập hợp danh sách xe hết niên hạn sử dụng, thông báo cho Cục Cảnh sát giao thông và tập hợp kết quả kiểm định khí thải xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, thông báo cho Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để phối hợp theo dõi, kiểm tra, quản lý.

8. Tham gia kiểm tra, đánh giá cơ sở đăng kiểm xe cơ giới theo yêu cầu kỹ thuật quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đăng kiểm khi nhận được đề nghị của Sở Giao thông vận tải.

9. Bàn giao cho Sở Giao thông vận tải địa phương để lưu trữ, quản lý đối với các hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới được đánh giá bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam.

10. Chỉ định Tổ chức đánh giá sự phù hợp để đánh giá sự phù hợp của cơ sở đăng kiểm xe cơ giới với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đăng kiểm theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và công bố trên Trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Điều 23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức triển khai thực hiện Nghị định này.

2. Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại địa phương theo quy định tại Nghị định này.

Điều 24. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong việc thực hiện các quy định về hoạt động kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại địa phương.

2. Thực hiện cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

3. Thực hiện kiểm tra, đánh giá các điều kiện hoạt động đối với cơ sở đăng kiểm

a) Đối với cơ sở đăng kiểm xe cơ giới: kiểm tra, đánh giá điều kiện quy định tại Nghị định này; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đăng kiểm, khi có Tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định tại khoản 10 Điều 22 của Nghị định này thì sử dụng kết quả chứng nhận của Tổ chức này;

b) Đối với cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy: kiểm tra, đánh giá các điều kiện theo quy định tại Nghị định này và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đăng kiểm; sử dụng kết quả kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí thải theo quy định của pháp luật về đo lường.

4. Kiểm tra việc quản lý, sử dụng phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định; giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định bị hỏng của cơ sở đăng kiểm xe cơ giới theo quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều 13 của Nghị định này.

5. Đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam tham gia kiểm tra, đánh giá cơ sở đăng kiểm xe cơ giới theo yêu cầu kỹ thuật quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đăng kiểm khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.

6. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy đến các tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương được biết và thực hiện.

7. Triển khai thực hiện việc đăng, gỡ cảnh báo theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Nghị định này.

8. Công bố trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải danh sách các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải được cấp mới, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; danh sách đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ, danh sách đăng kiểm viên bị tạm đình chỉ thuộc phạm vi quản lý của Sở Giao thông vận tải.

9. Cử người tham dự tập huấn nghiệp vụ quản lý hoạt động kiểm định.

10. Định kỳ trước ngày 30 tháng cuối quý, gửi (bản giấy hoặc dữ liệu điện tử) về Cục Đăng kiểm Việt Nam kết quả thực hiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này hoặc khi có đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục X kèm theo Nghị định này.

Điều 25. Trách nhiệm của tổ chức thành lập cơ sở đăng kiểm

1. Thực hiện các quy định liên quan tại Nghị định này và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đăng kiểm.

2. Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

3. Trước khi đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định, tổ chức thành lập cơ sở đăng kiểm thực hiện việc vận hành, cài đặt và chạy thử nghiệm phần mềm quản lý kiểm định tại cơ sở đăng kiểm.

4. Không được can thiệp vào hoạt động kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy của cơ sở đăng kiểm trực thuộc để làm trái các quy định của pháp luật.

5. Đề nghị Tổ chức đánh giá sự phù hợp kiểm tra, đánh giá theo quy định tại khoản 10 Điều 22 của Nghị định này và sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá để thực hiện thủ tục cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Điều 26. Trách nhiệm của cơ sở đăng kiểm

1. Xây dựng, ban hành quy trình, hướng dẫn nội bộ của cơ sở đăng kiểm để thực hiện đầy đủ các nội dung kiểm tra theo quy định về kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

2. Quản lý, giám sát nội bộ hoạt động kiểm định và chịu trách nhiệm toàn diện khi để xảy ra vi phạm, tiêu cực tại cơ sở đăng kiểm.

3. Quản lý, sử dụng phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định; hủy bỏ giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định theo quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều 13 của Nghị định này; cắt góc giấy chứng nhận kiểm định đối với trường hợp phương tiện có kết quả kiểm định không đạt do: khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng (MaD); khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm (DD).

4. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc triển khai, thí điểm ứng dụng công nghệ, thiết bị kiểm định mới vào hoạt động kiểm định kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

5. Trước ngày 15 tháng 01 hằng năm, rà soát và gửi báo cáo (bản giấy hoặc dữ liệu điện tử) danh sách xe hết niên hạn sử dụng của năm liền kề trước đó theo mẫu quy định tại Phụ lục XI kèm theo Nghị định này đến Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông vận tải và Phòng Cảnh sát giao thông địa phương; thực hiện việc truyền số liệu, báo cáo theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

6. Bàn giao đầy đủ hồ sơ lưu trữ liên quan đến kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy và phôi giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định chưa sử dụng theo chỉ định của Sở Giao thông vận tải địa phương khi cơ sở đăng kiểm bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.

7. Quản lý, sử dụng các phần mềm do Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy đúng mục đích, bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo quy định của pháp luật.

8. Thông báo thu hồi (bản giấy hoặc bản điện tử) theo mẫu quy định tại Phụ lục XII kèm theo Nghị định này đối với các trường hợp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định không có hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều 13 của Nghị định này, gửi cho chủ xe và nhập cảnh báo lên phần mềm quản lý kiểm định.

9. Thu giá dịch vụ, phí, lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước liên quan đến hoạt động kiểm định theo quy định của pháp luật.

10. Đề nghị Tổ chức đánh giá sự phù hợp kiểm tra, đánh giá theo quy định tại khoản 10 Điều 22 của Nghị định này và sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá để thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.

11. Triển khai thực hiện việc đăng, gỡ cảnh báo theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 12 của Nghị định này và các trường hợp phương tiện có kết quả kiểm định không đạt.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Điều khoản chuyển tiếp

1. Cơ sở đăng kiểm xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa đáp ứng được điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này thì được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2028.

2. Cơ sở đăng kiểm xe cơ giới đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới nhưng chưa được Tổ chức đánh giá sự phù hợp kiểm tra, đánh giá theo quy định tại khoản 10 Điều 22 của Nghị định này phải được kiểm tra, đánh giá sự phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đăng kiểm trước ngày 01 tháng 01 năm 2029.

3. Đăng kiểm viên xe cơ giới đã được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được tính tương đương như đăng kiểm viên hạng II; đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao đã được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được tính tương đương như đăng kiểm viên xe hạng I.

4. Các phương tiện đã được xác định có niên hạn sử dụng hoặc không có niên hạn sử dụng trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được áp dụng theo niên hạn sử dụng đã được xác định.

5. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới đã nộp tại Sở Giao thông vận tải hoặc Cục Đăng kiểm Việt Nam trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2023 và Nghị định số 121/2024/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ.

6. Các phôi giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định theo mẫu tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Thông tư số 16/2014/TT-BGTVT ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về điều kiện đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông đường bộ, Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế, Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng đã sản xuất thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025.

Điều 28. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trừ điểm đ khoản 1 Điều 16 của Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.

2. Các Nghị định sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành:

a) Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người;

b) Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới;

c) Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới;

d) Nghị định số 121/2024/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Trần Hồng Hà

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.