• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/05/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 10/09/2009
BỘ XÂY DỰNG
Số: 12/2005/QĐ-BXD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 18 tháng 4 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Về việc ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề

giám sát thi công xây dựng công trình

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

 

Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

 

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.

 

QUY CHẾ CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ GIÁM SÁT

THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 12/2005/QĐ-BXD ngày 18/04/2005

của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình theo Điều 49 và Điều 52 Nghị định số 16/2005/ NĐ-CP ngày 07/ 02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cấp chứng chỉ hành nghề và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu được cấp chứng chỉ, có đủ điều kiện quy định tại Điều 6 và hồ sơ quy định tại Điều 7 của Quy chế này;

Cá nhân giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư hoặc của các tổ chức tư vấn giám sát được chủ đầu tư thuê và cá nhân hành nghề giám sát độc lập bắt buộc phải có chứng chỉ khi hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình.

2. Cá nhân là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu đã có chứng chỉ hành nghề do tổ chức, chính quyền nước ngoài cấp được công nhận để hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình ở Việt Nam. Tổ chức thuê hoặc quản lý trực tiếp các cá nhân này có trách nhiệm kiểm tra chứng chỉ hành nghề của họ khi hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam;

Cá nhân là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình tại Việt Nam nếu chưa có chứng chỉ hành nghề phải xin cấp theo qui định của Quy chế này.

3. Cá nhân đang là công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước không được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình theo Quy chế này.

 

Chương II

TỔ CHỨC CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ GIÁM SÁT THI CÔNG

XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

 

Điều 3. Chứng chỉ hành nghề

1. Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình gồm các nội dung sau:

a) Các thông tin về nhân thân của người được cấp chứng chỉ;

b) Trình độ chuyên môn được đào tạo;

c) Loại công trình và lĩnh vực chuyên môn được giám sát;

d) Thời hạn có giá trị của chứng chỉ;

e) Các chỉ dẫn khác.

2. Hình thức chứng chỉ: Bìa cứng, mặt trước và sau màu đỏ, ruột có 4 trang màu trắng, gấp lại có kích thước 85x125 (riêng loại chứng chỉ hành nghề sử dụng tại vùng sâu vùng xa có bìa màu hồng). Số chứng chỉ bao gồm 02 nhóm số:

a) Địa danh hành chính theo mã vùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

b) Số thứ tự chứng chỉ cấp tại địa phương có 04 số

c) Trường hợp chứng chỉ cấp lại, sau dãy số này là các chữ cái A (B) biểu thị cấp lại lần thứ 1 (2).

Nội dung chi tiết của chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình quy định tại Phụ lục 1 của Quy chế này.

3. Loại công trình và lĩnh vực chuyên môn giám sát:

a) Loại công trình gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình thuỷ lợi và công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại Nghị định quản lý chất lượng công trình xây dựng số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ;

b) Lĩnh vực chuyên môn giám sát gồm: xây dựng và hoàn thiện, lắp đặt thiết bị công trình và lắp đặt thiết bị công nghệ.

4. Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình có thời gian hiệu lực 5 năm kể từ ngày cấp.

Điều 4. Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình

1. Bộ Xây dựng thống nhất quản lý và phát hành chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình. Vụ Xây lắp - Bộ Xây dựng là đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện công việc này;

2. Giám đốc Sở Xây dựng các tỉnh thành phố trung ương trực tiếp cấp Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8 và 9 của Quy chế này.

Điều 5. Trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình

1. Cá nhân đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề lập 03 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này gửi về Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi mình xin cấp chứng chỉ;

2. Sở Xây dựng thành lập Hội đồng tư vấn theo quy định tại Điều 8 của Quy chế này để tổ chức xét cấp chứng chỉ cho những cá nhân đủ điều kiện theo quy định;

3. Sở Xây dựng cấp chứng chỉ cho các cá nhân đủ điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề căn cứ danh sách các do Hội đồng tư vấn xét;

4. Trong thời gian tối đa 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cá nhân đủ điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình. Việc thu và sử dụng lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 6. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình

1. Cá nhân đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Có quyền công dân và có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

b) Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp;

c) Đã trực tiếp tham gia thiết kế, thi công xây dựng hoặc giám sát thi công xây dựng công trình ít nhất 5 năm;

d) Có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình do cơ sở đào tạo được Bộ Xây dựng công nhận quy định tại Chương III của Quy chế này;

e) Đạo đức nghề nghiệp tốt, chưa có hành vi gây ra sự cố, hư hỏng, làm giảm chất lượng công trình trong công tác giám sát thi công xây dựng;

f) Có sức khoẻ đảm nhận được công tác giám sát thi công xây dựng công trình trên hiện trường.

2. Đối với cá nhân hoạt động giám sát thi công xây dựng công trình tại vùng sâu vùng xa, riêng về trình độ chuyên môn cho phép chấp thuận văn bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp. Chứng chỉ này chỉ có giá trị hoạt động hành nghề tại vùng sâu, vùng xa đối với các công trình cấp IV theo Nghị định quản lý chất lượng công trình xây dựng số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ;

3. Trường hợp cá nhân đã có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư hoặc kỹ sư khi đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình chỉ cần có thêm chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 7. Hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình

1. Đơn đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình được quy định tại Phụ lục 2 của Quy chế này kèm theo 03 ảnh mầu cỡ 3x4 chụp trong năm xin đăng ký;

2. Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức quản lý người xin cấp chứng chỉ;

3. Bản sao có công chứng các văn bằng chuyên môn, chứng nhận liên quan đến nội dung đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề;

4. Bản khai kinh nghiệm công tác, thống kê những công trình đã trực tiếp tham gia thiết kế, thi công xây dựng hoặc giám sát thi công xây dựng có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp hoặc của các Hội nghề nghiệp theo Phụ lục 3 của Quy chế này.

Điều 8. Hội đồng tư vấn cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình

1. Giám đốc Sở Xây dựng các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương thành lập Hội đồng tư vấn xét cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình. Thành phần Hội đồng tư vấn có từ 5 đến 7 người bao gồm:

a) Đại diện Sở Xây dựng,

b) Đại diện Hội nghề nghiệp có liên quan đến loại công trình và chuyên môn giám sát.

c) Đại diện các cá nhân giám sát thi công xây dựng công trình có uy tín do Hội nghề nghiệp giới thiệu.

Tuỳ loại công trình và chuyên môn giám sát theo hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề, Giám đốc Sở Xây dựng có thể quyết định mời thêm đại diện các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có liên quan tham gia Hội đồng tư vấn.

2. Sở Xây dựng ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn theo mẫu tại Phụ lục 4 của Quy chế này.

Điều 9. Cấp lại chứng chỉ hành nghề

1. Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình được cấp lại trong các trường hợp chứng chỉ cũ hết hạn sử dụng, bổ sung phạm vi hành nghề hoặc bị mất, rách nát.

2. Đối với trường hợp chứng chỉ hành nghề hết hạn, cá nhân xin cấp lại cần có đơn và bản khai quá trình hành nghề, chứng nhận tham gia các khoá bồi dưỡng cập nhật kiến thức về văn bản quy phạm pháp luật và nghiệp vụ giám sát trong thời gian sử dụng chứng chỉ cũ có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp. Trường hợp xin bổ sung phạm vi hành nghề giám sát, ngoài đơn và các bản khai trên đây cần có thêm bản sao có công chứng các văn bằng chuyên môn, chứng nhận liên quan đến phạm vi hành nghề bổ sung và nộp lại chứng chỉ cũ;

3. Khi chứng chỉ bị rách nát hoặc bị mất, cá nhân xin cấp lại cần làm đơn có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp và nộp lại chứng chỉ rách nát nếu còn;

4. Thủ tục cấp lại chứng chỉ:

a) Cá nhân xin cấp lại chứng chỉ hành nghề thực hiện các quy định tại khoản 2, 3 Điều này và nộp cho Sở Xây dựng nơi đã cấp chứng chỉ cũ. Sở Xây dựng xem xét, cấp lại chứng chỉ hành nghề cho các cá nhân đủ thủ tục theo quy định. Thời gian cấp lại trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

b) Đối với trường hợp cấp lại chứng chỉ hành nghề bị mất hoặc rách nát thì nội dung và thời hạn của chứng chỉ mới được ghi đúng như chứng chỉ cũ.

Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của người được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình

1. Quyền:

a) Yêu cầu Sở Xây dựng địa phương cung cấp thông tin về việc cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình;

b) Khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm các quy định của Quy chế này.

2. Nghĩa vụ:

a) Khai báo trung thực hồ sơ xin cấp chứng chỉ, nộp lệ phí theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác của hồ sơ;

b) Hành nghề đúng với nội dung chứng chỉ được cấp;

c) Không được cho người khác thuê, mượn hoặc sửa chữa chứng chỉ hành nghề;

d) Không được vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây ra sự cố, hư hỏng, làm giảm chất lượng công trình xây dựng;

e) Xuất trình chứng chỉ hành nghề và chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đối với hoạt động giám sát thi công xây dựng công trình.

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của Sở Xây dựng

1. Quyền:

a) Thành lập Hội đồng tư vấn để xét duyệt hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình;

b) Kiểm tra và xét duyệt hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định;

c) Không cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình khi người đăng ký cấp không đủ tiêu chuẩn theo quy định;

d) Kiểm tra hoạt động hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình tại địa phương;

e) Thu hồi chứng chỉ đối với người vi phạm theo quy định;

f) Yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm trong hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình.

2. Nghĩa vụ:

a) Cung cấp thông tin cho các đối tượng liên quan về việc cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình;

b) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình;

c) Cấp chứng chỉ cho các cá nhân có hồ sơ đạt yêu cầu và báo cáo Bộ Xây dựng;

d) Giải quyết các khiếu nại về việc cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình tại địa phương theo thẩm quyền;

e) Lưu giữ hồ sơ gốc và quản lý các cá nhân hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình tại địa phương.

 

Chương III

TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ

GIÁM SÁT THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Điều 12. Tiêu chuẩn đối với các cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình

1. Tư cách pháp nhân:

Các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu chuyên ngành xây dựng và các trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ thuộc Bộ Xây dựng và các Bộ có chuyên ngành xây dựng.

2. Giảng viên:

a) Tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành giảng dạy;

b) Có năng lực kinh nghiệm thực tế thiết kế, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng công trình hoặc nghiên cứu về chuyên ngành xây dựng có liên quan trên 10 năm.

3. Giáo trình:

a) Tuân thủ giáo trình khung do Bộ Xây dựng phê duyệt;

b) Có thể bổ sung thêm hoặc điều chỉnh các chuyên đề phù hợp với đối tượng học viên và lĩnh vực chuyên môn giám sát.

Điều 13. Thủ tục đăng ký công nhận cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình

1. Đăng ký:

Các cơ sở đăng ký tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình tập hợp hồ sơ gửi Bộ Xây dựng xét công nhận gồm:

a) Tờ trình đăng ký tổ chức đào tạo;

b) Hồ sơ pháp lý về tư cách pháp nhân trong đó nêu rõ loại công trình và lĩnh vực chuyên môn giám sát dự kiến sẽ bồi dưỡng, cơ sở vật chất, danh sách giảng viên, kinh nghiệm tổ chức và giáo trình giảng dạy.

2. Xét và công nhận:

Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ đăng ký tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình, căn cứ nhu cầu đào tạo xem xét công nhận cho các cơ sở đào tạo đủ điều kiện quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Cục Giám định - Bộ Xây dựng là đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện công việc này.

Điều 14. Tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình

1. Tổ chức bồi dưỡng:

a) Tổ chức khoá học tập trung liên tục, đảm bảo đủ thời gian, nội dung chương trình theo quy định. Thời gian của một khoá học không kéo dài quá 2 tháng;

b) Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định trình tự, thủ tục tổ chức các khoá học và mức thu học phí trên cơ sở bảo đảm bù đắp được chi phí hợp lý của khoá học và phù hợp với quy định của nhà nước về học phí giáo dục.

2. Cấp chứng nhận:

a) Thủ trưởng cơ sở đào tạo có trách nhiệm thành lập Hội đồng đánh giá kết quả học tập và xét cấp chứng nhận cho học viên;

b) Nội dung và mẫu chứng nhận theo quy định tại Phụ lục 5 của Quy chế này;

c) Các cơ sở đào tạo quản lý chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình và chỉ cấp cho học viên có kết quả học tập đạt yêu cầu, đồng thời báo cáo kết quả cấp chứng nhận về Bộ Xây dựng.

 

Chương IV

KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15. Kiểm tra, thanh tra

1. Bộ Xây dựng có trách nhiệm:

a) Kiểm tra việc cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình trên địa bàn cả nước. Hàng năm tổng hợp thống kê các chứng chỉ hành nghề đã cấp và thu hồi;

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình của các cơ sở đào tạo;

c) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chế này trong phạm vi cả nước.

Cục Giám định - Bộ Xây dựng có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện các công việc nêu trên.

2. Sở Xây dựng có trách nhiệm:

a) Kiểm tra nội dung hành nghề giám sát theo chứng chỉ đã cấp đối với các hoạt động giám sát thi công xây dựng công trình trong phạm vi địa giới hành chính quản lý;

b) Thống kê, tổng hợp các chứng chỉ hành nghề đã cấp và thu hồi tại địa phương báo cáo Bộ Xây dựng.

Điều 16. Xử lý vi phạm

1. Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Khai báo không trung thực trong hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ;

b) Tự ý tẩy xoá, sửa chữa chứng chỉ, cho mượn hoặc cho thuê chứng chỉ;

c) Vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây sự cố công trình hoặc suy giảm nghiêm trọng chất lượng công trình.

Trường hợp vi phạm các nghĩa vụ khác của người được cấp chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 10 của Quy chế này sẽ bị lập biên bản cảnh cáo. Sau 03 lần lập biên bản cảnh cáo, cá nhân sẽ bị thu hồi chứng chỉ.

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc cấp chứng chỉ hành nghề, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình nếu vi phạm các quy định của Quy chế này thì tuỳ mức độ vi phạm, ngoài việc bị xử lý theo Quy chế này có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Tổ chức thực hiện

1. Các chứng chỉ, chứng nhận được cấp trước đây còn giá trị sử dụng sẽ được tiếp tục sử dụng để hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình đến hết năm 2005 gồm:

a) Chứng chỉ tư vấn giám sát công trình xây dựng do các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp;

b) Chứng chỉ, chứng nhận kỹ sư tư vấn giám sát do các cơ sở đào tạo cấp theo chương trình thoả thuận với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Kể từ ngày 01/01/2006 khi hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình phải có chứng chỉ mới theo quy định của Quy chế này.

2. Các chứng chỉ, chứng nhận nêu tại khoản 1 Điều này được coi là có giá trị như chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình để đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề theo Quy chế này nếu thời điểm cấp các chứng chỉ, chứng nhận này chưa quá 5 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình.

3. Cá nhân chưa được cấp chứng chỉ, chứng nhận bồi dưỡng nêu tại khoản 1 Điều này khi hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình phải đăng ký cấp chứng chỉ theo quy định của Quy chế này.

4. Các cơ sở đào tạo đang thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình theo thoả thuận với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước đây phải đăng ký để được công nhận theo Chương III của Quy chế này.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thực hiện thống nhất trong cả nước.

Bãi bỏ các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng số 648/QĐ-BXD ngày 27/4/2000 phê duyệt chương trình bồi dưỡng kỹ sư tư vấn giám sát chất lượng xây dựng; số 647/QĐ-BXD ngày 27/4/2000 thành lập Hội đồng đánh giá kết quả, xét cấp chứng chỉ cho học viên lớp bồi dưỡng kỹ sư tư vấn giám sát chất lượng xây dựng; số 131/QĐ-BXD ngày18/01/2001 thay đổi, bổ sung Hội đồng đánh giá kết quả, xét cấp chứng chỉ cho học viên lớp bồi dưỡng kỹ sư tư vấn giám sát chất lượng xây dựng./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Lại Quang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.