• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 09/08/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 02/08/2010
CHÍNH PHỦ
Số: 41/2001/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 24 tháng 7 năm 2001

 

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của Lực lượng

Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa

của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ngày 28 tháng 3 năm 1998;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

QUY CHẾ

Phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động

giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(Ban hành kèm theo Nghị định số 41/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2001)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thủy sản, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Bưu điện, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Ban Biên giới của Chính phủ, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, lực lượng thuộc quyền phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động được quy định tại Quy chế này.

Điều 3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện để Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ.

Điều 4. Việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng của các cơ quan nêu tại Điều 1 Quy chế này là phối hợp trong các hoạt động sau:

1. Trao đổi thông tin, tài liệu cần thiết.

2. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thuộc chức năng của các Bộ, ngành.

3. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của người và phương tiện hoạt động hợp pháp trên biển; bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tài nguyên, phòng, chống ô nhiễm môi trường biển.

5. Tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục các sự cố trên biển.

6. Hoạt động phòng, chống vi phạm pháp luật và chống cướp biển.

7. Hoạt động hợp tác quốc tế.

8. Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của Lực lượng Cảnh sát biển.

9. Các hoạt động khác có liên quan.

Điều 5. Phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng của các cơ quan quy định tại Điều 1 Quy chế này dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, lực lượng đã được pháp luật quy định; không làm cản trở đến các hoạt động hợp pháp trên biển; đảm bảo công tác quản lý nhà nước thống nhất theo từng chuyên ngành.

Việc phối hợp, chỉ đạo hoạt động giữa Lực lượng Cảnh sát biển với Lực lượng Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác thuộc Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Điều 6. Các lực lượng hoạt động trên biển thuộc các Bộ, ngành trong quá trình hoạt động phối hợp được quan hệ trực tiếp với nhau nhằm giải quyết nhanh chóng các vụ việc và hỗ trợ nhau thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn mà pháp luật đã quy định.

Điều 7. Phân định vùng hoạt động của các lực lượng tham gia phối hợp hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

1. Trên các vùng biển từ đường cơ sở trở ra đến ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Lực lượng Cảnh sát biển chủ trì, phối hợp với các lực lượng hữu quan khác để thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Trong quá trình hoạt động nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì Lực lượng Cảnh sát biển xử phạt theo thẩm quyền; đối với các vụ việc phức tạp Lực lượng Cảnh sát biển phối hợp với lực lượng chuyên ngành để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong vùng nội thủy và các cảng biển, khi có yêu cầu, Lực lượng Cảnh sát biển có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng hữu quan để thực hiện nhiệm vụ.

2. Trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các lực lượng chuyên ngành hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định; khi thực hiện nhiệm vụ mà phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nếu không thuộc thẩm quyền của mình thì có trách nhiệm thông báo, chuyển giao cho Lực lượng Cảnh sát biển hoặc các lực lượng chuyên ngành hữu quan khác để xử lý theo thẩm quyền.

3. Các ngành hữu quan có thể ủy thác cho Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện một số hoạt động nhất định thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành mình. Nội dung, phạm vi ủy thác do Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành hữu quan quy định cụ thể.

 

Chương II

PHỐI HỢP THỰC HIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN

Điều 8. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của Lực lượng

Cảnh sát biển những vấn đề sau:

1. Tổ chức hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển theo quy định tại Chương III Nghị định số 53/1998/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 1998 về tổ chức và hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

2. Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển theo quy định của pháp luật.

3. Chủ trì các hoạt động phối hợp được quy định tại Điều 4 Quy chế này.

Điều 9. Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động sau:

1. Thông báo cho Lực lượng Cảnh sát biển các thông tin cần thiết có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về bảo vệ an ninh, trật tự an toàn và các hành vi vi phạm pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Hướng dẫn, hỗ trợ Lực lượng Cảnh sát biển về chuyên môn nghiệp vụ an ninh, trật tự và các công tác nghiệp vụ khác.

3. Giáo dục, tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 10. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động sau:

1. Trao đổi, cung cấp cho Lực lượng Cảnh sát biển những thông tin, tài liệu cần thiết về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong hoạt động đối ngoại với các nước trong khu vực và quốc tế có liên quan đến hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển.

2. Hướng dẫn Lực lượng Cảnh sát biển giải quyết các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn, tìm kiếm, cứu nạn, phòng chống ô nhiễm môi trường, chống cướp biển và các sự cố khác trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 11. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động sau:

1. Thông báo kịp thời khi có những thay đổi về hệ thống báo hiệu hàng hải, độ sâu cho phép các loại tàu ra, vào các luồng và cảng biển, xây dựng mới hoặc phá dỡ các công trình trên biển và các chướng ngại vật khác trên vùng biển Việt Nam để đảm bảo an toàn hàng hải cho các tàu, thuyền hoạt động trên biển.

Thông báo về việc ban hành mới, đình chỉ, gia hạn, sửa đổi, thu hồi hoặc hủy bỏ các giấy tờ, tài liệu; các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật có liên quan tới hoạt động của các tàu, thuyền trên biển và việc cấp phép cho tàu, thuyền của nước ngoài vào hoạt động tại cảng biển và các khu vực hàng hải của Việt Nam.

2. Hướng dẫn, hỗ trợ Lực lượng Cảnh sát biển về công tác chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành để xác định hành vi vi phạm, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra để làm cơ sở xử lý.

3. Hoạt động hợp tác quốc tế về hàng hải.

4. Giáo dục, tuyên truyền pháp luật về hàng hải cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Điều 12. Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động sau:

1. Nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính, về thuế, về hóa đơn, chứng từ liên quan đến vận chuyển, mua bán hàng hóa trên biển.

2. Phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế theo Nghị định số 36/1999/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 1999 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quy định khác của pháp luật.

3. Phối hợp trong công tác thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính; xử lý tang vật, tài sản bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước theo Nghị định số 36/1999/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 1999.

Điều 13. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động sau:

1. Trao đổi các thông tin, tài liệu có liên quan đến các dự án có vốn đầu tư từ nước ngoài nhằm xây dựng và phát triển Lực lượng Cảnh sát biển.

2. Hướng dẫn xây dựng, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng và phát triển Lực lượng Cảnh sát biển.

3. Phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài.

Điều 14. Bộ Thủy sản có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động sau:

1. Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết về phương tiện, tàu, thuyền nghề cá và công tác quản lý các hoạt động nghề cá trên biển; các loại mẫu giấy phép, giấy tờ và chứng chỉ chuyên môn có liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển.

2. Thông báo tên, ký hiệu, sổ đăng ký, đặc điểm nhận dạng, tuyến hành trình, khu vực hoạt động của các phương tiện, tàu, thuyền nước ngoài và các phương tiện, tàu, thuyền thuê của nước ngoài vào hoạt động nghề cá tại các vùng biển Việt Nam ít nhất 05 ngày trước khi phương tiện, tàu, thuyền này vào vùng biển Việt Nam.

3. Hướng dẫn, hỗ trợ Lực lượng Cảnh sát biển về công tác chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành thủy sản để xác định các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, làm cơ sở xử lý, xử phạt.

4. Lập các phương án để kiểm soát các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

5. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

6. Giáo dục, tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 15. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động sau:

1. Trao đổi thông tin, cung cấp các tài liệu làm cơ sở cho việc xác định các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển và các hoạt động khác có liên quan đến bảo vệ môi trường biển.

Thông báo về việc ban hành mới, thay đổi các quy định, tiêu chuẩn môi trường Việt Nam đối với việc bảo vệ môi trường biển hoặc giấy phép cần thiết khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường biển.

2. Kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường biển theo Nghị định số 36/1999/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 1999 và các quy định khác của pháp luật.

3. Khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển và hướng dẫn đòi bồi thường thiệt hại về môi trường biển.

4. Thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực bảo vệ môi trường biển.

5. Giáo dục, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường biển cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 16. Ban Biên giới của Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động sau:

1. Trao đổi thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

2. Bồi dưỡng cán bộ chuyên trách về công tác quản lý biển.

3. Thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực quản lý biển.

Điều 17. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động sau:

1. Trao đổi thông tin, tài liệu cần thiết về lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, buôn lậu, gian lận thương mại và cung cấp các loại mẫu giấy tờ cần thiết khác về hải quan khi vận chuyển hàng hóa trên biển.

2. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ hải quan cho cán bộ, chiến sĩ Lực lượng Cảnh sát biển.

3. Giáo dục, tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực hải quan cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 18. y ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn phối hợp chỉ đạo và hướng dẫn Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động sau:

1. Trao đổi thông tin, tài liệu cần thiết về công tác tìm kiếm cứu nạn và ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.

2. Xây dựng kế hoạch, thực hiện các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ về tìm kiếm cứu nạn được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 8 và 9 Điều 2 Quyết định số 63/2000/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi tên và bổ sung nhiệm vụ của y ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn.

Điều 19. Tổng cục Bưu điện và Uỷ ban Tần số vô tuyến điện chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Lực lượng Cảnh sát biển trong các hoạt động sau:

1. Trao đổi thông tin, tài liệu cần thiết về việc sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Thực hiện các hoạt động được quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 1 Quyết định số 242/TTg ngày 27 tháng 4 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và chế độ làm việc của y ban tần số vô tuyến điện.

Điều 20. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

1. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp phối hợp chặt chẽ trong các công tác chuyên môn nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn và khắc phục sự cố trên biển, quản lý địa bàn có liên quan đến hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển; hỗ trợ, giúp đỡ về nơi đóng quân, trú đậu tàu, kho tàng, bến bãi và các điều kiện khác, tạo thuận lợi cho Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ.

2. Hỗ trợ và thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 36/1999/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 1999 và các quy định khác của pháp luật.

3. Tuyên truyền, giáo dục cho các tổ chức, cá nhân thuộc địa phương hoạt động trên biển chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Chương III

PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC LỰC LƯỢNG

Điều 21. Phối hợp hoạt động quy định tại Chương này là việc phối hợp giữa Lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp của các Bộ, ngành hữu quan (sau đây gọi chung là lực lượng) hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 22. Phối hợp hoạt động giữa Lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Công an.

1. Trách nhiệm của Lực lượng Cảnh sát biển:

a) Thông báo tình hình vi phạm pháp luật về lĩnh vực an ninh, trật tự của các tổ chức, cá nhân trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Truy đuổi, bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật bỏ trốn, xâm phạm trái phép bằng đường biển và các hoạt động khác theo yêu cầu nghiệp vụ;

c) Bàn giao hồ sơ, đối tượng, phương tiện, vật chứng những vụ vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền xử lý của Lực lượng Công an.

2. Trách nhiệm của lực lượng hữu quan thuộc Bộ Công an:

a) Thông báo các thông tin cần thiết có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về bảo vệ an ninh, trật tự an toàn trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Truy tìm, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật trên biển đang trốn tránh trên địa bàn theo thông báo của Lực lượng Cảnh sát biển và tiếp nhận hồ sơ, đối tượng, phương tiện, vật chứng những vụ vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền xử lý.

Điều 23. Phối hợp hoạt động giữa Lực lượng Cảnh sát biển với các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Giao thông vận tải.

1. Trách nhiệm của Lực lượng Cảnh sát biển:

a) Thông báo tình hình vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân và phương tiện hoạt động trên biển, các thông tin liên quan đến các hoạt động hàng hải, cứu nạn, trục vớt và khắc phục các sự cố trên biển;

b) Triển khai lực lượng hỗ trợ khi có yêu cầu để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hàng hải, giải quyết kịp thời các vi phạm khác xảy ra trên biển;

c) Phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động hàng hải theo Nghị định số 92/1999/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 1999 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải và các quy định khác của pháp luật;

d) Phối hợp thực hiện tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục các sự cố trên biển và chống cướp biển.

2. Trách nhiệm của các lực lượng hữu quan thuộc Bộ Giao thông vận tải:

a) Thông báo tình hình vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân và các sự cố xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải theo Nghị định số 36/1999/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 1999 và các quy định khác của pháp luật;

c) Thực hiện việc huy động của Lực lượng Cảnh sát biển trong tình thế cấp thiết phải đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn, ứng phó với sự cố môi trường nghiêm trọng theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam;

d) Nhận bàn giao hồ sơ, đối tượng, phương tiện, vật chứng những vụ vi phạm pháp luật do Lực lượng Cảnh sát biển chuyển giao thuộc thẩm quyền xử lý.

Điều 24. Hoạt động phối hợp giữa Lực lượng Cảnh sát biển với lực lượng hữu quan thuộc Bộ Thủy sản.

1. Trách nhiệm của Lực lượng Cảnh sát biển:

a) Cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết về tình hình vi phạm pháp luật của các loại phương tiện, tàu, thuyền nghề cá trong nước và nước ngoài hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Triển khai lực lượng hỗ trợ khi có yêu cầu nhằm kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Nghị định số 48/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Nghị định số 49/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về quản lý hoạt động nghề cá của người và phương tiện nước ngoài trong các vùng biển Việt Nam và các quy định khác của pháp luật;

c) Thực hiện tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục sự cố trên biển và chống cướp biển.

2. Trách nhiệm của lực lượng hữu quan thuộc Bộ Thủy sản:

a) Thông báo tình hình các loại phương tiện, tàu, thuyền hoạt động nghề cá có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển Việt Nam;

b) Phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Nghị định số 36/1999/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 1999 và các quy định khác của pháp luật;

c) Thực hiện việc huy động của Lực lượng Cảnh sát biển trong tình thế cấp thiết phải đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn, ứng phó với sự cố môi trường nghiêm trọng theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam;

d) Nhận bàn giao hồ sơ, đối tượng, phương tiện, vật chứng những vụ vi phạm pháp luật do Lực lượng Cảnh sát biển chuyển giao theo thẩm quyền xử lý.

Điều 25. Hoạt động phối hợp giữa Lực lượng Cảnh sát biển với lực lượng hữu quan thuộc Tổng cục Hải quan.

1. Trách nhiệm của Lực lượng Cảnh sát biển:

a) Cung cấp thông tin về những hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu; buôn lậu, gian lận thương mại của người và phương tiện hoạt động trên biển;

b) Triển khai lực lượng hỗ trợ khi có yêu cầu nhằm kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực hải quan trên biển;

c) Phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn lậu và các vi phạm hành chính về hải quan theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của lực lượng hữu quan thuộc Tổng cục Hải quan:

a) Thông báo những thông tin liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan và các lĩnh vực khác có liên quan;

b) Phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực hải quan theo Nghị định số 36/1999/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 1999 và các quy định khác của pháp luật;

c) Thực hiện việc huy động của Lực lượng Cảnh sát biển trong tình thế cấp thiết phải đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn, ứng phó với sự cố môi trường nghiêm trọng theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam;

d) Nhận bàn giao hồ sơ, đối tượng, phương tiện, vật chứng những vụ vi phạm pháp luật do Lực lượng Cảnh sát biển chuyển giao thuộc thẩm quyền xử lý.

Điều 26. Hoạt động phối hợp giữa Lực lượng Cảnh sát biển với lực lượng hữu quan thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.

1. Trách nhiệm của Lực lượng Cảnh sát biển:

a) Thông báo về tình hình an ninh, trật tự an toàn trên biển có ảnh hưởng đến các hoạt động dầu khí;

b) Triển khai lực lượng hỗ trợ khi có yêu cầu để giải quyết các sự cố về dầu khí trên biển;

c) Phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực dầu khí trên biển theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của lực lượng thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam:

a) Thông báo về tình hình an ninh, trật tự an toàn, tình hình ô nhiễm môi trường trong khu vực có hoạt động dầu khí trên biển;

b) Thực hiện việc huy động của Lực lượng Cảnh sát biển trong tình thế cấp thiết phải đuổi bắt người và phương tiện vi phạm pháp luật, cấp cứu người bị nạn, ứng phó với sự cố môi trường nghiêm trọng theo quy định tại Điều 12 Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

 

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 27. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế này thì được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.

Điều 28. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm những quy định của Quy chế này và những quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn các cơ quan chức năng và lực lượng hữu quan thuộc quyền thực hiện những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương mình được quy định tại Quy chế này.

Điều 30. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.