• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 08/05/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 30/05/2006
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 55/2001/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 23 tháng 4 năm 2001

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Chiến lược phát triển và một số cơ chế, chính sách hỗ trợ

thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2010

_____________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 161/1998/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 1998 và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 140/TB-VPCP ngày 20 tháng 10 năm 2000 của Văn phòng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2010;

Xét đề nghị của Tổng công ty Dệt May Việt Nam (công văn số 1883/TT-KHĐT ngày19 tháng12 năm 2000); ý kiến của các Bộ: Thương mại (Công văn số 43 TM/XNK ngày 05 tháng 01 năm 2001), Công nghiệp (công văn số 139/CV-KHĐT ngày 11 tháng 01 năm 2001), Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 256 BKH/CN ngày 12 tháng 01 năm 2001), Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Công văn số 169/BKHCNMT-CN ngày 15 tháng 01 năm 2001), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Công văn số 152/BNN-VP ngày 16 tháng 01 năm 2001, Tài chính (Công văn số 1236 TC/TCDN ngày 16 tháng 02 năm 2001), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Công văn số 36/NHNN-TD ngày 10 tháng 01 năm 2001),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2010 với các nội dung sau:

1. Mục tiêu:

Phát triển ngành dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu; thoả mãn ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước; tạo nhiều việc làm cho xã hội; nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế giới.

2. Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2010:

a) Đối với ngành dệt, bao gồm: sản xuất nguyên liệu dệt, sợi, dệt, in nhuộm hoàn tất:

- Kinh tế nhà nước làm nòng cốt, giữ vai trò chủ đạo; khuyến khích các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư trực tiếp của nước ngoài tham gia phát triển lĩnh vực này.

- Đầu tư phát triển phải gắn với bảo vệ môi trường; quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp sợi, dệt, in nhuộm hoàn tất ở xa các trung tâm đô thị lớn.

- Tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, trình độ chuyên môn hoá cao. Chú trọng công tác thiết kế các sản phẩm dệt mới, nhằm từng bước củng cố vững chắc uy tín nhãn mác hàng dệt Việt Nam trên thị trường quốc tế.

- Tổ chức lại hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo bước nhảy vọt về chất lượng, tăng nhanh sản lượng các sản phẩm dệt, nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

b) Đối với ngành may:

- Đẩy mạnh cổ phần hoá những doanh nghiệp may mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành may, nhất là ở các vùng đông dân cư, nhiều lao động.

- Đẩy mạnh công tác thiết kế mẫu thời trang, kiểu dáng sản phẩm may. Tập trung đầu tư, cải tiến hệ thống quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, áp dụng các biện pháp tiết kiệm nhằm tăng nhanh năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm may Việt Nam trên thị trường quốc tế.

c) Đẩy mạnh đầu tư phát triển các vùng trồng bông, dâu tằm, các loại cây có xơ, tơ nhân tạo, các loại nguyên liệu, phụ liệu, hoá chất, thuốc nhuộm cung cấp cho ngành dệt may nhằm tiến tới tự túc phần lớn nguyên liệu, vật liệu và phụ liệu thay thế nhập khẩu.

d) Khuyến khích mọi hình thức đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài, để phát triển cơ khí dệt may, tiến tới cung cấp phụ tùng, lắp ráp và chế tạo thiết bị dệt may trong nước.

3. Các chỉ tiêu chủ yếu:

a) Sản xuất:

- Đến năm 2005, sản phẩm chủ yếu đạt: Bông xơ 30.000 tấn; xơ sợi tổng hợp 60.000 tấn; sợi các loại 150.000 tấn; vải lụa thành phẩm 800 triệu mét vuông; dệt kim 300 triệu sản phẩm; may mặc 780 triệu sản phẩm.

- Đến năm 2010, sản phẩm chủ yếu đạt: Bông xơ 80.000 tấn; xơ sợi tổng hợp 120.000 tấn; sợi các loại 300.000 tấn; vải lụa thành phẩm 1.400 triệu mét vuông; dệt kim 500 triệu sản phẩm; may mặc 1.500 triệu sản phẩm.

b) Kim ngạch xuất khẩu:

- Đến năm 2005: 4.000 đến 5.000 triệu đô la Mỹ.

- Đến năm 2010: 8.000 đến 9.000 triệu đô la Mỹ.

c) Sử dụng lao động:

- Đến năm 2005: Thu hút 2,5 đến 3,0 triệu lao động.

- Đến năm 2010: Thu hút 4,0 đến 4,5 triệu lao động.

d) Tỷ lệ giá trị sử dụng nguyên phụ liệu nội địa trên sản phẩm dệt may xuất khẩu:

- Đến năm 2005: Trên 50%

- Đến năm 2010: Trên 75%

đ) Vốn đầu tư phát triển:

- Tổng vốn đầu tư phát triển ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2001-2005 khoảng 35.000 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Dệt May Việt Nam khoảng 12.500 tỷ đồng.

- Tổng vốn đầu tư phát triển ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2006-2010 khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Dệt may Việt Nam khoảng 9.500 tỷ đồng.

- Tổng vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trồng bông đến năm 2010 khoảng 1.500 tỷ đồng.

Điều 2. Một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2010:

1. Nhà nước hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách, vốn ODA đối với các dự án quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm; đầu tư các công trình xử lý nước thải; quy hoạch các cụm công nghiệp dệt; xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các cụm công nghiệp mới; đào tạo và nghiên cứu của các viện, trường và trung tâm nghiên cứu chuyên ngành dệt may.

2. Các dự án đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất: sợi, dệt, in nhuộm hoàn tất, nguyên liệu dệt, phụ liệu may và cơ khí dệt may:

a) Được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, trong đó 50% vay với lãi suất bằng 50% mức lãi suất theo quy định hiện hành tại thời điểm rút vốn, thời gian vay 12 năm, có 3 năm ân hạn; 50% còn lại được vay theo quy định của Quỹ Hỗ trợ phát triển;

b) Được coi là lĩnh vực ưu đãi đầu tư và được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước.

3. Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ để trình ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đối với vải và phụ liệu may sản xuất trong nước nếu bán cho các đơn vị sản xuất gia công hàng xuất khẩu tại Việt Nam được hưởng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng như đối với hàng xuất khẩu.

4. Đối với các doanh nghiệp nhà nước sản xuất sợi, dệt, in nhuộm hoàn tất, nguyên liệu dệt, phụ liệu may và cơ khí dệt may:

a) Trong trường hợp cần thiết, được Chính phủ bảo lãnh khi mua thiết bị trả chậm, vay thương mại của các nhà cung cấp hoặc tổ chức tài chính trong và ngoài nước;

b) Được cấp lại tiền thu sử dụng vốn trong thời gian 5 năm (2001-2005) để tái đầu tư;

c) Được ưu tiên cấp bổ sung một lần đủ 30% vốn lưu động đối với từng doanh nghiệp.

5. Dành toàn bộ nguồn thu phí hạn ngạch và đấu thầu hạn ngạch dệt may cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó có chi phí cho các hoạt động tham gia các Tổ chức dệt may quốc tế, cho công tác xúc tiến thương mại và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may.

6. Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu trong quý II năm 2001, trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ thích hợp hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Bộ Công nghiệp phối hợp các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo Tổng công ty Dệt May Việt Nam:

- Xây dựng thí điểm từ 2 đến 3 cụm dệt may đồng bộ để rút kinh nghiệm và giúp ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai rộng trên địa bàn địa phương theo quy hoạch tổng thể, nhằm thực hiện được các chỉ tiêu đã ghi ở Điều 1 Quyết định này.

- Hướng dẫn các chủ đầu tư lập và hoàn thiện hồ sơ dự án thuộc những lĩnh vực nói ở Điều 2 Quyết định này đúng quy định hiện hành.

- Hoàn thiện Chiến lược Khoa học công nghệ công nghiệp 2001-2010; tổ chức hệ thống thông tin thị trường để giúp các doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu thị trường, thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ phát triển căn cứ phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, bố trí nguồn vốn và cho vay vốn theo kế hoạch hàng năm để thực hiện các dự án nêu tại Điều 2 Quyết định này.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng công ty Dệt May Việt Nam xây dựng Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu theo Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến 2010 đã được phê duyệt tại Quyết định này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với Quyết định này.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng Công ty Dệt may Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.