• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2014
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ CÔNG AN
Số: 168/2013/TTLT-BTC-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 15 tháng 11 năm 2013

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2012

của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm

___________________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương và Quỹ phòng, chống tội phạm ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) theo quy định tại Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm (Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg).

2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đơn vị, địa phương quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Mức trích thưởng và trích lập Quỹ phòng, chống tội phạm

1. Đối với các vụ án hình sự, vụ án về tội phạm ma túy thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng:

Sau khi Bản án, Quyết định của Toà án đối với các vụ án hình sự, vụ án về tội phạm ma túy có hiệu lực pháp luật, cơ quan Thi hành án các cấp hoặc cơ quan đang quản lý tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, phương tiện, tang vật, có trách nhiệm chuyển giao toàn bộ số tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, phương tiện, tang vật bị Tòa án tuyên tịch thu trong các vụ án về hình sự (trừ các chất ma túy và tang vật phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật) cho Sở Tài chính nơi Tòa án nhân dân xét xử sơ thẩm.

Giám đốc Sở Tài chính thừa ủy quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ số tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, tang vật, phương tiện do cơ quan Thi hành án các cấp hoặc cơ quan đang quản lý tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, phương tiện, tang vật chuyển giao, tổ chức bán đấu giá tài sản, tang vật, phương tiện (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý số tiền Việt Nam, ngoại tệ và tiền thu được từ bán đấu giá tài sản, tang vật, phương tiện như sau:

a) Trích 42% cho Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương;

b) Trích 58% cho Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh.

2. Đối với các vụ án hình sự, vụ án về tội phạm ma túy thuộc loại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng:

Sau khi Bản án, Quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, cơ quan Thi hành án các cấp hoặc cơ quan đang quản lý tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, phương tiện, tang vật chuyển giao toàn bộ số tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, phương tiện, tang vật bị Tòa án tuyên tịch thu trong các vụ án về hình sự (trừ các chất ma túy và tang vật phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật) cho Sở Tài chính nơi Tòa án nhân dân xét xử sơ thẩm.

Giám đốc Sở Tài chính thừa ủy quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ số tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, tang vật, phương tiện do cơ quan Thi hành án các cấp hoặc cơ quan đang quản lý tiền Việt Nam, ngoại tệ, tài sản, phương tiện, tang vật chuyển giao, tổ chức bán đấu giá tài sản, tang vật, phương tiện (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xử lý số tiền Việt Nam, ngoại tệ và tiền thu được từ bán đấu giá tài sản, tang vật, phương tiện như sau:

a) Trích 30% cho Cơ quan điều tra trực tiếp khám phá, thụ lý chính vụ án về hình sự để thưởng cho các đơn vị, cá nhân trực tiếp phát hiện, truy bắt tội phạm và điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đó theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch này;

b) Trích 30%, chuyển vào Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương;

c) Trích 40%, chuyển vào Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh, nơi Toà án nhân dân xét xử sơ thẩm.

Điều 3. Nguồn hình thành Quỹ phòng, chống tội phạm

1. Đối với Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương:

a) Số trích (42%) quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 2 số trích (30%) quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 2 và số trích (42%) quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch này;

b) Các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch này;

c) Các khoản huy động hợp pháp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

2. Đối với Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh:

a) Số trích (58%) quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 2, số trích (40%) quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 2 và số trích (58%) quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch này;

b) Các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch này;

c) Các khoản huy động hợp pháp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Cơ quan quản lý, điều hành Quỹ phòng, chống tội phạm

1. Bộ trưởng Bộ Công an quản lý, điều hành Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương.

Chánh Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy Bộ Công an giúp Bộ trưởng Bộ Công an theo dõi, quản lý, cấp và thanh toán, quyết toán Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương theo quy định tại Thông tư liên tịch này.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, điều hành Quỹ phòng chống tội phạm cấp tỉnh.

Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh và theo dõi, quản lý, cấp và thanh toán, quyết toán Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh theo quy định tại Thông tư liên tịch này.

3. Chánh Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy Bộ Công an, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ủy quyền mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước (nơi đơn vị đóng trụ sở) để quản lý và theo dõi thu, chi Quỹ phòng, chống tội phạm.

Điều 5. Tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản tài trợ

1. Các khoản tài trợ của cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài cho công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy bằng tiền, phương tiện, tài sản và nguồn huy động hợp pháp khác nếu có địa chỉ cụ thể thì chuyển theo địa chỉ mà cá nhân, tổ chức tài trợ chỉ định theo quy định hiện hành của pháp luật, nếu không có địa chỉ cụ thể thì chuyển về Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương.

2. Chánh Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy Bộ Công an chịu trách nhiệm tiếp nhận những khoản tài trợ cho công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy ở Trung ương (kể cả những khoản tài trợ không có địa chỉ cụ thể cho công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy). Nếu bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ thì trực tiếp tiếp nhận và nộp vào tài khoản Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương, nếu bằng hiện vật thì lập biên bản giao, nhận, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

3. Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tiếp nhận những khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy của địa phương, nếu bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ thì trực tiếp tiếp nhận và nộp tiền vào tài khoản Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh, nếu bằng hiện vật thì lập biên bản giao, nhận, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Trường hợp các loại trang thiết bị, phương tiện tiếp nhận từ các nguồn tài trợ nói trên phù hợp với trang bị, hoạt động của các đơn vị làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy thì Chánh Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy Bộ Công an hoặc Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì thực hiện đánh giá lại tài sản và căn cứ tiêu chuẩn, định mức trang bị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính cho các đơn vị làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy để trình Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định giao các loại trang thiết bị, phương tiện đó cho đơn vị làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy, đồng thời làm thủ tục ghi thu cho Ngân sách nhà nước, ghi chi cho các đơn vị được giao theo giá trị của tài sản đã được đánh giá lại. Các đơn vị tiếp nhận trang thiết bị, phương tiện có trách nhiệm mở sổ theo dõi và quản lý, sử dụng tài sản được cấp theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công.

Trường hợp các loại tài sản, phương tiện tiếp nhận từ nguồn tài trợ nói trên không phù hợp với hoạt động phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy thì Chánh Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy Bộ Công an báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Số tiền thu được sau khi đã trừ các chi phí hợp lý theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản (nếu có), chuyển vào tài khoản Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương hoặc Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh, đồng thời làm thủ tục ghi thu cho Ngân sách nhà nước và ghi chi cho Quỹ phòng, chống tội phạm số tiền này.

Điều 6. Quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được trích thưởng (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch này)

1. Căn cứ số tiền Việt Nam, ngoại tệ, tiền bán đấu giá tài sản, phương tiện, tang vật theo quy định hiện hành về bán đấu giá tài sản (nếu có) thu được từ các vụ án hình sự về tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trích 30% (quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch này) để thưởng cho các đơn vị, cá nhân trực tiếp truy bắt tội phạm, phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và về ma túy theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại khoản 1, Điều 4 Quyết định số 47/2012/QĐ-TTg. Mức thưởng cụ thể cho từng tập thể, cá nhân có thành tích do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, theo mức thưởng tối đa đối với cá nhân là 5.000.000 đồng/người/vụ án và đối với tập thể là 30.000.000 đồng/tập thể/vụ án.

Căn cứ quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan điều tra khám phá, thụ lý chính của vụ án chủ trì, phối hợp với cơ quan phát hiện đầu mối vụ án xem xét thưởng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích.

2. Sau khi thực hiện thưởng cho cá nhân và tập thể theo quy định tại khoản 1 Điều này, số tiền còn lại (nếu có) được coi là 100%, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện như sau:

a) Trích 42%, chuyển vào Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương;

b) Trích 58%, chuyển vào Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh, nơi Tòa án nhân dân xét xử sơ thẩm.

Điều 7. Nội dung chi, mức chi Quỹ phòng, chống tội phạm

1. Đối với Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương:

a) Hỗ trợ hoạt động truy quét các băng, ổ, nhóm tội phạm, các đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy; hỗ trợ các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án điểm, trọng điểm theo quyết định của cấp có thẩm quyền: Nội dung chi, mức chi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án điểm, trọng điểm.

b) Hỗ trợ việc thưởng bằng tiền theo quyết định của cấp có thẩm quyền của Trung ương đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy thực hiện như sau:

- Hỗ trợ việc thưởng bằng tiền cho cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy phải đảm bảo thành tích đến đâu hỗ trợ thưởng đến đó; thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng càng lớn thì được xem xét, đề nghị hỗ trợ thưởng bằng tiền với mức cao hơn; hỗ trợ thưởng tập thể nhỏ và cá nhân là chính.

Cơ quan quản lý cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy là cơ quan đầu mối lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ thưởng bằng tiền đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

Để tránh trùng lặp, không thống nhất về đối tượng được thưởng và mức thưởng trong hỗ trợ thưởng bằng tiền từ Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương, Bộ Công an (cơ quan quản lý Quỹ phòng, chống tội phạm của Trung ương) phải phối hợp với địa phương nơi có cá nhân, tập thể được đề nghị hỗ trợ thưởng bằng tiền.

- Mức hỗ trợ thưởng bằng tiền cụ thể cho từng tập thể, cá nhân do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tối đa đối với cá nhân là 3.000.000 đồng/người/lần khen thưởng và tối đa đối với tập thể là 15.000.000 đồng/tập thể/lần khen thưởng.

c) Hỗ trợ đền bù, trợ cấp thiệt hại theo quyết định của cấp có thẩm quyền thuộc Trung ương cho các đối tượng trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản thực hiện theo mức quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2005/TTLT-BCA-BTC-BLĐTBXH-BQP ngày 06/6/2005 của Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số điểm của Nghị định số 103/2002/NĐ-CP ngày 17/12/2002 của Chính phủ quy định chế độ đền bù, trợ cấp đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản.

d) Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc cai nghiện, phục hồi chức năng cho người nghiện ma tuý. Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng Ngân sách nhà nước và các chế độ theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.

2. Đối với Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh:

a) Hỗ trợ các đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy trên địa bàn mua sắm trang, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ trực tiếp công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy. Nội dung và mức hỗ trợ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức và thực trạng về biên chế, trang bị của đơn vị trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy cấp tỉnh để quyết định.

Việc mua sắm các loại trang, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ từ nguồn Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định hiện hành của nhà nước về mua sắm và đấu thầu mua sắm tài sản nhà nước.

b) Hỗ trợ một lần cho thân nhân người đã hy sinh (gồm vợ hoặc chồng, cha, mẹ ruột, con ruột, con nuôi hợp pháp, người có công nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật), người bị thương tật, ốm đau do trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy. Mức hỗ trợ tối đa bằng 10 (mười) tháng mức tiền lương cơ sở, áp dụng đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp.

c) Hỗ trợ công tác phá bỏ và thay thế cây có chứa chất ma túy trên địa bàn theo quyết định của cấp có thẩm quyền, bao gồm:

- Hỗ trợ các lực lượng trực tiếp tham gia phá bỏ cây có chứa chất ma túy mọc hoang hoặc trồng trái phép: mức hỗ trợ căn cứ số người, số ngày công thực tế tham gia, cơ quan chủ trì việc phá bỏ cây có chứa chất ma túy mọc hoang hoặc trồng trái phép thực hiện hỗ trợ đối với những người không hưởng lương từ Ngân sách nhà nước: mức hỗ trợ tối đa 250.000 đồng/ngày/người; những người hưởng lương từ Ngân sách nhà nước: mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Để tránh chi trùng lặp, cơ quan chủ trì việc phá bỏ cây có chứa chất ma túy thông báo bằng văn bản (trong giấy mời, triệu tập) cho cơ quan, đơn vị cử người tham gia xóa bỏ cây có chứa chất ma túy không phải chi trả khoản chi này.

- Hỗ trợ việc thay thế cây có chứa chất ma túy: mức hỗ trợ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ thực tế từng địa bàn, diện tích trồng thay thế tại địa phương và khả năng của Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh để quyết định.

d) Hỗ trợ hoạt động của các chiến dịch tuyên truyền phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy trên địa bàn, bao gồm: biên tập, phát hành, viết bài tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; tổ chức họp dân, thành lập tổ tuyên truyền viên cùng với già làng, trưởng bản đến từng hộ gia đình kêu gọi, vận động người thân là tội phạm bị truy nã ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, vận động, tuyên truyền con, cháu, dòng họ không vi phạm pháp luật, không tham gia các đường dây vận chuyển, mua bán và tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy trên các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm và ma túy. Nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tính chất, quy mô, phạm vi, mức độ thực hiện của các chiến dịch, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành và khả năng của Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh để quyết định.

đ) Hỗ trợ việc thưởng bằng tiền cho cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy phải đảm bảo thành tích đến đâu hỗ trợ thưởng đến đó; thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng càng lớn thì được xem xét, đề nghị hỗ trợ thưởng bằng tiền với mức cao hơn; hỗ trợ thưởng tập thể nhỏ và cá nhân là chính.

Cơ quan quản lý cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy là cơ quan đầu mối lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ thưởng bằng tiền đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

- Mức hỗ trợ thưởng bằng tiền cụ thể cho từng tập thể, cá nhân do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tối đa đối với cá nhân là 3.000.000 đồng/người/lần khen thưởng và đối với tập thể là 15.000.000 đồng/tập thể/lần khen thưởng.

e) Hỗ trợ đền bù, trợ cấp thiệt hại theo quyết định của cấp có thẩm quyền thuộc địa phương cho các đối tượng trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản thực hiện theo mức quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2005/TTLT-BCA-BTC-BLĐTBXH-BQP ngày 06/6/2005 của Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số điểm của Nghị định 103/2002/NĐ-CP ngày 17/12/2002 của Chính phủ quy định chế độ đền bù, trợ cấp đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma túy bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản.

Điều 8. Lập dự toán, quyết toán, thanh tra, kiểm tra Quỹ phòng, chống tội phạm

1. Lập dự toán:

Khi có nhu cầu sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm, các Bộ, cơ quan Trung ương, các đơn vị, cơ quan trực thuộc cấp tỉnh căn cứ nội dung chi, mức chi quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch này lập dự toán chi Quỹ gửi Bộ Công an (đối với Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương) hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh).

Trong phạm vi số thực có của Quỹ phòng, chống tội phạm, Bộ trưởng Bộ Công an (đối với Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương), Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh (đối với Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh) xem xét, phê duyệt và quyết định cụ thể từng nội dung chi, tổng mức dự toán chi thông báo để Chánh Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy Bộ Công an hoặc Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện, đồng gửi Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước (nơi Quỹ phòng, chống tội phạm mở tài khoản) để theo dõi, quản lý chung theo quy định hiện hành về quản lý ngân sách nhà nước.

2. Quyết toán Quỹ phòng, chống tội phạm:

a) Các Bộ, cơ quan Trung ương và các cơ quan, đơn vị thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi tiếp nhận, sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm phải mở sổ kế toán để theo dõi các khoản thu, chi Quỹ và lập báo cáo quyết toán Quỹ theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; lập và gửi đầy đủ, đúng thời hạn các báo cáo tài chính về sử dụng Quỹ theo định kỳ và báo cáo quyết toán 6 tháng, hàng năm về cơ quan quản lý Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương hoặc cơ quan quản lý Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh;

b) Chánh Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy Bộ Công an lập báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương trình Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt và tổng hợp số liệu báo cáo quyết toán Quỹ phòng, chống tội phạm của cấp tỉnh theo định kỳ 6 tháng, hàng năm, hoặc theo yêu cầu đột xuất của Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính để theo dõi, quản lý chung;

c) Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập báo cáo và quyết toán thu, chi Quỹ phòng, chống tội phạm của tỉnh, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và gửi Bộ Công an theo định kỳ 6 tháng, hàng năm, hoặc theo yêu cầu đột xuất của Bộ trưởng Bộ Công an để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính để theo dõi, quản lý chung.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng và quản lý Quỹ phòng, chống tội phạm các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính pháp lý và sự chính xác của các số liệu trong quản lý, sử dụng và báo cáo quyết toán Quỹ phòng, chống tội phạm.

3. Số dư Quỹ phòng, chống tội phạm, kinh phí hỗ trợ các cơ quan, đơn vị từ Quỹ phòng, chống tội phạm (kể cả ở Trung ương và cấp tỉnh) cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

4. Quỹ phòng, chống tội phạm (Trung ương và cấp tỉnh) chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm toán của Bộ Công an và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước.

Điều 9. Điều khoản thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 144/2009/TTLT-BTC-BCA ngày 16/7/2009 hướng dẫn chế độ quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống ma túy theo quy định tại Quyết định số 110/2008/QĐ-TTg ngày 13/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống ma túy.

2. Số dư Quỹ phòng, chống ma túy Trung ương được chuyển vào Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương, số dư Quỹ phòng, chống ma túy cấp tỉnh được chuyển vào Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh để tiếp tục sử dụng theo các quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Công an để phối hợp nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng - Thượng tướng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Công Nghiệp

Lê Quý Vương

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.