• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 28/07/2001
CHÍNH PHỦ
Số: 49/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 26 tháng 7 năm 1995

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trật tự an toàn

giao thông đường bộ

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông ngày 01 tháng 12 năm 1991;

Căn cứ Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam ngày 28 tháng 01 năm 1989 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 6 Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam ngày 6 tháng 7 năm 1995;

Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;

Căn cứ Điều lệ trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 36/CP của Chính phủ ngày 29 tháng 5 năm 1995;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

 

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1:

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính.

1. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị do Uỷ ban nhân dân các cấp, cảnh sát nhân dân và Thanh tra giao thông tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

2. Cá, nhân tổ chức có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định này.

3. Mọi hành vi hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị phải được phát hiện kịp thời; phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng, công minh; mọi hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định; tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại vật chất thì phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ xử lý phạt một lần.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Người có thẩm quyền xử phạt quyết định hình thức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm; nếu các hình thức xử phạt là phạt tiền thì được cộng lại thành mức phạt chung.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

5. Việc xử phạt hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để quyết định hình thức xử phạt và các biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của Nghị định này.

6. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điều 2:

Mức tiền phạt khi xử phạt hành chính mà có tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng:

1. Khi xử phạt vi phạm hành chính mà có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống thấp hơn nhưng không được giảm xuống quá một nửa mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm đã được quy định tại Nghị định này.

2. Khi xử phạt vi phạm hành chính mà có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên cao hơn nhưng mức tiền phạt tối đa không được vượt quá hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm đã được quy định tại Nghị định này.

3. Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng được áp dụng theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Điều 3:

Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính:

1. Người có thẩm quyền xử phạt hành chính phải xử phạt đúng người, đúng vi phạm, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, kiến nghị ngay với các cơ quan hữu quan thực hiện ngay những biện pháp cần thiết để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ công trình giao thông.

2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức xử phạt quá quyền hạn quy định thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG II

CÁC HÌNH THỨC XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI VI PHẠM

TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

Điều 4:

Xử phạt đối với các hành vi xâm phạm công trình giao thông đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

1. Phạt tiền 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Trồng cây trong phạm vi bảo vệ đường làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông.

b. Phơi rơm rạ, nông sản, thực phẩm và các thứ khác trên đường bộ;

c. Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không được phép trong khu vực bến tàu, bến xe, nhà chờ.

2. Phạt tiền 500.000 đồng đối với một trong các hình vi sau đây:

a. Dựng cổng chào, đặt, treo biển quảng cáo hoặc các vật che chắn khác trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

b. Để vật liệu xây dựng hoặc bất cứ vật gì khác trên đường bộ gây cản trở trật tự an toàn giao thông.

3. Phạt tiền 1.000.000 đồng đối với hành vi tự ý di chuyển mốc chỉ giới của đường giao thông.

4. Phạt tiền 2.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp, tháo dỡ, làm hư hỏng cấu kiện, phụ kiện ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

5. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi quy định tại Điều này còn buộc phải thực hiện ngay:

a. Vi phạm điểm a khoản 1, thì phải nhổ bỏ cây trồng;

b. Vi phạm điểm a khoản 2 thì phải dỡ bỏ công trình xây dựng trái phép;

c. Vi phạm điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 thì phải thu dọn rơm rạ, công sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng hoặc các vật khác đã để trên đường giao thông.

d. Vi phạm khoản 3, khoản 4 thì phải khôi phục trạng thái ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra.

Điều 5:

Xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về thi công, duy tu, sửa chữa và quản lý công trình giao thông đường bộ.

1. Phạt tiền 1.000.000 đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không có giấy phép của cơ quan quản lý giao thông đường bộ hoặc có giấy phép nhưng không thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý trực tiếp công trình đường bộ mà tiến hành các hoạt động thi công, duy tu, sửa chữa các công trình trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ hoặc có liên quan trực tiếp đến công trình giao thông đường bộ.

b. Không phục hồi nguyên trạng công trình giao thông, không thông báo bằng văn bản cho cơ quan trực tiếp quản lý đường bộ sau khi đã hoàn thành công trình.

2. Phạt tiền 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không cắm hoặc cắm không đủ theo quy định của các biển báo hiệu, cọc tiêu di động; không đặt rào chắn, không đặt đèn đỏ vào ban đêm tại hai đầu đường phải đình chỉ giao thông.

b. Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp hướng dẫn giao thông, ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện công trình giao thông đường bộ bị hư hỏng đe doạ an toàn giao thông;

c. Không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông khi thi công ở chỗ đường hẹp phải vừa làm vừa cho xe đi; hoặc ở hai đầu cầu, cống, đường ngầm đang thi công;

d. Không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện và các vật liệu khác khi thi công xong.

đ. Để vật liệu, đất, đá phương tiện thi công, xe máy ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông.

3. Phạt tiền 2.000.000 đồng đối với cơ quan trực tiếp quản lý công trình giao thông khi có một trong các hành vi sau đây:

a. Không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các đèo, dốc và các đoạn đường nguy hiểm;

b. Không tổ chức hướng dẫn giao thông và đình chỉ giao thông theo quy định giao thông trong mùa mưa lũ, bão lụt hoặc có sự cố khác gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

c. Sử dụng phương tiện, máy chuyên dùng không đủ tiêu chuẩn an toàn để thi công.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm tại Điều này phải thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo am toàn giao thông theo quy định.

Tuỳ theo mức độ vi phạm, người phụ trách đơn vị thi công của Nhà nước, cơ quan trực tiếp quản lý công trình giao thông còn bị xử lý kỷ luật, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 6:

Xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm làm hư hại công trình giao thông đường bộ, gây ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông.

1. Phạt tiền 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Be bờ, tát nước qua mặt đường giao thông.

b. Đặt các loại ống trên mặt đường giao thông.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Khoan, đào, xẻ đường giao thông trái phép;

b. Không phục hồi lại những đoạn đường giao thông được tạm thời cho phép khoan, đào, xẻ, bạt sau khi hoàn thành công trình.

c. Làm hư hại hoặc mất tác dụng hệ thống thoát nước của công trình giao thông.

d. Tự ý mở đường ngang qua đường bộ, đường có giải phân cách.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi quy định tại Điều này còn buộc phải thực hiện:

a. Vi phạm điều b khoản 1, thì phải tháo dỡ ngay đường ống đặt trái phép;

b. Vi phạm điểm a khoản 1, khoản 2 thì phải khôi phục ngay tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm gây ra.

Điều 7:

Xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm trật tự quản lý hè, đường đô thị:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 20.000 đồng đối với một trong các hành vi: đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động khác trên lòng đường, vỉa hè gây ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông.

2. Phạt tiền 50.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Lấn chiếm vỉa hè, đường để họp chợ, bày bán hàng hoá.

b. Làm mái che trên vỉa hè, đường đô thị, gây cản trở giao thông hoặc làm mất mỹ quan thành phố.

c. Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để đặt biển hiệu, biển quảng cáo; buôn bán vặt, sửa chữa xe đạp, hoạt động dịch vụ nhỏ ở những nơi không được phép;

d. Để phương tiện giao thông trên vỉa hè, lòng đường trái quy định;

đ. Xây dựng trái phép cầu lên xuống để phương tiện đi từ lòng đường lên vỉa hè và từ vỉa hè vào nhà.

3. Phạt tiền 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Chiếm dụng vỉa hè trái phép làm nơi trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô;

b. Để vật liệu xây dựng và các loại vật liệu khác trên vỉa hè, lòng đường đô thị.

4. Phạt tiền 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán vật liệu xây dựng, làm mặt bằng sản xuất, sửa chữa, rửa xe ô tô, xe máy, đặt sạp hàng, quầy hàng, kinh doanh dịch vụ.

b. Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để xây dựng công trình trái phép.

5. Ngoài việc phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, đ khoản 2, khoản 4 Điều này thì phải tháo dỡ ngay công trình trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm gây ra.

Điều 8:

Xử phạt người đi xe đạp vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông.

1. Phạt tiền 10.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Đi xe đạp không đúng phần đường, đi trên hè phố, trong vườn hoa, công viên.

b. Dùng ô, dù để che nắng, mưa khi đi xe đạp;

c. Dừng xe ở lòng đường, chiều đường không đúng quy định gây cả trở giao thông;

d. Phóng xe từ trong nhà, trong ngõ, trong hẻm ra đường chính hoặc từ ngoài đường chính vào ngõ, hẻm mà không quan sát làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông;

đ. Đi vào đường ngược chiều, đường cấm, khu vực có biển báo "cấm", đường dành riêng cho xe có động cơ.

2. Phạt tiền 20.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Qua đường, qua cầu, qua phà qua đoạn đường nguy hiểm mà không tuân theo đèn báo, biển báo, các tín hiệu giao thông khác hoặc sự chỉ dẫn của Cảnh sát giao thông, nhân viên hướng dẫn giao thông;

b. Đi hàng ngang từ 3 xe trở lên; chở số người quá quy định;

c. Đỗ, dừng xe vượt quá giới hạn quy định tại các đường giao nhau khi có tín hiệu đèn đỏ hoặc hiệu lệnh dừng xe của Cảnh sát giao thông;

d. Không báo hiệu bằng tay trước khi chuyển hướng;

đ. Xe thồ, xe đạp, chở hàng hoá cồng kềnh vượt quá giới hạn quy định hoặc vi phạm quy định về thời gian, tuyến đường.

3. Phạt tiền 50.000 đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Bám vào xe có động cơ, mang vác cồng kềnh, dắt súc vật chạy theo; đèo quá số người quy định;

b. Buông thả hai tay, lôi, kéo, đẩy xe khác, vượt ẩu, rẽ trước đầu xe cơ giới;

c. Lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường phố.

4. Phạt tiền 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Đua xe đạp trái phép.

b. Gây tai nạn rồi bỏ trốn.

5. Phạt tiền 1.000.000 đồng và tịch thu xe đối với người đua xe đạp trái phép mà chống lại người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Phạt tiền 2.000.000 đồng đối với các hành vi tổ chức đua xe đạp trái phép.

Điều 9:

Xử phạt người điều khiển xe súc vật kéo, người kéo, đẩy xe vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

1. Phạt tiền 30.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không đi đúng phần đường giành riêng cho mỗi loại xe.

b. Đi vào đường cấm, khu vực có biển báo "cấm".

c. Dùng xe làm quầy hàng hoá lưu động trên đường trái quy định, gây cản trở trật tự an toàn giao thông.

2. Phạt tiền 50.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Đi hàng ngang từ hai xe trở lên;

b. Để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển.

c. Không có đèn hiệu, tín hiệu theo quy định.

d. Qua đường, qua cầu, qua phà, qua đoạn đường nguy hiểm, mà không tuân theo đèn báo, biển báo, các tín hiệu giao thông khác, hoặc sự chỉ dẫn của cảnh sát Giao thông, của nhân viên hướng dẫn giao thông.

đ. Không tuân theo các quy định về phân luồng phân tuyến, nguyên tắc nhường đường.

e. Dừng xe vượt quá giới hạn quy định khi có tín hiệu đèn đỏ, hoặc hiệu lệnh dừng xe của Cảnh sát giao thông.

g. Điều khiển phương tiện chạy cắt ngang đoàn xe, đoàn người;

h. Điều khiển xe không đúng thời gian cho phép hoặc các loại xe bị cấm lưu hành trong đô thị.

i. Không báo hiệu bằng tay khi chuyển hướng.

3. Phạt tiền 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Xếp hàng hoá trên xe vượt quá giới hạn quy định;

b. Không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, báo hiệu an toàn,

c. Gây tiếng động lớn tại các khu vực đông dân cư khi xếp, dỡ hàng hoá trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng.

4. Phạt tiền 500.000 đồng đối với hành vi đua xe súc vật trái phép.

5. Phạt tiền 1.000.000 đồng và tịch thu xe và súc vật đối với hành vi đua xe súc vật mà chống người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 10:

Xử phạt người điều khiển xe xích lô, xe đạp lôi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

1. Phạt tiền 30.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Xe chở người không bảo đảm tiêu chuẩn quy định;

b. Xe chở quá 2 người lớn; để người ngồi trên thành xe; chở hàng hoá cồng kềnh quá chiều dài, chiều cao, chiều rộng cho phép.

2. Phạt tiền 50.000 đồng và tịch thu xe đối với hành vi điều khiển xe không có đăng ký, xe không gắn biển số nếu ở địa phương có quy định phải đăng ký và có biển số, gắn biển số giả.

3. Phạt tiền 500.000 đồng đối với hành vi đua xe xích lô, xe đạp lôi;

4. Phạt tiền 1.000.000 đồng và tịch thu xe đối với hành vi đua xe xích lô, xe đạp lôi mà chống người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Trong trường hợp người điều khiển xe xích lô, xe đạp lôi có hành vi vi phạm quy định tại Điều 8 của Nghị định này thì bị xử phạt theo quy định của Điều đó.

Điều 11:

Xử phạt người điều khiển xe máy, mô tô, xe máy lôi, xích lô máy vi phạm trật tự an toàn giao thông.

1. Phạt tiền 50.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không đi đúng phần đường, đi trên vỉa hè, đi vào khu vực cấm, đương có biển báo cấm;

b. Dùng ô, dù để che nắng, mưa khi điều khiển xe máy mô tô;

c. Đỗ xe dừng xe ở lòng đường, chỗ cấm đỗ, cấm dừng.

d. Người điều khiển xe máy, mô tô chở quá số người quy định hoặc chở hàng hoá, đồ vật cồng kềnh, đi xe máy, mô tô, xe máy lôi, xích lô máy hàng ngang từ 2 xe trở lên.

đ. Người điều khiển mô tô, xe máy, xe máy lôi, xích lô máy dưới 16 tuổi.

e. Không báo hiệu xin đường khi chuyển hướng hoặc qua chỗ khuất tầm nhìn; dùng đèn pha từ 19 đến 5 giờ sáng trong thành phố, thị xã, thị trấn; dùng còi inh ỏi gây mất yên tĩnh ban đêm từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hoặc những nơi cấm dùng còi.

2. Phạt tiền 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Điều khiển xe vượt quá tốc độ quy định; đi vào đường ngược chiều; đi vào đường cấm; khu vực cấm;

b. Không nhường đường cho xe ưu tiên hoặc xe khác đã có còi, đèn, tín hiệu xin vượt.

c. Qua đường, qua cầu, phà đoạn đường nguy hiểm mà không tuân theo đèn báo, biển báo, các tín hiệu giao thông hoặc sự chỉ dẫn của Cảnh sát giao thông, nhân viên hướng dẫn giao thông.

d. Dùng xe mô tô, xe máy, xe máy lôi, xe xích lô máy, kéo, đẩy, bám xe khác hoặc dắt súc vật, kéo đồ vật.

đ. Sử dụng xe thiết đèn, còi, phanh hoặc có những thứ đó nhưng không có hiệu lực, sử dụng còi dùng cho xe ưu tiên, còi xe ô tô; sử dụng biển số bị mờ.

e. Điều khiển xe máy, mô tô, xe máy lôi, xích lô máy, không có giấy phép lái xe theo quy định; cho mượn giấy phép lái xe;

g. Không chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông khi có vi phạm;

h. Không làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu xe hoặc chuyển vùng theo quy định.

3. Phạt tiền 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Điều khiển xe chạy tốc độ cao từ trong nhà, ngõ, hẻm ra đường chính, và ngược lại;

b. Điều khiển xe chưa có đăng ký, xe không có biển số hoặc gắn biển số giả.

4. Phạt tiền 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Buông hai tay khi điều khiển xe, vượt ẩu; sử dụng xe không có bộ phận giảm thanh; dùng chân chống quẹt xuống lòng đường khi xe đang chạy;

b. Điều khiển xe trong tình trạng dùng rượu, bia hoặc chất kích thích khác quá nồng độ quy định;

c. Sau khi gây tai nạn mà không giữ nguyên dấu vết hiện trường.

5. Phạt tiền 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường giao thông;

b. Sử dụng trái quy định xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên.

c. Thay đổi đặc tính của xe;

d. Gây tai nạn rồi chạy trốn;

6. Phạt tiền 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Lạng lách, đánh võng, đuổi nhau gây tai nạn nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

b. Lạng lách, đánh võng, đuổi nhau mà không chấp hành lệnh dừng xe của người thi hành công vụ.

7. Ngoài việc phạt tiền, người điều khiển xe máy, mô tô, xe máy lôi, xích lô máy có hành vi vi phạm quy định tại Điều này còn buộc phải thực hiện:

a. Vi phạm điểm b khoản 4, điểm a, điểm d khoản 5, thì bị tước giấy phép lái xe trong 60 ngày.

b. Vi phạm khoản 6 thì bị tước giấy phép lái xe, nếu tái phạm thì bị tịch thu xe;

c. Vi phạm điểm a khoản 6, thì phải bồi thường thiệt hại.

Điều 12:

Xử phạt người đua xe máy, đua mô tô trái phép, người tổ chức, người kích động đua xe trái phép.

1. Phạt tiền 100.000 đồng đối với người kích động đua xe trái phép.

2. Phạt tiền 300.000 đồng đối với người kích động đua xe trái phép mà có hành vi cản trở người thi hành công vụ.

3. Phạt tiền 5.000.000 đồng đối với người đua xe trái phép.

4. Phạt tiền 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Đua xe trái phép mà chống lại người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b. Tái phạm đua xe trái phép.

5. Phạt tiền 50.000.000 đồng đối với người tổ chức đua xe trái phép.

6. Ngoài việc bị phạt tiền người đua xe máy, mô tô trái phép có hành vi vi phạm quy định tại một trong các điểm của khoản 4 Điều này thì còn bị tịch thu xe.

Điều 13:

Xử phạt người điều khiển xe ô tô vi phạm trật tự an toàn giao thông.

1. Phạt tiền 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Điều khiển các loại xe ô tô không đi đúng phần đường, tuyến đường thời gian quy định.

b. Đỗ xe, dừng xe, tránh xe, vượt xe, lùi xe, quay đầu xe, rẽ phải hoặc rẽ trái không đúng quy định.

c. Dùng còi hơi trong thành phố, thị xã, thị trấn hoặc dùng còi ở nơi có biển báo cấm dùng còi, dùng còi ban đêm từ 22 giờ đến 5 giờ sáng trong thành phố, thị xã, thị trấn; dùng đèn pha từ 19 giờ đến 5 giờ sáng khi có xe đối diện;

d. Biển số xe bị mờ, bị che lấp hoặc không đủ biển số xe theo quy định; gắn biển số không đúng vị trí quy định;

đ. Điều khiển xe thiếu còi, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, cần gạt nước mưa, kính chắn gió.

2. Phạt tiền 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Điều khiển xe đi vào đường ngược chiều, đi vào đường cấm đối với từng loại xe.

b. Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định; điều khiển xe tốc độ cao từ trong ngõ, hẻm, đường phụ ra đường chính hoặc ngược lại;

c. Không nhường đường cho xe khác khi có tín hiệu xin vượt hoặc không nhường đường cho xe đi trên đường chính;

d. Qua đường, qua cầu, qua phà, qua các đoạn nguy hiểm mà không tuân theo đèn báo, biển báo, các tín hiệu giao thông hoặc sự chỉ dẫn của cảnh sát, của nhân viên hướng dẫn giao thông.

đ. Điều khiển xe chở đất, cát, vật liệu hoặc các loại hàng hoá khác không có dụng cụ che phủ hoặc không có biện pháp đảm bảo an toàn;

e. Không chở người bị tai nạn đi cấp cứu khi đi qua những nơi có tai nạn;

g. Điều khiển xe không có phanh, xe đi ban đêm không có đủ đèn chiếu sáng theo quy định.

3. Phạt tiền 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không nhường đường cho xe ưu tiên;

b. Dùng xe đẩy, kéo xe khác, kéo sơ mi, rơ moóc không đúng quy định.

c. Chở hàng hoá, đồ vật cồng kềnh, quá chiều cao, chiều dài, chiều rộng cho phép.

d. Chở tre, nứa, sắt, thép hoặc các vật liệu khác kéo lê trên đường hoặc không có biện pháp bảo đảm an toàn.

đ. Người điều khiển xe không đúng tuổi quy định.

e. Không chấp hành hoặc ngăn cản sự kiểm tra, kiểm soát, sự chỉ dẫn của Cảnh sát hoặc người hướng dẫn giao thông khi vi phạm;

g. Cho mượn, cho thuê giấy phép lái xe.

4. Phạt tiền 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Điều khiển xe trong tình trạng dùng rượu, bia, hoặc các chất kích thích khác quá nồng độ quy định.

b. Người tập lái xe mà không có giấy phép tập lái; không có trợ giáo ngồi bên cạnh; xe không có biển tập lái theo quy định; không trang bị thêm bộ phận phanh phụ và gương phản hậu; xe chạy trên đường giao thông công cộng mà không được phép, xe chạy sai tuyến đường phạm vi quy định;

c. Xe chở hàng hoá, đồ vật vượt quá trọng tải cho phép.

5. Phạt tiền 2.000.000 đồng với người điều khiển ô tô vi phạm mà chống người thi hành công vụ khi bị xử lý nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Phạt tiền 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Người điều khiển xe không có giấy phép lái xe hoặc giấy lái xe không phù hợp với loại xe đang điều khiển, không có giấy phép lưu hành hoặc giấy phép đã hết thời hạn; xe không đăng ký hợp lệ, không chuyển vùng hoặc không có giấy phép hoạt động của xe theo quy định.

b. Tẩy xoá, sửa chữa giấy chứng nhận đăng ký, giấy phép lưu hành và các loại giấy phép khác.

c. Gắn biển số giả, sử dụng giấy phép lái xe, giấy phép lưu hành, giấy chứng nhận sở hữu giả.

7. Phạt tiền 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Gây tai nạn rồi chạy trốn nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b. Mượn hoặc thuê tổng thành, linh kiện của xe khác để trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

8. Phạt tiền 10.000.000 đối với hành vi chở các chất độc hại, chất dễ gây cháy, nổ không theo quy định hoặc đỗ, dừng xe này ở chỗ đông người.

9. Phạt 20.000.000 đồng đối với người đua xe ô tô trái phép.

Trong trường hợp đua xe ô tô trái phép mà chống lại người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc tái phạm đua ô tô trái phép thì phạt 50.000.000 đồng, tịch thu xe và tước giấy phép lái xe.

10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm quy định tại Điều này còn buộc phải:

a. Vi phạm điểm a khoản 4, khoản 7, khoản 8, thì bị tước giấy phép lái xe trong thời hạn 90 ngày.

b. Vi phạm điểm c khoản 4 phải hạ tải ngay và chịu mọi chi phí do hạ tải;

c. Vi phạm điểm a khoản 7, thì phải bồi thường thiệt hại.

Điều 14:

Xử phạt người điều khiển xe ô tô chở khách vi phạm trật tự tự an toàn giao thông.

1. Phạt tiền 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Để hành khách ngồi trên xe khi xuống phà hoặc lên phà;

b. Đón, trả khách khi xe đang chạy, không đúng bến, không đúng nơi quy định;

c. Không đóng cửa lên xuống khi xe chuyển bánh hoặc khi xe đang chạy;

2. Phạt tiền 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Để những người trên xe đu, bám ở cửa xe, ngồi trên thành xe, nóc xe.

b. Sang khách, nhượng khách dọc đường cho xe khác mà không được hành khách đồng ý.

c. Xếp hàng hoá lệch trọng tâm xe;

d. Chở người vượt quá số quy định cho từng loại xe (trừ xe buýt).

e. Phạt tiền 1.000.000 đồng đối với hành vi dùng xe tải chở người mà không được phép hoặc sai quy định.

4. Phạt tiền 2.000.000 đồng đối với các hành vi chở các chất độc hại, các chất dễ gây cháy nổ.

5. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe ô tô chở khách có hành vi vi phạm các quy định tại Điều này còn bị buộc phải:

a. Vi phạm điểm a, điểm c, khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4, thì phải thực hiện ngay các biện pháp để khắc phục bảo đảm an toàn giao thông.

b. Vi phạm điểm d khoản 2, khoản 3, khoản 4, thì còn bị tước giấy phép lái xe trong thời hạn 90 ngày.

6. Người điều khiển xe ô tô chở khách vi phạm các quy định tại Điều 13 của Nghị định này thì xử phạt theo quy định của điều đó.

Điều 15:

Xử phạt người điều khiển xe lam, xe công nông, xe bông sen và các loại xe có tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự vi phạm trật tự an toàn giao thông.

1. Phạt 100.000 đồng đối với người điều khiển xe lam có một trong các hành vi sau đây:

a. Để hành khách ngồi bên cạnh lái xe;

b. Không có ghế ngồi cho hành khách;

c. Để người khác đu, bám xe;

d. Xếp hàng hoá trên nóc xe;

đ. Không đủ đèn chiếu sáng, đèn phanh và các loại đèn tín hiệu khác theo quy định.

2. Phạt tiền 500.000 đồng đối với người điều khiển xe công nông, xe bông sen và những loại xe có tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự có một trong các hành vi sau đây:

a. Chở người:

b. Không có đủ đèn, còi, phanh hoặc có những thứ đó nhưng không có hiệu lực.

3. Người điều khiển xe lam, xe công nông, xe bông sen và những loại xe có tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự có hành vi quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Nghị định này thì bị xử phạt theo các quy định tại điều đó.

Điều 16:

Xử phạt người điều khiển xe bánh xích, xe quá khổ, quá tải trọng vi phạm trật tự an toàn giao thông.

1. Phạt tiền 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Điều khiển xe chạy trên đường giao thông, qua cầu mà không có giấy phép hoặc giấy phép đã quá hạn.

b. Không đi đúng tuyến đường, phạm vi ghi trong giấy phép;

c. Chở quá trọng tải cho phép; chuyển tải, hạ tải hoặc có hành vi khác nhằm trốn tránh sự kiểm tra trọng tải hàng hoá của người có thẩm quyền.

2. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe bánh xích, xe quá khổ, quá trọng tải vi phạm điểm a điểm b Điều này thì bị tước giấy phép lái xe trong thời hạn 90 ngày; bị buộc phải hạ tải ngay, dỡ phần quá khổ; mọi chi phí phát sinh và phương tiện để hạ tải, dỡ phần hàng hoá quá khổ do chủ xe và người lái chịu.

3. Người điều khiển xe bánh xích, xe quá khổ, quá trọng tải có hành vi quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Nghị định này thì bị xử phạt theo quy định tại các Điều đó.

Điều 17:

Xử phạt vi phạm tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của xe ô tô.

1. Phạt tiền 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Điều khiển xe có lốp không đúng kích cỡ, tiêu chuẩn kỹ thuật;

b. Hệ thống chuyển hướng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

2. Phạt tiền 1.000.000 đồng đối với hành vi làm thay đổi hình dáng, kích thước, khung vỏ xe hoặc hệ thống phanh, hệ thống truyền động, chuyển động không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

3. Phạt tiền 3.000.000 đồng đối với hành vi thay đổi tổng thành, khung máy hoặc thay đổi đặc tính của xe mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

4. Phạt tiền 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng xe ô tô có hệ thống điều khiển bên phải.

5. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi quy định tại Điều này thì còn buộc phải thực hiện:

a. Vi phạm khoản 3, thì bị tước giấy phép lái xe trong thời hạn 180 ngày và tước giấy phép lưu hành xe;

b. Vi phạm khoản 4 thì bị tịch thu xe.

Điều 18:

Xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường trong giao thông đường bộ và giao thông đô thị.

1. Phạt tiền 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Làm đổ dầu nhờn, bùn lầy trên mặt đường giao thông.

b. Người điều khiển xe do súc vật kéo không thực hiện các biện pháp bảo vệ giữ gìn vệ sinh.

c. Người kéo xe, đẩy xe, mang vác mà để đất, cát, rác hoặc các chất phế thải khác rơi vãi trên đường giao thông;

d. Để súc vật phóng uế trên vỉa hè, lòng đường giao thông đô thị.

đ. Phóng uế trên vỉa hè, lòng đường giao thông đô thị.

e. Vứt xác súc vật, rác hoặc các chất phế thải khác ra lòng đường giao thông, ra vỉa hè, lòng đường giao thông đô thị.

g. Điều khiển xe bị bẩn (xe bánh xích, xe ô tô, xe lam, xe bông sen hoặc các loại xe có kỹ thuật tương tự) đi vào thành phố đô thị.

2. Phạt tiền 500.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, xe lam, xe bông sen và các loại xe có tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự có một trong các hành vi sau đây:

a. Thải khói quá giới hạn cho phép, thải bụi, mùi hôi thối gây hại vào không khí, gây tiếng ồn quá quy định.

b. Thải dầu mỡ, hoá chất độc hại xuống đường giao thông;

c. Để đất, cát, rác hoặc các chất phế thải khác rơi vãi ra đường giao thông.

3. Ngoài việc phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi quy định tại Điều này còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm gây ra.

Điều 19:

Xử phạt cá nhân, tổ chức có vi phạm khác về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 20.000 đồng đối với người đi bộ không đúng phần đường hoặc không tuân theo đèn báo, biển báo, các tín hiệu giao thông khác hoặc sự chỉ dẫn của cảnh sát giao thông, nhân viên hướng dẫn giao thông.

2. Phạt tiền 50.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Để trâu, bò, ngựa, hoặc gia súc chạy rông trên đường giao thông;

b. Cưỡi trâu, bò, lừa ngựa hoặc gia súc khác đi trong thành phố, thị xã và những nơi có quy định cấm.

3. Phạt tiền 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Ném gạch, đất đá, cát hoặc bất cứ một vật gì khác vào người hoặc phương tiện giao thông;

b. Không đặt báo hiệu tạm thời, không kịp thời báo cho chính quyền địa phương, đơn vị trực tiếp quản lý giao thông, hoặc cảnh sát giao thông nơi gần nhất khi phát hiện công trình giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn.

4. Phạt tiền 200.000 đồng đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau gây mất trật tự trên đường phố, trên các phương tiện giao thông, làm ảnh hưởng tới trật tự, an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

5. Phạt tiền 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Đặt, rải bàn chông hoặc các vật sắt nhọn khác trên đường giao thông;

b. Tự ý căng dây, đặt barie ngang đường gây cản trở giao thông;

c. Không bố trí phương tiện và không có biện pháp phòng ngừa tai nạn khi chặt cành, hạ cây ven đường giao thông;

d. Lợi dụng tai nạn giao thông để chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ. Dùng thủ đoạn tạo ra tai nạn giả để đòi bồi thường.

6. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi quy định tại Điều này thì còn buộc phải:

a. Vi phạm điểm b khoản 5, thì phải tháo dỡ ngay vật cản giao thông.

b. Vi phạm điểm b khoản 3, điểm a, điểm c, điểm d khoản 5, thì phải thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn giao thông.

 

CHƯƠNG III

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH

VỀ VI PHẠM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

VÀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐÔ THỊ

Điều 20:

Phân định thẩm quyền xử phạt hành chính.

1. Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị trong phạm vi quản lý của địa phương mình.

2. Thanh tra giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 5, 6, 7 và 16 của Nghị định này.

3. Lực lượng cảnh sát nhân dân có thẩm quyền xử phạt đối với tất cả các hành vi xâm phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị được quy định trong Nghị định này.

4. Trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều cơ quan thì việc xử phạt do cơ quan thụ lý đâu tiên thực hiện.

Điều 21:

Thẩm quyền xử phạt của Uỷ ban nhân dân các cấp.

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị đến 500.000 đồng;

d. Buộc bồi thường thiệt hại đến 500.000 đồng;

đ. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có quyền:

a. Phạt cảnh cáo.

b. Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm;

d. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

đ. Buộc bồi thường thiệt hại đến 1.000.000 đồng;

e. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 100.000.000 đồng.

c. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm;

d. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

đ. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra.

e. Buộc bồi thường thiệt hại đến 1.000.000 đồng.

Điều 22:

Thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát nhân dân.

1. Chiến sĩ cảnh sát nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 100.000 đồng;

2. Thủ trưởng trực tiếp của chiến sĩ Cảnh sát nhân dân có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 200.000 đồng.

c. Buộc bồi thường thiệt hại đến 500.000 đồng.

3. Trưởng công an xã, phường, thị trấn được áp dụng các hình thức xử phạt hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định này.

4. Trưởng công an cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 2.000.000 đồng;

c. Tước giấy phép lái xe, giấy phép lưu hành xe.

d. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm;

đ. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép.

e. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tinh trạng ô nhiễm môi trường sống, lây lan, dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

g. Buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra đến 1.000.000 đồng.

5. Trưởng phòng cảnh sát giao thông trật tự cấp tỉnh, Thủ trưởng đơn vị đặc nhiệm, đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội và tương đương trở lên có quyền xử phạt như trưởng công an cấp huyện.

6. Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông trật tự có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c. áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4, Điều 22 của Nghị định này.

7. Giám đốc công án cấp tỉnh có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c. áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4, Điều 22 của Nghị định này.

Điều 23:

Thẩm quyền xử phạt của thanh tra giao thông.

1. Thanh tra viên giao thông thuộc Ban và Đội giao thông có quyền:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị đến 500.000 đồng;

d. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

đ. Buộc bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra đến 1.000.000 đồng.

e. Buộc thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn giao thông.

2. Trưởng ban thanh tra giao thông thuộc Sở, Khu quản lý đường bộ; đội trưởng thanh tra giao thông quận, huyện, thị xã, Phân khu quản lý đường bộ có quyền.

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm quy định trong Nghị định này.

c. áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 1, Điều 23 của Nghị định này.

Điều 24:

Thu nộp tiền phạt.

Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị bị phạt tiền thì phải nộp tiền tại nơi quy định. Nếu trốn tránh hoặc không nộp đúng thời gian để dây dưa kéo dài thì bị cưỡng chế thi hành hoặc bị phạt bổ sung theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm người xử phạt thu tiền phạt tại chỗ.

Điều 25:

Trình tự, thủ tục xử phạt.

Trình tự, thủ tục xử phạt phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Điều 26:

Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành bằng các biện pháp sau đây:

a. Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng.

b. Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.

c. áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác để thi hành quyết định xử phạt.

2. Người có thẩm quyền xử phạt có quyền ra quyết định cưỡng chế và có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế.

3. Lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế của Uỷ ban nhân dân cùng cấp và phối hợp với cơ quan Nhà nước khác tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế của các cơ quan đó khi được yêu cầu.

Điều 27:

Khiếu nại, tố cáo.

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 88 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

2. Công dân có quyền tố cáo những vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức và những vi phạm của người có thẩm quyền xử phạt hành chính với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

CHƯƠNG IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28:

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 08 năm 1995; các quy định của Nghị định này thay thế các quy định của Chính phủ đã ban hành trước đây về xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

Điều 29:

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết và tổ chức thi hành Nghị định này.

Điều 30:

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.