• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 04/10/1961
  • Ngày hết hiệu lực: 04/10/2001
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Số: 53/LCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lào Cai, ngày 27 tháng 9 năm 1961

 

PHÁP LỆNH

SỐ 53/PL NGÀY 27 THÁNG 09 NĂM 1961 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

Để bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ sản xuất và trật tự an ninh chung;
Để nâng cao ý thức trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy của cán bộ, công nhân, viên chức và của toàn dân, đẩy mạnh công tác phòng cháy và chữa cháy;
Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy như sau:

Điều 1

Việc phòng cháy và chữa cháy là nghĩa vụ của mỗi công dân.

Mỗi công dân phải tích cực đề phòng không để nạn cháy xảy ra, luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, triệt để tuân theo các quy định về phòng cháy, chuẩn bị sẵn sàng để khi cần có thể chữa cháy kịp thời và có hiệu quả.

Trong các cơ quan, xí nghiệp, kho tàng, công trường, nông trường, việc phòng cháy và chữa cháy là nghĩa vụ của toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức và trước hết là trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị ấy.

Điều 2

Việc quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy do Bộ Nội vụ phụ trách. ở các cơ quan, xí nghiệp và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, công tác phòng cháy và chữa cháy do Bộ Quốc phòng quản lý, với sự cộng tác chặt chẽ của Bộ Nội vụ.

Điều 3

Bộ Nội vụ tổ chức ra Cục Phòng cháy và chữa cháy. Cục này có nhiệm vụ và quyền hạn như dưới đây:

1. Nghiên cứu để Bộ Nội vụ ban hành các điều lệ, biện pháp và tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy;

2. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các điều lệ, biện pháp và tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy ở các cơ quan, xí nghiệp, kho tàng, công trường, nông trường, hợp tác xã, nhà ở của nhân dân và ở những nơi khác cần thiết phải kiểm tra;

3. Thoả thuận về thiết kế và thiết bị phòng cháy và chữa cháy của các công trình xây dựng về kinh tế và văn hoá và các công trình xây dựng khu nhà lớn, trước khi thi công các công trình ấy;

4. Chỉ đạo công tác nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức công tác phối hợp chiến đấu của các đội chữa cháy;

5. Tổ chức việc nghiên cứu và phổ biến khoa học, kỹ thuật phòng cháy và chữa cháy;

6. Hướng dẫn việc tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về nhiệm vụ và cách thức phòng cháy và chữa cháy;

7. Hướng dẫn và kiểm tra việc sản xuất và mua sắm các máy móc, phương tiện, dụng cụ và hoá chất chữa cháy, về mặt chất lượng, số lượng và mẫu mực;

8. Cùng với cơ quan công an tiến hành điều tra và kết luận về các vụ cháy.

Điều 4

Uỷ ban hành chính các cấp phụ trách việc quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy của địa phương dưới sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ và của Uỷ ban hành chính cấp trên.

Ở các khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh sẽ tuỳ theo nhu cầu mà tổ chức Sở, Ty Phòng cháy và chữa cháy. Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở, Ty Phòng cháy và chữa cháy do Hội đồng Chính phủ quy định.

Điều 5

Ở các thị xã, khu phố, thị trấn, xã, thôn, xóm, cơ quan, xí nghiệp, kho tàng, công trường, nông trường và các nơi cần thiết khác sẽ thành lập các đội phòng cháy và chữa cháy có tính chất nghĩa vụ của nhân dân;

Ở các thành phố, thị xã lớn, ngoài các đội phòng cháy và chữa cháy có tính chất nghĩa vụ của nhân dân, sẽ thành lập đội chữa cháy chuyên nghiệp. Kinh phí cần thiết cho các đội chữa cháy chuyên nghiệp do ngân sách địa phương đài thọ.

Ở các xí nghiệp quan trọng, ngoài đội phòng cháy và chữa cháy có tính chất nghĩa vụ của nhân dân, có thể thành lập đội chữa cháy chuyên nghiệp. Kinh phí cần thiết do quỹ xí nghiệp đài thọ.

Điều 6

Trong trường hợp xét thấy cần thiết phải tăng cường lực lượng và phương tiện chữa cháy, người chỉ huy chữa cháy có quyền huy động lực lượng và phương tiện của các cơ quan Nhà nước và của nhân dân để chữa cháy.

Trong trường hợp xét thấy cần thiết, để ngăn ngừa lửa cháy lan tràn gây thiệt hại nặng nề, người chỉ huy chữa cháy có quyền quyết định dỡ những nhà cửa hoặc dời những vật ở gần kề nơi cháy.

Điều 7

Khi một đơn vị vi phạm các quy định về phòng cháy, gây nên nguy cơ trực tiếp phát sinh nạn cháy thì Cục trưởng Cục phòng cháy và chữa cháy, thủ trưởng các Sở, Ty phòng cháy và chữa cháy có quyền tạm thời đình chỉ hoạt động của từng bộ phận hoặc của toàn bộ đơn vị ấy, đồng thời báo cáo ngay lên Bộ Nội vụ và Uỷ ban hành chính sở quan; nếu đơn vị ấy do trung ương trực tiếp quản lý thì phải đồng thời báo cáo ngay quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động đó lên cơ quan trung ương sở quan.

Điều 8

Đơn vị hoặc cá nhân có thành tích phòng cháy hoặc chữa cháy sẽ được khen thưởng.

Điều 9

Người nào vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy hoặc gây ra nạn cháy thì tuỳ trách nhiệm nặng nhẹ mà bị thi hành kỷ luật hành chính, bị xử lý theo thể lệ quản lý trị an hoặc bị truy tố theo pháp luật.

Điều 10

Hội đồng Chính phủ quy định biện pháp cụ thể thi hành pháp lệnh này.

Pháp lệnh này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông qua ngày 27 tháng 9 năm 1961.

Hồ Chí Minh

                                                                           (Đã ký)

TM. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hồ Chí Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.