THÔNG TƯ
CỦA LIÊN BỘ XÂY DỰNG - LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH XÃ HỘI -
NỘI VỤ - TÀI CHÍNH - NGOẠI GIAO
Hướng dẫn việc cho thuê nhà, thuê lao động đối với đoàn ngoại giao
Căn cứ Quyết định của Hội đồng Chính phủ số 94/CP ngày 10-6-1964 về việc giao nhiệm vụ cho Bộ ngoại giao (Cục phục vụ Ngoại giao đoàn) cung ứng các dịch vụ cần thiết theo yêu cầu của Đoàn ngoại giao;
Căn cứ Nghị định số 389/HĐBT ngày 10-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quy chế cho thuê nhà và thuê lao động đối với người nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài lưu trú tại Việt Nam;
Tiếp theo Thông tư Liên bộ số 03/TT-LB ngày 8-4-1991 nay Liên bộ Ngoại giao Xây dựng Lao động Thương binh và Xã hội - Nội vụ - Tài chính hướng dẫn việc thực hiện Quy chế cho thuê nhà, thuê lao động đối với Đoàn ngoại giao như sau:
1- Đoàn ngoại giao nói trong thông tư này bao gồm:
a) Các cơ quan Đại diện ngoại giao: Các Đại sứ quán, các cơ quan đại diện cấp thấp hơn Đại sứ quán và các cơ quan bên cạnh cơ quan đại diện ngoại giao.
b) Các tổng lãnh sự và lãnh sự quán.
c) Các cơ quan đại diện, các tổ chức Quốc tế thuộc Liên hợp Quốc và Liên Chính phủ.
d) Các viên chức ngoại giao, viên chức Quốc tế, nhân viên hành chính, kỹ thuật và nhân viên phục vụ là người nước ngoài của các cơ quan nói trên.
2- Bộ Ngoại giao (Cục phục vụ Ngoại giao đoàn) được làm dịch vụ thuê nhà, sửa chữa, cải tạo nhà và cho thuê lao động đối với Đoàn ngoại giao tại Hà Nội.
Đối với Đoàn ngoại giao có trụ sở tại các địa phương khác ngoài Thủ đô Hà Nội thì do các cơ quan chức năng thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết các yêu cầu về thuê nhà, thuê lao động theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ ngoại giao.
3- Bộ ngoại giao (cục phục vụ Ngoại giao đoàn) có trách nhiệm quản lý, kinh doanh, dịch vụ và cho Đoàn ngoại giao thuê các loại nhà sau đây:
a) Nhà do Nhà nước giao cho Bộ ngoại giao (Cục phục vụ Ngoại giao Đoàn) quản lý để cho Đoàn ngoại giao sử dụng theo các hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước hoặc Tổ chức Quốc tế.
b) Nhà do Bộ ngoại giao (Cục phục vụ Ngoại giao đoàn) xây dựng hoặc mua lại của các chủ sở hữu khác cho Đoàn ngoại giao thuê.
c) Nhà do Bộ ngoại giao (cục phục vụ Ngoại giao đoàn) liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh doanh nhà đất thuộc mọi thành phần kinh tế để cho Đoàn ngoại giao thuê.
4- Các cơ quan Đoàn ngoại giao có trụ sở tại Hà Nội, có nhu cầu thuê, sửa chữa, cải tạo nhà cần gửi các yêu cầu cụ thể tới Bộ ngoại giao (cục phục vụ Ngoại giao đoàn). Bộ ngoại giao (Cục phục vụ Ngoại giao đoàn) có trách nhiệm giải quyết.
Trường hợp Bộ ngoại giao (phục vụ Ngoại giao đoàn) không đủ nhà hoặc không có khả năng thực hiện các dịch vụ về nhà cho Đoàn ngoại giao thì Bộ ngoại giao (Cục phục vụ Ngoại giao đoàn) nêu yêu cầu với ngành nhà đất thành phố hoặc cơ quan hữu quan của Bộ Xây dựng để giải quyết theo Thông tư Liên bộ số 03-TT/LB ngày 8-4-1991.
Các cơ quan Đoàn ngoại giao có trụ sở tại các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (ngoài Thủ đô Hà Nội) thì gửi yêu cầu tới các cơ quan dịch vụ nhà cửa của địa phương để giải quyết theo Thông tư Liên bộ số 03-TT/LB ngày 8-4-1991.
Thủ tục ký hợp đồng thuê, sửa chữa, cải tạo nhà phải theo đúng quy định của Nhà nước Việt Nam và phù hợp với tập quán Quốc tế.
5- Công dân Việt Nam sinh sống tại Hà Nội có đủ tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 389/HĐBT ngày 10-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư Liên bộ số 03-TT/LB ngày 8-4-1991 có thể làm hồ sơ và đăng ký với Bộ ngoại giao (Cục phục vụ Ngoại giao đoàn) để được xét làm việc cho Đoàn ngoại giao tại Hà Nội.
- Các cơ quan Đoàn ngoại giao trụ sở đóng tại Hà Nội có nhu cầu thuê lao động Việt Nam cần gửi yêu cầu của mình đến Bộ ngoại giao (Cục phục vụ Ngoại giao đoàn).
Bộ ngoại giao (Cục phục vụ Ngoại giao đoàn) căn cứ nhu cầu thuê lao động của Đoàn ngoại giao để đào tạo, tuyển chọn lao động cho Đoàn ngoại giao thuê hoặc giới thiệu công dân Việt Nam đủ tiêu chuẩn kết hợp đồng lao động Đoàn ngoại giao và định kỳ gửi danh sách lao động tới Sở Lao động Thương binh và xã hội Hà Nội.
Bộ ngoại giao (Cục phục vụ Ngoại giao đoàn) có nhiệm vụ quản lý các công dân Việt Nam làm việc cho Đoàn ngoại giao tại Hà Nội.
6- Công dân Việt Nam ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ngoài Thủ đô Hà Nội) có đủ tiêu chuẩn quy định tại Nghị định 389/HĐBT ngày 10-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư Liên bộ số 03-TT/LB ngày 8-4-1991 có thể làm hồ sơ đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan dịch vụ lao động (nếu có) để được xét làm việc cho Đoàn ngoại giao có trụ sở đóng tại địa phương.
Các cơ quan Đoàn ngoại giao có trụ sở đóng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (ngoài Thủ đô Hà Nội) có nhu cầu về thuê lao động của Việt Nam cần gửi yêu cầu tới Sở Lao động Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan dịch vụ lao động (nếu có) tại địa phương để giải quyết theo thủ tục quy định tại Thông tư Liên bộ số 03-TT/LB ngày 8-4-1991.
7- Các cơ quan làm dịch vụ lao động và công dân Việt Nam làm việc cho Đoàn ngoại giao có trách nhiệm chấp hành pháp luật và những quy định về đối ngoại, bảo vệ an ninh và trật tự an toàn xã hội, ký kết và thực hiện đúng hợp đồng lao động theo quy định của Nhà nước.
8- Nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước của các tổ chức kinh doanh dịch vụ cho Đoàn ngoại giao thuê nhà, thuê lao động và người lao động làm việc tại Đoàn ngoại giao áp dụng theo quy định tại mục C Thông tư Liên bộ số 03-TT/LB ngày 8-4-1991.
9- Thông tư này có hiệu lực từ ngày ban hành. Những trường hợp cho Đoàn ngoại giao thuê và sử dụng nhà, cho thuê lao động trước đây chưa phù hợp với quy định của Thông tư này cần được làm lại.
Mọi hành vi vi phạm quy chế cho thuê nhà, thuê lao động đối với Đoàn ngoại giao cần phải xem xét, xử lý theo Nghị định số 389/HĐBT ngày 10-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng.