Sign In

THÔNG TƯ

Quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức

nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật

__________________

 

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục phân loại phẫu thuật, thủ thuật theo 26 chuyên khoa, chuyên ngành.

2. Quy định định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật.

Điều 2. Điều kiện phân loại phẫu thuật, thủ thuật

Việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật dựa trên các điều kiện sau đây:

1. Mức độ khó và phức tạp của phẫu thuật, thủ thuật.

2. Mức độ nguy hiểm đối với tính mạng của người bệnh.

3. Yêu cầu về phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị y tế sử dụng cho phẫu thuật, thủ thuật.

4. Yêu cầu về số người tham gia phẫu thuật, thủ thuật.

5. Thời gian thực hiện phẫu thuật, thủ thuật.

Điều 3. Phân loại mức độ phẫu thuật, thủ thuật

1. Phẫu thuật, thủ thuật loại đặc biệt

a) Phẫu thuật, thủ thuật rất phức tạp về bệnh lý, rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, đòi hỏi người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, phần lớn được thực hiện ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trung ương.

b) Yêu cầu phải có phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị y tế chuyên dụng.

c) Yêu cầu có số người tham gia phẫu thuật, thủ thuật theo quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Thời gian thực hiện kỹ thuật trung bình từ 3 đến 4 giờ hoặc lâu hơn.

2. Phẫu thuật, thủ thuật loại I

a) Phẫu thuật, thủ thuật khá phức tạp về bệnh lý, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, đòi hỏi người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, phần lớn được thực hiện ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trung ương và tuyến tỉnh.

b) Yêu cầu phải có phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị y tế chuyên dụng.

c) Yêu cầu có số người tham gia phẫu thuật, thủ thuật theo quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Thời gian thực hiện kỹ thuật trung bình từ 2 đến 3 giờ hoặc lâu hơn.

3. Phẫu thuật, thủ thuật loại II

a) Những phẫu thuật, thủ thuật phần lớn được thực hiện ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trung ương, tuyến tỉnh và một số cơ sở tuyến huyện, mức độ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh ít hơn loại I.

b) Yêu cầu phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị y tế thông dụng.

c) Yêu cầu có số người tham gia phẫu thuật, thủ thuật theo quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Thời gian thực hiện kỹ thuật trung bình từ 1 đến 3 giờ hoặc lâu hơn.

4. Phẫu thuật, thủ thuật loại III

a) Những phẫu thuật, thủ thuật phần lớn được thực hiện ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, mức độ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh ít hơn loại II.

b) Yêu cầu phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị y tế thông dụng.

c) Yêu cầu có số người tham gia phẫu thuật, thủ thuật theo quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Thời gian thực hiện kỹ thuật trung bình từ 1 đến 2 giờ hoặc lâu hơn.

Điều 4. Áp dụng Danh mục phân loại phẫu thuật, thủ thuật

Danh mục phân loại phẫu thuật, thủ thuật là căn cứ để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chi trả chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và các kỹ thuật tương đương phẫu thuật, thủ thuật theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

Điều 5. Định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật

1. Số người tham gia tối đa cho một ca phẫu thuật hoặc thủ thuật được tính dựa trên phân loại phẫu thuật, thủ thuật và theo từng chuyên khoa theo quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trường hợp ca phẫu thuật, thủ thuật khó, phức tạp như ghép mô, bộ phận cơ thể người, phẫu thuật tim hở và các phẫu thuật, thủ thuật khác cần nhiều kíp tham gia và cần có số người tham gia vượt quá quy định tại Khoản 1 Điều này thì Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xem xét, quyết định. Việc chi trả chế độ phụ cấp phẫu thuật phải căn cứ vào số lượng người thực tế tham gia và theo định mức quy định cho từng vị trí.

3. Việc phân công công việc cụ thể cho từng người trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật do Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 2 năm 2015.

2. Quyết định số 1904/1998/QĐ-BYT ngày 10 tháng 8 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành danh mục phân loại phẫu thuật, thủ thuật và Quyết định số 2590/2004/QĐ-BYT ngày 30/7/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành danh mục phân loại thủ thuật được hưởng phụ cấp theo Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định sửa đổi, bổ sung một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức ngành y tế hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế Bộ, ngành có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ Danh mục phân loại phẫu thuật, thủ thuật có trách nhiệm thực hiện việc chi trả chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật cho người thực hiện phẫu thuật, thủ thuật và các kỹ thuật tương đương phẫu thuật, thủ thuật theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế để hướng dẫn và giải quyết./.

 

Bộ Y tế

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Xuyên