• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/07/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 20/01/2008
CHÍNH PHỦ
Số: 55/2003/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Long An, ngày 28 tháng 5 năm 2003

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp

________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 02/2002/QH11 ngày 05 tháng 8 năm 2002 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ nhất quy định danh sách các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Công nghiệp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp, bao gồm: cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí, khai thác khoáng sản, hóa chất (bao gồm cả hóa dược), vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong các ngành công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Công nghiệp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các ngành công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch phát triển tổng thể, quy hoạch vùng, lãnh thổ, quy hoạch ngành, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm về các ngành công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ và các chương trình, dự án quan trọng của Bộ.

3. Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt thuộc phạm vi quản lý của Bộ; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công nghiệp.

5. Chủ trì thẩm định, thẩm định hoặc phê duyệt các dự án đầu tư trong các ngành công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

6. Quản lý, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm việc tổ chức thực hiện về an toàn kỹ thuật công nghiệp, bao gồm: đăng ký, kiểm định an toàn các thiết bị áp lực, thiết bị nâng, an toàn điện, an toàn khai thác mỏ và dầu khí (trừ các thiết bị, phương tiện thăm dò và khai thác dầu khí trên biển), an toàn hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp và môi trường công nghiệp theo quy định của pháp luật.

7. Thống nhất quản lý việc cấp, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn giấy phép hoạt động điện lực, giấy phép sản xuất các sản phẩm thuốc lá điếu, giấy phép kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và các giấy phép khác theo quy định của pháp luật.

8. Về cơ khí và luyện kim:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành cơ khí, ngành luyện kim và phát triển các sản phẩm cơ khí, cơ khí - điện tử trọng điểm;

b) Chỉ đạo và kiểm tra việc tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển ngành cơ khí, ngành luyện kim, phát triển các sản phẩm cơ khí, cơ khí - điện tử trọng điểm, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, kết hợp của kỹ thuật cơ khí, tự động hóa, điện tử công nghiệp;

c) Hướng dẫn, theo dõi, tổng hợp tình hình phát triển và thị trường tiêu thụ sản phẩm cơ khí, luyện kim.

9. Về điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo:

a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp và các công trình điện lực; ban hành theo thẩm quyền tiêu chuẩn an toàn điện trong quản lý vận hành trang thiết bị điện, các quy trình, quy phạm, quản lý, vận hành và điều độ hệ thống điện;

b) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá bán điện cho các đối tượng tiêu dùng; hướng dẫn và kiểm tra thực hiện các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dự toán xây dựng chuyên ngành điện;

c) Công bố danh mục các công trình điện lực sẽ xây dựng trong quy hoạch phát triển điện lực để kêu gọi đầu tư và quản lý việc thực hiện;

d) Phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; theo dõi, tổng hợp việc tổ chức thực hiện và điều chỉnh khi cần thiết;

đ) Tổ chức, chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện chính sách năng lượng quốc gia, phát triển điện nguyên tử, các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

10. Về dầu khí:

a) Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách khuyến khích tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí;

b) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn nhà thầu và đối tác ký kết hợp đồng tìm kiếm, thăm dò, xây dựng, khai thác và các hoạt động dầu khí khác theo quy định của pháp luật;

c) Chủ trì trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động dầu khí;

d) Tổng hợp, theo dõi, báo cáo tình hình phát triển và kết quả tìm kiếm, thăm dò, khai thác, tiêu thụ dầu khí trong nước và xuất khẩu

đ) Quyết định các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về hoạt động dầu khí theo phân công của Chính phủ.

11. Về khai thác khoáng sản:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch khai thác khoáng sản trên cơ sở trữ lượng khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo về khai thác khoáng sản theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt;

b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.

12. Về hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp;

b) Theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình phát triển công nghiệp hóa chất;

c) Công bố danh mục các loại vật liệu nổ công nghiệp được sử dụng; kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các quy định về sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

13. Về công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm và chế biến khác:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm và chế biến khác; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được phê duyệt;

b) Quản lý các ngành: dệt - may, da - giầy, giấy, sành sứ, thủy tinh, nhựa, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, sữa, dầu thực vật, thuốc lá, chế biến bột và tinh bột;

c) Theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình phát triển và việc thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh, môi trường lao động trong công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm, chế biến khác trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

14. Về phát triển công nghiệp địa phương:

a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp địa phương;

b) Phê duyệt hoặc thông qua và tổng hợp quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm về phát triển công nghiệp của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật;

c) Theo dõi, tổng hợp, báo cáo định kỳ tình hình phát triển công nghiệp địa phương và kết quả các hoạt động khuyến công.

15. Về quản lý công nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất:

Chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp vùng và lãnh thổ đã được phê duyệt.

16. Thực hiện hợp tác quốc tế trong các ngành công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

17. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong các ngành công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

18. Quyết định các chủ trương, biện pháp cụ thể và chỉ đạo việc thực hiện cơ chế hoạt động của các tổ chức dịch vụ công trong các ngành công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật; quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ.

19. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể thuộc quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong các ngành công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ, kể cả Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Điện tử và Tin học Việt Nam theo quy định của pháp luật.

20. Quản lý nhà nước đối với các hoạt động của hội và tổ chức phi Chính phủ trong các ngành công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

21. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

22. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Bộ theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

23. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc thẩm quyền; quy định chức danh, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, nghiệp vụ trong các ngành công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

24. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Bộ

a) Các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước:

1. Vụ Cơ khí, Luyện kim và Hóa chất;

2. Vụ Năng lượng và Dầu khí;

3. Vụ Công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm;

4. Vụ Kế hoạch;

5. Vụ Tài chính - Kế toán;

6. Vụ Khoa học, Công nghệ;

7. Vụ Hợp tác quốc tế;

8. Vụ Pháp chế;

9. Vụ Tổ chức cán bộ;

10. Cục Công nghiệp địa phương;

11. Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp;

12. Thanh tra;

13. Văn phòng.

b) Các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ:

1. Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp;

2. Viện Nghiên cứu Cơ khí;

3. Viện Nghiên cứu Mỏ và Luyện kim;

4. Viện Nghiên cứu Điện tử - Tin học - Tự động hóa;

5. Viện Công nghiệp thực phẩm;

6. Viện Nghiên cứu Dầu thực vật - Tinh dầu - Hương liệu - Mỹ phẩm;

7. Trung tâm Tin học;

8. Báo Công nghiệp Việt Nam;

9. Tạp chí Công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ xây dựng phương án sắp xếp các viện nghiên cứu, các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đào tạo nghề và các tổ chức sự nghiệp khác hiện có trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thay thế Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công nghiệp, Quyết định số 378/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp và các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.