• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1994
BỘ Y TẾ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 15/TTLB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 10 tháng 8 năm 1994

THÔNG TƯ
CỦA LIÊN BỘ Y TẾ - TÀI CHÍNH - LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ
XÃ HỘI

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 47/CP

ngày 6/6/1994 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Điều lệ bảo hiểm y tế

Căn cứ Nghị định số 47/CP ngày 6-6-1994 của Chính phủ sửa đổi một số Điều của Điều lệ Bảo hiểm y tế, Liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn sửa đổi một số điểm tại Thông tư số 12/TT-LB của Liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội ngày 18-9-1992 như sau:

A. Sửa đổi phần II Mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT của Thông tư 12-TT/LB:

1. Mức đóng BHYT.

a. Mức đóng BHYT của đối tượng quy định tại điểm a, mục 1 phần I Thông tư 12/TT-LB bằng 3% mức lương cấp bậc, chức vụ và phụ cấp chức vụ (nếu có), lương hưu, trợ cấp mất sức lao động theo quy định của Nhà nước.

b. Mức đóng BHYT của đối tượng quy định tại điểm b, mục 1 phần I Thông tư 12/TT-LB bằng 3% mức lương cấp bậc hoặc chức vụ ghi trong hợp đồng.

c. Mức đóng BHYT của đối tượng quy định tại điểm c, d, mục 1 phần I Thông tư 12/TT-LB bằng 3% mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng (kể cả hợp đồng bằng miệng).

d. Đối với doanh nghiệp chưa thực hiện trả lương theo Nghị định số 26-CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ "Quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp" thì mức đóng BHYT vẫn thực hiện theo điểm b, c mục 1 phần II của Thông tư Liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội số 12/TT-LB ngày 18-9-1992.

2. Trách nhiệm đóng BHYT.

Trong tổng mức đóng BHYT theo quy định, cơ quan sử dụng công chức, viên chức, người sử dụng lao động đóng 2% còn công chức, viên chức, người lao động đóng 1%. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01-01-1994.

Cơ quan hành chính sự nghiệp thu 1% BHYT của công chức, viên chức cơ quan mình khi trả lương để nộp cho cơ quan BHYT. Cơ quan Tài chính của các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trích 2% theo quỹ tiền lương nói trên của cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp để chuyển thẳng cho cơ quan BHYT.

Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc tổ chức Bảo hiểm xã hội chuyển thẳng 3% lương hưu và trợ cấp mất sức lao động để đóng BHYT cho các đối tượng hưu trí, mất sức lao động.

Đối với doanh nghiệp: người sử dụng lao động đóng 2% và thu 1% BHYT của người lao động trong đơn vị để nộp cho cơ quan BHYT.

3. Phương thức nộp BHYT.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, Lao động, Thương binh và Xã hội, tổ chức Bảo hiểm xã hội, Giám đốc các doanh nghiệp và người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách công chức, viên chức, người lao động hoặc các đối tượng thuộc mình quản lý và ghi rõ mức tiền lương, tiền công, mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động của từng người nói tại mục 1, phần A của Thông tư này, để nộp BHYT ít nhất 3 tháng một lần cho cơ quan BHYT.

Cơ quan BHYT có trách nhiệm đối chiếu danh sách và cấp thẻ BHYT cho từng người được hưởng BHYT của cơ quan, đơn vị nói trên sau khi đã thu đủ mức đóng BHYT theo quy định.

Cơ quan BHYT có trách nhiệm ký kết hợp đồng với các cơ quan thuế ở địa phương để nhờ thu BHYT ở các doanh nghiệp. Cơ quan BHYT sẽ trả cho cơ quan thuế khoản phí thu hộ là 0,5% tổng số thu BHYT mà cơ quan thuế thực thu được vào tài khoản của BHYT.

B. Các nội dung khác của Thông tư 12-TT/LB vẫn giữ nguyên hiệu lực thi hành.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01-01-1994.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Y tế
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Lê Ngọc Trọng

Tào Hữu Phùng

Lê Duy Đồng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.