• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 23/03/1992
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG
Số: 30-TĐC/QĐ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 23 tháng 3 năm 1992

QUYẾT ĐỊNH

CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN - ĐO LƯỜNG -
CHẤT LƯỢNG SỐ 30/TĐC-QĐ NGÀY 23 THÁNG 3 NĂM 1992
BAN HÀNH BẢN "QUY ĐỊNH VỀ PHÂN LOẠI VÀ MÃ HOÁ
CÁC LĨNH VỰC THỬ NGHIỆM"

TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN - ĐO LƯỜNG - CHẤT LƯỢNG

- Căn cứ Điều 18, 19, 20 Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá ngày 27 tháng 12 năm 1990;

- Căn cứ Nghị định số 327/HĐBT ngày 19-10-1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá;

- Căn cứ quy định về công nhận phòng thử nghiệm ban hành theo Quyết định số 837/QĐ ngày 23-12-1991 của Uỷ ban Khoa học Nhà nước;

- Căn cứ quy định về nội dung, thủ tục công nhận phòng thử nghiệm ban hành theo Quyết định số 10/TĐC-QĐ ngày 17-01-1992 của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng;

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục TC-ĐL-CL được Nhà nước giao trong Nghị định số 22/HĐBT ngày 8-2-1984 của Hội đồng Bộ trưởng;

- Theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm Đo lường,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về phân loại và mã hoá các lĩnh vực thử nghiệm".

Điều 2. Các ngành, các địa phương, các cơ sở và các cơ quan quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng phải theo đúng Quy định này trong việc công nhận phòng thử nghiệm.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với quy định này.

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN LOẠI VÀ MÃ HOÁ CÁC LĨNH VỰC THỬ NGHIỆM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 30-TĐC/QĐ ngày 23-3-1992
của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng)

1. Quy định chung

1.1. Hoạt động thử nghiệm được phân thành các lĩnh vực thử nghiệm. Mỗi lĩnh vực thử nghiệm gồm nhiều loại phép thử. Mỗi loại phép thử là một tập hợp những phép thử cụ thể.

1.2. Lĩnh vực thử nghiệm được ký hiệu bằng số tự nhiên bắt đầu từ 01; 02... Loại phép thử và phép thử cụ thể cũng được ký hiệu bằng số tự nhiên, bắt đầu từ 01, 02... Ký hiệu đầy đủ của một phép thử sẽ gồm ba nhóm số ngăn cách nhau bằng dấu chấm (.). Ví dụ: 01.05.26. nhóm số thứ nhất chỉ lĩnh vực thử nghiệm; nhóm số thứ hai chỉ loại phép thử và nhóm số thứ ba chỉ phép thử.

1.3. Việc phân chia và số hiệu của phép thử và loại phép thử cụ thể được quy định cho từng lĩnh vực thử nghiệm.

2. Phân loại lĩnh vực thử nghiệm

Hoạt động thử nghiệm được phân thành 10 lĩnh vực với mã số và nội dung như dưới đây. Phần đối chiếu tiếng Anh theo phụ lục.

2.1. Đo lường khối lượng và độ dài, ký hiệu 01

Bao gồm phép đo chính xác khối lượng, độ dài và các đại lượng dẫn xuất của chúng như góc, dung tích, tỷ trọng và áp suất; hiệu chuẩn và thử nghiệm phương tiện đo.

2.2 Thử nghiệm cơ học, ký hiệu 02

Bao gồm đo lường sức bền vật liệu, chi tiết và bộ phận; các phép thử khí động học, thủy lực và hơi; hiệu chuẩn và thử nghiệm thiết bị cơ khí (kể cả áp kế, lưu lượng kế, gia tốc kế...); các phép thử kim tương.

2.3. Thử nghiệm điện, ký hiệu 03

Bao gồm đo lường các đại lượng điện, kể cả tần số và khoảng thời gian; hiệu chuẩn và thử nghiệm các linh kiện, thiết bị điện, điện tử, kể cả các thiết bị công nghiệp và đồ dùng gia đình; các phép thử đối với các thiết bị thông tin liên lạc; các phép thử cao áp và dòng lớn.

2.4. Quang học và bức xạ, ký hiệu 04

Bao gồm các phép thử quang và trắc quang; các phép đo màu sắc; hiệu chuẩn và thử nghiệm thiết bị quang và trắc quang; các phép thử về độ sáng; đo quang phổ.

2.5. Đo lường nhiệt và nhiệt độ, ký hiệu 05

Bao gồm các phép thử về tính dẫn nhiệt, nhiệt độ và nhiệt lượng; phép thử độ cháy; các phép thử về thiết bị phát nhiệt; hiệu chuẩn và thử nghiệm phương tiện đo nhiệt; phép đo truyền nhiệt; đo lường nhiệt và bức xạ mặt trời.

2.6. Thử nghiệm không phá huỷ, ký hiệu 06

Bao gồm kiểm tra các bộ phận và kết cấu bằng kỹ thuật không phá huỷ như chụp tia X, siêu âm, thẩm thấu, hạt từ tính và dòng xoáy.

2.7. Thử nghiệm hoá học, ký hiệu 07

Bao gồm tất cả các phương pháp phân tích hoá học và phát hiện bằng phương pháp hoá học, các phép thử hoá đối với tất cả các vật liệu; các phép thử vật lý kết hợp (như xác định tỷ trọng); thử nghiệm và hiệu chuẩn thiết bị thử nghiệm hoá học và vật lý.

2.8. Thử nghiệm sinh học, ký hiệu 08

Bao gồm thử nghiệm và đo lường sinh học, vi sinh và hoá sinh, kể cả việc kiểm tra lương thực, dược phẩm, thuốc; các phép thử dùng cho các mục đích y học và thú y; các phép thử về nuôi cấy vi khuẩn; kiểm dịch cây trồng và vật nuôi...

2.9. Đo lường âm thanh và rung động, ký hiệu 09

Bao gồm đo lường tiếng ồn và rung động; các phép thử về âm thanh và rung động của các vật liệu, các cấu kiện lắp ráp; các phép thử về đặc trưng âm thanh...

2.10. Thử nghiệm y học, ký hiệu 10

Bao gồm các phép thử liên quan đến sức khoẻ con người, kể cả các phép thử trong lĩnh vực vi sinh học, vi rút học, huyết học, miễn dịch học, tế bào học, mô học, hoá sinh lâm sàng, xét nghiệm phóng xạ.

Phụ lục

BẢNG ĐỐI CHIẾU TIẾNG ANH

TT

Tiếng Việt

Tiếng Anh

1

Lĩnh vực thử nghiệm

Fields of testing

2

Loại phép thử

Types of test

3

Phép thử

Test

4

Đo lường khối lượng và độ dài

Mass and length measurement

5

Thử nghiệm cơ học

Mechanical testing

6

Thử nghiệm điện

Electrical testing

7

Quang học và bức xạ

Optics and radiometry

8

Đo lường nhiệt và nhiệt độ

Heat and temperature measurement

9

Thử nghiệm không phá huỷ

Non-destructive testing

10

Thử nghiệm hoá học

Chemical testing

11

Thử nghiệm sinh học

Biological testing

12

Đo lường âm thanh và rung động

Acoustic and vibration messurement

13

Thử nghiệm y học

Meadical testing

 

 

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Nguyễn Trọng Hiệp

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.