• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 16/08/2016
BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ CÔNG AN-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2016

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân (sau đây được viết tắt là Nghị định số 33/2016/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 33/2016/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

2. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

Chương II

CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC

Mục 1. CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU

Điều 3. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

1. Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP được hưởng chế độ ốm đau thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Y tế;

b) Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

c) Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điểm a và b Khoản này.

2. Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:

a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ;

b) Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

c) Người lao động bị ốm đau, tai nạn trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; nghỉ chuẩn bị hưu theo quy định hiện hành (đối với các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý).

Điều 4. Thời gian hưởng chế độ ốm đau

1. Thời gian hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền (kể cả điều trị nội trú và ngoại trú). Trong đó, số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Ví dụ 1: Đồng chí Trung úy QNCN Nguyễn Hải Vân, hiện đang công tác tại nhà máy Z thuộc Tổng cục CNQP; ngày 14 tháng 4 năm 2016 đồng chí Vân bị sốt vi rút phải nghỉ việc để điều trị bệnh đến hết ngày 18 tháng 4 năm 2016. Ngày nghỉ hàng tuần của đồng chí Vân được xác định là ngày Chủ nhật.

Như vậy, số ngày đồng chí Vân điều trị bệnh là 05 ngày; trong đó, số ngày được hưởng trợ cấp ốm đau từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội là 03 ngày (trừ ngày 16 tháng 4 là ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương và ngày 17 tháng 4 là ngày Chủ nhật).

2. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm theo quy định tại Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội được thực hiện như sau:

a) Thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định. Thời gian này được tính kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

Ví dụ 2: Đồng chí Trung úy Hoàng Anh Tuấn, công tác tại Công an tỉnh X, có con dưới 03 tuổi bị ốm đau nên phải nghỉ việc để chăm sóc con từ ngày 04 tháng 4 đến ngày 11 tháng 4 năm 2016. Ngày nghỉ hằng tuần của đồng chí Tuấn là ngày Chủ nhật.

Như vậy, số ngày đồng chí Tuấn thực tế nghỉ việc để chăm sóc con là 08 ngày; trong đó, số ngày được hưởng chế độ khi con ốm đau là 07 ngày (trừ 01 ngày nghỉ hằng tuần là ngày Chủ nhật).

b) Trường hợp trong cùng một thời gian người lao động có từ 02 con trở lên dưới 07 tuổi bị ốm đau, thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được tính bằng thời gian thực tế người lao động nghỉ việc chăm sóc con ốm đau; thời gian tối đa người lao động nghỉ việc trong một năm cho mỗi con được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 3: Đồng chí Nguyễn Thị Lê, nhân viên cơ yếu có 02 con dưới 07 tuổi bị ốm đau với thời gian như sau: Con thứ nhất bị ốm từ ngày 04 tháng 01 đến ngày 10 tháng 01 năm 2016, con thứ hai bị ốm từ ngày 07 tháng 01 đến ngày 13 tháng 01 năm 2016, đồng chí Lê phải nghỉ việc để chăm sóc cả 02 con ốm đau. Ngày nghỉ hàng tuần của đồng chí Lê là ngày Chủ nhật. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của đồng chí Lê được tính từ ngày 04 tháng 01 đến ngày 13 tháng 01 năm 2016 là 09 ngày (trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần là ngày Chủ nhật).

c) Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì tùy theo điều kiện của mỗi người có thể luân phiên nghỉ việc chăm sóc con ốm đau, thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 4: Vợ chồng đồng chí Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Mai đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ngày nghỉ hàng tuần của hai vợ chồng đồng chí Mai đều là Chủ nhật. Vợ chồng đồng chí Mai có con 06 tuổi bị ốm phải điều trị ở bệnh viện từ ngày 11 tháng 01 đến ngày 05 tháng 02 năm 2016. Vì điều kiện công việc, hai vợ chồng đồng chí Mai phải bố trí thay nhau nghỉ chăm sóc con như sau:

- Đồng chí Mai nghỉ chăm con từ ngày 11 tháng 01 đến ngày 17 tháng 01 và từ ngày 25 tháng 01 đến ngày 05 tháng 02 năm 2016;

- Chồng của đồng chí Mai nghỉ chăm con từ ngày 18 tháng 01 đến ngày 24 tháng 01 năm 2016.

Như vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của hai vợ chồng đồng chí Mai được tính như sau:

Đối với đồng chí Mai: Tổng số ngày nghỉ chăm sóc con là 19 ngày, trừ 02 ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật, còn lại 17 ngày. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con từ 3 đến dưới 7 tuổi ốm đau trong một năm tối đa là 15 ngày. Do vậy, trong trường hợp này, con của đồng chí Mai 06 tuổi nên đồng chí Mai được hưởng chế độ chăm sóc khi con ốm đau là 15 ngày.

Đối với chồng đồng chí Mai: Tổng số ngày nghỉ chăm sóc con là 07 ngày, trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật, còn lại 06 ngày. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của chồng đồng chí Mai là 06 ngày.

d) Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội, cùng nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau thì cả cha và mẹ đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau; thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 5: Vợ chồng đồng chí Thượng úy QNCN Đặng Thanh Hà, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có 02 con 04 tuổi bị ốm đau, vợ chồng đồng chí Hà phải nghỉ việc để chăm sóc con. Ngày nghỉ hằng tuần của vợ chồng đồng chí Hà là ngày Chủ nhật. Thời gian nghỉ của vợ chồng đồng chí Hà như sau:

Con thứ nhất bị ốm phải đi điều trị tại bệnh viện, đồng chí Hà nghỉ việc để chăm sóc con từ ngày 04 tháng 5 đến ngày 21 tháng 5 năm 2016;

Con thứ hai bị ốm tại gia đình, chồng của đồng chí Hà phải nghỉ việc để chăm sóc con từ ngày 05 tháng 5 đến ngày 09 tháng 5 năm 2016.

Trường hợp này, cả hai vợ chồng đồng chí Hà đều được hưởng chế độ chăm sóc con ốm đau.

Đối với đồng chí Hà: Thời gian nghỉ từ ngày 04 tháng 5 năm 2016 đến ngày 21 tháng 5 năm 2016 là 18 ngày, trừ 02 ngày nghỉ hằng tuần là Chủ nhật, còn lại 16 ngày. Tuy nhiên, do thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con (từ 3 đến dưới 7 tuổi) bị ốm đau trong một năm tối đa là 15 ngày. Do đó, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của đồng chí Hà chỉ được tính là 15 ngày.

Đối với chồng của đồng chí Hà: Thời gian nghỉ từ ngày 05 tháng 5 năm 2016 đến ngày 09 tháng 5 năm 2016 là 05 ngày, thời gian được hưởng chế độ khi con ốm đau là 04 ngày (trừ 01 ngày Chủ nhật).

Điều 5. Mức hưởng chế độ ốm đau

1. Mức hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Khoản 3 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội được tính như sau:

a) Mức hưởng khi nghỉ việc do ốm đau:

Mức hưởng chế độ ốm đau

=

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc

x 100%

x

Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau

24 ngày

Ví dụ 6: Đồng chí Trung úy Nguyễn Thị Huệ, hiện công tác tại Công an tỉnh Y; có hệ số lương 4,40; phụ cấp thâm niên nghề là 14%; ngày 15 tháng 3 năm 2016 đồng chí Huệ bị ốm đau phải nghỉ việc đến ngày 20 tháng 3 năm 2016 bằng 06 ngày (trừ 01 ngày nghỉ hằng tuần là ngày Chủ nhật); do đó, đồng chí Huệ được hưởng trợ cấp ốm đau từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội là 05 ngày, mức hưởng được tính như sau:

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tháng 02 năm 2016 của đồng chí Huệ: 5.768.400 đồng, nên mức hưởng chế độ khi nghỉ việc do ốm đau của đồng chí Huệ là:

Mức hưởng chế độ ốm đau

=

5.768.400 đồng

x 100% x 05 (ngày) = 1.201.750 đồng.

24 ngày

b) Trường hợp nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau liên tục từ một tháng trở lên (bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần) thì mức hưởng trợ cấp ốm đau của thời gian bằng một tháng được tính bằng mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau.

Ví dụ 7: Đồng chí Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Hạnh, hệ số lương 4,70, phụ cấp thâm niên nghề 15%, đồng chí Hạnh bị thoái hóa đốt sống cổ phải điều trị tại bệnh viện từ ngày 04 tháng 4 đến ngày 15 tháng 5 năm 2016, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi ốm đau (tháng 3 năm 2016) được tính là 6.215.750 đồng;

Mức hưởng trợ cấp ốm đau của đồng chí Hạnh được tính như sau:

Thời gian ốm đau được tính cả tháng: Từ ngày 04 tháng 4 đến ngày 03 tháng 5 năm 2016 là 01 tháng; mức hưởng trợ cấp bằng mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tháng 3 năm 2016 là 6.215.750 đồng.

Thời gian có ngày lẻ: từ ngày 04 tháng 5 đến ngày 15 tháng 5 năm 2016 là 12 ngày, trong đó có 02 ngày nghỉ hằng tuần là ngày Chủ nhật; do đó, số ngày lẻ được tính hưởng trợ cấp ốm đau từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội là 10 ngày và mức hưởng trợ cấp ốm đau là:

Mức hưởng chế độ ốm đau

=

6.215.750 đồng

x 100% x 10 (ngày) = 2.589.895 đồng

24 ngày

Tổng số tiền trợ cấp ốm đau của đồng chí Hạnh là:

6.215.750 đồng + 2.589.895 đồng = 8.805.645 đồng.

c) Mức hưởng khi nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau:

Mức hưởng chế độ chăm sóc con ốm đau

=

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc

x 75% x

Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ chăm sóc con ốm đau

24 ngày

Ví dụ 8: Cũng trường hợp ở ví dụ 6 nêu trên, đồng chí Huệ có con dưới 07 tuổi bị ốm đau, phải nghỉ việc để chăm sóc con ốm từ ngày 16 tháng 4 năm 2016 đến ngày 22 tháng 4 năm 2016 là 07 ngày (trong đó có 01 ngày nghỉ hằng tuần là ngày Chủ nhật); do đó, đồng chí Huệ được hưởng trợ cấp khi nghỉ việc để chăm sóc con ốm thay tiền lương trong 06 ngày, mức hưởng được tính như sau:

Mức hưởng chế độ chăm sóc khi con ốm đau

=

5.768.400 đồng

x 75% x 06 (ngày) = 1.081.575 đồng.

24 ngày

2. Trường hợp người lao động nghỉ việc do bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động, hoặc nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau ngay trong tháng đầu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính theo mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng đó.

3. Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm nghỉ ốm liên tục hoặc cộng dồn ngày nghỉ ốm trong tháng) thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội trong tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 9: Đồng chí Thiếu tá Mai Văn Nhiên, hiện đang công tác tại Công an tỉnh H, bị rối loạn tiêu hóa phải nghỉ việc để điều trị bệnh từ ngày 05 tháng 4 năm 2016 đến ngày 11 tháng 4 năm 2016 (bằng 06 ngày); ngày 12 tháng 4 năm 2016 đồng chí Nhiên tiếp tục trở lại làm việc; sau đó, ngày 18 tháng 4 năm 2016 đồng chí Nhiên bị viêm đại tràng phải điều trị bệnh từ ngày 18 tháng 4 đến ngày 26 tháng 4 năm 2016 (bằng 08 ngày); tổng cộng trong tháng 4 năm 2016 đồng chí Nhiên hưởng trợ cấp ốm đau là 14 ngày.

Như vậy, tháng 4 năm 2016 đồng chí Nhiên và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội, tháng này đồng chí Nhiên không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

4. Trong thời gian hưởng trợ cấp ốm đau, nếu Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở hoặc người lao động được phong, thăng quân hàm, nâng lương, tăng phụ cấp thâm niên nghề hoặc thâm niên vượt khung thì mức hưởng chế độ ốm đau của người lao động vẫn tính theo mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị bệnh.

Ví dụ 10: Đồng chí Đại úy QNCN Hoàng Văn Phong (hệ số lương: 5,00; phụ cấp thâm niên nghề 15%) bị gãy chân do tai nạn sinh hoạt, phải nghỉ việc để điều trị bệnh từ ngày 22 tháng 4 đến ngày 04 tháng 6 năm 2016. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tháng 3 năm 2016 của đồng chí Phong là 6.612.500 đồng.

Kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2016 Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng thì mức hưởng trợ cấp ốm đau từ ngày 01 tháng 5 đến ngày 04 tháng 6 năm 2016 của đồng chí Phong vẫn chỉ được tính theo mức lương của tháng 3 năm 2016 là 6.612.500 đồng.

Điều 6. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau

1. Người lao động đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Thời gian và mức hưởng được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 11: Đồng chí Đại úy Nguyễn Thị Kha, Trợ lý Tài chính ở đơn vị X; tính đến tháng 6/2016 đồng chí đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau được 40 ngày, sau khi đi làm trở lại một tuần thấy sức khỏe còn yếu, đồng chí Kha báo cáo và được Thủ trưởng đơn vị quyết định cho nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày. Đến tháng 8 năm 2016, đồng chí Kha bị ốm đau phải phẫu thuật, nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau 10 ngày thì trở lại làm việc nhưng sức khỏe chưa phục hồi.

Trường hợp của đồng chí Kha tính đến tháng 8 năm 2016 đã nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau được 05 ngày. Do vậy, khi trở lại làm việc sau thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau phải phẫu thuật mà sức khỏe chưa phục hồi thì đồng chí Kha được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau tối đa là 02 ngày (dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật tối đa là 07 ngày nhưng trước đó đồng chí Kha đã nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau là 05 ngày).

Ví dụ 12: Đồng chí Trung tá QNCN Nguyễn Hoàng Hưng có thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2016 tổng cộng là 30 ngày. Ngày 01 tháng 01 năm 2017 đồng chí Hưng được Thủ trưởng đơn vị ra quyết định nghỉ chuẩn bị hưu; do vậy, đồng chí Hưng không được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau.

2. Việc quyết định số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội do Thủ trưởng đơn vị cấp Trung đoàn và tương đương trở lên thuộc Bộ Quốc phòng; Thủ tướng đơn vị trực thuộc Bộ, đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục; Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trại giam và tương đương thuộc Tổng cục; cấp Trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh; Học viện, Trường Công an nhân dân, Bệnh viện, Doanh nghiệp, Đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Công an quyết định trên cơ sở đề nghị của cơ quan quân y, y tế, cơ quan nhân sự.

3. Người lao động đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính của năm đó.

Ví dụ 13: Đồng chí Thượng úy Nguyễn Đình Hùng, nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do phải phẫu thuật, từ ngày 15 tháng 10 năm 2016 đến ngày 15 tháng 12 năm 2016 (trong năm 2016 đồng chí Hùng chưa nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau). Từ ngày 16 tháng 12 năm 2016 đồng chí Hùng trở lại tiếp tục làm việc đến ngày 06 tháng 01 năm 2017, do sức khỏe chưa phục hồi nên đồng chí Hùng được đơn vị giải quyết nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau là 07 ngày.

Trường hợp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 7 ngày của đồng chí Hùng được tính cho năm 2016.

4. Trường hợp người lao động ốm đau nhưng không nghỉ làm việc, hoặc bị ốm đau phải nghỉ việc để điều trị nhưng không hưởng trợ cấp ốm đau từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau.

Ví dụ 14: Đồng chí Thiếu tá Lưu Đăng Kiên, tính đến hết tháng 12 năm 2016 có thời gian bị ốm đau phải đi viện và điều trị ngoại trú tổng cộng là 35 ngày, nhưng đồng chí Kiên không hưởng trợ cấp ốm đau từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội; do đó, đồng chí Kiên không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau.

Mục 2. CHẾ ĐỘ THAI SẢN

Điều 7. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

Điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội, được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:

a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh Hoặc nhận nuôi con nuôi.

Ví dụ 15: Đồng chí Trung úy Nguyễn Thị Lan sinh con vào ngày 13 tháng 01 năm 2017, khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 01 năm 2016 đến tháng 12 năm 2016, nếu trong khoảng thời gian này đồng chí Lan đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì đồng chí Lan được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp trong tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản này.

Ví dụ 16: Đồng chí Nguyễn Thị Hà, nhân viên cơ yếu, thôi việc vào tháng 8 năm 2017; sinh con vào ngày 16 tháng 12 năm 2017, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 01 năm 2017 đến tháng 12 năm 2017, nếu trong khoảng thời gian này đồng chí Hà đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên hoặc từ đủ 03 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì đồng chí Hà được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Việc giải quyết chế độ thai sản đối với đồng chí Hà do cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương nơi đồng chí Hà cư trú hợp pháp chi trả.

2. Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Đối với trường hợp chỉ có người cha tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội nhưng người mẹ không đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì người cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;

Ví dụ 17: Đồng chí Thiếu úy Nguyễn Văn Hạnh, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 5 tháng 2015 đến tháng 9 năm 2015; từ tháng 10 năm 2015 đến tháng 02 năm 2016 đồng chí Hạnh nghỉ việc để điều trị bệnh, hưởng trợ cấp ốm đau từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội và không tham gia đóng bảo hiểm xã hội; tháng 3 năm 2016 đồng chí Hạnh tiếp tục trở lại đơn vị làm việc. Ngày 12 tháng 5 năm 2016 vợ đồng chí Hạnh (có tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản) sinh con. Như vậy, thời gian 12 tháng trước khi vợ đồng chí Hạnh sinh con được xác định từ tháng 5 năm 2015 đến tháng 4 năm 2016; trong khoảng thời gian này đồng chí Hạnh có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội là 07 tháng nên đồng chí Hạnh được nhận trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng vợ đồng chí Hạnh sinh con.

b) Trường hợp chỉ có người cha tham gia đóng bảo hiểm xã hội, người mẹ nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc có tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, thì người cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.

Ví dụ 18: Đồng chí Bùi Văn Hiển, nhân viên cơ yếu, tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 12 năm 2015; do điều kiện sức khỏe, vợ chồng đồng chí Hiển phải nhờ người mang thai hộ; ngày 18 tháng 12 năm 2016 vợ chồng đồng chí Hiển được nhận con. Tuy nhiên, vợ đồng chí Hiển và người mẹ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; do đó, trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi nhận con, đồng chí Hiển có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 12 năm 2016) là 13 tháng, nên đồng chí Hiển được nhận trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại thời điểm nhận con (1.210.000 đồng x 2 tháng = 2.420.000 đồng).

Điều 8. Thời gian hưởng chế độ thai sản

1. Lao động nữ khi sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Trong thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh mà thai chết lưu, nếu lao động nữ đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội tính từ thời điểm thai chết lưu.

Ví dụ 19: Đồng chí Đại úy Hoàng Thị Phương, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên, mang thai đến tháng thứ 8 thì nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, một tháng sau khi nghỉ việc thì thai bị chết lưu. Như vậy, đồng chí Phương ngoài việc được hưởng chế độ thai sản cho đến khi thai chết lưu, còn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng tối đa không quá 50 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

b) Trường hợp lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, sau khi sinh mà con bị chết, nếu lao động nữ đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, lao động nữ được hưởng chế độ theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội.

2. Trường hợp người mẹ chết sau khi sinh con thì người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản quy định tại các Khoản 4, 5 và 6 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, được hướng dẫn như sau:

a) Trường hợp chỉ có người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà người mẹ chết sau khi sinh con, thì người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng cuối cùng của người mẹ trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản;

b) Trường hợp cả người cha và người mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà người mẹ chết sau khi sinh con thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng cuối cùng của người cha trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản;

c) Trường hợp chỉ có người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội mà chết thì người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của người mẹ;

d) Trường hợp cả người cha và người mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội nhưng chỉ có người cha đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội mà người mẹ chết sau khi sinh con thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha;

đ) Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng quy định tại Điểm b và Điểm d Khoản này tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ;

e) Trường hợp chỉ có người cha tham gia bảo hiểm xã hội mà người mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người cha;

g) Đối với trường hợp quy định tại Điểm b, d và e Khoản này mà người cha đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

3. Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con của lao động nữ và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.

Trường hợp tất cả các thai đều chết lưu thì thời gian được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội đối với từng thai chết lưu, không tính trùng thời gian hưởng.

Trường hợp tất cả các con sinh ra đều bị chết sau khi sinh thì thời gian được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội, áp dụng đối với con chết sau cùng.

Điều 9. Thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi

Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội nhưng không nghỉ việc để chăm con thì chỉ được hưởng trợ cấp một lần theo quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội.

Điều 10. Mức hưởng chế độ thai sản

1. Mức hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn.

Ví dụ 20: Đồng chí Thiếu úy QNCN Nguyễn Thị Anh, sinh con ngày 20 tháng 01 năm 2016, có diễn biến tiền lương đóng bảo hiểm xã hội 06 tháng liền kề gần nhất trước khi sinh con như sau:

- Từ tháng 8 năm 2015 đến tháng 9 năm 2015 (02 tháng): Thiếu úy QNCN, hệ số lương 3,70; phụ cấp thâm niên nghề 10%;

- Từ tháng 10 năm 2015 đến tháng 01 năm 2016 (04 tháng): Trung úy QNCN, hệ số lương 3,95; phụ cấp thâm niên nghề 10%;

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của đồng chí Anh được tính như sau:

(1.150.000 x 3,70 x 1,10 x 2th) + (1.150.000 x 3,95 x 1,10 x 4th)

= 4.891.333 đ/tháng

6 tháng

Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của đồng chí Anh là 4.891.333 đồng/tháng.

b) Đối với trường hợp người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội ngay trong tháng đầu tham gia bảo hiểm xã hội thì mức hưởng chế độ thai sản được tính theo mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng đó.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội, được hướng dẫn như sau:

a) Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi quy định tại Khoản 4 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội;

b) Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;

c) Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, người mẹ nhờ mang thai hộ, người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc thì người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

3. Trong thời gian hưởng chế độ thai sản, nếu Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở hoặc người lao động được phong, thăng quân hàm, nâng lương, tăng phụ cấp thâm niên nghề hoặc thâm niên vượt khung thì mức hưởng chế độ thai sản của người lao động vẫn tính theo mức bình quân tiền lương làm căn cứ tại thời điểm bắt đầu tính hưởng chế độ thai sản.

Ví dụ 21: Đồng chí Thượng úy QNCN Nguyễn Hải Vân, nhân viên Văn thư (hệ số lương 4,70; phụ cấp thâm niên nghề 13%); có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13 năm 02 tháng; ngày 15 tháng 3 năm 2016 đồng chí Vân sinh con, thời gian hưởng chế độ thai sản của đồng chí Vân được tính từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 14 tháng 9 năm 2016.

Tiền lương bình quân 06 tháng liền kề trước khi đồng chí Vân sinh con là 6.107.650 đồng. Từ ngày 01 tháng 5 năm 2016 Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng lên mức 1.210.000 đồng thì mức hưởng trợ cấp thai sản từ ngày 01 tháng 5 đến ngày 14 tháng 9 năm 2016 đối với đồng chí Vân vẫn tính theo mức tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi sinh con là 6.107.650 đồng (với mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng).

4. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Khoản 2 Điều này, được ghi theo mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản người lao động được nâng lương thì được ghi theo mức tiền lương mới của người lao động từ thời điểm được nâng lương.

Người lao động đang làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Điều 11. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

1. Lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội và Điểm c Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

2. Việc quyết định số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội do Thủ trưởng đơn vị cấp Trung đoàn và tương đương trở lên thuộc Bộ Quốc phòng; Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục; Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trại giam và tương đương thuộc Tổng cục; cấp Trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh; Học viện, Trường Công an nhân dân, Bệnh viện, Doanh nghiệp, Đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Công an quyết định trên cơ sở đề nghị của cơ quan quân y, y tế, cơ quan nhân sự.

3. Lao động nữ đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính cho năm đó.

Ví dụ 22: Đồng chí Trung úy Nguyễn Thị Thắm, công tác tại Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, ngày 15 tháng 12 năm 2016 trở lại làm việc sau thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con, đến ngày 10 tháng 01 năm 2017 do sức khỏe chưa phục hồi nên đồng chí Thắm được đơn vị giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày. Thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe của đồng chí Thắm được tính cho năm 2016.

4. Trường hợp người lao động không nghỉ việc thì không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Mục 3. CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ

Điều 12. Đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng

1. Đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

2. Người lao động quy định tại Điều 8 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP được cộng dồn các khoảng thời gian để giải quyết chế độ hưu trí, cụ thể như sau:

a) Thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên và thời gian công tác tại các chiến trường B, C trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 và chiến trường K trước ngày 31 tháng 8 năm 1989 mà bị ngắt quãng thì được cộng dồn làm căn cứ xét điều kiện để giải quyết chế độ hưu trí.

Ví dụ 23: Đồng chí Đại úy QNCN Lê Văn Nam, sinh tháng 3 năm 1965, nhân viên, lao động hợp đồng từ tháng 4 năm 1988 làm việc trong điều kiện bình thường; chuyển viên chức quốc phòng từ tháng 4 năm 2000 làm thợ hàn; chuyển quân nhân chuyên nghiệp từ tháng 04 năm 2012 công tác tại Đảo Bạch Long Vĩ (là nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7), Đồng chí Nam nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 4 năm 2016 có 28 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, tại thời điểm hưởng lương hưu đồng chí Nam có 51 năm 01 tháng tuổi đời, có tổng thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên là 16 năm (từ tháng 04 năm 2000 đến tháng 3 năm 2012 là 12 năm và từ tháng 04 năm 2012 đến tháng 3 năm 2016 là 4 năm). Do đó, đồng chí Nam đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

b) Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội trong Quân đội, công an, tổ chức cơ yếu mà được xác định là tuổi quân, thâm niên nghề công an, thâm niên nghề cơ yếu thì được cộng dồn để giải quyết chế độ hưu trí theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

3. Người lao động quy định tại Khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa không quá 06 tháng để đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trong những trường hợp cụ thể dưới đây mà có nguyện vọng thì được đóng toàn bộ số tiền bảo hiểm xã hội một lần cho những tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động là 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng cuối cùng trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu; người lao động được hưởng lương hưu tại tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã đóng đủ bảo hiểm xã hội cho số tháng còn thiếu:

a) Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ nhưng còn thiếu tối đa không quá 6 tháng thì đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

Ví dụ 24: Đồng chí Đỗ Thị Hải, sinh tháng 8 năm 1966, nhân viên mã hóa, thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ. Từ ngày 01 tháng 9 năm 2016, cơ quan cho đồng chí Hải nghỉ việc, với 19 năm 7 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Đồng chí Hải có nguyện vọng đóng bảo hiểm xã hội một lần cho 05 tháng còn thiếu để đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và được hưởng chế độ hưu trí hằng tháng. Tháng 9 năm 2016, đồng chí Hải đã nộp vào tài khoản chuyên thu bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng với mức đóng bằng 22% x 05 tháng theo mức tiền lương tháng cuối cùng trước khi nghỉ việc (tháng 8 năm 2016). Do đó, từ tháng 9 tháng 2016 đồng chí Hải (đủ 50 năm tuổi đời) được hưởng lương hưu hằng tháng.

b) Đủ 50 tuổi đối với nam và đủ 45 tuổi đối với nữ, có tổng thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên và thời gian công tác tại các chiến trường B, C trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 và chiến trường K trước ngày 31 tháng 8 năm 1989, từ đủ 15 năm trở lên nhưng còn thiếu tối đa không quá 6 tháng thì đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

c) Đủ 50 tuổi đối với nam và đủ 45 tuổi đối với nữ bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên nhưng còn thiếu tối đa không quá 06 tháng thì đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

d) Đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên, không phụ thuộc vào tuổi đời nhưng còn thiếu tối đa không quá 06 tháng thì đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

đ) Bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thi hành nhiệm vụ, còn thiếu tối đa không quá 06 tháng thì đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Điều 13. Mức hưởng lương hưu hằng tháng

1. Cách tính mức lương hưu hằng tháng quy định tại Điều 9 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:

a) Đối với người lao động nếu bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017, thì tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Khi tính tỷ lệ lương hưu (bao gồm cả các trường hợp quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều này) nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến đủ 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

Ví dụ 25: Đồng chí Trung tá Nguyễn Văn Ba, sinh tháng 6 năm 1969, nhập ngũ tháng 10 năm 1986, được nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, có 29 năm 03 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Ba được tính như sau:

- 15 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 29 là 14 năm, tính thêm: 14 x 2% = 28%

- 03 tháng tính bằng mức hưởng của nửa (1/2) năm đóng bảo hiểm xã hội: 0,5 x 2% = 1%;

- Tổng tỷ lệ trên là: 45% + 28% + 1% = 74%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Ba là: 74%.

Ví dụ 26: Đồng chí Đại úy Trần Thị Lan, Công an phường, sinh tháng 6 năm 1968, vào công tác trong công an nhân dân tháng 5 năm 1993, được nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 12 năm 2017, có 24 năm 07 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Lan được tính như sau:

- 15 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 24 là 9 năm, tính thêm: 9 x 3% = 27%

- 07 tháng tính bằng mức hưởng của 01 năm đóng bảo hiểm xã hội: 1 x 3% =3%;

- Tổng tỷ lệ trên là: 45% + 27% + 3% = 75%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Lan là: 75%.

b) Đối với lao động nữ nếu bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, thì tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Ví dụ 27: Cũng trường hợp đồng chí Lan (nêu tại Ví dụ 26), nhưng nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Lan được tính như sau:

- 15 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 24 là 9 năm, tính thêm: 9 x 2% = 18%

- 07 tháng tính bằng mức hưởng của 01 năm đóng bảo hiểm, xã hội: 1 x 2% = 2%;

- Tổng tỷ lệ trên là: 45% + 18% + 2% = 65%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Lan là: 65%.

c) Đối với lao động nam nếu bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, thì tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Năm bắt đầu hưởng lương hưu

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45%

2018

16 năm

2019

17 năm

2020

18 năm

2021

19 năm

Từ 2022 trở đi

20 năm

Ví dụ 28: Đồng chí Trung tá Lê Trung Kiên, sinh tháng 02 năm 1970, nhập ngũ tháng 10 năm 1988, được nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, có 29 năm 03 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Kiên được tính như sau:

- 16 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 17 đến năm thứ 29 là 13 năm, tính thêm: 13 x 2% = 26%

- 03 tháng tính bằng mức hưởng của 1/2 năm đóng bảo hiểm xã hội: 0,5 x 2% = 1%;

- Tổng tỷ lệ trên là: 45% + 26% + 1% = 72%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Kiên là: 72%.

Ví dụ 29: Đồng chí Thiếu tá QNCN Hoàng Đình Ân, sinh tháng 9 năm 1973, nhập ngũ tháng 01 năm 1991, lái xe, được nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, có 31 năm đóng bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Ân được tính như sau:

- 20 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 21 đến năm thứ 31 là 11 năm, tính thêm: 11 x 2% = 22%

- Tổng tỷ lệ trên là: 45% + 22% = 67%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Ân là: 67%.

2. Cách tính mức lương hưu hằng tháng theo Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP của người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội, được thực hiện như sau:

a) Được tính như quy định tại Khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi 55 đối với nam và tuổi 50 đối với nữ quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội hoặc nghỉ hưu trước tuổi 50 đối với nam và tuổi 45 đối với nữ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội thì tỷ lệ hưởng lương hưu giảm đi 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ từ 01 tháng đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi của năm đó.

Ví dụ 30: Đồng chí Đại úy QNCN Phạm Văn Hưng, làm việc trong điều kiện bình thường, có đủ 26 năm 4 tháng đóng bảo hiểm xã hội, không đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, bị suy giảm khả năng lao động 61%, nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 6 năm 2016 khi đủ 53 tuổi. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Hưng được tính như sau:

- 15 năm đầu tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 26 là 11 năm, tính thêm: 11 x 2% = 22%.

- 04 tháng được tính bằng 1/2 năm, tính thêm: 0,5 x 2% = 1%

- Tổng tỷ lệ trên là: 45 % + 22 % + 1% = 68%.

- Đồng chí Hưng nghỉ hưu trước tuổi 55 theo quy định là 02 năm nên tỷ lệ hưởng lương hưu tính giảm: 2 x 2% = 4%

- Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Hưng là: 68% - 4% = 64%.

Ví dụ 31: Đồng chí Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Hà, sinh năm 1962, lao động hợp đồng từ tháng 02 năm 1986; chuyển viên chức quốc phòng từ tháng 02 năm 1998; chuyển QNCN từ tháng 4 năm 2012, công tác trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61% và được nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 02 năm 2016 (có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội).

Tỷ lệ hưởng lương hưu của đồng chí Hà được tính như sau:

- 15 năm đầu được tính bằng 45%;

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 30 là 15 năm, tính thêm: 15 x 2% = 30%;

- Tổng tỷ lệ trên là: 45% + 30% = 75%;

- Đồng chí Hà sinh năm 1962 nên lấy ngày 01 tháng 01 năm 1962 để tính tuổi làm cơ sở tính năm nghỉ hưu trước tuổi. Do vậy, tại thời điểm hưởng lương hưu (ngày 01 tháng 02 năm 2016) đồng chí Hà đã 54 tuổi 01 tháng nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 1%;

Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của đồng chí Hà là 75% - 1% = 74%.

b) Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động quy định tại Điểm a Khoản này bằng mức lương cơ sở.

Điều 14. Thời điểm hưởng lương hưu

1. Thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm được ghi trong quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, khi người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật.

2. Thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 01 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu. Trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh (chỉ ghi năm sinh) thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày 01 tháng 01 của năm liền kề sau năm người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.

3. Thời điểm đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí khi suy giảm khả năng lao động là ngày 01 tháng sau liền kề khi người lao động có đủ cả ba điều kiện về tuổi đời, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có kết luận bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên của Hội đồng Giám định y khoa cấp có thẩm quyền.

Ví dụ 32: Đồng chí Thiếu tá Trần Văn Quang, sinh ngày 10 tháng 5 năm 1965, tính đến hết tháng 7 năm 2016 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 23 năm. Ngày 05 tháng 7 năm 2016, Hội đồng Giám định y khoa Bộ Quốc phòng kết luận đồng chí Quang bị suy giảm khả năng lao động 61%. Thời điểm đồng chí Quang đủ điều kiện hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động là ngày 01 tháng 8 năm 2016.

Ví dụ 33: Đồng chí Thượng úy Lê Thị Minh, sinh ngày 10 tháng 11 năm 1970, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 9 năm 1996; chuyển CNVQP từ tháng 8 năm 2006; chuyển QNCN từ 8 năm 2013; ngày 01 tháng 9 năm 2016, Hội đồng Giám định y khoa Bộ Quốc phòng kết luận đồng chí Minh bị suy giảm khả năng lao động 61%. Thời điểm đồng chí Minh đủ điều kiện hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động là ngày 01 tháng 10 năm 2016.

Ví dụ 34: Đồng chí Trần Thị Lan, nhân viên thống kê, Ban cơ yếu Chính phủ, sinh ngày 10 tháng 5 năm 1973, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 23 năm (trong đó 15 năm là giáo viên; 08 năm là người làm công tác cơ yếu). Ngày 05 tháng 5 năm 2016, Hội đồng Giám định y khoa Bộ Quốc phòng kết luận đồng chí Lan bị suy giảm khả năng lao động 61%. Thời điểm đồng chí Lan đủ điều kiện hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động là ngày 01 tháng 6 năm 2018 (tháng liền kề tháng đồng chí Lan đủ 45 tuổi, đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động).

4. Trường hợp người lao động hoặc người sử dụng lao động nộp hồ sơ chậm so với quy định thì phải có văn bản giải trình nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung giải trình.

5. Thời điểm hưởng lương hưu đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc quy định tại Khoản 11 Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP là thời điểm ghi trong văn bản giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.

6. Thời điểm hưởng lương hưu đối với người bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội.

Điều 15. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu

Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu quy định tại Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội, được thực hiện như sau:

1. Người lao động nghỉ việc bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017 mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ trên 30 năm đối với nam và từ trên 25 năm đối với nữ thì được hưởng trợ cấp một lần.

Ví dụ 35: Đồng chí Thượng tá Vũ Hoài Nam, sinh ngày 15 tháng 3 năm 1959, nghỉ việc hưởng lương hưu từ tháng 3 năm 2016, có 40 năm 01 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Đồng chí Nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (trên 30 năm) là 10 năm 01 tháng nên ngoài lương hưu hằng tháng đồng chí Nam còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 10,5 năm x 0,5 = 5,25 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 36: Đồng chí Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Lan, sinh ngày 01 tháng 5 năm 1968, tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 02 tháng 1988, có thời gian công tác trong Quân đội là 16 năm 03 tháng, tuổi quân là 04 năm 03 tháng, công tác trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% và được nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 5 năm 2016 với tổng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 28 năm 03 tháng; như vậy, đồng chí Lan có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (trên 25 năm) là 03 năm 03 tháng; do đó, ngoài lương hưu hằng tháng đồng chí Lan còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 3,5 năm x 0,5 = 1,75 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

2. Lao động nữ nghỉ việc hưởng lương hưu hằng tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ trên 30 năm thì được hưởng trợ cấp một lần.

Ví dụ 37: Đồng chí Trung tá QNCN Hà Thị Hoa, nhân viên quản lý, sinh ngày 30 tháng 4 năm 1968, nghỉ hưu tháng 5 năm 2018, có 31 năm 01 tháng đóng bảo hiểm xã hội bảo hiểm xã hội. Đồng chí Hoa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (trên 30 năm) là 01 năm 01 tháng nên ngoài lương hưu hằng tháng đồng chí Hoa còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 1,5 năm x 0,5 = 0,75 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

3. Lao động nam nghỉ việc hưởng lương hưu hằng tháng vào năm 2018 phải có trên 31 năm đóng bảo hiểm xã hội, năm 2019 phải có trên 32 năm, năm 2020 phải có trên 33 năm, năm 2021 phải có trên 34 năm, từ năm 2022 trở đi phải có trên 35 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp một lần.

Ví dụ 38: Đồng chí Đặng Văn Hà, cán bộ nghiên cứu, Ban Cơ yếu Chính phủ, sinh ngày 14 tháng 4 năm 1960, nghỉ hưu tháng 05 năm 2018, có 40 năm 09 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Đồng chí Hà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (trên 31 năm) là 09 năm 09 tháng nên ngoài lương hưu hằng tháng còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 10 năm x 0,5 = 5,0 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 39: Đồng chí Trung tá Lê Văn Ba, cán bộ công an phường, nghỉ hưu tháng 5/2022, có 37 năm 06 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Đồng chí Ba có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (trên 35 năm) là 02 năm 06 tháng nên ngoài lương hưu hằng tháng còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 2,5 năm x 0,5 = 1,25 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Điều 16. Bảo hiểm xã hội một lần

1. Bảo hiểm xã hội một lần được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 11 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP và Điều 18 Thông tư này. Trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định chưa đủ số năm cuối quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư này thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội đã được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 40: Đồng chí Kiều Cao Vũ, nhân viên Cơ yếu, tuyển dụng tháng 5 năm 2016; xếp lương sơ cấp nhóm 2, bậc 1/10, hệ số lương 2,95. Vì lý do đặc biệt nên được cho thôi việc và hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ ngày 01 tháng 9 năm 2016; thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 5 năm 2016 đến ngày 31 tháng 8 năm 2016 là 04 tháng. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của đồng chí Vũ là:

1.210.000 đồng x 2,95 x 22% x 04 tháng = 3.141.160 đồng.

Ví dụ 41: Cũng trường hợp đồng chí Vũ (nêu ở Ví dụ 40), giả sử đồng chí Vũ thôi việc và hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ ngày 01 tháng 4 năm 2017; thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 5 năm 2016 đến ngày 31 tháng 3 năm 2017 là 11 tháng. Mức hưởng bảo hiểm một lần của đồng chí Vũ được tính như sau:

1.210.000 đồng x 2,95 x 22% x 11 tháng = 8.638.190 đồng.

Tuy nhiên, đồng chí Vũ có thời gian công tác dưới 01 năm (11 tháng); do đó, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là:

1.210. 000 đồng x 2,95 x 02 tháng = 7.139.000 đồng.

3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của từng thời kỳ, trừ trường hợp người mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP. Việc tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được thực hiện như người lao động không được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, sau đó trừ đi số tiền nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (nếu có).

Số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính bằng tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ của từng tháng đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mức hỗ trợ của từng tháng được tính theo công thức sau:

Số tiền Nhà nước hỗ trợ tháng i

=

0,22

x

Chuẩn nghèo khu vực nông thôn tại tháng i

x

Tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước tại tháng i

4. Khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

Trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cả trước và sau ngày 01 tháng 01 năm 2014 mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

5. Người lao động đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, mức hưởng cụ thể như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Ví dụ 42: Đồng chí Trung úy Trần Văn Lợi, nhập ngũ tháng 02 năm 2003, phục viên về địa phương từ ngày 01 tháng 6 năm 2016, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 13 năm 04 tháng (trong đó 10 năm 11 tháng đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 và 02 năm 05 tháng đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 trở đi). Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của đồng chí Lợi được tính như sau:

- Đồng chí Lợi có 10 năm 11 tháng đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; 11 tháng lẻ sẽ được chuyển sang giai đoạn từ năm 2014. Như vậy, số tháng đóng bảo hiểm xã hội tính đến hết ngày 31 tháng 5 năm 2016 để tính bảo hiểm xã hội một lần của đồng chí Lợi được tính là 10 năm trước năm 2014 và 03 năm 04 tháng (02 năm 05 tháng + 11 tháng) đóng bảo hiểm xã hội giai đoạn từ năm 2014 trở đi (được tính là 3,5 năm).

- Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của đồng chí Lợi được tính như sau:

Mức hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần

=

(1,5 tháng x 10 năm) + (2 tháng x 3,5 năm)

X

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Như vậy, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của đồng chí Lợi ở ví dụ trên là 22 tháng mức bình quân tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội.

6. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần và điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở để tính bảo hiểm xã hội một lần được căn cứ vào thời điểm hưởng ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 43: Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, nhân viên cơ yếu, Ban Cơ yếu Chính phủ, tuyển dụng tháng 3 năm 2004; đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hết tháng 4 năm 2016; thôi việc về địa phương từ ngày 01 tháng 5 năm 2016.

Bảo hiểm xã hội một lần của đồng chí Tuấn được tính trên mức lương cơ sở tại thời điểm ngày 01 tháng 5 năm 2016 là 1.210.000 đồng/tháng,

7. Bảo hiểm xã hội một lần đối với hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân; học viên công an nhân dân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí được thực hiện như sau:

a) Nếu trước khi nhập ngũ hoặc trước khi là học viên công an nhân dân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí mà chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thời gian để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần khi xuất ngũ, thôi việc là thời gian thực tế phục vụ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí;

Ví dụ 44: Đồng chí Hạ sĩ Hoàng Văn Đức, nhập ngũ tháng 9 năm 2014, tháng 8 năm 2016 xuất ngũ. Đồng chí Đức được hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi xuất ngũ ứng với thời gian từ tháng 9 năm 2014 đến tháng 8 năm 2016 là 02 năm; mỗi năm được hưởng 02 tháng lương cơ sở, tổng số bằng 4 tháng lương cơ sở; mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ quỹ bảo hiểm xã hội khi đồng chí Đức xuất ngũ là: 1.210.000 đồng x 04 tháng = 4.840.000 đồng.

b) Nếu trước khi nhập ngũ hoặc trước khi là học viên công an nhân dân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội mà chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ quỹ bảo hiểm xã hội (bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội) thì thời gian để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần khi xuất ngũ, thôi việc là tổng thời gian phục vụ thực tế trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó.

Ví dụ 45: Đồng chí Hạ sĩ Võ Văn Huân; nhập ngũ tháng 3 năm 2015; xuất ngũ ngày 01 tháng 03 năm 2017; trước khi nhập ngũ đồng chí Huân có 04 năm công tác và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại một Doanh nghiệp ngoài Quân đội. Như vậy, thời gian để tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính như sau:

- Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội ở cơ quan ngoài Quân đội là 04 năm.

- Thời gian phục vụ tại ngũ là 02 năm.

- Tổng thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội là: 04 năm + 02 năm = 06 năm.

Điều 17. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Người lao động quy định tại Khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, nếu không đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP hoặc nghỉ việc mà không hưởng bảo hiểm xã hội một lần quy định tại Điều 10 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, thì được Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận, bảo lưu thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội, được thực hiện như sau:

1. Trong thời gian bảo lưu, nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì được cộng tiếp thời gian đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thời gian đóng bảo hiểm tự nguyện) và được giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định đối với từng đối tượng tại thời điểm giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội.

2. Trong thời gian bảo lưu, nếu có nguyện vọng được nhận bảo hiểm xã hội một lần thì bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố nơi người lao động cư trú hợp pháp căn cứ vào sổ bảo hiểm xã hội để chi trả bảo hiểm xã hội một lần.

3. Người lao động có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và trong thời gian bảo lưu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội nữa, thì khi đủ tuổi đời quy định tại Điểm a hoặc Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP được hưởng lương hưu hằng tháng, do bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố nơi cư trú hợp pháp giải quyết.

4. Người lao động đã có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong thời gian bảo lưu không tiếp tục làm việc và không đóng bảo hiểm xã hội, nếu bị ốm đau, tai nạn rủi ro mà bị suy giảm khả năng lao động thì chủ động đi giám định y khoa về mức độ suy giảm khả năng lao động, nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì:

a) Trường hợp làm việc trong điều kiện lao động bình thường, nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội. Thời điểm nhận lương hưu hằng tháng khi có đủ các yếu tố theo quy định về tuổi đời và từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa.

Ví dụ 46: Đồng chí Đại úy QNCN Trần Văn Sang, sinh ngày 10 tháng 5 năm 1966, nhập ngũ tháng 5 năm 1987, phục viên từ ngày 01 tháng 5 năm 2010 và đang bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 23 năm). Ngày 05 tháng 6 năm 2016, Hội đồng Giám định y khoa kết luận đồng chí Sang bị suy giảm khả năng lao động 61%. Như vậy, thời điểm đồng chí Sang đủ điều kiện hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

b) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, thì được nghỉ hưu theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội, không phụ thuộc vào tuổi đời. Thời điểm nhận lương hưu hằng tháng từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa.

5. Trong thời gian bảo lưu mà bị chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất quy định tại Mục 4 Chương II Thông tư này, do bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố nơi cư trú hợp pháp giải quyết.

6. Trong thời gian bảo lưu không được hưởng chế độ ốm đau, chế độ thai sản; trừ trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi theo quy định tại Khoản 4 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội.

7. Các trường hợp đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, khi giải quyết chế độ hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính theo mức lương cơ sở tại thời điểm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

8. Người lao động đã nhận bảo hiểm xã hội một lần khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc về địa phương trong thời gian không quá một năm (12 tháng) kể từ ngày quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc có hiệu lực thi hành, nếu có nguyện vọng bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó, thì phải hoàn trả quỹ bảo hiểm xã hội khoản bảo hiểm xã hội một lần đã nhận, cộng thêm khoản lãi suất đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; nộp về tài khoản chuyên thu bảo hiểm xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội ra quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần; cơ quan bảo hiểm xã hội đó có trách nhiệm xác nhận, bảo lưu thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội trước đó. Thời gian phục viên, xuất ngũ, thôi việc về địa phương không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 47: Đồng chí Trung úy QNCN Lê Văn Sinh, nhập ngũ tháng 02/2003, nghề nghiệp lái xe quân sự; phục viên về địa phương từ ngày 01 tháng 6 năm 2015, thời gian công tác trong quân đội là 12 năm 04 tháng, đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội; tháng 3 năm 2016, đồng chí Sinh được tuyển dụng vào làm nhân viên lái xe, thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ; đồng chí Sinh có nguyện vọng nộp lại khoản tiền bảo hiểm xã hội một lần đã nhận (kèm theo khoản lãi suất tính đến thời điểm nộp tiền theo quy định) để bảo lưu thời gian đã tham gia bảo hiểm xã hội trước đó và được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết theo quy định trên. Như vậy, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của đồng chí Sinh được tính từ tháng 02 năm 2003 đến tháng 5 năm 2015, cộng với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội tại Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ từ tháng 3 năm 2016 trở đi; thời gian về địa phương từ tháng 6 năm 2015 đến tháng 02 năm 2016 không được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

Điều 18. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần

1. Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc được thực hiện như sau:

a) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995:

Mbqtl =

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm (60 tháng) cuối trước khi nghỉ việc

60 tháng

b) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000:

Mbqtl =

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm (72 tháng) cuối trước khi nghỉ việc

72 tháng

c) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006:

Mbqtl =

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm (96 tháng) cuối trước khi nghỉ việc

96 tháng

d) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015:

Mbqtl =

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm (120 tháng) cuối trước khi nghỉ việc

120 tháng

đ) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019:

Mbqtl =

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm (180 tháng) cuối trước khi nghỉ việc

180 tháng

e) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024:

Mbqtl =

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm (240 tháng) cuối trước khi nghỉ việc

240 tháng

g) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi:

Mbqtl =

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc

Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội

Trong đó: Mbqtl là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

h) Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong các công thức quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, e và g Khoản này là tiền lương theo cấp bậc quân hàm, ngạch, bậc, và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp thâm niên vượt khung, hệ số chênh lệch bảo lưu đã đóng bảo hiểm xã hội (nếu có). Khi tính bình quân tiền lương này được tính theo chế độ tiền lương do Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và quy định về mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng lương hưu hoặc nhận bảo hiểm xã hội một lần. Trường hợp người lao động đang giữ chức vụ lãnh đạo ở một cơ quan, đơn vị Quân đội, Công an, Cơ yếu; đồng thời, được bầu cử, bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo ở cơ quan, đơn vị khác (cả trong và ngoài Quân đội, Công an, Cơ yếu) thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm theo quy định của pháp luật về tiền lương; phụ cấp kiêm nhiệm này không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 48: Đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Khoát, Trợ lý Văn phòng Bộ Quốc phòng, nhập ngũ tháng 3 năm 1976, có 40 năm 01 tháng công tác trong Quân đội, nghỉ hưởng chế độ hưu trí từ ngày 01 tháng 4 năm 2016. Mức bình quân tiền lương tháng trước khi nghỉ hưu của đồng chí Khoát cụ thể như sau:

Từ tháng 4 năm 2011 đến tháng 7 năm 2013 là 28 tháng, hệ số lương là 7,30; thâm niên nghề 37%:

1.150.000 đồng x 7,30 x 1,37 x 28 tháng = 322.032.200 đồng.

Từ tháng 8 năm 2013 đến tháng 3 năm 2016 là 32 tháng. Hệ số lương là 8,00; thâm niên nghề 40%:

1.150.000 đồng x 8,00 x 1,40 x 32 tháng = 412.160.000 đồng.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 5 năm cuối của đồng chí Khoát là:

322.032.200 đồng + 412.160.000 đồng

= 12.236.536 đồng/tháng

60 tháng

Ví dụ 49: Đồng chí Bùi Văn Hòa, sinh năm 1960, nhân viên cơ yếu (hưởng lương sơ cấp nhóm 1) thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, vào ngành Cơ yếu tháng 3 năm 1986; nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí từ ngày 01 tháng 4 năm 2016, có 30 năm 01 tháng phục vụ trong ngành Cơ yếu, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu của đồng chí Hòa cụ thể như sau:

- Từ tháng 4/2011 đến tháng 5/2013 là 26 tháng, hệ số lương 5,45; phụ cấp thâm niên nghề 27%:

1.150.000 đồng x 5,45 x 1,27 x 26 tháng = 206.952.850 đồng

- Từ tháng 6/2013 đến tháng 5/2014 là 12 tháng, hệ số lương 5,45; phụ cấp thâm niên nghề 28%; phụ cấp thâm niên vượt khung 5%:

1.150.000 đồng x 5,45 x 1,28 x 1,05 x 12 tháng = 101.082.240 đồng

- Từ tháng 6/2014 đến tháng 5/2015 là 12 tháng, hệ số lương 5,45; phụ cấp thâm niên nghề 29%; phụ cấp thâm niên vượt khung 6%:

1.150.000 đồng x 5,45 x 1,29 x 1,06 x12 tháng = 102.842.154 đồng

- Từ tháng 6/2015 đến tháng 3/2016 là 10 tháng, hệ số lương 5,45; phụ cấp thâm niên nghề 30%; phụ cấp thâm niên vượt khung 7%:

1.150.000 đồng x 5,45 x 1,30 x 1,07 x 10 tháng = 87.180.925 đồng

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu của đồng chí Hòa là:

206.952.850 đ + 101.082.240 đ + 102.842.154 đ + 87.180.925 đ

= 8.300.969 đồng/tháng

60 tháng

Ví dụ 50: Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, hưởng phụ cấp chức vụ 1,10; tháng 4 năm 2014 đồng chí Thành được bổ nhiệm chức danh Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (có phụ cấp chức vụ hệ số 1,30). Theo quy định, kể từ tháng 4 năm 2014 đồng chí Thành được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm 10% mức lương cấp hàm cộng với phụ cấp chức vụ hiện hưởng. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo của đồng chí Thành được trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

i) Trong thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động có từ hai giai đoạn trở lên thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì việc tính bình quân tiền lương ở khu vực Nhà nước được tính theo quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, e và g Khoản này phụ thuộc vào thời điểm đầu tiên người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ví dụ 51: Đồng chí Trung úy QNCN Mai Thị Hồng, có diễn biến quá trình tham gia bảo hiểm xã hội như sau:

Từ tháng 02 năm 1994 đến tháng 12 năm 2003 là giáo viên trường trung học cơ sở;

- Từ tháng 01 năm 2004 nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước đó (09 năm 11 tháng);

- Tháng 9 năm 2006 được tuyển dụng vào đơn vị Quân đội, chuyển xếp lương trung cấp nhóm 1, bậc 3, hệ số lương 4,10, phiên quân hàm Trung úy QNCN.

Như vậy, sau này khi giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần khi phục viên được tính bình quân tiền lương tháng của 05 năm cuối (60 tháng) trước khi đồng chí Mai Thị Hồng nghỉ hưu hoặc phục viên (do thời điểm đầu tiên đồng chí Hồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là vào tháng 02 năm 1994).

2. Người lao động quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần là mức lương cơ sở do Chính phủ quy định tại thời điểm hưởng lương hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

3. Trường hợp người lao động quy định tại Khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 1 Điều này; trường hợp chưa đủ số năm quy định tại Khoản 1 Điều này thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian và được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính theo công thức sau:

 

Mbqtl =

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định

+

Tổng số tiền lương của các tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định

Tổng số tháng đóng bảo hiểm

Trong đó:

a) Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, tính theo công thức sau:

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định

=

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản Điều này

x

Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định

b) Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tính theo công thức sau:

Tổng số tiền lương đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định

=

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sau khi điều chỉnh của từng năm

 

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sau khi điều chỉnh tường năm

=

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định của từng năm

x

Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng

             

c) Trường hợp người lao động có từ 02 giai đoạn trở lên thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính như Điểm a Khoản này. Trong đó, tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là tổng số các tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định của các giai đoạn.

Ví dụ 52: Đồng chí Đại tá Nguyễn Văn An nghỉ việc hưởng lương hưu khi có 37 năm 9 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Diễn biến thời gian đóng bảo hiểm xã hội của đồng chí An như sau:

- Từ tháng 01 năm 1979 đến tháng 12 năm 1986 (8 năm) đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

- Từ tháng 01 năm 1987 đến tháng 9 năm 1996 (9 năm 9 tháng) đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

- Từ tháng 10 năm 1996 đến tháng 9 năm 2016 (20 năm) đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Đồng chí An hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 10 năm 2016.

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định của đồng chí An được tính theo Điểm c nêu trên như sau:

- Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là: 8 năm + 20 năm = 28 năm (336 tháng).

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định của đồng chí An được tính như sau:

Mbqtl =

Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (tính từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 9 năm 2016)

60 tháng

- Vậy, tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định của đồng chí An được tính là: Mbqtl x 336 tháng.

4. Người lao động quy định tại Khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP đã chuyển sang ngạch công nhân, viên chức quốc phòng, công an, cơ yếu hoặc chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc chuyển ngành đi học hoặc chuyển sang doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định rồi mới nghỉ hưu thì cách tính lương hưu thực hiện như sau:

a) Trường hợp người lao động chuyển ngành sang các ngành nghề không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian phục vụ tại ngũ của mức lương sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân hoặc phụ cấp thâm niên nghề tính theo thời gian làm việc trong tổ chức cơ yếu tại thời điểm liền kề trước khi chuyển ngành, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.

Ví dụ 53: Đồng chí Nguyễn Đình Ân, sinh tháng 3/1956, nguyên Đại úy, trợ lý thanh niên; nhập ngũ từ tháng 4 năm 1976 đến ngày 01 tháng 01 năm 1991 chuyển ngành sang làm Chuyên viên thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (có 14 năm 9 tháng công tác trong Quân đội được tính thâm niên nghề). Nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2016; tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 40 năm. Đồng chí Ân có diễn biến tiền lương đóng bảo hiểm xã hội 05 năm cuối như sau:

- Từ tháng 4 năm 2011 đến tháng 3 năm 2014 = 36 tháng, hệ số lương là 6,1:

1.150.000 đồng x 6,1 x 36 tháng = 252.540.000 đồng.

- Từ tháng 4 năm 2014 đến tháng 3 năm 2016 = 24 tháng, hệ số lương là 6,44:

1.150.000 đồng x 6,44 x 24 tháng = 177.744.000 đồng.

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 05 năm cuối để làm cơ sở tính lương hưu của đồng chí Ân là:

252.540.000 đồng + 177.744.000 đồng

= 7.171.400 đồng/tháng

60 tháng

- Phụ cấp thâm niên nghề của đồng chí Ân trước khi chuyển ngành được cộng vào mức bình quân tiền lương tháng làm cơ sở tính lương hưu như sau:

Đại úy có hệ số lương quân hàm bằng 5,40; phụ cấp thâm niên nghề được tính là 14%:

1.150.000 đồng x 5,40 x 0,14 = 869.400 đồng.

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính lương hưu là:

7.171.400 đồng + 869.400 đồng = 8.040.800 đồng/tháng.

- Lương hưu hằng tháng của đồng chí Ân là:

8.040.800 đồng x 75% = 6.030.600 đồng/tháng.

b) Trường hợp người lao động chuyển ngành sang các ngành nghề được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu đã có phụ cấp thâm niên nghề thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Thời gian được tính thâm niên nghề làm cơ sở tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu là tổng thời gian làm việc trong các ngành nghề được hưởng phụ cấp thâm niên nghề (có đóng bảo hiểm xã hội); nếu không liên tục thì được cộng dồn; thời gian làm việc được tính hưởng nhiều loại thâm niên nghề cùng một lúc thì chỉ được tính hưởng một loại thâm niên nghề.

Ví dụ 54: Đồng chí Lê Xuân Quang, sinh tháng 3 năm 1956; nhập ngũ tháng 02 năm 1979; nguyên Thiếu tá, thuộc Bộ đội Biên phòng, tháng 3 năm 2000 chuyển ngành ra làm kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đồng chí Quang được nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2016; có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 37 năm 02 tháng; trong đó, có 37 năm được hưởng phụ cấp thâm niên nghề (21 năm thâm niên Quân đội và 16 năm thâm niên ngành Kiểm sát). Đồng chí Quang có diễn biến tiền lương đóng bảo hiểm xã hội 05 năm cuối như sau:

- Từ tháng 4 năm 2011 đến tháng 3 năm 2014 = 36 tháng, hệ số lương là 6,44; thâm niên nghề là 35%:

1.150.000 đồng x 6,44 x 1,35 x 36 tháng = 359.931.600 đồng.

- Từ tháng 4 năm 2014 đến tháng 3 năm 2016 = 24 tháng, hệ số lương là 6,78; thâm niên nghề là 37%:

1.150.000 đồng x 6,78 x 1,37 x 24 tháng = 256.365.360 đồng.

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 05 năm cuối để làm cơ sở tính lương hưu của đồng chí Quang là:

359.931.600 đồng + 256.365.360 đồng

= 10.271.616 đồng/tháng.

60 tháng

- Lương hưu hằng tháng của đồng chí Quang là:

10.271.616 đồng/tháng x 75% = 7.703.712 đồng/tháng.

c) Trường hợp người lao động chuyển ngành sang các ngành nghề không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề, sau đó lại chuyển sang các ngành được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu đã có phụ cấp thâm niên nghề, hoặc ngược lại thì căn cứ vào ngành nghề mà quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu công tác cuối cùng trước khi nghỉ hưu (ngành nghề có được hưởng phụ cấp thâm niên nghề hoặc ngành nghề không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề) để tính mức lương hưu theo Điểm a hoặc Điểm b Khoản này.

Ví dụ 55: Đồng chí Trần Xuân Thắng, sinh ngày 15 tháng 3 năm 1956, nhập ngũ tháng 02 năm 1980, nguyên Đại úy, trợ lý thuộc Quân khu 1 có 21 năm tuổi quân, được tính thâm niên nghề 21%, tháng 3 năm 2001 chuyển ngành sang làm kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên, tháng 4 năm 2003 chuyển sang công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy Thái Nguyên (không có phụ cấp thâm niên nghề), tháng 3 năm 2010 lại sang làm kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân, được nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2016, có 36 năm 02 tháng đóng bảo hiểm xã hội; trong đó, có 29 năm được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề (21 năm trong Quân đội + 08 năm ngành Kiểm sát).

Diễn biến tiền lương đóng bảo hiểm xã hội 05 năm cuối của đồng chí Thắng như sau:

- Từ tháng 4 năm 2011 đến tháng 3 năm 2014 = 36 tháng; hệ số 6,44; thâm niên 27%:

1.150.000 đồng x 6,44 x 1,27 x 36 tháng = 338.602.320 đồng.

- Từ tháng 4 năm 2014 đến tháng 3 năm 2016 = 24 tháng; hệ số 6,78; thâm niên 29%:

1.150.000 đồng x 6,78 x 1,29 x 24 tháng = 241.395.120 đồng.

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội 05 năm cuối để làm cơ sở tính lương hưu của đồng chí Thắng là:

338.602.320 đồng + 241.395.120 đồng

= 9.666.624 đồng/tháng

60 tháng

- Lương hưu hằng tháng của đồng chí Thắng là:

9.666.624 đồng/tháng x 75% = 7.249.968 đồng/tháng.

d) Trường hợp người lao động đã chuyển ngành rồi nghỉ hưu mà khi nghỉ hưu có mức lương hưu tính theo Điểm a hoặc Điểm b Khoản này thấp hơn mức lương hưu tính theo mức lương bình quân của quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu tại thời điểm chuyển ngành thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng tại thời điểm chuyển ngành và được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.

Ví dụ 56: Đồng chí Hoàng Đình Dũng, sinh tháng 4 năm 1956, nguyên Trung tá, trợ lý thuộc Tổng cục Chính trị, có 25 năm 07 tháng được tính thâm niên nghề, tháng 8 năm 2001 chuyển ngành ra làm chuyên viên Văn phòng Chính phủ, có 40 năm 04 tháng đóng bảo hiểm xã hội, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2016. Đồng chí Hoàng Đình Dũng có diễn biến tiền lương đóng bảo hiểm xã hội 05 năm cuối trước khi chuyển ngành và trước khi nghỉ hưu như sau:

- Trước khi chuyển ngành:

+ Từ tháng 8 năm 1996 đến tháng 6 năm 2000 = 47 tháng, quân hàm Thiếu tá, hệ số lương 6,0; thâm niên nghề 24%:

1.210.000 đồng x 6,0 x 1,24 x 47 tháng = 423.112.800 đồng.

+ Từ tháng 7 năm 2000 đến tháng 7 năm 2001 = 13 tháng, quân hàm Trung tá, hệ số lương 6,6; thâm niên nghề 25%:

1.120.000 đồng x 6,6 x 1,25 x 13 tháng = 129.772.500 đồng.

+ Mức bình quân tiền lương trước khi chuyển ngành là:

423.112.800 đồng + 129.772.500 đồng

= 9.214.755 đồng/tháng

60 tháng

- Trước khi nghỉ hưu:

+ Giả sử mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước nghỉ hưu của đồng chí Hoàng Đình Dũng là: 6.000.000 đồng/tháng.

+ Phụ cấp thâm niên nghề trước khi chuyển ngành là:

1.210.000 x 6,6 x 0,25 = 1.996.500 đồng.

Tổng cộng: 6.000.000 đồng + 1.996.500 đồng = 7.996.500 đồng/tháng.

Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu của đồng chí Dũng tại thời điểm nghỉ hưu thấp hơn mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển ngành. Do đó, đồng chí Hoàng Đình Dũng được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển ngành là 9.214.755 đồng/tháng làm cơ sở tính lương hưu.

Điều 19. Tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng

Việc tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được thực hiện theo quy định tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội do cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố nơi cư trú hợp pháp thực hiện và được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Người bị dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị Tòa án tuyên bố là mất tích, sau đó được Tòa án hủy quyết định tuyên bố là mất tích thì được tiếp tục hưởng và được nhận tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của những tháng chưa nhận, không bao gồm tiền lãi.

2. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng có thời gian gián đoạn chưa nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thì được nhận tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của những tháng chưa nhận, không bao gồm tiền lãi.

3. Người hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng mà chết trong thời gian gián đoạn chưa nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ tử tuất, thân nhân còn được nhận tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của những tháng chưa nhận, không bao gồm tiền lãi.

4. Người hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng hưởng do Tòa án tuyên bố là mất tích, sau đó Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được giải quyết chế độ tử tuất theo quy định nhưng không được nhận tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trong thời gian tạm dừng hưởng.

Mục 4. CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT

Điều 20. Trợ cấp mai táng

1. Trợ cấp mai táng được thực hiện theo quy định tại Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội và các Khoản 2 và 3 Điều 13 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

Ví dụ 57: Đồng chí Binh nhất Nguyễn Đình Hải, nhập ngũ tháng 02 năm 2016, bị chết do tai nạn rủi do ngày 05 tháng 11 năm 2016, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của đồng chí Hải là 10 tháng.

Trường hợp đồng chí Hải chết do tai nạn rủi ro, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 10 tháng (chưa đủ 12 tháng) nên người lo mai táng cho đồng chí Hải không được nhận trợ cấp mai táng.

Ví dụ 58: Đồng chí Hoàng Thế Thảo đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị chết do bệnh tật. Đồng chí Thảo có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 4 năm 2 tháng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 10 tháng.

Trường hợp đồng chí Thảo có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc là 60 tháng nên người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đồng chí Thảo chết.

2. Người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 12 tháng, hoặc người lao động có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện dưới 60 tháng thì khi chết, người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng quy định tại Khoản 1 Điều này.

Ví dụ 59: Đồng chí Nguyễn Văn An có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 02 năm 2012 đến tháng 02 năm 2015; tháng 3 năm 2015 tuyển dụng vào làm việc trong ngành Cơ yếu, ngày 14 tháng 5 năm 2015 đồng chí An bị tai nạn lao động, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 31%, được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng từ tháng 7 năm 2015, ngày 15 tháng 01 năm 2016 đồng chí An chết do tai nạn rủi ro.

Như vậy, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của đồng chí An chưa đủ 12 tháng, tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ 60 tháng; tuy nhiên, đồng chí An đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng cho nên thân nhân đồng chí An được hưởng trợ cấp mai táng.

3. Người lao động quy định tại Điểm a, b và d Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP nếu bị mất tin, mất tích và được Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại thời điểm Tòa án tuyên bố là đã chết.

Điều 21. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng

1. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện theo quy định tại Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội và Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

2. Hạn tuổi để xác định thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội được tính như sau:

a) Thời điểm chưa đủ 18 tuổi được tính đến hết tháng liền kề trước tháng sinh của năm đủ 18 tuổi.

b) Dưới 6 tuổi được tính đến ngày liền kề trước ngày, tháng sinh của năm đủ 6 tuổi.

Ví dụ 60: Đồng chí Đại úy Nguyễn Văn Song, công tác tại đơn vị Y thuộc Bộ Công an, có 16 năm đóng bảo hiểm xã hội, ngày 16 tháng 01 năm 2016 đồng chí Song bị chết do mắc bệnh hiểm nghèo; thân nhân đồng chí Song có 04 người đủ điều kiện hưởng tuất hằng tháng gồm: Bố đẻ sinh tháng 12 năm 1955, mẹ vợ sinh tháng 01 năm 1961, con Nguyễn Văn Hoàn, sinh ngày 15 tháng 9 năm 2009, con Nguyễn Thị Ca, sinh ngày 10 tháng 02 năm 2012.

Như vậy, trợ cấp tuất hằng tháng đối với cháu Hoàn được nhận từ ngày 01 tháng 02 năm 2016 đến hết tháng 8 năm 2027, đối với cháu Ca được nhận từ ngày 01 tháng 02 năm 2016 đến hết tháng 01 năm 2030 (với điều kiện sức khỏe hai cháu phát triển bình thường).

3. Việc xác định tuổi của con dưới hoặc đủ 06 tuổi để giải quyết trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại Khoản 3 Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội được tính từ tháng, năm sinh của con đến tháng, năm của người lao động chết.

Ví dụ 61: Đồng chí Thượng úy Nguyễn Văn Anh tham gia công tác từ tháng 5 năm 2000; thuộc đơn vị X Bộ Công an, có 16 năm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, ngày 15 tháng 5 năm 2016 đồng chí Anh chết do tai nạn rủi ro, con đồng chí Anh sinh ngày 05 tháng 5 năm 2010; trường hợp này khi đồng chí Anh chết, con đã đủ 6 tuổi, nếu gia đình có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần thì sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết.

4. Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (kể cả người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội) còn thiếu không quá 06 tháng để đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội mà bị chết, nếu có thân nhân đủ điều kiện hưởng chế độ tuất hằng tháng theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội và có nguyện vọng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì thân nhân được đóng tiếp bảo hiểm xã hội một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức đóng hằng tháng bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi chết (hoặc trước khi nghỉ việc đối với người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tính theo mức lương cơ sở ở thời điểm đóng bù) để được giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng; thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng người lao động chết. Trường hợp khi người cha chết mà người mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh ra.

5. Việc khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để làm cơ sở giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 4 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội, được thực hiện như sau:

a) Đối với trường hợp thân nhân bị suy giảm khả năng lao động, trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày người lao động chết, nếu thân nhân bị suy giảm khả năng lao động mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì nộp đơn đề nghị có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú gửi cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp Trung đoàn và tương đương trở lên thuộc Bộ Quốc phòng; Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục; Công an, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trại giam và tương đương thuộc Tổng cục; cấp Trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh; Học viện, Trường Công an nhân dân, Bệnh viện, Doanh nghiệp, Đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Công an, nơi quản lý trực tiếp người lao động chết. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm giới thiệu đến Hội đồng giám định y khoa Bộ Quốc phòng hoặc Hội đồng giám định y khoa Bộ Công an hoặc Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh nơi thuận tiện nhất đối với thân nhân để được giám định mức suy giảm khả năng lao động, làm cơ sở giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng; trừ trường hợp thân nhân người lao động đã được tổ chức có thẩm quyền kết luận bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc được cấp giấy xác nhận khuyết tật đặc biệt nặng;

b) Trong thời hạn 04 tháng trước hoặc sau thời điểm thân nhân quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội hết thời hạn hưởng trợ cấp theo quy định thì thân nhân có nguyện vọng phải nộp đơn đề nghị có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) nơi cư trú hợp pháp. Cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương có trách nhiệm giới thiệu thân nhân đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh để được giám định mức suy giảm khả năng lao động, làm cơ sở giải quyết tiếp trợ cấp tuất hằng tháng.

Điều 22. Mức trợ cấp tuất hằng tháng

1. Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân người lao động chết được thực hiện theo quy định tại Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 62: Đồng chí Đại úy QNCN Nguyễn Thị Khuyên có 16 năm công tác đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Tổng cục Kỹ thuật, có một con 05 tuổi. Hai vợ chồng đồng chí Khuyên không may cùng bị chết trong một vụ tai nạn giao thông.

Trong trường hợp này, con của đồng chí Khuyên được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Ví dụ 63: Hai vợ chồng đồng chí Nguyễn Thị Hồng đều là quân nhân, công tác tại Tổng cục Hậu cần, có một con duy nhất 6 tuổi. Cả hai vợ chồng đồng chí Hồng bị chết do tai nạn lao động. Trường hợp này, con của vợ chồng đồng chí Hồng sẽ được hưởng 02 lần mức trợ cấp tuất hằng tháng (bằng 02 lần của 70% mức lương cơ sở).

Ví dụ 64: Đồng chí Nguyễn Văn Đông, nhân viên cơ yếu ở Tỉnh ủy Hải Dương, là con duy nhất trong gia đình, mẹ đã chết, bố 62 tuổi (không có nguồn thu nhập). Đồng chí Đông bị chết do tai nạn lao động.

Trong trường hợp này, bố đồng chí Đông thuộc diện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

2. Trường hợp số thân nhân của người lao động chết, đủ điều kiện hưởng tuất hằng tháng vượt quá 4 người, thì các thân nhân trong gia đình thỏa thuận, thống nhất bằng văn bản, lựa chọn người nhận trợ cấp tuất hằng tháng, có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú, gửi cơ quan quản lý người lao động trước khi chết, báo cáo đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng hoặc Bảo hiểm xã hội Bộ Công an.

Điều 23. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần

Các trường hợp được hưởng trợ cấp tuất một lần quy định tại Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội và Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần mà chết, người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên mà chết, nhưng không có hoặc không còn thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

2. Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 15 năm mà chết do ốm đau, tai nạn rủi ro, người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 15 năm mà chết.

3. Người chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; do bị nhiễm HIV/AIDS vì tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thi hành nhiệm vụ, kể cả chết trong thời gian điều trị lần đầu, nhưng không có hoặc không còn thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

4. Người lao động đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc và đã nhận bảo hiểm xã hội một lần mà đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên nay chết, nhưng không có hoặc không còn thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

5. Người đang hưởng lương hưu hằng tháng mà chết nhưng không có hoặc không còn thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

6. Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần (trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên). Trường hợp này, phải có sự thống nhất bằng văn bản của các thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và cử người đại diện đứng ra nhận trợ cấp một lần.

7. Trường hợp đặc biệt giao Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an xem xét giải quyết trên cơ sở đề nghị thống nhất của thân nhân người lao động và của người sử dụng lao động.

Điều 24. Mức trợ cấp tuất một lần

1. Mức trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội và Khoản 6 Điều 13 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

2. Đối với người lao động đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc và đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động dưới 61% khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần bằng 03 tháng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà người lao động đang hưởng trước khi chết.

3. Đối với người lao động đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc và đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, khi chết mà không có thân nhân hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần bằng 03 tháng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà người lao động đang hưởng trước khi chết.

4. Khi tính trợ cấp tuất một lần đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chết mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa (1/2) năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

Trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cả trước và sau ngày 01 tháng 01 năm 2014 mà thời gian trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội sau ngày 01 tháng 01 năm 2014 trở đi để làm cơ sở tính trợ cấp tuất một lần

Ví dụ 65: Đồng chí Trung úy QNCN Nguyễn Văn Sơn, nhập ngũ tháng 10 năm 2005, bị ốm chết tháng 3 năm 2017; có mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là 5.500.000 đồng/tháng.

- Đồng chí Sơn có 8 năm 03 tháng đóng bảo hiểm xã hội ở giai đoạn trước ngày 01 tháng 01 năm 2014; có 3 năm 03 tháng đóng bảo hiểm xã hội ở giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 trở đi.

- Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của đồng chí Sơn được tính như sau (08 năm đóng trước năm 2014 và 3 năm 6 tháng đóng từ năm 2014 trở đi):

[(8 x 1,5) + (3,5 x 2)] x 5.500.000 đồng = 104.500.000 đồng.

5. Mức trợ cấp tuất một lần đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 23 Thông tư này thấp nhất bằng 03 tháng bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi người lao động chết.

6. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.

7. Người vừa hưởng chế độ hưu trí, vừa hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng mà chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất theo chế độ của thân nhân người hưởng lương hưu chết.

8. Đối với đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP mà chết thì trợ cấp tuất một lần tính theo mức lương cơ sở; mức thấp nhất bằng 03 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm người lao động chết.

Ví dụ 66: Đồng chí Vũ Văn Nam, chiến sĩ công an, nhập ngũ tháng 7 năm 2015 tháng 4 năm 2016 bị tai nạn rủi ro chết, mức trợ cấp tuất một lần từ quỹ bảo hiểm xã hội là: 1.150.000 đồng x 01 năm x 02 tháng = 2.300.000 đồng. Tuy nhiên, theo quy định, mức trợ cấp tuất một lần thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, trợ cấp tuất một lần cho thân nhân đồng chí Nam là: 1.150.000 đồng x 03 tháng = 3.450.000 đồng.

Chương III

QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 25. Mức đóng, phương thức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người hưởng chế độ phu nhân, phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

1. Người lao động quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP được cấp có thẩm quyền cho phép ra nước ngoài theo chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong thời gian hưởng chế độ phu nhân, phu quân thì mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của tháng liền kề trước khi người lao động ra nước ngoài theo chế độ phu nhân, phu quân.

2. Phương thức đóng và trách nhiệm đóng

Hằng tháng, người lao động hưởng chế độ phu nhân, phu quân có trách nhiệm đóng toàn bộ mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều này cho cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý mình trước khi ra nước ngoài theo chế độ phu nhân, phu quân.

Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động trước khi ra nước ngoài theo chế độ phu nhân, phu quân có trách nhiệm thu tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nêu trên, chuyển toàn bộ số tiền đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất về tài khoản chuyên thu bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội tỉnh, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng.

Hằng tháng, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm chuyển toàn bộ số tiền thu nêu trên vào quỹ bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý.

Điều 26. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

1. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội;các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 17 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền và thời hạn xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tạm thời nghỉ việc, giá trị tài sản bị thiệt hại quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP được quy định như sau:

a) Trình tự, thủ tục xác định:

- Người trực tiếp sử dụng lao động (doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp) thuộc đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, làm văn bản đề nghị gửi đơn vị cấp trên trực tiếp đến Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an, kèm theo danh sách lao động tại thời điểm trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh và danh sách lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc;

Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm văn bản đề nghị theo trình tự gửi đến Cục Tài chính Bộ Quốc phòng hoặc Cục Tài chính Bộ Công an, kèm theo báo cáo kiểm kê tài sản gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại; biên bản kiểm kê tài sản thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

b) Thẩm quyền xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an thực hiện. Số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc được tính so với tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh;

Thẩm quyền xác định giá trị tài sản bị thiệt hại đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Cục Tài chính Bộ Quốc phòng hoặc Cục Tài chính Bộ Công an xác định. Giá trị tài sản bị thiệt hại được tính so với giá trị tài sản theo báo cáo kiểm kê giá trị tài sản gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại.

c) Thời hạn xác định:

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của người sử dụng lao động, cơ quan quy định tại Điểm b Khoản này có trách nhiệm xem xét, xác định và có văn bản trả lời người sử dụng lao động;

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản trả lời người sử dụng lao động (nếu không có ý kiến khác, trường hợp có kiến ý khác thì thực hiện lại theo trình tự, thủ tục hồ sơ từ đầu) thì cơ quan quy định tại Điểm b Khoản này có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

3. Người sử dụng lao động đảm bảo điều kiện quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 17 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP có văn bản đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, kèm theo văn bản xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc hoặc văn bản xác định giá trị tài sản bị thiệt hại gửi Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an có trách nhiệm giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thời điểm tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tính từ tháng Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an nhận được đầy đủ văn bản đề nghị của người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều này (tính theo dấu bưu điện hoặc quân bưu của ngày đơn vị gửi hồ sơ).

Điều 27. Tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội

1. Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam được thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 17 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

2. Người lao động bị tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật và không được hưởng tiền lương tháng thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.

Hết thời hạn tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật, nếu người lao động được trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công tác thì người lao động và người sử dụng lao động thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm đình chỉ công tác. Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội.

3. Người lao động bị tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật và trong thời gian tạm đình chỉ công tác, người lao động vẫn được hưởng 50% tiền lương tháng thì người lao động và người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội trên tiền lương người lao động được hưởng; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu người lao động được trả đủ tiền lương thì người lao động và người sử dụng lao động thực hiện đóng bù bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 28. Quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

1. Nội dung sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

2. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an có trách nhiệm quản lý toàn bộ phần tài chính bảo hiểm xã hội; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và hướng dẫn về thu, chi bảo hiểm xã hội đối với tất cả các đối tượng đang phục vụ trong Bộ mình, trên cơ sở những quy định chung và hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hằng tháng, nộp toàn bộ số thu bảo hiểm xã hội và lãi phát sinh trên tài khoản thu vào quỹ bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý. Hằng quý, năm, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an quyết toán với các đơn vị thuộc Bộ; hằng năm quyết toán với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về các khoản thu, chi bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành về quản lý tài chính bảo hiểm xã hội.

3. Quản lý, sử dụng và quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội đối với Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an thực hiện theo Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Thông tư số 20/2016/TT-BTC ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. Quy định chuyển tiếp

Các quy định chuyển tiếp được thực hiện theo Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP; đồng thời, hướng dẫn thực hiện một số nội dung, cụ thể như sau:

1. Chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì vẫn hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 và được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 được giải quyết chế độ thai sản theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, mà từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi mới sinh con thì người chồng có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội. Đối với trường hợp lao động nữ sinh con trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 mà từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi nếu lao động nữ bị chết thì chế độ đối với người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng đến khi con đủ 06 tháng tuổi được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với trường hợp sinh con trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 mà từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi nếu con bị chết thì người mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội.

c) Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản của lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con được căn cứ vào quy định của chính sách tại thời điểm bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe để giải quyết, cụ thể như sau:

- Trường hợp thời điểm bắt đầu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung;

- Trường hợp thời điểm bắt đầu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thì thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Ví dụ 67: Đồng chí Thiếu úy Vũ Thị Lan, công tác tại công an tỉnh Vĩnh Phúc, sinh con ngày 20 tháng 12 năm 2015 (sinh thường). Chế độ thai sản đối với đồng chí Lan được thực hiện như sau:

- Chế độ thai sản khi sinh con được thực hiện theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2006;

- Sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì đồng chí Lan được xem xét giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo Luật Bảo hiểm xã hội.

2. Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Mục 3 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội, được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2016; kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 trở đi được thực hiện theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

3. Phụ cấp khu vực đối với người lao động hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

a) Người lao động hưởng chế độ hưu trí hằng tháng, hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc, hoặc chết từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi mà trước ngày 01 tháng 01 năm 2007 có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bao gồm cả phụ cấp khu vực, hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực mà thời gian đó được coi là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, hoặc có thời gian công tác tại các chiến trường B, C từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước; chiến trường K từ ngày 31 tháng 8 năm 1989 trở về trước và Nhà giàn DK1 từ ngày 10 tháng 6 năm 1989 trở đi thì khi giải quyết chế độ hưu trí, phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc tử tuất được áp dụng mức phụ cấp khu vực hệ số 0,7 (đối với chiến trường B, C, K) và mức phụ cấp khu vực hệ số 1,0 (đối với Nhà giàn DK1) để tính trợ cấp khu vực một lần;

b) Cách tính mức trợ cấp khu vực một lần đối với người hưởng lương hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc thân nhân của người lao động chết được tính như sau:

1/01/clip_image002.gif" width="155" />

Trong đó:

M: Mức trợ cấp khu vực một lần đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội có bao gồm phụ cấp khu vực;

Hi: Hệ số phụ cấp khu vực i nơi người lao động đóng bảo hiểm xã hội. Hệ số phụ cấp khu vực i được xác định theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.

Đối với thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 và từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính theo hệ số phụ cấp khu vực quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc.

Tj: Số tháng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm xã hội có bao gồm phụ cấp khu vực hệ số Hi; hoặc số tháng được coi là đóng bảo hiểm xã hội có bao gồm phụ cấp khu vực (áp dụng đối với chiến trường B, C, K và DK1).

15%: Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất theo tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động;

Lmin: Mức lương cơ sở tại tháng người lao động bắt đầu hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần hoặc tháng người lao động chết.

Ví dụ 68: Đồng chí Trung tá Đỗ Văn Sang, trợ lý Tổ chức, nghỉ việc hưởng lương hưu kể từ tháng 3/2016, trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực như sau:

Thời gian đóng BHXH bao gồm phụ cấp khu vực (Tj)

Hệ số phụ cấp khu vực nơi tham gia BHXH (Hi)

- Từ tháng 01/1998 đến tháng 12/1999 (24 tháng)

0,5

- Từ tháng 01/2000 đến tháng 12/2005 (72 tháng)

0,7

Mức lương cơ sở tại thời điểm tháng 3/2016 là 1.150.000 đồng.

Mức trợ cấp khu vực một lần đối với đồng chí Sang được tính như sau:

{(0,5 x 24 x 15%) + (0,7 x 72 x 15%)} x 1.150.000 = 10.764.000 đồng.

c) Cách tính mức trợ cấp khu vực một lần đối với người lao động có thời gian là đối tượng thuộc Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP công tác trên địa bàn có phụ cấp khu vực thì khi tính hưởng trợ cấp khu vực một lần ứng với thời gian hưởng sinh hoạt phí đó, được tính theo công thức sau:

1/01/clip_image004.gif" width="181" />

Trong đó:

N: Mức trợ cấp khu vực một lần đối với thời gian là hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đóng bảo hiểm xã hội có bao gồm phụ cấp khu vực;

Hi: Hệ số phụ cấp khu vực nơi hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đóng bảo hiểm xã hội thuộc diện hưởng phụ cấp quân hàm;

Tj: Số tháng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm xã hội có bao gồm phụ cấp khu vực hệ số Hi cho thời gian là hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân;

0,4: Hệ số phụ cấp quân hàm binh nhì.

Lmin: Mức lương cơ sở tại tháng bắt đầu hưởng lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội một lần, hoặc tháng người lao động chết.

4. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng bảo hiểm xã hội của đối tượng được cử đi công tác, học tập, lao động hợp tác quốc tế có thời hạn, đã xuất cảnh hợp pháp ra nước ngoài, đã về nước đúng hạn hoặc không đúng hạn nhưng cơ quan, đơn vị cũ không bố trí sắp xếp được việc làm, sau khi về nước tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì được tính theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội hiện hành. Trong đó, các tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trước ngày 01 tháng 10 năm 2004 được điều chỉnh theo Khoản 5 Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

5. Quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15 tháng 12 năm 1993 sau đó chuyển sang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được cộng nối thời gian công tác trong Quân đội, Công an trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội, cụ thể như sau:

a) Trường hợp người lao động làm việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, rồi mới nghỉ hưu thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau:

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần được thực hiện theo Khoản 1 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội; trường hợp có thời gian gián đoạn mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội sau cùng không đủ số tháng theo quy định thì lấy thêm số tháng của thời gian liền kề gần nhất trước đó cho đủ số tháng để tính bình quân tiền lương tháng; trong đó, các tháng đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 10 năm 2004 được điều chỉnh theo Khoản 5 Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP; trường hợp chưa đủ số năm quy định thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội; trường hợp chỉ chứng minh được cấp bậc quân hàm hoặc mức lương cuối cùng trước khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc thì áp dụng thời gian giữ cấp bậc quân hàm theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân hoặc thời gian giữ bậc lương theo quy định của Nhà nước để xác định diễn biến tiền lương của những năm cuối làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp một lần.

b) Trường hợp người lao động làm việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vừa thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định vừa theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định rồi mới nghỉ hưu thì cách tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Thông tư này.

Ví dụ 69: Đồng chí Nguyễn Thị Xinh, sinh tháng 6 năm 1961; nhập ngũ tháng 7/1979, nguyên Đại úy; trợ lý thuộc Tổng cục Kỹ thuật, phục viên ngày 01 tháng 7 năm 1993. Tháng 7 năm 2004 là Lao động hợp đồng, hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định; từ tháng 01 năm 2016 thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định. Đồng chí Xinh được nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, diễn biến tiền lương của đồng chí Xinh như sau:

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:

+ Từ tháng 01 năm 2011 đến tháng 6 năm 2013 là 30 tháng; hệ số lương 3,46.

1.210.000 đồng x 3,46 x 30 tháng = 125.598.000 đồng.

+ Từ tháng 7 năm 2013 đến tháng 12 năm 2015 là 30 tháng; hệ số lương 3,66.

1.210.000 đồng x 3,66 x 30 tháng = 132.858.000 đồng.

+ Tiền lương bình quân 05 năm cuối:

(125.598.000 đ + 132.858.000 đ): 60 tháng = 4.307.600 đồng.

+ Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là:

(từ tháng 7 năm 1979 đến tháng 6 năm 1993 = 168 tháng) + (từ tháng 7 năm 2004 đến tháng 12 năm 2015 = 138 tháng) = 306 tháng.

- Tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định:

+ Từ tháng 01 năm 2016 đến tháng 6 năm 2016 là 06 tháng; tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội: 5.000.000 đồng; hệ số điều chỉnh 1,00:

5.000.000 đồng x 06 tháng x 1,00 = 30.000.000 đồng.

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cả quá trình:

(4.307.600 đồng x 306 tháng) + 30.000.000 đồng

= 4.320.915 đồng/tháng.

312 tháng

6. Người lao động chết trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng hồ sơ giải quyết chế độ tử tuất gửi tới cơ quan bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi, thì chế độ tử tuất được thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 01 năm 2016. Trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất một lần tính theo mức lương cơ sở tại tháng người lao động chết, riêng trợ cấp tuất hằng tháng được điều chỉnh theo mức lương cơ sở do Chính phủ quy định ở từng giai đoạn và không tính lãi phát sinh.

7. Trong thời gian người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP được cấp có thẩm quyền cho phép ra nước ngoài theo chế độ phu nhân, phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP thì không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, gồm: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trừ trường hợp nếu trước khi ra nước ngoài đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, thì vẫn tiếp tục hưởng trợ cấp do đơn vị trực tiếp quản lý người lao động trước khi ra nước ngoài chi trả. Ngoài ra, được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước khi ra nước ngoài với đơn vị trực tiếp quản lý người lao động trước khi ra nước ngoài.

Trường hợp người lao động có quá trình đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã nghỉ việc nhưng chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần (đang bảo lưu) thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại tháng liền kề trước khi ra nước ngoài là tháng liền kề trước khi nghỉ việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất (nếu có) trong thời gian ở nước ngoài theo chế độ phu nhân, phu quân do đơn vị trực tiếp đang quản lý người lao động trước khi ra nước ngoài lập hồ sơ, gửi Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng hoặc Bảo hiểm xã hội Bộ Công an.

8. Hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên công an nhân dân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí trong giai đoạn từ ngày 31 tháng 12 năm 2006 trở về trước, ngay sau đó chuyển tiếp sang diện hưởng lương trong các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tổ chức Cơ yếu thì thời gian hưởng sinh hoạt phí đó được tính để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

9. Người lao động đã bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 khi giải quyết chế độ hưu trí hoặc tử tuất, thực hiện như sau:

a) Chế độ hưu trí: Người lao động đã bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nếu không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì nam đủ 55, nữ đủ 50, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí; nếu tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không thuộc nhóm đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP, hoặc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì nam đủ 60, nữ đủ 55, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí;

b) Chế độ tử tuất: Người lao động đã bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bị chết trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì chế độ tử tuất được thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều này; nếu chết từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thì giải quyết theo quy định tại Mục 5 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội và Mục 3 Chương II Nghị định số 33/2016/NĐ-CP.

10. Người lao động bị kết án tù giam từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi, đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc đang trong thời gian bảo lưu; nếu trong thời gian chấp hành án tù mà đủ điều kiện theo quy định tại một trong các Điểm a, Điểm b hoặc Điểm c Khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội thì được giải quyết chế độ hưu trí và được thực hiện như sau:

a) Nếu bị tù mà có kết luận của Tòa án mãn hạn tù trả về đơn vị cũ, sau khi chấp hành xong hình phạt tù giam thì sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội của Bộ quản lý người lao động trước khi bị kết án giải quyết. Thủ tục hồ sơ để giải quyết chế độ hưu trí được thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

b) Nếu bị tù mà có kết luận của Tòa án mãn hạn tù trả về địa phương, hoặc đang trong thời gian bảo lưu mà bị tù thì do cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương nơi cư trú hợp pháp sau khi hết hạn tù về giải quyết.

11. Trường hợp người lao động vừa hưởng chính sách ưu đãi người có công, vừa hưởng chính sách bảo hiểm xã hội quy định tại Khoản 7 Điều 23 Nghị định, số 33/2016/NĐ-CP thực hiện như sau:

a) Người lao động trong khi làm nhiệm vụ mà bị thương, hoặc chết thuộc trường hợp được xác định là tai nạn lao động, đồng thời được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh hoặc liệt sỹ, thì ngoài việc được hưởng chính sách ưu đãi người có công do ngân sách Nhà nước bảo đảm, vẫn được thực hiện chế độ tai nạn lao động, tử tuất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

b) Trường hợp người lao động bị tai nạn, bị chết do ốm đau, tai nạn ở những nơi khó khăn, gian khổ mà được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là thương binh, hoặc người hưởng chính sách như thương binh, hoặc liệt sỹ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, thì ngoài việc được hưởng chính sách ưu đãi người có công do ngân sách Nhà nước bảo đảm, còn được hưởng chế độ, tai nạn lao động, hoặc tử tuất từ quỹ bảo hiểm xã hội tùy theo điều kiện hưởng;

c) Người lao động khi phục viên, xuất ngũ mà đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền quyết định hưởng chế độ bệnh, binh, thì ngoài việc được hưởng chế độ bệnh binh do ngân sách Nhà nước bảo đảm, vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần quy định tại Điều 10 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP và Điều 16 Thông tư này; không thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

12. Người lao động bắt đầu hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi mà chưa được thực hiện theo quy định tại Thông tư này, thì bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố nơi đối tượng cư trú hợp pháp giải quyết truy trả trợ cấp một lần, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương và trợ cấp bảo hiểm xã hội thì bảo hiểm xã hội địa phương nơi đối tượng cư trú hợp pháp căn cứ vào hồ sơ hiện đang quản lý để thực hiện điều chỉnh theo quy định.

13. Các trường hợp đã hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 31 tháng 12 năm 2015 trở về trước thì vẫn thực hiện theo các quy định trước đây và được điều chỉnh mức hưởng theo quy định của Chính phủ ở từng giai đoạn.

14. Việc quản lý sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đang công tác trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Điều 30. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2016.

2. Các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

3. Các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này khi được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản khác thì nội dung dẫn chiếu cũng được điều chỉnh theo.

4. Các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, trừ nội dung về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hết hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016:

a) Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT/BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 14 tháng 9 năm 2007 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân (sau đây được viết tắt là Thông tư số 148/2007/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH).

b) Thông tư liên tịch số 02/2009/TTLT/BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 12 tháng 01 năm 2009 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT/BQP-BCA-BLĐTBXH.

c) Thông tư liên tịch số 101/2014/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 04 tháng 8 năm 2014 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT/BQP-BCA-BLĐTBXH.

Điều 31. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phổ biến, triển khai, kiểm tra việc thực hiện các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và Thông tư này.

2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an có trách nhiệm triển khai thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về liên Bộ để kịp thời nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Quốc phòng
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Trung tướng Lê Chiêm

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành

Phạm Minh Huân

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.