• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/11/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 15/03/2019
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 226/2006/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 10 tháng 10 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc quy định tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công

và lễ khánh thành công trình xây dựng

____________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

2. Đối với các công trình xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác ngoài các nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều này, khuyến khích chủ đầu tư áp dụng các quy định của Quyết định này, khi tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng.

Điều 2. Điều kiện tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng

1. Lễ động thổ, khởi công công trình chỉ được tiến hành khi đã có đủ các điều kiện khởi công theo quy định tại Điều 72 của Luật Xây dựng và quy định tại khoản 4 Điều 40 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

2. Lễ khánh thành công trình xây dựng chỉ được thực hiện khi đã hoàn tất công tác nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng theo quy định tại Điều 26 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng.

3. Mỗi dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ được tổ chức một lần lễ động thổ hoặc lễ khởi công và một lần lễ khánh thành công trình khi được phép của cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 3 của Quyết định này.

4. Việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là các buổi lễ), ngoài việc tuân theo các quy định tại Quyết định này, còn phải tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 3. Thẩm quyền cho phép tổ chức các buổi lễ

Chủ đầu tư lập kế hoạch tổ chức buổi lễ, trong đó nêu rõ lý do, nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần tham dự, kinh phí tổ chức, phương án tiến hành buổi lễ, trình người có thẩm quyền quy định dưới đây cho phép tổ chức buổi lễ:

1. Đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước:

a) Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức các buổi lễ đối với các công trình quan trọng quốc gia.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép tổ chức các buổi lễ đối với các công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương khi có một trong các điều kiện sau:

- Dự án thuộc nhóm A, theo quy định tại Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 09 năm 2006 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, trừ các dự án an ninh, quốc phòng, sản xuất chất độc hại, chất nổ.

- Có ảnh hưởng lớn đến lợi ích của cộng đồng trong phạm vi của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Đối với các công trình sử dụng vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, người cho phép tổ chức các buổi lễ là người có thẩm quyền quyết định đầu tư .

Điều 4. Tổ chức buổi lễ

1. Đơn vị tổ chức buổi lễ phối hợp với chính quyền địa phương nơi xây dựng công trình thông báo để nhân dân địa phương biết, thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho buổi lễ; đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương tuyên truyền về ý nghĩa quan trọng và nhiệm vụ xây dựng công trình.

2. Việc tổ chức buổi lễ phải phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc và điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, không phô trương hình thức, bảo đảm thực hành tiết kiệm chống lãng phí; không gây mất trật tự an ninh xã hội, không làm cản trở giao thông và các hoạt động công cộng khác. Không được lợi dụng việc tổ chức buổi lễ để tuyên truyền cho các mục đích khác ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

3. Tùy theo quy mô, tính chất của buổi lễ mà đơn vị tổ chức buổi lễ mời khách trong phạm vi thích hợp; đối tượng khách mời phải phù hợp với mục đích, yêu cầu buổi lễ; hạn chế mời khách ở xa nơi tổ chức các buổi lễ. Việc đưa đón khách mời cần tổ chức tại một số địa điểm, bằng xe chung, không tổ chức đưa đón tại nhà riêng.

4. Địa điểm tổ chức buổi lễ cần trang trí đơn giản, gọn nhẹ, trang trọng, thiết thực. Nội dung trang trí chủ yếu bao gồm: tên buổi lễ, tên dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, thời gian thực hiện dự án, biểu tượng, lôgô (nếu có) của chủ đầu tư và các nhà thầu.

5. Buổi lễ phải được thực hiện theo đúng chương trình, nội dung trong kế hoạch đã được phê duyệt. Nội dung chính của buổi lễ bao gồm: báo cáo tóm tắt của chủ đầu tư về dự án, ý kiến của nhà thầu, của địa phương nơi xây dựng công trình, ý kiến chỉ đạo của cấp trên, phát lệnh khởi công hoặc tuyên bố khánh thành công trình.

6. Nghiêm cấm việc tặng quà dưới bất kỳ hình thức nào, không dùng phù hiệu, "nơ", hoa cài ngực, hạn chế tối đa việc tặng hoa. Các buổi lễ không được gây lãng phí về thời gian và các chi phí khác có liên quan.

Điều 5. Chi phí cho tổ chức buổi lễ

1. Việc sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức các buổi lễ chỉ được tính vào chi phí của dự án khi được người có thẩm quyền quy định tại Điều 3 của Quyết định này cho phép.

2. Chi phí cho tổ chức từng buổi lễ căn cứ theo dự toán đã được phê duyệt. Dự toán chi phí cho tổ chức buổi lễ được lập phù hợp với nội dung và quy mô của công trình, thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành của Nhà nước. Nội dung chi phí gồm các công việc: chuẩn bị mặt bằng, trang trí, hệ thống âm thanh, ánh sáng, in ấn tài liệu, giấy mời, công tác phục vụ (nước uống, bảo vệ an ninh trật tự) và các chi phí cần thiết khác.

3. Chi phí cho tổ chức từng buổi lễ được tính trong chi phí khác của tổng dự toán xây dựng công trình, tối đa không quá 0,04% giá trị tổng dự toán xây dựng công trình nhưng không vượt quá 50 triệu đồng. Trường hợp nhà thầu là đơn vị tổ chức các buổi lễ để quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp thì chi phí cho tổ chức buổi lễ được tính trong chi phí quản lý của doanh nghiệp. Nghiêm cấm chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thanh toán chi phí cho tổ chức các buổi lễ.

Điều 6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư và doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của mình trong việc thực hiện Quyết định này.

2. Bộ Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra việc tổ chức các buổi lễ của các công trình do Thủ tướng Chính phủ cho phép và việc tổ chức các buổi lễ của các công trình khác khi cần thiết.

3. Các cơ quan, đơn vị và cá nhân có trách nhiệm tổ chức buổi lễ và cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan vi phạm Quyết định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ phải bồi thường vật chất, xử lý kỷ luật hành chính hoặc xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 8. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.