• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2023
BỘ Y TẾ
Số: 18/2022/TT-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 31 tháng 12 năm 2022

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 56/2017/TT-BYT NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 2017 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ LUẬT AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG THUỘC LĨNH VỰC Y TẾ

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế (sau đây viết tắt là Thông tư số 56/2017/TT-BYT)

1. Sửa đổi Điều 4 như sau:

“Điều 4. Trường hợp mắc bệnh được hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Ngoài trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội, người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.”.

2. Sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 5 như sau:

“d) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án quy định tại Phụ lục 3 và Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp người lao động không điều trị nội trú hoặc ngoại trú thì phải có giấy tờ về khám, điều trị thương tật phù hợp với thời điểm xảy ra tai nạn lao động và tổn thương đề nghị giám định.

Trường hợp người được giám định thuộc đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 47 của Luật an toàn, vệ sinh lao động: Trong bản tóm tắt hồ sơ bệnh án phải ghi rõ tổn thương do tai nạn lao động không có khả năng điều trị ổn định.”.

3. Sửa đổi khoản 3 Điều 5 như sau:

“3. Hồ sơ khám giám định để thực hiện chế độ hưu trí đối với người lao động:

a) Giấy giới thiệu đề nghị giám định của người sử dụng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này đối với người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này đối với người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hàng tháng trong đó người lao động tự khai rõ trong giấy đề nghị các thương tật, bệnh tật đề nghị khám giám định;

b) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau đây:

- Tóm tắt hồ sơ bệnh án;

- Giấy xác nhận khuyết tật;

- Giấy ra viện;

- Sổ khám bệnh;

- Phiếu khám bệnh;

- Phiếu kết quả cận lâm sàng;

- Đơn thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Hồ sơ bệnh nghề nghiệp;

- Biên bản giám định y khoa lần gần nhất đối với người đã được khám giám định;

c) Một trong các giấy tờ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này.”.

4. Sửa đổi điểm b khoán 4 Điều 5 như sau:

“b) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau đây:

- Tóm tắt hồ sơ bệnh án;

- Giấy xác nhận khuyết tật;

- Giấy ra viện;

- Sổ khám bệnh;

- Phiếu khám bệnh;

- Phiếu kết quả cận lâm sàng;

- Đơn thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Hồ sơ bệnh nghề nghiệp;

- Biên bản giám định y khoa lần gần nhất đối với người đã được khám giám định.”.

5. Sửa đổi điểm b khoản 5 Điều 5 như sau:

“b) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau đây:

- Tóm tắt hồ sơ bệnh án;

- Giấy xác nhận khuyết tật;

- Giấy ra viện;

- Sổ khám bệnh;

- Phiếu khám bệnh;

- Phiếu kết quả cận lâm sàng;

- Đơn thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Hồ sơ bệnh nghề nghiệp;

- Biên bản giám định y khoa lần gần nhất đối với người đã được khám giám định.".

6. Sửa đổi điểm b khoản 6 Điều 5 như sau:

“b) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau đây:

- Tóm tắt hồ sơ bệnh án;

- Giấy xác nhận khuyết tật;

- Giấy ra viện;

- Sổ khám bệnh;

- Phiếu khám bệnh;

- Phiếu kết quả cận lâm sàng;

- Đơn thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Hồ sơ bệnh nghề nghiệp;

- Biên bản giám định y khoa Lần gần nhất đối với người đã được khám giám định.”.

7. Sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 6 như sau:

“c) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án theo quy định tại Thông tư này hoặc Hồ sơ bệnh nghề nghiệp có ghi nhận tổn thương bệnh nghề nghiệp ở mức độ nặng hơn.

Trường hợp người được giám định thuộc đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 47 của Luật an toàn, vệ sinh lao động: Trong bản tóm tắt hồ sơ bệnh án điều trị phải ghi rõ bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định.”.

8. Sửa đổi khoản 1 Điều 12 như sau:

“1. Đối với các trường hợp giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp người lao động được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.”.

9. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 13 như sau:

“4. Nội dung khám giám định để hưởng chế độ hưu trí, chế độ tuất và nghỉ do không đủ sức khỏe để nuôi con sau khi sinh hoặc nghỉ dưỡng thai, nhận con nhờ mang thai hộ, khám giám định để hưởng bảo hiểm xã hội một lần căn cứ theo các giấy tờ quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 5 và khoản 2 Điều 12 Thông tư này phù hợp với từng trường hợp.

Trường hợp đã có Biên bản giám định tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc thương binh hoặc bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan với chất độc hóa học thì không thực hiện khám giám định lại các thương, bệnh, tật đã được ghi nhận trong Biên bản đó. Hội đồng giám định y khoa tổng hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể đã được xác định tại các Biên bản giám định y khoa trước đó với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương, bệnh, tật được đề nghị khám giám định mà không trùng với các tổn thương đã được ghi nhận và xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể.

Trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS căn cứ vào bản chính hoặc bản sao hợp lệ giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án để xem xét, giải quyết chế độ.

Trường hợp mắc những bệnh khác được hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì Biên bản giám định y khoa phải kết luận rõ các nội dung mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.”.

10. Sửa đổi điểm d khoản 5 Điều 13 như sau;

“d) Trường hợp đối tượng đã khám giám định do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 02 lần trở lên nhưng chưa tổng hợp tỷ lệ:

- Trường hợp các biên bản giám định y khoa ghi nhận tổn thương trùng lặp ở một hoặc nhiều cơ quan, bộ phận cơ thể thì Hội đồng giám định y khoa thực hiện khám giám định lại toàn bộ các tổn thương được ghi nhận trong các Biên bản giám định y khoa này (bao gồm cả các tổn thương trùng lặp và không trùng lặp) và tổng hợp với tỷ lệ tổn thương cơ thể được ghi nhận trong Biên bản giám định y khoa không có tổn thương trùng lặp theo quy định và ban hành Biên bản giám định y khoa mới;

- Trường hợp đối tượng đã khám giám định do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 02 lần trở lên mà có tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện hoặc hồ sơ bệnh nghề nghiệp ghi nhận tình trạng tổn thương nặng hoặc nhẹ hơn so với tổn thương được ghi nhận ở Biên bản giám định y khoa của các lần khám này, Hội đồng Giám định y khoa thực hiện khám giám định đối với toàn bộ các tổn thương được ghi nhận trong các Biên bản giám định y khoa có tình trạng tổn thương thay đổi và tổng hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể với tỷ lệ tổn thương cơ thể được ghi nhận trong Biên bản giám định y khoa còn lại theo quy định và ban hành Biên bản giám định y khoa mới;

- Ngoài các trường hợp nêu trên, Hội đồng Giám định y khoa tổng hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể của các biên bản giám định đó theo phương pháp quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp và ban hành Biên bản giám định y khoa mới.”.

11. Sửa đổi khoản 3 Điều 15 như sau:

“3. Trường hợp người bệnh được lưu trú tại Trạm y tế xã đối với các trạm y tế được Sở Y tế quyết định có giường lưu trú theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 4 Thông tư số 39/2018/TT- BYT ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp thì được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này trong đó ghi rõ số ngày được lưu trú tại Trạm y tế xã và số ngày nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội nhưng không quá 30 ngày.”.

12. Sửa đổi khoản 2 Điều 20 như sau:

“2. Một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai chuyên khoa trở lên của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.

Trường hợp người lao động khám nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với nhiều bệnh khác nhau thì chỉ cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và được giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với bệnh có chế độ cao nhất.

Trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo Chương trình Chống lao Quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người lao động bị sẩy thai, phá thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà tuổi thai từ 13 tuần tuổi trở lên thì thời gian nghỉ tối đa theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội nhưng không quá 50 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.”.

13. Bổ sung Điều 20a vào sau Điều 20 như sau:

“Điều 20a. Cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người nhiễm COVID-19 điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:

1. Đối tượng cấp:

Người nhiễm COVID-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;

b) Các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 được thành lập theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, như sau:

- Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19;

- Bệnh viện điều trị COVID-19;

- Bệnh viện hồi sức cấp cứu COVID-19;

- Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19.

2. Thẩm quyền cấp:

Người đứng đầu các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này hoặc người được người đứng đầu ủy quyền theo quy định của pháp luật.

3. Quy định về cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội:

a) Người bệnh sau khi kết thúc điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Thông tư này. Trường hợp giấy đã cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực không đúng mẫu theo quy định Thông tư số 56/2017/TT-BYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp lại theo quy định tại Thông tư này. Đối với giấy ra viện ghi ngày vào viện, ngày ra viện theo hồ sơ bệnh án điều trị nội trú; ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề theo ngày cấp:

b) Trường hợp người lao động đã điều trị COVID-19 nhưng chưa được cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người lao động đã điều trị COVID-19 căn cứ đề nghị của người đó và hồ sơ bệnh án để cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Đối với giấy ra viện ghi ngày vào viện và ngày ra viện ghi theo hồ sơ bệnh án điều trị nội trú: ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề theo ngày cấp;

c) Trường hợp người bệnh sau khi ra viện và trong giấy ra viện có ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú hoặc thời gian cách ly thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian ghi trong giấy ra viện;

d) Trường hợp người bệnh sau khi ra viện và trong giấy ra viện không ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú nhưng người bệnh phải cách ly theo quy định thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian cách ly quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 đã giải thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao phụ trách quản lý, điều hành cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo quy định tại khoản c mục V Quyết định số 4111/QĐ-BYT ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng chịu trách nhiệm cấp hoặc cấp lại hoặc cấp mới giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người bệnh;

e) Việc cấp, sử dụng mẫu giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Phụ lục 3 và Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.”.

14. Sửa đổi Điều 21 như sau:

“Điều 21. Hình thức cấp chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và cách ghi nội dung giấy tờ chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

1. Đối với trường hợp người lao động hoặc con dưới 07 tuổi của người lao động đã điều trị nội trú: Giấy ra viện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

Đối với trường hợp có chuyển viện trong quá trình điều trị thì có thêm bản sao hợp lệ giấy chuyển viện.

Đối với trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì không phải cấp giấy ra viện. Việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho khoảng thời gian người bệnh điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước khi tử vong được căn cứ vào thời gian ghi trên giấy báo tử theo quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2020 của Bộ Y tế quy định về phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong, cấp giấy báo tử và thống kê tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Đối với trường hợp người lao động hoặc con dưới 07 tuổi của người lao động đang điều trị ngoại trú: giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện thì cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ số ngày nghỉ ghi tại phần ghi chú của giấy ra viện để làm căn cứ thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.

3. Mẫu và cách ghi giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.

a) Việc ghi ngày bắt đầu nghi từ ngày người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh;

b) Việc ghi ngày tại mục ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thực hiện như sau:

- Ghi theo ngày, tháng người bệnh kết thúc khám bệnh, chữa bệnh;

- Ngày cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát hành giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp người lao động đề nghị thực hiện cấp lại theo quy định tại Thông tư này;

c) Trường hợp cấp lại thì phải thể hiện nội dung từ “CẤP LẠI” trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

4. Việc ghi mã bệnh, tên bệnh dài ngày trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.

Trường hợp mã bệnh ghi trong giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện trùng khớp với mã bệnh quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BYT nhưng tên bệnh không trùng khớp với tên bệnh quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BYT thì thực hiện giải quyết bệnh dài ngày theo mã bệnh quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BYT”.

15. Sửa đổi khoản 1 Điều 25 như sau:

“1. Cập nhật nội dung kết luận của biên bản giám định y khoa vào cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh quốc gia để liên thông với hệ thống dữ liệu của cơ quan bảo hiểm xã hội.”.

16. Bổ sung khoản 6 Điều 26 như sau:

“6. Trường hợp người lao động đã khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người lao động đã khám bệnh, chữa bệnh căn cứ quy định tại Thông tư này và văn bản đề nghị của người đó làm căn cứ cấp giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, trong đó tại phần ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề ghi theo ngày cấp.”

17. Sửa đổi Phụ lục 1, 2, 3,4 và 7 ban hành kèm theo Thông tư này.

18. Bổ sung Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2023

2. Phụ lục 4 và Phụ lục 5 ban hành kèm Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 06 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng Bộ Y tế

(Đã ký)

 

Trần Văn Thuấn

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.