• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 12/08/2024
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 14/2024/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 28 tháng 6 năm 2024

THÔNG TƯ

Quy định về phân loại tài sản có của tổ chức tài chính vi mô

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18  tháng 01 m 2024;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về phân loại tài sản có của tổ chức tài chính vi mô.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này quy định về việc phân loại đối với các tài sản có (sau đây gọi tắt là nợ) phát sinh từ các hoạt động sau của tổ chức tài chính vi mô:

a) Cho vay;

b) Ủy thác cho vay;

c) Gửi tiền (trừ tiền gửi thanh toán) tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Tổ chức tài chính vi mô;

b) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc phân loại nợ của tổ chức tài chính vi mô.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phân loại nợ là việc sắp xếp các khoản nợ gốc vào các nhóm nợ quy định tại Điều 5 Thông tư này.

2. Khoản nợ là số tiền tổ chức tài chính vi mô đã gửi, đã giải ngân từng lần (đối với trường hợp mỗi lần giải ngân có một thời hạn, kỳ hạn trả nợ khác nhau) hoặc đã giải ngân theo thỏa thuận (đối với trường hợp nhiều lần giải ngân nhưng có thời điểm cuối cùng của thời hạn và kỳ hạn trả nợ giống nhau) đối với nợ của một khách hàng mà khách hàng đó chưa hoàn trả.

3. Khoản nợ quá hạn là khoản nợ mà khách hàng không trả được đúng hạn một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi theo thỏa thuận với tổ chức tài chính vi mô.

4. Nợ xấu (NPL) là nợ xấu nội bảng, gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5 theo quy định tại Thông tư này.

5. Tỷ lệ nợ xấu là tỷ lệ giữa nợ xấu so với tổng các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 5 theo quy định tại Thông tư này.

6. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước).

7. Khách hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; khách hàng tài chính vi mô theo quy định của Ngân hàng Nhà nước có nghĩa vụ hoặc có thể phát sinh nghĩa vụ trả nợ, thanh toán cho tổ chức tài chính vi mô theo thỏa thuận.

Điều 3. Định kỳ thực hiện phân loại nợ

Ít nhất mỗi tháng một lần, trong 07 ngày đầu tiên của tháng, tổ chức tài chính vi mô căn cứ quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này để tự thực hiện phân loại nợ đến thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề.

Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 Điều 4. Nguyên tắc phân loại nợ

1. Toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một tổ chức tài chính vi mô phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ. Đối với khách hàng có từ 02 khoản nợ trở lên tại tổ chức tài chính vi mô mà có bất cứ một khoản nợ nào bị phân loại theo quy định tại Điều 5 Thông tư này vào nhóm có mức độ rủi ro cao hơn các khoản nợ khác, tổ chức tài chính vi mô phải phân loại lại các khoản nợ còn lại của khách hàng vào nhóm có mức độ rủi ro cao nhất.

2. Đối với khoản ủy thác cho vay mà bên nhận ủy thác chưa giải ngân hết số tiền đã ủy thác theo hợp đồng ủy thác, tổ chức tài chính vi mô ủy thác phải phân loại số tiền đã ủy thác nhưng chưa giải ngân như là một khoản cho vay đối với bên nhận ủy thác. Thời gian quá hạn được xác định từ thời điểm bên nhận ủy thác không giải ngân đúng theo thời hạn giải ngân quy định tại hợp đồng ủy thác.

Điều 5. Phân loại nợ

Tổ chức tài chính vi mô thực hiện phân loại nợ theo 05 nhóm như sau:

1. Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm:

a) Các khoản nợ trong hạn;

b) Các khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày.

2. Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) bao gồm:

a) Các khoản nợ quá hạn từ 10 ngày đến dưới 30 ngày;

b) Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu.

3. Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm:

a) Các khoản nợ quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày;

b) Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu;

c) Các khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo thỏa thuận.

4. Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ mất vốn) bao gồm:

a) Các khoản nợ quá hạn từ 90 ngày đến dưới 180 ngày;

b) Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu;

c) Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai.

5. Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm:

a) Các khoản nợ quá hạn từ 180 ngày trở lên;

b) Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu;

c) Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai;

d) Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn.

Điều 6. Báo cáo

Tổ chức tài chính vi mô phải báo cáo kết quả phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tài chính vi mô do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước

 1. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Thanh tra, giám sát, kiểm tra việc thực hiện phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro của tổ chức tài chính vi mô theo thẩm quyền và theo quy định pháp luật;

b) Xử lý vi phạm của tổ chức tài chính vi mô theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

2. Vụ Dự báo, thống kê đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về báo cáo thống kê việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

3. Vụ Tài chính - Kế toán căn cứ quy định tại Thông tư này xây dựng, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ hạch toán có liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày  12  tháng 8 năm 2024.

2. Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 15/2010/TT-NHNN ngày 16 tháng 6 năm 2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

 

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Đào Minh Tú

 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.