• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 29/12/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 01/11/2013
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 106/2005/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 5 tháng 12 năm 2005

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thu, nộp, hoàn trả thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp

và các khoản đảm bảo thanh toán thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp

 

Căn cứ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

Căn cứ Luật Hải quan;

Căn cứ Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH ngày 29/4/2004 về chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam và Pháp lệnh số 22/2004/PL-UBTVQH ngày 20/8/2004 về chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 90/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam và Nghị định số 89/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam;

Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục thu, nộp ngân sách nhà nước các khoản thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam; thủ tục hoàn trả thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp tạm thời hoặc các khoản bảo đảm thanh toán thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp tạm thời như sau:

I. Đối tượng chịu thuế:

Hàng hoá nhập khẩu thuộc đối tượng bị áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

II. Đối tượng nộp thuế:

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại mục I Thông tư này là đối tượng nộp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp.

III. Căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế:

1. Căn cứ tính thuế:

Căn cứ để tính thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp là số lượng hàng hoá nhập khẩu, giá tính thuế, tỷ giá tính thuế và thuế suất.

1.1. Số lượng hàng hoá là số lượng hàng hoá nhập khẩu bị áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp;

1.2. Giá tính thuế, tỷ giá tính thuế được thực hiện theo quy định như đối với thuế nhập khẩu;

1.3. Thuế suất thuế chống bán phá giá, thuế suất thuế chống trợ cấp là mức thuế suất theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

2. Phương pháp tính thuế:

 

 

Thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp

=

Số lượng hàng hoá nhập khẩu bị áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp

X

Giá tính thuế

X

Thuế suất

 

IV. Thời điểm tính thuế, thời hạn nộp thuế:

1. Thời điểm tính thuế: là ngày đối tượng nộp thuế đăng ký tờ khai hải quan với cơ quan hải quan theo quy định của Luật hải quan; đồng thời trong thời hạn hiệu lực của Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

2. Thời hạn nộp thuế: Đối tượng nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp phải nộp xong tiền thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp hoặc các khoản bảo đảm thanh toán thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp trước khi nhận hàng. Trường hợp đối tượng nộp thuế được các tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế là 30 ngày kể từ ngày đối tượng nộp thuế đăng ký Tờ khai hải quan.

Trường hợp hàng hoá tạm nhập tái xuất, hàng nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu thuộc đối tượng chịu thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp thì thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định như thời hạn nộp thuế thuế nhập khẩu của hàng tạm nhập tái xuất, hàng nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

V. Thủ tục thu nộp:

1. Khi nhận được Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời, thuế chống trợ cấp tạm thời, cơ quan hải quan có trách nhiệm thu số thuế chống bán phá giá tạm thời, thuế chống trợ cấp tạm thời, hoặc các khoản bảo đảm thanh toán thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và gửi vào tài khoản tạm giữ của cơ quan hải quan mở tại Kho bạc nhà nước. Chứng từ nộp tiền là biên lai thu tiền hoặc uỷ nhiệm chi.

2. Sau khi nhận được Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp hoặc Quyết định không áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp của Bộ trưởng Bộ Thương mại (quyết định chính thức), cơ quan hải quan thực hiện hoàn trả cho đối tượng nộp thuế (nếu nộp thừa) hoặc làm thủ tục chuyển số thuế phải thu từ tài khoản tạm giữ để nộp ngân sách nhà nước.

VI. Các trường hợp được hoàn trả:

1. Mức thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp phải nộp theo quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp tạm thời cao hơn mức thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp theo quyết định chính thức của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

2. Các khoản bảo đảm thanh toán thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp phải nộp cao hơn mức thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp theo quyết định chính thức của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

VII. Thủ tục hoàn trả:

Căn cứ Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại, đối tượng nộp thuế gửi công văn đề nghị hoàn thuế kèm theo tờ khai hàng hoá nhập khẩu, chứng từ nộp thuế nếu có (bản gốc hoặc bản sao đóng dấu sao y bản chính) tới cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu để được hoàn trả khoản thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp hoặc các khoản bảo đảm thanh toán thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu có trách nhiệm hoàn trả (hoặc không thu) cho đối tượng nộp thuế.

VIII. Tổ chức thực hiện:

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Chí Trung

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.