• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2025
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 39/2024/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 15 tháng 11 năm 2024

THÔNG TƯ

Quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích trên đường bộ; hàng siêu trường, siêu trọng, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ; cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ

_________________

 

Căn cứ Luật Đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;

Căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích trên đường bộ; hàng siêu trường, siêu trọng, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ; cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích trên đường bộ; hàng siêu trường, siêu trọng, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ; cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến: quản lý, công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích trên đường bộ, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ; cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khối lượng toàn bộ của xe gồm khối lượng bản thân xe cộng với khối lượng của thiết bị chuyên dùng để hỗ trợ phục vụ vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng được lắp, đặt vào phương tiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất (nếu có) cộng với khối lượng của người, hành lý và hàng hóa (bao gồm cả công te nơ; các thiết bị được sử dụng để kê, chèn, chằng buộc hàng hóa) xếp trên xe (nếu có).

2. Tải trọng trục xe là khối lượng toàn bộ của xe phân bố trên mỗi trục xe hoặc cụm trục xe.

3. Kích thước tối đa cho phép của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là kích thước bao ngoài giới hạn về chiều rộng, chiều cao, chiều dài của xe kể cả hàng hóa xếp trên xe (nếu có) được phép tham gia giao thông trên đường bộ.

4. Xe bánh xích là loại xe máy chuyên dùng tự hành di chuyển bằng bánh xích, khi tham gia giao thông trên đường bộ, răng xích có thể gây hư hỏng mặt đường, lề đường.

5. Tổ hợp xe là một xe ô tô kéo một rơ moóc hoặc một xe ô tô đầu kéo kéo một sơ mi rơ moóc.

6. Hàng không thể chia nhỏ, tháo rời (sau đây viết là hàng không thể tháo rời) là hàng dạng kiện còn nguyên kẹp chì, niêm phong của cơ quan hải quan, an ninh, quốc phòng hoặc là tổ hợp cấu kiện, thiết bị, máy móc nếu tháo rời, chia nhỏ sẽ bị hư hỏng hoặc thay đổi công năng.

7. Đường ngang là đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng và khai thác.

8. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ là doanh nghiệp dự án đối tác công tư (PPP) và doanh nghiệp được Nhà nước giao đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình đường bộ.

9. Đơn nguyên hàng là 01 kiện hàng còn nguyên kẹp chì, niêm phong của cơ quan hải quan, an ninh, quốc phòng hoặc 01 cấu kiện xây dựng hoặc 01 phương tiện, thiết bị, máy móc nguyên chiếc.

10. Đơn vị vận tải là tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện để vận tải hàng hóa trên đường bộ.

11. Người xếp hàng là tổ chức, cá nhân thực hiện việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ.

12. Người áp tải là cá nhân do người thuê vận tải hoặc chủ hàng sử dụng để thực hiện nhiệm vụ áp tải hàng hóa trong quá trình vận chuyển trên đường bộ.

13. Người thuê vận tải là tổ chức, cá nhân thuê đơn vị kinh doanh vận tải vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện giao thông đường bộ.

14. Hàng rời là hàng hóa thông thường không được đóng thùng, đóng bao hoặc đóng gói, khi vận chuyển được chứa trực tiếp bằng thùng chở hàng của xe ô tô tải, xe chuyên dùng, xe ô tô tải chuyên dùng, rơ moóc tải chuyên dùng, sơ mi rơ moóc tải chuyên dùng, rơ moóc chuyên dùng, sơ mi rơ moóc chuyên dùng.

15. Hàng bao kiện là hàng hóa được đóng gói trong bao, thùng hoặc kiện để bảo quản và bảo vệ hàng hóa khi vận chuyển.

16. Hàng hình trụ là hàng hóa có hình dạng trụ tròn hoặc hình ống tròn dễ lăn trên mặt phẳng.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ TẢI TRỌNG, KHỔ GIỚI HẠN CỦA ĐƯỜNG BỘ

Điều 4. Tải trọng của đường bộ

1. Tải trọng của đường bộ được quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Đường bộ.

2. Khả năng chịu tải khai thác của đường bộ bao gồm:

a) Khả năng chịu tải khai thác của cầu đường bộ được xác định theo hồ sơ thiết kế cầu và tình trạng kỹ thuật thực tế của cầu đường bộ, được cơ quan có thẩm quyền công bố theo quy định tại Điều 6, Điều 7 của Thông tư này;

b) Khả năng chịu tải khai thác của đường được xác định theo hồ sơ thiết kế mặt đường và tình trạng kỹ thuật thực tế của đường, được cơ quan có thẩm quyền công bố theo quy định tại Điều 6, Điều 7 của Thông tư này.

Điều 5. Khổ giới hạn của đường bộ

Khổ giới hạn của đường bộ được quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Đường bộ, được cơ quan có thẩm quyền công bố theo quy định tại Điều 6, Điều 7 của Thông tư này.

Điều 6. Công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và trạng thái kỹ thuật đường ngang

1. Cục Đường bộ Việt Nam công bố về tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ được quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Đường bộ (trừ các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều này) trên Trang thông tin điện tử của Cục Đường bộ Việt Nam.

2. Cục Đường cao tốc Việt Nam công bố về tải trọng, khổ giới hạn của các tuyến đường cao tốc được giao quản lý trên Trang thông tin điện tử của Cục Đường cao tốc Việt Nam; đồng thời gửi số liệu về Cục Đường bộ Việt Nam để cập nhật trên Trang thông tin điện tử của Cục Đường bộ Việt Nam.

3. Cục Đường sắt Việt Nam công bố trạng thái kỹ thuật đường ngang của mạng lưới đường sắt Việt Nam trên Trang thông tin điện tử của Cục Đường sắt Việt Nam; đồng thời gửi số liệu về Cục Đường bộ Việt Nam để cập nhật trên Trang thông tin điện tử của Cục Đường bộ Việt Nam.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ thuộc phạm vi quản lý và đường chuyên dùng có hoạt động giao thông công cộng trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Các cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này công bố công khai thông tin tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Điều chỉnh công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và trạng thái kỹ thuật đường ngang

1. Cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm cập nhật tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và trạng thái kỹ thuật của đường ngang trong phạm vi cả nước trên Trang thông tin điện tử của Cục Đường bộ Việt Nam theo định kỳ hàng năm (trước ngày 20 tháng 3 hàng năm). Trường hợp có thay đổi về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm cập nhật thông tin trên Trang thông tin điện tử của mình trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được số liệu của các Khu Quản lý đường bộ và các cơ quan quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này gửi về.

2. Cục Đường cao tốc Việt Nam chịu trách nhiệm cập nhật tải trọng, khổ giới hạn của các tuyến đường cao tốc được giao quản lý trên Trang thông tin điện tử của Cục Đường cao tốc Việt Nam; đồng thời gửi số liệu về Cục Đường bộ Việt Nam để cập nhật trên Trang thông tin điện tử của Cục Đường bộ Việt Nam theo định kỳ hàng năm (trước ngày 15 tháng 3 hàng năm) và trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày có thay đổi về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ.

3. Cục Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm cập nhật trạng thái kỹ thuật đường ngang của mạng lưới đường sắt Việt Nam trên Trang thông tin điện tử của Cục Đường sắt Việt Nam, đồng thời gửi số liệu về Cục Đường bộ Việt Nam để cập nhật trên Trang thông tin điện tử của Cục Đường bộ Việt Nam theo định kỳ hàng năm (trước ngày 15 tháng 3 hàng năm) và trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày có thay đổi về trạng thái kỹ thuật đường ngang.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức cập nhật tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ theo thẩm quyền.

5. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ có trách gửi số liệu về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đường bộ do địa phương quản lý), Cục Đường bộ Việt Nam (đối với quốc lộ quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Đường bộ), Cục Đường cao tốc Việt Nam (đối với các tuyến đường cao tốc được giao quản lý) để công bố, cập nhật trên Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam theo định kỳ hàng năm (trước ngày 10 tháng 3 hàng năm) và trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày có thay đổi về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ.

6. Người quản lý, sử dụng đường bộ đối với đường chuyên dùng có hoạt động giao thông công cộng có trách nhiệm gửi số liệu về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để công bố, cập nhật trên Trang thông tin điện tử của tỉnh theo định kỳ hàng năm (trước ngày 10 tháng 3 hàng năm) và trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày có thay đổi về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ.

7. Cầu trên các tuyến, đoạn tuyến đường bộ đã được công bố nhưng chưa được cải tạo, nâng cấp đồng bộ với tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ đã được công bố, người quản lý, sử dụng công trình đường bộ có trách nhiệm lắp đặt biển báo hiệu giới hạn tải trọng, khổ giới hạn thực tế của cầu.

Chương III

LƯU HÀNH XE QUÁ KHỔ GIỚI HẠN, XE QUÁ TẢI TRỌNG,

XE BÁNH XÍCH TRÊN ĐƯỜNG BỘ

Điều 8. Lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng trên đường bộ

1. Việc lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng trên đường bộ phải bảo đảm an toàn giao thông và an toàn cho công trình đường bộ.

2. Tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện, đơn vị vận tải, người thuê vận tải hoặc người điều khiển phương tiện khi lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn trên đường bộ ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải thực hiện các quy định sau:

a) Có giấy phép lưu hành xe theo quy định tại Phụ lục III của Thông tư này do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

c) Tuân thủ các quy định được ghi trong giấy phép lưu hành xe;

d) Không được phép lưu hành trên đường bộ đối với xe chở hàng hóa vượt quá khối lượng hàng chuyên chở cho phép theo thiết kế của xe được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.

3. Tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện, đơn vị vận tải, người thuê vận tải hoặc người điều khiển phương tiện khi lưu hành xe quá khổ giới hạn vận chuyển từ 02 (hai) đơn nguyên hàng trở lên phải thực hiện các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và phải đáp ứng các quy định sau:

a) Khối lượng toàn bộ và tải trọng trục của xe không vượt quá tải trọng của đường bộ;

b) Khi xếp từ 02 (hai) đơn nguyên hàng trở lên theo chiều cao thùng xe thì chiều cao xếp hàng phải bảo đảm quy định tại Điều 16 Thông tư này;

c) Khi xếp từ 02 (hai) đơn nguyên hàng trở lên theo chiều dài thùng xe, phải bảo đảm không vượt quá phạm vi chiều dài thùng xe và không vượt quá 20,0 mét (kể từ điểm ngoài cùng phía trước của phần đầu xe đến điểm cuối cùng phía sau của hàng hóa xếp trên xe);

d) Khi xếp từ 02 (hai) đơn nguyên hàng trở lên theo chiều rộng thùng xe, phải bảo đảm không vượt quá phạm vi chiều rộng thùng xe và kích thước bao ngoài theo chiều rộng của toàn bộ hàng không vượt quá 2,5 mét.

4. Cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý công trình đường bộ thuộc trường hợp phải gia cường thực hiện chấp thuận phương án khảo sát, thiết kế, gia cường công trình đường bộ theo quy định của Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ, Điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 9. Lưu hành xe bánh xích trên đường bộ

1. Xe bánh xích khi lưu hành trên đường bộ phải bảo đảm an toàn giao thông và thực hiện các biện pháp bắt buộc như lắp guốc xích, rải tấm đan, ghi thép hoặc biện pháp khác để bảo vệ mặt đường bộ. Trường hợp không thực hiện các biện pháp bắt buộc nêu trên, xe bánh xích phải được chở trên các phương tiện vận tải khác.

2. Tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện, đơn vị vận tải, người thuê vận tải hoặc người điều khiển phương tiện khi lưu hành xe bánh xích trên đường bộ ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải thực hiện các quy định sau:

a) Có giấy phép lưu hành xe theo quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Tuân thủ các quy định được ghi trong giấy phép lưu hành xe;

c) Thực hiện các quy định tại khoản 4 Điều 8 của Thông tư này và các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chương IV

HÀNG SIÊU TRƯỜNG, SIÊU TRỌNG, VẬN CHUYỂN HÀNG SIÊU TRƯỜNG, SIÊU TRỌNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ

Điều 10. Quy định về hàng siêu trường, siêu trọng

1. Hàng siêu trường được quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, khi xếp lên xe hoặc tổ hợp xe vận chuyển làm cho xe hoặc tổ hợp xe có ít nhất một trong các kích thước bao ngoài (kể cả hàng hóa xếp trên xe, tổ hợp xe) như sau:

a) Chiều dài lớn hơn 20,0 mét;

b) Chiều rộng lớn hơn 2,5 mét;

c) Chiều cao tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên lớn hơn 4,2 mét; đối với xe chở công te nơ lớn hơn 4,35 mét.

2. Hàng siêu trọng được quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, khi xếp lên xe hoặc tổ hợp xe vận chuyển làm cho xe hoặc tổ hợp xe có khối lượng toàn bộ (kể cả hàng hóa xếp trên xe, tổ hợp xe) lớn hơn 48 tấn.

Điều 11. Xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng

1. Xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng phải đáp ứng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 53 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đồng thời phù hợp với các thông số ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.

2. Trường hợp sử dụng các rơ moóc kiểu mô đun có tính năng ghép, nối được với nhau để chở hàng siêu trường, siêu trọng trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe phải thể hiện nội dung được phép ghép, nối với nhau.

Điều 12. Lưu hành xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ

1. Việc lưu hành xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ phải thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

2. Tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện, đơn vị vận tải, người thuê vận tải hoặc người điều khiển phương tiện khi vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải thực hiện các quy định sau:

a) Căn cứ vào loại hàng hóa, địa điểm vận chuyển (nơi đi, nơi đến) để lựa chọn tuyến đường, phương tiện vận chuyển (bao gồm cả thiết bị chuyên dùng để hỗ trợ phục vụ vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng) và phương án xếp hàng phù hợp nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ;

b) Có giấy phép lưu hành xe theo quy định tại Phụ lục III của Thông tư này do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Tuân thủ các điều kiện quy định ghi trong giấy phép lưu hành xe;

d) Chỉ được chở 01 (một) đơn nguyên hàng siêu trọng.

Chương V

XẾP HÀNG HÓA TRÊN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 13. Quy định chung về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ

1. Đơn vị vận tải phải lựa chọn phương tiện phù hợp với kích thước, khối lượng hàng hóa vận chuyển. Hàng hóa được vận chuyển phải phù hợp với kết cấu của khoang chứa hàng và công năng của phương tiện vận chuyển.

2. Việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ phải tuân thủ các quy định về khối lượng toàn bộ của xe, tải trọng trục xe, cụm trục xe, chiều cao, chiều rộng, chiều dài xếp hàng hóa cho phép của xe quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 của Thông tư này và không vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trừ trường hợp được cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ.

3. Hàng hóa xếp trên phương tiện phải được xếp đặt gọn gàng, xếp dàn đều, chằng buộc chắc chắn, chèn, lót đảm bảo không bị xê dịch theo các phương ngang, phương dọc và phương thẳng đứng; đảm bảo các quy định về vệ sinh môi trường; không để rơi vãi khi phương tiện tham gia giao thông; không cản trở tầm nhìn của lái xe; không làm mất thăng bằng của phương tiện hoặc gây khó khăn cho lái xe khi điều khiển; không che khuất đèn, biển số đăng ký và các cảnh báo an toàn của phương tiện. Một số trang thiết bị thường dùng để gia cố, chằng buộc, chèn, lót hàng hóa được hướng dẫn tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Đối với các loại hàng hóa là máy móc, phương tiện giao thông, trước khi xếp lên phương tiện phải rút hết nhiên liệu ra khỏi bình chứa. Phương pháp xếp hàng hóa là máy móc, phương tiện giao thông được hướng dẫn tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Việc xếp hàng hóa trên phương tiện đối với các loại hàng hóa đã được đóng gói thành bao, kiện, thùng, cuộn, khối thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

6. Việc xếp các loại hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện thực hiện theo quy định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và quy định tại Chương này.

Điều 14. Giới hạn tải trọng trục xe, cụm trục xe

1. Trục đơn: tải trọng trục xe ≤ 10 tấn.

2. Cụm trục kép, phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục:

a) Trường hợp d < 1,0 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 11 tấn;

b) Trường hợp 1,0 mét ≤ d < 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 16 tấn;

c) Trường hợp d ≥ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 18 tấn.

3. Cụm trục ba, phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục liền kề:

a) Trường hợp d ≤ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 21 tấn;

b) Trường hợp d > 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 24 tấn.

Điều 15. Giới hạn khối lượng toàn bộ của xe, tổ hợp xe

1. Đối với xe ô tô có tổng số trục:

a) Bằng hai, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 16 tấn;

b) Bằng ba, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 24 tấn;

c) Bằng bốn, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 30 tấn;

d) Bằng năm hoặc lớn hơn và khoảng cách tính từ tâm trục đầu tiên đến tâm trục cuối cùng nhỏ hơn hoặc bằng 7 mét, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 32 tấn;

đ) Bằng năm hoặc lớn hơn và khoảng cách tính từ tâm trục đầu tiên đến tâm trục cuối cùng lớn hơn 7 mét, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 34 tấn.

2. Đối với tổ hợp xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc có tổng số trục:

a) Bằng ba, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 26 tấn;

b) Bằng bốn, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 34 tấn;

c) Bằng năm và khoảng cách từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơ mi rơ moóc từ 3,2 mét đến 4,5 mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 38 tấn;

d) Bằng năm và khoảng cách từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơ mi rơ moóc lớn hơn 4,5 mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 42 tấn;

đ) Bằng sáu hoặc lớn hơn và khoảng cách từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơ mi rơ moóc từ 3,2 mét đến 4,5 mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 40 tấn; trường hợp chở một công te nơ, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 42 tấn;

e) Bằng sáu hoặc lớn hơn và khoảng cách từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơ mi rơ moóc lớn hơn 4,5 mét đến 6,5 mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 44 tấn;

g) Bằng sáu hoặc lớn hơn và khoảng cách từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơ mi rơ moóc lớn hơn 6,5 mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 48 tấn.

3. Đối với tổ hợp xe ô tô kéo rơ moóc: khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe gồm khối lượng toàn bộ của xe ô tô (tương ứng với khối lượng toàn bộ của xe được quy định tại khoản 1 Điều này) và tổng tải trọng các trục xe, cụm trục xe của rơ moóc được kéo theo (tương ứng với tải trọng trục xe, cụm trục xe được quy định tại Điều 14 của Thông tư này), cụ thể như sau:

a) Trường hợp xe ô tô kéo rơ moóc một cụm trục với khoảng cách tính từ tâm lỗ chốt kéo của thanh kéo đến điểm giữa của cụm trục của rơ moóc đo trên mặt phẳng nằm ngang của thanh kéo lớn hơn hoặc bằng 3,7 mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 45 tấn;

b) Trường hợp xe ô tô kéo rơ moóc nhiều cụm trục với khoảng cách tính từ tâm lỗ chốt kéo của thanh kéo đến tâm trục trước hoặc điểm giữa của cụm trục trước của rơ moóc đo theo mặt phẳng nằm ngang của thanh kéo lớn hơn hoặc bằng 3,0 mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe ≤ 45 tấn.

4. Đối với trường hợp tổ hợp xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc quy định tại điểm c, điểm đ khoản 2 Điều này nhưng có khoảng cách tính từ tâm chốt kéo đến tâm trục bánh đầu tiên của sơ mi rơ moóc < 3,2 mét hoặc tổ hợp xe ô tô kéo rơ moóc một cụm trục quy định tại điểm a khoản 3 Điều này nhưng có khoảng cách tính từ tâm lỗ chốt kéo của thanh kéo đến điểm giữa cụm trục của rơ moóc nhỏ hơn 3,7 mét hoặc tổ hợp xe ô tô kéo rơ moóc nhiều cụm trục quy định tại điểm b khoản 3 Điều này nhưng có khoảng cách tính từ tâm lỗ chốt kéo của thanh kéo đến tâm trục trước hoặc điểm giữa của cụm trục trước của rơ moóc nhỏ hơn 3,0 mét, khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe phải giảm 2 tấn trên 1 mét dài ngắn đi của các khoảng cách nêu tại khoản này tương ứng với từng trường hợp.

Điều 16. Chiều cao xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ

1. Đối với xe tải thùng hở có mui, chiều cao xếp hàng hóa cho phép là chiều cao giới hạn trong phạm vi thùng xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.

2. Đối với xe tải thùng hở không mui, hàng hóa xếp trên xe vượt quá chiều cao của thùng xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe phải được chằng buộc, kê, chèn chắc chắn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ. Chiều cao xếp hàng hóa cho phép không vượt quá chiều cao quy định dưới đây, tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên:

a) Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở theo thiết kế từ 5 tấn trở lên được ghi trong trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe: chiều cao xếp hàng hóa không quá 4,2 mét;

b) Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở theo thiết kế từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn được ghi trong trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe: chiều cao xếp hàng hóa không quá 3,5 mét;

c) Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở theo thiết kế dưới 2,5 tấn được ghi trong trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe: chiều cao xếp hàng hóa không quá 2,8 mét.

3. Xe chở công te nơ: chiều cao xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên không quá 4,35 mét.

4. Khi vận chuyển hàng rời, vật liệu xây dựng, phế thải: chiều cao xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 49 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

5. Xe mô tô, xe gắn máy: chiều cao xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 17. Chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ

1. Chiều rộng xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.

2. Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe và không lớn hơn 20,0 mét.

3. Xe ô tô chở người không được phép xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe và không được xếp hàng hóa, hành lý trên nóc xe (trừ trường hợp có thiết kế được cơ quan đăng kiểm chứng nhận) để đảm bảo an toàn giao thông.

4. Xe mô tô, xe gắn máy: chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

5. Xe thô sơ: chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 31 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều 18. Quy định về xếp hàng rời

1. Khi vận chuyển hàng rời phải sử dụng phương tiện có khoang chở hàng phù hợp, đảm bảo hàng hóa được che phủ chắc chắn, không bị rơi vãi. Chiều cao xếp hàng hóa theo quy định tại khoản 4 Điều 16 của Thông tư này.

2. Việc xếp hàng rời và che phủ hàng rời được hướng dẫn tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 19. Quy định về xếp hàng bao kiện

1. Các kiện hàng có khối lượng nặng hơn, có bao gói cứng, ổn định được xếp ở phía dưới.

2. Các kiện hàng có kích thước giống nhau sắp xếp cùng nhau.

3. Các kiện hàng bị nghiêng, lệch được xếp vào giữa để đảm bảo hạn chế xô lệch trong quá trình vận chuyển.

4. Trường hợp giữa các kiện hàng có khoảng cách, phải dùng các thiết bị, dụng cụ chèn, lót để chống va chạm, xê dịch trong quá trình vận chuyển. Trường hợp sau khi xếp hàng xong mà vẫn có khoảng trống trong thùng của phương tiện thì phải sử dụng các thiết bị, dụng cụ chèn, lót để cố định hàng hóa.

Điều 20. Quy định về xếp hàng dạng trụ

1. Hàng dạng trụ được xếp nằm ngang hoặc nằm dọc theo chiều dài phương tiện tùy thuộc vào chiều dài của hàng so với thùng của phương tiện. Khi đặt nằm ngang phải đặt vuông góc với chiều dài phương tiện.

2. Hàng dạng trụ có chiều cao nhỏ hơn hoặc bằng đường kính thì phải được đặt thẳng đứng sao cho trục hàng dạng trụ vuông góc với mặt đáy thùng phương tiện hoặc thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

3. Hàng dạng trụ phải được chằng buộc chắc chắn vào thành của phương tiện và phải sử dụng thùng hàng chuyên dụng hoặc sử dụng giá kê, giá đỡ có các thiết bị chêm, để chêm hoặc máng, thiết bị chèn, lót, chằng buộc để cố định trên sàn thùng xe, đảm bảo chắc chắn, tránh dịch chuyển hàng hóa theo phương ngang, phương dọc và phương thẳng đứng trong quá trình vận chuyển.

4. Hàng dạng trụ có bề mặt trơn nhẵn, khi xếp chồng lên nhau phải sử dụng vật liệu đệm lót giữa các lớp hàng để chống trơn trượt.

5. Việc xếp và cố định hàng dạng trụ được hướng dẫn tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 21. Quy định về xếp hàng vào công te nơ và xếp công te nơ trên phương tiện

1. Việc xếp hàng vào công te nơ phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Công te nơ phù hợp với loại hàng hóa và đặc tính của hàng hóa;

b) Chèn, lót để hàng hóa trong công te nơ không bị xê dịch trong quá trình
vận chuyển;

c) Khối lượng sử dụng lớn nhất và hàng hóa xếp trong công te nơ thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7553:2005 (ISO 668 : 1995) về công te nơ vận chuyển loại 1 - Phân loại, kích thước và khối lượng danh định;

d) Việc xếp hàng vào công te nơ được hướng dẫn tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Khi vận chuyển công te nơ phải sử dụng tổ hợp xe ô tô đầu kéo với rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoặc xe ô tô tải vận chuyển công te nơ phù hợp với loại công te nơ.

3. Công te nơ được thiết kế và sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra và chế tạo công te nơ vận chuyển trên các phương tiện vận tải. Công te nơ phải được cố định chắc chắn với phương tiện thông qua các cơ cấu khóa hãm đảm bảo không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển.

Chương VI

CẤP GIẤY PHÉP LƯU HÀNH XE QUÁ TẢI TRỌNG, XE QUÁ KHỔ GIỚI HẠN, XE BÁNH XÍCH, XE VẬN CHUYỂN HÀNG SIÊU TRƯỜNG, SIÊU TRỌNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ

 Điều 22. Quy định chung về cấp Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ

1. Xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng được cấp giấy phép lưu hành xe trên đường bộ trong các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản 3 Điều 52 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

b) Phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo đề nghị của cơ quan, đơn vị quốc phòng, an ninh;

c) Phục vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của cơ quan, tổ chức quản lý công trình hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên;

d) Thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp khẩn cấp theo đề nghị của cơ quan, tổ chức quản lý công trình hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên;

đ) Vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trong trường hợp chủ phương tiện, đơn vị vận tải, người thuê vận tải hoặc người điều khiển phương tiện sau khi đã tìm hiểu, khảo sát, có đơn đề nghị nêu rõ lý do các phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải không phù hợp hoặc phải kết hợp phương thức vận tải đường bộ với phương thức vận tải khác.

2. Giấy phép lưu hành xe được cấp cho từng tuyến, đoạn tuyến đường bộ cụ thể, một chiều hoặc cả hai chiều (từ nơi đi đến nơi đến và ngược lại) của từng chuyến vận chuyển hoặc từng đợt vận chuyển (đối với trường hợp vận chuyển nhiều chuyến có kích thước bao ngoài, khối lượng toàn bộ và tải trọng trục xe, cụm trục xe tương đương trên cùng tuyến đường vận chuyển).

3. Không cấp giấy phép lưu hành xe trong trường hợp chở hàng hóa vượt quá khối lượng hàng chuyên chở cho phép theo thiết kế của xe được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.

4. Thời hạn có hiệu lực của giấy phép lưu hành xe:

a) Các xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng khi lưu hành không phải thực hiện các điều kiện bắt buộc như đi theo làn quy định, có người, phương tiện hỗ trợ lái xe, cảnh báo cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác hoặc phải gia cường đường bộ: trường hợp lưu hành trên tuyến, đoạn tuyến đường bộ đã được cải tạo, nâng cấp đồng bộ thì thời hạn của giấy phép lưu hành xe không quá 90 ngày kể từ ngày cấp; trường hợp lưu hành trên tuyến, đoạn tuyến đường bộ chưa được cải tạo, nâng cấp đồng bộ thì thời hạn của giấy phép lưu hành xe không quá 30 ngày kể từ ngày cấp;

b) Các xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng khi lưu hành phải thực hiện các điều kiện bắt buộc như đi theo làn quy định, có người, phương tiện hỗ trợ lái xe, cảnh báo cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác hoặc phải gia cường công trình đường bộ: thời hạn của giấy phép lưu hành xe không quá 30 ngày kể từ ngày cấp;

c) Các xe bánh xích tự di chuyển trên đường bộ: thời hạn của giấy phép lưu hành xe là thời gian từng lượt từ nơi đi đến nơi đến nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày cấp;

d) Thời hạn hiệu lực của giấy phép lưu hành xe quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này phải nằm trong thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe; trường hợp thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ngắn hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này, thời hạn hiệu lực của giấy phép lưu hành xe bằng thời hạn hiệu lực còn lại của giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.

5. Mẫu giấy phép lưu hành xe quy định tại Phụ lục III, Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 23. Thủ tục cấp giấy phép lưu hành xe

1. Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 24 của Thông tư này.

2. Thành phần hồ sơ:

a) Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao chứng nhận đăng ký xe hoặc đăng ký tạm thời (đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng quy định tại khoản 5 Điều 39 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ);

c) Bản sao giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe hoặc bản sao tính năng kỹ thuật của xe do nhà sản xuất gửi kèm theo xe (đối với xe đăng ký tạm thời);

d) Phương án vận chuyển gồm các nội dung sau: thông tin về tuyến đường vận chuyển (ghi đầy đủ, cụ thể nơi đi, nơi đến, tên từng đoạn tuyến đường bộ, các vị trí chuyển hướng); thông tin về phương tiện vận chuyển; thông tin hàng hóa chuyên chở có xác nhận của người thuê vận tải, gồm các thông số kích thước về chiều dài, chiều rộng và chiều cao (D x R x C) mét, khối lượng; trích hợp đồng vận chuyển hoặc văn bản chỉ định đơn vị vận tải của người thuê vận tải; báo cáo kết quả khảo sát; đề nghị của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (đối với trường hợp quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 22 Thông tư này);

đ) Báo cáo kết quả hoàn thành gia cường công trình đường bộ (đối với trường hợp phải gia cường công trình đường bộ).

3. Trình tự cấp giấy phép lưu hành xe như sau:

a) Tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ

Đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ ngay trong ngày làm việc. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn bằng văn bản để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện lại hồ sơ; trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định thì tiếp nhận và viết phiếu hẹn trả kết quả.

Đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc trực tuyến, trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn bằng văn bản để tổ chức cá nhân bổ sung, hoàn thiện lại hồ sơ; trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định thì tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản này.

b) Thẩm định hồ sơ và trả kết quả

Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành xe; trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

4. Trên tuyến, đoạn tuyến đường bộ đã được khảo sát, thiết kế, gia cường công trình đường bộ (nếu có), cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành xe quy định tại Điều 24 của Thông tư này được sử dụng báo cáo kết quả khảo sát, báo cáo kết quả hoàn thành gia cường công trình đường bộ trong thời gian 06 (sáu) tháng tính từ ngày lập báo cáo để phục vụ việc cấp giấy phép lưu hành xe cho các xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng có các thông số (gồm: kích thước bao ngoài, khối lượng toàn bộ của xe và tải trọng trục xe, cụm trục xe) tương đương hoặc nhỏ hơn phương tiện đã được cấp giấy phép lưu hành xe trước đó khi lưu hành trên tuyến, đoạn tuyến đường bộ này.

Điều 24. Thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành xe

1. Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ trong phạm vi cả nước đối với các trường hợp sau:

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép lưu hành xe có địa chỉ đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hoạt động nằm trên địa bàn tỉnh, trừ quy định tại điểm c khoản 2, khoản 3 Điều này;

b) Phương tiện hoặc hàng hóa chở trên phương tiện được đề nghị cấp giấy phép lưu hành xe có nơi đi hoặc nơi đến nằm trên địa bàn tỉnh, trừ quy định tại điểm c khoản 2, khoản 3 Điều này;

c) Phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp khẩn cấp; công trình năng lượng: có nơi đi và nơi đến của phương tiện hoặc hàng hóa chở trên phương tiện được đề nghị cấp giấy phép lưu hành xe nằm trên địa bàn tỉnh.

2. Khu Quản lý đường bộ cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ trong phạm vi cả nước đối với các trường hợp sau (trừ quy định tại khoản 3 Điều này):

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép lưu hành xe có địa chỉ đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hoạt động nằm trên địa bàn quản lý của Khu Quản lý đường bộ khu vực;

b) Phương tiện hoặc hàng hóa chở trên phương tiện được đề nghị cấp giấy phép lưu hành xe có nơi đi hoặc nơi đến nằm trên địa bàn quản lý của Khu Quản lý đường bộ khu vực;

c) Phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp khẩn cấp; công trình năng lượng: có nơi đi và nơi đến của phương tiện hoặc hàng hóa chở trên phương tiện được đề nghị cấp giấy phép lưu hành xe nằm trên địa bàn quản lý của Khu Quản lý đường bộ khu vực.

3. Cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy phép lưu hành quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ trong phạm vi cả nước đối với các trường hợp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp khẩn cấp; công trình năng lượng: có nơi đi và nơi đến của phương tiện hoặc hàng hóa chở trên phương tiện được đề nghị cấp giấy phép lưu hành xe không nằm trên cùng địa bàn quản lý của một Khu Quản lý đường bộ khu vực.

Điều 25. Trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép lưu hành xe

1. Cơ quan cấp giấy phép lưu hành xe phải chịu trách nhiệm về việc cấp giấy phép lưu hành xe bảo đảm đúng đối tượng, phù hợp với tình trạng của đường bộ, phương tiện vận tải và bảo đảm an toàn giao thông.

2. Lựa chọn các tuyến, đoạn tuyến đường bộ trên cơ sở bảo đảm an toàn giao thông và an toàn cho công trình đường bộ.

3. Khi cho phép lưu hành trên đường cao tốc, căn cứ vào kích thước bao của phương tiện, tổ hợp phương tiện (bao gồm cả hàng hóa) để ghi cụ thể các điều kiện bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trong giấy phép lưu hành xe phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến đường.

4. Cung cấp hiện trạng của các đoạn đường bộ trên tuyến đường vận chuyển thuộc phạm vi quản lý theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoặc của cơ quan cấp giấy phép lưu hành xe có liên quan.

5. Cơ quan cấp giấy phép lưu hành xe quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 24 Thông tư này, có trách nhiệm thông báo cho các Sở Giao thông vận tải và Khu Quản lý đường bộ quản lý địa bàn có địa chỉ đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hoạt động của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép lưu hành xe; quản lý địa bàn có nơi đi, nơi đến của phương tiện hoặc hàng hóa chở trên phương tiện được cấp giấy phép lưu hành xe.

6. Thông báo ngay giấy phép lưu hành xe đã cấp cho cơ quan Cảnh sát giao thông theo quy định tại khoản 7 Điều 52, khoản 5 Điều 53 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ qua hệ thống bưu chính hoặc kết nối, chia sẻ dữ liệu đến Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an và Phòng Cảnh sát giao thông có tuyến đường, đoạn đường mà phương tiện đi qua.

7. Thu hồi giấy phép lưu hành xe đối với trường hợp vi phạm điều kiện được quy định trong giấy phép lưu hành xe hoặc gây hư hỏng công trình đường bộ mà chưa hoàn thành công tác bồi thường, sửa chữa, khắc phục.

Việc thu hồi giấy phép lưu hành xe thực hiện như sau: trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi; thông báo đến các cơ quan, tổ chức có liên quan để phối hợp thực hiện; công bố trên Trang thông tin điện tử của cơ quan đã thu hồi giấy phép lưu hành xe.

8. Lưu trữ hồ sơ cấp giấy phép lưu hành xe:

a) Cơ quan cấp giấy phép lưu hành xe lưu trữ hồ sơ và các tài liệu có liên quan đến công tác cấp giấy phép lưu hành xe;

b) Thời gian lưu trữ 05 năm đối với giấy phép lưu hành xe, 03 năm đối với tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 23 của Thông tư này.

Chương VII

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN  

Điều 26. Trách nhiệm Cục Đường bộ Việt Nam

1. Tổ chức triển khai thực hiện các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ theo quy định của Thông tư này.

2. Kiểm tra, xử lý đối với vi phạm các quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ.

3. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về hoạt động cấp giấy phép lưu hành xe.

4. Kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm của tổ chức, cá nhân cấp giấy phép lưu hành xe theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Tổ chức triển khai thực hiện các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ theo quy định của Thông tư này.

2. Kiểm tra, xử lý đối với vi phạm các quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ.

3. Chấp hành việc kiểm tra, giám sát hoạt động cấp giấy phép lưu hành xe của cơ quan chức năng.

4. Báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm tình hình cấp giấy phép lưu hành xe về Cục Đường bộ Việt Nam theo mẫu quy định tại Phụ lục V, Phụ lục VI, Phụ lục VII, Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian báo cáo định kỳ hàng quý trước ngày 20 tháng cuối quý; báo cáo định kỳ hàng năm trước ngày 15 tháng 12.

Điều 28. Trách nhiệm Khu Quản lý đường bộ

1. Chấp hành việc kiểm tra, giám sát hoạt động cấp giấy phép lưu hành xe của cơ quan chức năng.

2. Báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm tình hình cấp giấy phép lưu hành xe về Cục Đường bộ Việt Nam theo mẫu quy định tại Phụ lục V, Phụ lục VI, Phụ lục VII, Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian báo cáo định kỳ hàng quý trước ngày 20 tháng cuối quý; báo cáo định kỳ hàng năm trước ngày 15 tháng 12.

Điều 29. Trách nhiệm của đơn vị vận tải, lái xe và người áp tải

1. Trách nhiệm của đơn vị vận tải:

a) Tuân thủ quy định về lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ và việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ;

b) Trước khi thực hiện vận chuyển, cung cấp đầy đủ thông tin cho lái xe, người áp tải và người xếp hàng về: đặc điểm của hàng hóa, kích thước và khối lượng của hàng hóa, bao, kiện, khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông của phương tiện, tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ trên toàn tuyến đường vận chuyển; chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin cung cấp;

c) Bố trí đầy đủ thiết bị che phủ, gia cố, chằng buộc, chèn, lót phục vụ cho việc xếp hàng hóa và tạo điều kiện cho người xếp hàng thực hiện đúng quy định về xếp hàng hóa;

d) Phổ biến, hướng dẫn cho lái xe, người áp tải và người xếp hàng về phương án xếp hàng hóa đảm bảo đúng quy định.

2. Trách nhiệm của lái xe, người áp tải:

a) Thực hiện quy định tại Điều 63 Luật Đường bộ;

b) Tuân thủ quy định về lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ và việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ;

c) Trước khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển phải thực hiện kiểm tra hàng hóa trên phương tiện đảm bảo đã được xếp, che chắn, gia cố, chằng buộc và chèn lót chắc chắn, đối chiếu với các thông tin được đơn vị vận tải cung cấp và hướng dẫn của nhà sản xuất để bảo đảm không vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông của phương tiện.

Điều 30. Trách nhiệm của người thuê vận tải

1. Thực hiện theo quy định tại Điều 64 Luật Đường bộ.

2. Tuân thủ quy định về lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ và việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ.

3. Cung cấp cho đơn vị vận tải các thông tin về đặc tính của hàng hóa, kích thước, khối lượng của hàng hóa, bao, kiện và các yêu cầu về xếp hàng hóa trên phương tiện, các nội dung hướng dẫn của nhà sản xuất (nếu có); chịu trách nhiệm về tính đầy đủ và chính xác của các thông tin đã cung cấp.

Điều 31. Trách nhiệm của người xếp hàng lên phương tiện

1. Tuân thủ quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện.

2. Tiếp nhận đầy đủ các thông tin do đơn vị vận tải cung cấp và hướng dẫn của nhà sản xuất để thực hiện việc xếp hàng hóa trên phương tiện, tuân thủ hướng dẫn của lái xe, người áp tải hàng hóa.

3. Xếp hàng hóa lên phương tiện để vận chuyển đảm bảo không vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông của phương tiện. Không xếp hàng lên phương tiện khi đơn vị vận tải bố trí phương tiện không phù hợp với kích thước, khối lượng hàng hóa cần vận chuyển.

Chương VIII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 32. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Bãi bỏ các Thông tư sau:

a) Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07 tháng 09 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ;

b) Điều 5 Thông tư số 36/2020/TT-BGTVT ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường bộ;

c) Điều 10 Thông tư số 06/2023/TT-BGTVT ngày 12 tháng 5 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng, bảo trì và bảo vệ đường bộ;

d) Thông tư số 35/2023/TT-BGTVT ngày 13 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ;

đ) Thông tư số 41/2023/TT-BGTVT ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ.

3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

Điều 33. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lưu hành xe đã gửi đến và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành xe tiếp nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.

2. Các giấy phép lưu hành xe đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tiếp tục được sử dụng cho đến khi hết thời hạn ghi trong giấy phép lưu hành xe./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Duy Lâm

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.