• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 25/09/2009
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 48/2005/QĐ-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 30 tháng 9 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải, trong các trường hợp sau đây:

1. Tai nạn hàng hải liên quan đến tầu biển Việt Nam;

2. Tai nạn hàng hải liên quan đến tầu biển nước ngoài khi hoạt động tại vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam;

3. Tai nạn hàng hải xẩy ra đối với tầu công vụ, tầu cá, phương tiện thuỷ nội địa, thuỷ phi cơ hoạt động tại vùng nước cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Phân loại tai nạn hàng hải

Tai nạn hàng hải bao gồm:

1. Tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng

Tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng là tai nạn gây ra một trong các thiệt hại sau:

a) Làm chết hoặc mất tích trên ba người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của trên mười người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của sáu người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

d) Gây thiệt hại với giá trị trên một tỷ đồng về tài sản, vật chất, chi phí cho việc sửa chữa, lai dắt, trục vớt, thanh thải phương tiện chìm đắm; chi phí cho việc khắc phục hư hỏng của công trình ngầm dưới nước và trên mặt nước; chi phí khắc phục ách tắc luồng hàng hải; chi phí khắc phục sự cố môi trường;

đ) Làm ách tắc luồng hàng hải trên 48 giờ;

e) Gây thiệt hại đồng thời về tính mạng, sức khoẻ con người và tài sản, vật chất thuộc 02 đến 04 trường hợp được quy định tại khoản 2, Điều này;

2. Tai nạn hàng hải nghiêm trọng

Tai nạn hàng hải nghiêm trọng là tai nạn gây ra một trong các thiệt hại sau:

a) Làm chết hoặc mất tích từ một đến ba người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến mười người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến năm người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

d) Gây thiệt hại với giá trị từ năm trăm triệu đến một tỷ đồng Việt Nam về tài sản, vật chất để chi phí cho việc sửa chữa, lai dắt, trục vớt, thanh thải phương tiện chìm đắm; chi phí cho việc khắc phục hư hỏng công trình ngầm dưới nước và trên mặt nước; chi phí khắc phục ách tắc luồng hàng hải; chi phí khắc phục sự cố môi trường;

đ) Làm ách tắc luồng hàng hải từ 24 giờ đến 48 giờ;

3. Tai nạn hàng hải ít nghiêm trọng

Tai nạn hàng hải ít nghiêm trọng là tai nạn xảy ra trong các trường hợp không quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Chương II

BÁO CÁO TAI NẠN HÀNG HẢI

Điều 4. Báo cáo tai nạn hàng hải

Báo cáo tai nạn hàng hải bao gồm Báo cáo khẩn theo Phụ lục số 1, Báo cáo chi tiết theo Phụ lục số 2 và Báo cáo định kỳ theo Phụ lục số 3. Nội dung báo cáo tai nạn hàng hải phải trung thực, chính xác, đúng thời hạn.

Điều 5. Báo cáo khẩn

1. Trường hợp tai nạn xảy trên vùng biển Việt Nam:

a) Thuyền trưởng tầu biển hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên phương tiện thuỷ khác phải gửi ngay Báo cáo khẩn cho Cảng vụ Hàng hải nơi gần nhất. Trường hợp những người này không thực hiện được Báo cáo khẩn thì chủ tầu, chủ phương tiện hay đại lý của tầu bị nạn có trách nhiệm báo cáo.

b) Cảng vụ Hàng hải khi nhận được Báo cáo khẩn hoặc biết tin về tai nạn xẩy ra có trách nhiệm chuyển ngay Báo cáo khẩn hoặc các thông tin đó cho các cơ quan tổ chức sau:

Cục Hàng hải Việt Nam;

Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, nếu tai nạn gây hư hỏng, làm mất tác dụng các thiết bị trợ giúp hành hải hoặc ảnh hưởng đến an toàn hàng hải của tầu thuyền;

Tổ chức, cá nhân quản lý hoặc khai thác các công trình, thiết bị, nếu tai nạn gây hư hỏng, tổn thất cho các công trình, thiết bị này;

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thuỷ sản nếu tai nạn gây ra hoặc có khả năng gây ra sự cố môi trường hoặc tổn hại nguồn lợi thuỷ sản.

2. Trường hợp tai nạn xẩy ra đối với tầu biển Việt Nam khi hoạt động ngoài phạm vi vùng biển Việt Nam, thuyền trưởng phải báo cáo theo yêu cầu của quốc gia ven biển và gửi Báo cáo khẩn cho Cục Hàng hải Việt Nam trong vòng 24, giờ kể từ khi tai nạn xẩy ra. Nếu tai nạn thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, thuyền trưởng hoặc chủ tầu phải báo cáo cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại quốc gia ven biển đó biết để hỗ trợ giải quyết.

3. Báo cáo khẩn có thể được gửi qua một trong những phương thức thông tin liên lạc như điện tín, fax, telex hay thư điện tử (e-mail).

Trường hợp tai nạn xảy ra trong vùng nước cảng biển thì thuyền trưởng của tầu có thể báo cáo khẩn cho Trực ban Cảng vụ Hàng hải qua VHF hoặc điện thoại của tầu, nhưng sau đó phải báo cáo bằng văn bản.

4. Đối với tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng, sau khi nhận được Báo cáo khẩn, Cục Hàng hải Việt Nam phải báo cáo ngay cho Bộ Giao thông vận tải.

Điều 6. Báo cáo chi tiết

Tiếp theo Báo cáo khẩn, thuyền trưởng phải gửi Báo cáo chi tiết, thời gian quy định như sau:

1. Nếu tai nạn xẩy ra trong vùng nước cảng biển thì Báo cáo chi tiết phải gửi cho Cảng vụ Hàng hải tại khu vực đó trong vòng 24 giờ, kể từ khi tai nạn xẩy ra.

2. Nếu tai nạn xẩy ra ngoài vùng nước cảng biển nhưng trong phạm vi vùng biển Việt Nam và sau khi xẩy ra tai nạn, tầu vào neo đậu tại vùng nước một cảng biển Việt Nam thì Báo cáo chi tiết phải gửi cho Cảng vụ Hàng hải tại khu vực đó trong vòng 24 giờ, kể từ khi tầu đến vị trí neo, đậu. Trường hợp, sau khi xẩy ra tai nạn, tầu không vào neo đậu tại vùng nước cảng biển Việt Nam thì Báo cáo chi tiết phải gửi cho Cục Hàng hải Việt Nam trong vòng 48 giờ, kể từ khi tầu hoặc thuyền viên của tầu bị nạn đến cảng ghé đầu tiên, sau khi xẩy ra tai nạn.

3. Nếu tai nạn liên quan đến tầu biển Việt Nam khi hoạt động ngoài phạm vi vùng biển Việt Nam thì Báo cáo chi tiết phải được gửi cho Cục Hàng hải Việt Nam trong vòng 48 giờ, kể từ khi tầu đến cảng ghé đầu tiên, sau khi xẩy ra tai nạn.

Điều 7. Báo cáo định kỳ

Tai nạn hàng hải xẩy ra trong phạm vi vùng biển Việt Nam và tai nạn liên quan đến tầu biển Việt Nam đều phải thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định sau:

1. Chủ tầu phải lập sổ theo dõi, cập nhật thường xuyên các tai nạn hàng hải xẩy ra đối với đội tầu của mình theo Phụ lục 3.

Hàng quý, các chủ tầu phải báo cáo bằng văn bản gửi Cục Hàng hải Việt Nam về tai nạn xẩy ra đối với đội tầu của mình. Thời gian gửi Báo cáo quý chậm nhất vào ngày mồng 5 tháng đầu của Quý sau thì phải gửi báo cáo của Quý trước đó.

2. Cảng vụ Hàng hải phải lập sổ theo dõi, cập nhật thường xuyên tai nạn hàng hải xẩy ra trong vùng nước cảng biển, khu vực quản lý của cơ quan mình và tai nạn hàng hải do cơ quan mình tiến hành điều tra.

Hàng tháng, hàng quý Cảng vụ Hàng hải phải báo cáo bằng văn bản cho Cục Hàng hải Việt Nam về các tai nạn theo quy định tại khoản 2, Điều này.

Thời gian gửi Báo cáo tháng vào ngày 25 hàng tháng.

Thời gian gửi Báo cáo Quý theo quy định tại khoản 1, Điều này.

3. Hàng quý và hàng năm Cục Hàng hải Việt Nam phải báo cáo bằng văn bản cho Bộ Giao thông vận tải về các tai nạn hàng hải xảy ra trong phạm vi các vùng biển Việt Nam và tai nạn của tầu biển Việt Nam theo Phụ lục số 4.

Thời gian gửi Báo cáo quý chậm nhất vào ngày 10 tháng đầu của Quý sau thì phải gửi báo cáo của Quý trước đó và Báo cáo năm chậm nhất vào ngày 15 tháng 01 năm sau thì phải gửi báo cáo của năm trước.

4. Chủ tầu và Cảng vụ Hàng hải phải kịp thời phân tích, đánh giá nguyên nhân tai nạn hàng hải để có những biện pháp phòng ngừa, hạn chế tai nạn tương tự xẩy ra đối với đội tầu của mình hoặc xẩy ra trong khu vực quản lý do Cảng vụ Hàng hải phụ trách.

Chương III

ĐIỀU TRA TAI NẠN HÀNG HẢI

Điều 8. Yêu cầu điều tra tai nạn hàng hải

1. Điều tra tai nạn hàng hải là việc xác định điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân hay những khả năng có thể là nguyên nhân gây tai nạn hàng hải nhằm có những biện pháp hữu hiệu phòng tránh và hạn chế tai nạn tương tự.

2. Tai nạn hàng hải phải được điều tra đúng quy định, kịp thời, toàn diện và khách quan.

Điều 9. Trách nhiệm điều tra tai nạn hàng hải

1. Giám đốc Cảng vụ Hàng hải có trách nhiệm tổ chức điều tra tai nạn hàng hải xẩy ra trong khu vực quản lý của mình và tai nạn hàng hải khác do Cục Hàng hải Việt Nam hoặc cấp có thẩm quyền giao.

2. Tuỳ theo mức độ phức tạp của tai nạn hàng hải, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải quyết định số lượng cán bộ tham gia điều tra tai nạn, song tối thiểu phải là 02 người có đủ trình độ nghiệp vụ chuyên ngành.

3. Trường hợp cần thiết, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập Tổ điều tra tai nạn hàng hải.

Điều 10. Cán bộ điều tra tai nạn hàng hải

1. Cán bộ điều tra tai nạn hàng hải là cán bộ Cảng vụ Hàng hải có trình độ, năng lực chuyên môn và kiến thức pháp luật cần thiết được Giám đốc Cảng vụ Hàng hải chỉ định; trừ trường hợp đặc biệt, cán bộ điều tra do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

2. Cán bộ điều tra tai nạn hàng hải có nhiệm vụ:

a) Lập kế hoạch điều tra tai nạn hàng hải;

b) Báo cáo bằng văn bản về quá trình điều tra tai nạn hàng hải cho Giám đốc Cảng vụ Hàng hải hoặc Thủ trưởng cơ quan giao nhiệm vụ điều tra tai nạn hàng hải.

3. Cán bộ điều tra tai nạn hàng hải có quyền:

a) Yêu cầu các bên liên quan đến tai nạn hàng hải có biện pháp giữ nguyên hiện trường;

b) Yêu cầu những người liên quan đến tai nạn hàng hải tường trình bằng văn bản vấn đề họ biết về điều kiện, hoàn cảnh, diễn biến của tai nạn hàng hải và đối tượng liên quan đến tai nạn hàng hải. Trường hợp cần thiết phải thẩm vấn những người này thì cán bộ điều tra phải thông báo cho họ biết trước về thời gian, địa điểm tiến hành thẩm vấn;

c) Yêu cầu thuyền trưởng của tầu cung cấp bản sao Nhật ký hàng hải, Nhật ký máy tầu, Nhật ký tay chuông, Nhật ký vô tuyến điện, bản ghi hướng đi, hải đồ khu vực tầu bị nạn và các dữ liệu cần thiết khác về tầu và trang thiết bị trên tầu;

d) Yêu cầu cơ quan phân cấp và giám sát kỹ thuật của tầu, chủ tầu, đại lý của tầu, đài thông tin duyên hải, Trung tâm phối hợp tìm kiếm - cứu nạn hàng hải, Trung tâm điều hành hệ thống giám sát lưu thông tầu biển (VTS), Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, Hoa tiêu hàng hải và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác cung cấp thông tin cần thiết cho việc điều tra tai nạn hàng hải.

đ) Đến nơi xảy ra tai nạn hàng hải và lên tầu kiểm tra hiện trường, xem xét các vị trí làm việc và lấy các vật mẫu cần thiết cho công tác điều tra. Khi tiến hành các công việc này, nhất thiết phải có sự chứng kiến, xác nhận của người có thẩm quyền trên tầu và tránh ảnh hưởng đến sự vận hành an toàn của tầu;

e) Kiểm tra, sao in hồ sơ, giấy tờ đăng ký hành chính, đăng kiểm, bảo hiểm, kỹ thuật của tầu và trang thiết bị kỹ thuật có liên quan; bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên để phục vụ việc đánh giá tình trạng kỹ thuật của trang thiết bị có liên quan và khả năng đi biển của tầu trước chuyến đi và ngay khi xảy ra tai nạn;

g) Sử dụng các thiết bị ghi âm, chụp ảnh và ghi hình trong quá trình điều tra, nếu thấy cần thiết.

Điều 11. Thời hạn điều tra tai nạn hàng hải

1. Đối với các tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển thì thời hạn điều tra không quá 30 ngày kể từ ngày tai nạn hàng hải xẩy ra.

2. Đối với các tai nạn hàng hải xảy ra ngoài vùng nước cảng biển nhưng trong phạm vi vùng biển Việt Nam thì thời hạn điều tra không quá 30 ngày, kể từ ngày tầu đến cảng biển Việt Nam đầu tiên sau khi bị tai nạn.

3. Đối với các tai nạn hàng hải xảy ra ngoài phạm vi vùng biển Việt Nam thì thời hạn điều tra do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định.

4. Trong trường hợp phức tạp, nếu việc điều tra tai nạn hàng hải không thể hoàn thành trong thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì Giám đốc Cảng vụ Hàng hải phải kịp thời báo cáo bằng văn bản cho Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết định gia hạn điều tra tai nạn hàng hải.

5. Đối với tai nạn hàng hải do cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3, Điều 9 quyết định thành lập Tổ điều tra thì thủ trưởng cơ quan ra quyết định điều tra sẽ quyết định thời hạn điều tra và gia hạn thời hạn điều tra.

Điều 12. Thực hiện điều tra tai nạn hàng hải

1. Ngay sau khi nhận được Báo cáo khẩn quy định tại Điều 5 Quyết định này hoặc bất kể một nguồn tin nào về tai nạn hàng hải xẩy ra trong khu vực quản lý của mình thì Giám đốc Cảng vụ Hàng hải phải xác minh thông tin nhận được để triển khai công tác điều tra tai nạn hàng hải.

2. Công tác điều tra tai nạn hàng hải thực hiện theo trình tự sau:

a) Chỉ định cán bộ chủ trì điều tra, các thành viên và cộng tác viên điều tra;

b) Thu thập các thông tin ban đầu về tai nạn hàng hải;

c) Thông qua kế hoạch điều tra do cán bộ chủ trì điều tra đề xuất;

d) Đến nơi xẩy ra tai nạn hàng hải, lên tầu kiểm tra tại chỗ các hư hỏng và vết tích để lại sau tai nạn nhằm xác định, thu thập chứng cứ cần thiết;

đ) Tiến hành thẩm vấn những người liên quan đến tai nạn hàng hải và những người chứng kiến tai nạn hàng hải;

e) Tổng hợp các thông tin thu thập được. Nếu thấy cần thiết có thể tiến hành kiểm tra và thẩm vấn bổ sung để làm rõ thêm những vấn đề còn nghi vấn;

g) Căn cứ quy định pháp luật hiện hành về an toàn hàng hải, tiến hành phân tích các thông tin thu thập được, kể cả các kết luận giám định vật mẫu, vết tích liên quan đến tai nạn hàng hải.

3. Đối với tai nạn hàng hải mà các cơ quan khác thực hiện điều tra theo chức năng của họ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải phải tiến hành điều tra theo quy định của Quyết định này.

4. Trường hợp cần thiết, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải có thể hợp đồng với các chuyên gia am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ hàng hải hay các cơ quan giám định, các phòng thí nghiệm để tư vấn về một lĩnh vực chuyên sâu, giám định và phân tích các vật mẫu liên quan đến tai nạn hàng hải.

Điều 13. Kết luận điều tra tai nạn hàng hải

1. Nội dung kết luận điều tra tai nạn hàng hải bao gồm:

a) Kết luận về điều kiện, hoàn cảnh xẩy ra tai nạn; các vi phạm, các yếu tố hay khả năng cấu thành nguyên nhân gây tai nạn. Các kết luận này phải trên cơ sở pháp luật, chứng cứ xác đáng;

b) Biện pháp hoặc kiến nghị biện pháp phòng ngừa, hạn chế tai nạn tương tự;

c) Biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền của Giám đốc Cảng vụ Hàng hải hoặc kiến nghị biện pháp xử lý để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với những hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý của Giám đốc Cảng vụ Hàng hải.

2. Kết luận điều tra tai nạn phải gửi cho mỗi bên liên quan một bản, một bản gửi cho Cục Hàng hải Việt Nam chậm nhất vào ngày kết thúc thời hạn điều tra tai nạn. Trường hợp tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng thì văn bản kết luận điều tra tai nạn hàng hải phải được gửi cho Bộ Giao thông vận tải.

Bản sao kết luận điều tra tai nạn hàng hải có thể được cấp cho cá nhân hoặc pháp nhân khác có liên quan trực tiếp đến tai nạn, nếu họ có văn bản yêu cầu Cảng vụ Hàng hải cung cấp.

Điều 14. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại

1. Trường hợp công ty quản lý, khai thác tầu biển Việt Nam; chủ phương tiện; thuyền trưởng, thuyền viên và hoa tiêu có liên quan hoặc người quản lý các công trình, thiết bị bị thiệt hại do tai nạn hàng hải không đồng ý với kết luận về các hành vi vi phạm và nguyên nhân gây tai nạn nêu trong văn bản kết luận điều tra tai nạn hàng hải (sau đây gọi chung là người khiếu nại) thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó (theo dấu bưu điện đến), phải có đơn khiếu nại gửi Giám đốc Cảng vụ Hàng hải đã tiến hành điều tra và công bố kết luận điều tra tai nạn hàng hải.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải phải thụ lý và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết, trường hợp không thụ lý thì phải nêu rõ lý do. Thời hạn giải quyết khiếu nại của Giám đốc Cảng vụ Hàng hải không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại của Giám đốc Cảng vụ Hàng hải.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Cảng vụ Hàng hải mà người khiếu nại không đồng ý, thì có quyền khiếu nại lên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Trong trường hợp này, người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Cảng vụ Hàng hải và các tài liệu liên quan đến khiếu nại.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam phải thụ lý và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và Giám đốc Cảng vụ Hàng hải đã giải quyết khiếu nại biết; trường hợp không thụ lý thì phải nêu rõ lý do. Thời hạn giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 60 ngày.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam mà người khiếu nại không đồng ý, thì có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Trong trường hợp này, người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Thủ tục, thời hạn thụ lý, giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải như quy định tại khoản 2 Điều này. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là quyết định cuối cùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 và thay thế Quyết định số 2756/2002/QĐ-BGTVT ngày 29 tháng 08 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Thể lệ báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.

Điều 16. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Đình Bình

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.