• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 30/04/1989
BỘ TƯ PHÁP
Số: 313/TT-LS
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 15 tháng 4 năm 1989

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Quy chế Đoàn Luật sư

________________

 

Căn cứ vào Điều 2, Nghị định số 15-HĐBT ngày 21-2-1989 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quy chế Đoàn Luật sư, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra Thông tư hướng dẫn việc thực hiện Quy chế Đoàn luật sư như sau:

I- THỦ TỤC THÀNH LẬP ĐOÀN LUẬT SƯ

Các việc cần thiết phải tiến hành chuẩn bị thành lập Đoàn luật sư bao gồm:

1. Sở Tư pháp bàn bạc với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là tỉnh) về nội dung tuyên truyền Pháp lệnh tổ chức luật sư và Quy chế Đoàn luật sư. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh ra thông báo về việc chuẩn bị thành lập Đoàn luật sư ở địa phương, trong đó hướng dẫn rõ điều kiện gia nhập Đoàn luật sư, nội dung hồ sơ, thời hạn và địa điểm nộp hồ sơ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiếp nhận đơn và hồ sơ của những người xin gia nhập Đoàn luật sư, xem xét và chính thức giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn làm luật sư với Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thẩm tra, xem xét danh sách để báo cáo với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Đoàn luật sư ở địa phương, công nhận các luật sư, luật sư tập sự và chỉ định Ban Chủ nhiệm lâm thời.

3. Ban Chủ nhiệm lâm thời của Đoàn luật sư trong thời hạn nhất định, chậm nhất là 6 tháng, có nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo nội quy của Đoàn; chuẩn bị các cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động của các luật sư; điều hành hoạt động của Đoàn luật sư; tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ nhất để bầu Ban Chủ nhiệm, Ban kiểm tra và thông qua nội quy của Đoàn luật sư.

4. Việc công bố quyết định thành lập Đoàn luật sư có thể do thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh trực tiếp hoặc uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp tiến hành.

II- VỀ TỔ CHỨC ĐOÀN LUẬT SƯ VÀ CÁC LUẬT SƯ

1. Tại mỗi tỉnh, lập một Đoàn luật sư. Đối với những tỉnh địa bàn rộng, số lượng luật sư đông, có thể đặt thêm chi nhánh giao dịch; mỗi chi nhánh ít nhất phải có từ 2 luật sư trở lên. Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư cử người phụ trách chi nhánh. Mọi hoạt động của chi nhánh chịu sự lãnh đạo thống nhất của Ban Chủ nhiệm.

2. Điều kiện gia nhập Đoàn luật sư được quy định tại Điều 11, Pháp lệnh tổ chức luật sư và Điều 6 Quy chế Đoàn luật sư, cụ thể như sau:

a) Là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; trung thực, khách quan, dám đấu tranh làm sáng tỏ sự thật;

c) Tốt nghiệp đại học pháp lý hoặc có trình độ pháp lý tương đương.

Người tốt nghiệp đại học pháp lý bao gồm: tốt nghiệp đại học pháp lý các hệ dài hạn, chuyên tu, tại chức ở trong nước và đại học pháp lý tại các nước xã hội chủ nghĩa.

Đối với người tốt nghiệp đại học pháp lý ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa hoặc có bằng cử nhân luật thời chính quyền cũ ở nước ta, muốn gia nhập Đoàn luật sư, phải có thời gian công tác pháp lý trong các cơ quan Nhà nước ta từ 5 năm trở lên, hoặc đã học xong lớp bồi dưỡng về pháp lý xã hội chủ nghĩa từ một năm trở lên.

Người được coi là có trình độ tương đương đại học pháp lý là người đã có thời gian công tác pháp lý từ 5 năm trở lên và đã qua đào tạo về pháp lý từ một năm trở lên.

Ngoài các điều kiện kể trên, người gia nhập Đoàn luật sư phải có đủ sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của luật sư.

Những người chuyên nghiên cứu pháp lý ở các cơ sở nghiên cứu khoa học, những người chuyên giảng dạy pháp lý tại các trường; những người đã kinh qua các chức danh: thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên, thanh tra viên, trọng tài viên (trọng tài kinh tế), chuyên viên pháp lý ở các tổ chức pháp chế ngành, nay đã nghỉ hưu, nếu đủ điều kiện thì được gia nhập Đoàn luật sư.

Những người đang làm việc tại các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát, Công an, Tư pháp, Thanh tra Nhà nước, Trọng tài kinh tế, Hải quan và các cơ quan Nội chính của Đảng; những người đang giữ các chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng tại các Trường đại học, trung học chuyên nghiệp, trường bồi dưỡng nghiệp vụ; Viện trưởng, Phó Viện trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng của các Viện nghiên cứu pháp lý thuộc các cơ quan nói trên không được gia nhập Đoàn luật sư.

3. Các Điều 10, 11, 12, và 13 của Quy chế Đoàn luật sư quy định về luật sư tập sự và thời gian tập sự. Hết thời hạn tập sự, luật sư tập sự phải qua một kỳ kiểm tra về kiến thức pháp lý và nghiệp vụ luật sư, nếu đạt yêu cầu thì được công nhận là luật sư. Những người được miễn thời gian tập sự nói ở Khoản 2 Điều 10 Quy chế Đoàn luật sư cũng phải qua kỳ kiểm tra nói trên. Những người được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận là luật sư ngay khi thành lập Đoàn thì không phải qua kỳ kiểm tra.

4. Thẻ luật sư do Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư cấp cho các luật sư, Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp thẻ cho các luật sư đầu tiên của Đoàn.

Chỉ được sử dụng thẻ luật sư trong khi thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư phân công và trong sinh hoạt của Đoàn, không được sử dụng vào các việc khác. Thẻ luật sư do Bộ Tư pháp thống nhất phát hành và quản lý việc sử dụng.

5. Con dấu của Đoàn luật sư được quy định tại Điều 2 Quy chế Đoàn luật sư. Dấu có hình dáng và kích thước như con dấu của các tổ chức, đơn vị công tác chuyên môn, sự nghiệp hoạt động độc lập trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, cụ thể là: dấu hình tròn có đường kính 30mm, có hai vòng tròn; vành ngoài phía trên có chữ "Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; vành ngoài phía dưới có tên địa phương (tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương); ở giữa (vòng trong) có chữ "Đoàn luật sư". Khi đóng dấu sử dụng mực dấu màu đỏ.

6. Thù lao của luật sư theo quy định tại các Điều 32, 33, 34 và 35 Quy chế Đoàn luật sư. Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính sẽ có thông tư liên Bộ quy định cụ thể mức thù lao và các khoản chi khác. Trước mắt, căn cứ vào mức độ đơn giản, phức tạp của từng vụ việc, thời gian cần thiết để luật sư chuẩn bị và tham gia phiên toà, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động và thương binh, xã hội chuẩn bị và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quy định tạm thời về mức thù lao cho các luật sư để áp dụng tại địa phương. Những vụ việc do Toà án nhân dân địa phương mời luật sư thì áp dụng chế độ bồi dưỡng phiên toà, theo Thông tư số 44-TTLĐ ngày 30-10-1984 và Thông tư số 122-TC/HCVX ngày 28-1-1989 của Bộ Tài chính về việc nâng mức cấp phí và bồi dưỡng phiên toà cho Hội thẩm nhân dân và cán bộ.

III- VIỆC HƯỚNG DẪN, KIỂM TRA VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN LUẬT SƯ

1. Bộ Tư pháp thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của các Đoàn luật sư theo Điều 5 Pháp lệnh tổ chức luật sư và Điều 45 Quy chế Đoàn luật sư. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp tiến hành một số việc sau đây:

- Hướng dẫn thủ tục chuẩn bị thành lập Đoàn luật sư theo đúng các quy định của Pháp lệnh tổ chức luật sư, Quy chế Đoàn luật sư và Thông tư này;

- Theo dõi tình hình hoạt động của Đoàn luật sư và kiểm tra việc thực hiện Quy chế Đoàn luật sư tại địa phương để báo cáo với Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân cùng cấp;

- Tiến hành các biện pháp nhằm bảo đảm cho luật sư thực hiện được các quyền của mình trong hoạt động tố tụng;

- Phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ về vật chất cho Đoàn luật sư và thực hiện chế độ, chính sách đối với các luật sự;

- Sưu tầm và cung cấp các tài liệu cần thiết (như các văn bản pháp quy, tài liệu nghiệp vụ...) cho Đoàn luật sư và các Luật sư; giúp Bộ tiến hành một số công tác chuẩn bị việc bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho các luật sư.

Trong khi thực hiện những công việc do Bộ trưởng uỷ quyền, nếu có ý kiến khác nhau giữa Sở Tư pháp và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thì kịp thời báo cáo với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Ngoài những công việc nêu trên, tất cả các nội dung khác thuộc nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của các Đoàn luật sư do Bộ Tư pháp trực tiếp tiến hành.

2. Theo Điều 21 Quy chế Đoàn luật sư, các Đoàn luật sư có nhiệm vụ định kỳ báo cáo hoạt động của mình lên Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Đối với những việc mà Giám đốc Sở Tư pháp được Bộ trưởng uỷ quyền, khi Đoàn luật sư gửi báo cáo lên các cơ quan nói trên cần đồng gửi cho Giám đốc Sở Tư pháp để theo dõi.

3. Để kịp thời phục vụ thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự, các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo chặt chẽ việc chuẩn bị thành lập Đoàn luật sư theo đúng các quy định của Pháp lệnh tổ chức luật sư. Quy chế Đoàn luật sư và hướng dẫn của Thông tư nay. Khi Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Đoàn luật sư thì đồng thời ra quyết định giải thể Đoàn luật sư, đoàn bào chữa viên nhân dân hiện có tại địa phương được thành lập theo Thông tư số 691/QLTPK ngày 31-10-1983 của Bộ Tư pháp.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Đông

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.