• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2002
CHÍNH PHỦ
Số: 57/2002/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 3 tháng 6 năm 2002

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí

_____________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí.

Điều 2. Danh mục phí, lệ phí được quy định chi tiết, ban hành kèm theo Nghị định này và áp dụng thống nhất trong cả nước.

Điều 3. Nghị định này không điều chỉnh đối với:

1. Phí bảo hiểm xã hội;

2. Phí bảo hiểm y tế;

3. Các loại phí bảo hiểm khác;

4. Phí, nguyệt liễm, niên liễm thu theo điều lệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, câu lạc bộ, không quy định tại Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này;

5. Những khoản phí khác không quy định tại Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này, như: cước phí vận tải, cước phí bưu chính viễn thông, phí thanh toán, chuyển tiền của các tổ chức tín dụng,...

Điều 4.

1. Tổ chức, cá nhân được thu phí, lệ phí, bao gồm:

a) Cơ quan thuế nhà nước; cơ quan hải quan;

b) Cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức khác và cá nhân cung cấp dịch vụ, thực hiện công việc mà pháp luật quy định được thu phí, lệ phí.

2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được thu các loại phí, lệ phí có trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể ủy quyền việc thu phí, lệ phí; tổ chức, cá nhân được ủy quyền phải thực hiện theo đúng những quy định tại Nghị định này.

Chương 2 :

THẨM QUYỀN QUY ĐỊNH VỀ PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Điều 5. Thẩm quyền quy định đối với phí như sau:

1. Chính phủ quy định đối với một số phí quan trọng, có số thu lớn, liên quan đến nhiều chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Trong từng loại phí do Chính phủ quy định, Chính phủ có thể ủy quyền cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định mức thu đối với từng trường hợp cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quy định đối với một số loại phí gắn với quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên, gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương.

Bộ Tài chính quy định đối với các loại phí còn lại để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Thẩm quyền quy định đối với phí được quy định cụ thể trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này.

Thẩm quyền quy định đối với phí bao gồm việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với từng phí cụ thể.

2. Việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Nghị định này.

Điều 6. Thẩm quyền quy định đối với lệ phí như sau:

1. Chính phủ quy định đối với một số lệ phí quan trọng, có số thu lớn, có ý nghĩa pháp lý quốc tế. Chính phủ giao Bộ Tài chính quy định đối với các lệ phí còn lại.

Thẩm quyền quy định đối với lệ phí được quy định cụ thể trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này.

Thẩm quyền quy định đối với lệ phí bao gồm việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với từng lệ phí cụ thể.

2. Việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với lệ phí thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Nghị định này.

Điều 7. Trường hợp cần bổ sung, sửa đổi Danh mục phí, lệ phí, mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí, lệ phí, thì Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phản ảnh về Bộ Tài chính để Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, giải quyết theo thẩm quyền quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh phí và lệ phí.

Chương 3 :

NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ, LỆ PHÍ

Điều 8. Nguyên tắc xác định mức thu phí, quy định như sau:

Nguyên tắc chung là mức thu phí phải bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp.

Ngoài ra, mức thu đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư còn phải bảo đảm thi hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ và phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định mức thu đối với những loại phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, để bảo đảm việc thi hành thống nhất trong cả nước.

Điều 9. Mức thu lệ phí được ấn định trước bằng một số tiền nhất định đối với từng công việc quản lý nhà nước được thu lệ phí, không nhằm mục đích bù đắp chi phí để thực hiện công việc thu lệ phí, phù hợp với thông lệ quốc tế. Riêng đối với lệ phí trước bạ, mức thu được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá trị tài sản trước bạ theo quy định của Chính phủ.

Điều 10. Căn cứ vào những nguyên tắc xác định mức thu phí, mức thu lệ phí quy định tại Điều 8, Điều 9 nói trên, tổ chức, cá nhân được thu phí, lệ phí quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 4 Nghị định này, xây dựng mức thu phí, lệ phí trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Mức thu phí, lệ phí trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi cần có ý kiến của cơ quan vật giá cùng cấp.

Điều 11. Nguyên tắc quản lý và sử dụng số tiền phí, lệ phí quy định như sau:

1. Phí thu được từ các dịch vụ không do Nhà nước đầu tư, hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo nguyên tắc hạch toán, tự chủ tài chính, là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Số tiền phí thu được là doanh thu của tổ chức, cá nhân thu phí; tổ chức, cá nhân thu phí có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước trên kết quả thu phí.

2. Phí thu được từ các dịch vụ do Nhà nước đầu tư hoặc từ các dịch vụ thuộc đặc quyền của Nhà nước, là khoản thu của ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:

a) Trường hợp tổ chức thực hiện thu phí đã được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí theo dự toán hàng năm thì tổ chức thực hiện thu phí phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước;

b) Trường hợp tổ chức thực hiện thu phí chưa được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hoạt động thu phí thì tổ chức thực hiện thu phí được để lại một phần trong số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí theo quy định tại Điều 12 Nghị định này; phần tiền phí còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước;

c) Trường hợp tổ chức thực hiện thu phí được ủy quyền thu phí ngoài chức năng nhiệm vụ thường xuyên, thì tổ chức thực hiện thu phí được để lại một phần trong số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí theo quy định tại Điều 12 Nghị định này; phần tiền phí còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.

3. Mọi khoản lệ phí thu được đều thuộc ngân sách nhà nước. Tổ chức thực hiện thu lệ phí phải nộp đầy đủ, kịp thời số lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước. Trong trường hợp ủy quyền thu thì tổ chức được ủy quyền thu lệ phí được để lại một phần trong số lệ phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu lệ phí theo quy định tại Điều 12 Nghị định này; phần lệ phí còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc hạch toán và quy trình, thủ tục đối với phần tiền phí, lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước.

Điều 12. Nguyên tắc xác định và việc quản lý, sử dụng phần tiền phí, lệ phí được để lại quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định này như sau:

1. Phần tiền phí, lệ phí để lại cho tổ chức thu để trang trải chi phí cho việc thu phí, lệ phí được trích theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số tiền phí, lệ phí thu được hàng năm. Tỷ lệ phần trăm (%) này được xác định như sau:

 

 

Dự toán cả năm về chi phí cần thiết cho việc thu phí,
lệ phí theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định

Tỷ lệ (%)

=

______________________________________________________________________________________________________ x 100

 

 

Dự toán cả năm về phí, lệ phí thu được

Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng loại phí, lệ phí và nội dung chi quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền quyết định tỷ lệ phần trăm (%) để lại cho tổ chức thu phí, lệ phí. Tỷ lệ này có thể được ổn định trong một số năm.

Số tiền phí, lệ phí để lại được quản lý, sử dụng theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều này; hàng năm phải quyết toán thu, chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí, lệ phí chưa chi trong năm được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

2. Số tiền phí, lệ phí để lại cho tổ chức thu theo quy định tại khoản 1 Điều này, được quản lý, sử dụng như sau:

a) Đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, thực hiện quản lý, sử dụng số tiền phí, lệ phí được để lại theo quy định hiện hành của Chính phủ về chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích;

b) Đối với tổ chức khác thu phí, lệ phí, số tiền phí, lệ phí để lại được chi dùng cho các nội dung sau đây:

Chi cho lao động trực tiếp thu phí, lệ phí các khoản tiền lương hoặc tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo tiền lương, tiền công, theo chế độ hiện hành;

Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thu phí, lệ phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công tác phí, công vụ phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;

Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác thu phí, lệ phí;

Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thu phí, lệ phí;

Trích qũy khen thưởng, quỹ phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thu phí, lệ phí trong đơn vị. Mức trích lập hai qũy khen thưởng và phúc lợi, bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện.

Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng và quyết toán phần tiền phí, lệ phí để lại quy định tại Điều này.

Điều 13. Phần tiền phí, lệ phí nộp vào ngân sách nhà nước được phân chia cho các cấp ngân sách và được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với phí thuộc ngân sách nhà nước mà tiền phí thu được được Nhà nước đầu tư trở lại cho đơn vị thì việc quản lý, sử dụng phải bảo đảm đúng mục đích đầu tư trở lại và cơ chế quản lý tài chính hiện hành.

Điều 14. Việc miễn, giảm phí, lệ phí, quy định như sau:

1. Đối với lệ phí:

Mức thu lệ phí được ấn định trước, gắn với từng công việc quản lý nhà nước, về nguyên tắc không miễn, giảm đối với lệ phí. Riêng lệ phí trước bạ, Chính phủ sẽ quy định cụ thể những trường hợp cần thiết được miễn, giảm để góp phần thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

2. Đối với phí:

Mức thu phí nhằm mục đích bù đắp chi phí, bảo đảm thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, do vậy, về nguyên tắc không miễn, giảm đối với phí, trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể tại Nghị định này. Bãi bỏ việc cấp thẻ miễn phí.

Miễn phí, giảm phí đối với một số trường hợp quy định như sau:

a) Miễn phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà đối với:

Xe cứu thương, bao gồm cả các loại xe khác chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu;

Xe cứu hoả;

Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa;

Xe hộ đê; xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão;

Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh gồm: xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân;

Đoàn xe đưa tang;

Đoàn xe có xe hộ tống, dẫn đường;

Ở những nơi chưa giải quyết được ùn tắc giao thông thì tạm thời chưa thu phí sử dụng cầu, đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy, xe ba bánh gắn máy.

b) Giảm phí sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà đối với vé tháng.

Bộ Tài chính quy định cụ thể các loại vé sử dụng cầu, đường bộ, đò, phà và chế độ quản lý, sử dụng cho phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể những nơi tạm thời chưa thu phí sử dụng cầu, đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe hai bánh gắn máy, xe ba bánh gắn máy.

c) Miễn hoặc giảm một phần học phí đối với một số đối tượng, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về học phí;

d) Miễn hoặc giảm một phần viện phí đối với một số đối tượng, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về viện phí;

đ) Miễn hoặc giảm một phần thủy lợi phí trong một số trường hợp nhất định, do Chính phủ quy định cụ thể tại văn bản của Chính phủ về thủy lợi phí;

3. Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tình hình đặc điểm của từng thời kỳ, trường hợp thật cần thiết phải miễn, giảm phí, lệ phí thì Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Những trường hợp được miễn, giảm phí, lệ phí quy định tại Điều này phải được công khai và niêm yết tại nơi thu phí, lệ phí.

Chương 4:

TÀI CHÍNH, KẾ TOÁN

Điều 15. Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí phải cấp chứng từ cho người nộp phí, lệ phí theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính quy định và hướng dẫn cụ thể về chế độ phát hành, quản lý, sử dụng chứng từ thu phí, lệ phí.

Điều 16. Tổ chức, cá nhân thu phí, lệ phí có trách nhiệm:

1. Mở sổ sách kế toán theo đúng chế độ kế toán của Nhà nước quy định để theo dõi, phản ảnh việc thu, nộp và quản lý, sử dụng số tiền phí, lệ phí thu được theo quy định tại Chương III Nghị định này.

2. Định kỳ phải báo cáo quyết toán việc thu, nộp, sử dụng số tiền phí, lệ phí thu được theo quy định của Nhà nước đối với từng loại phí, lệ phí; trường hợp thu các loại phí, lệ phí khác nhau phải theo dõi hạch toán và quyết toán riêng đối với từng loại phí, lệ phí.

3. Thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

Điều 17.

1. Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định này, không phải chịu thuế.

2. Phí không thuộc ngân sách nhà nước do các tổ chức, cá nhân thu theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này phải chịu thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2002.

Bãi bỏ Nghị định của Chính phủ số 04/1999/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 1999 về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước. Những quy định về phí, lệ phí tại các văn bản khác trái với quy định của Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Điều 19. Việc tổ chức thực hiện đối với phí, lệ phí hiện hành như sau:

1. Phí, lệ phí có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này đã có văn bản hướng dẫn thì được tiếp tục thực hiện cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới.

2. Phí, lệ phí có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thì chưa được phép thu.

3. Phí, lệ phí không có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định này thì không được phép thu. Cơ quan, đơn vị nào ban hành loại phí, lệ phí này phải tự ra văn bản quy định bãi bỏ. Không hoàn trả phí, lệ phí bị bãi bỏ quy định tại khoản 3 Điều này.

Bộ Tài chính quy định cụ thể thời hạn bãi bỏ việc cấp thẻ miễn phí và thời gian hết hiệu lực của những thẻ miễn phí đã cấp.

Tổ chức, cá nhân nào thu phí, lệ phí không có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí hoặc ban hành phí, lệ phí không đúng thẩm quyền như quy định tại Chương II Nghị định này, đều coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định tại Điều 34 Pháp lệnh phí và lệ phí.

Điều 20. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 21. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.