• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 01/11/2013
CHÍNH PHỦ
Số: 46/2011/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 17 tháng 6 năm 2011

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ

 quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

______________________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:

1. Bổ sung điểm l và m khoản 2 Điều 1 như sau:

“l) Hội, hiệp hội doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;

m) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và 3 Điều 4 như sau:

“2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động của người nước ngoài: Người nước ngoài nộp 02 (hai) bộ hồ sơ cho người sử dụng lao động, một bộ do người sử dụng lao động quản lý và một bộ để người sử dụng lao động làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động. Mỗi bộ hồ sơ gồm có:

a) Phiếu đăng ký dự tuyển lao động của người nước ngoài theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài cư trú ở nước ngoài khi đến Việt Nam cấp. Trường hợp người nước ngoài hiện đã cư trú tại Việt Nam từ đủ 06 (sáu) tháng trở lên thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi người nước ngoài đang cư trú cấp;

c) Giấy chứng nhận sức khỏe được cấp ở nước ngoài hoặc giấy chứng nhận sức khỏe được cấp ở Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế;

d) Chứng nhận về trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao của người nước ngoài.

Đối với một số nghề, công việc, việc chứng nhận về trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao của người nước ngoài có thể thay thế bằng các giấy tờ sau đây:

- Giấy công nhận là nghệ nhân những ngành nghề truyền thống do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với người nước ngoài là nghệ nhân những ngành nghề truyền thống.

- Bản xác nhận hoặc các giấy phép lao động hoặc các bản hợp đồng lao động xác định có ít nhất 05 (năm) kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý và phù hợp với vị trí công việc mà người nước ngoài dự kiến sẽ đảm nhận. Bản xác nhận ít nhất 05 (năm) kinh nghiệm nêu trên do các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức mà người nước ngoài đã làm việc xác nhận.

- Bản liệt kê các câu lạc bộ bóng đá mà cầu thủ đó đã tham gia thi đấu và phải có chứng nhận của câu lạc bộ mà cầu thủ đó đã tham gia thi đấu liền trước đó đối với cầu thủ bóng đá.

- Bằng lái máy bay vận tải hàng không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với phi công nước ngoài.

- Giấy phép bảo dưỡng tàu bay do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với người nước ngoài làm công việc bảo dưỡng tàu bay.

- Các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

đ) 03 (ba) ảnh màu (kích thước 3cm x 4cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, phông ảnh màu trắng), ảnh chụp không quá 06 (sáu) tháng tính từ thời điểm người nước ngoài nộp hồ sơ.

3. Đối với các giấy tờ quy định tại điểm b, c và d khoản 2 Điều này mà bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt và công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam.”

3. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 4 như sau:

“a) Trước khi tuyển người nước ngoài ít nhất 30 (ba mươi) ngày, người sử dụng lao động phải thông báo nhu cầu tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người nước ngoài trên ít nhất 01 (một) số báo Trung ương và ít nhất 01 (một) số báo địa phương bằng một trong các hình thức là báo viết, báo nói, báo hình hoặc báo điện tử về các nội dung: số lượng người cần tuyển, vị trí công việc, trình độ chuyên môn, mức lương và các khoản thu nhập khác, điều kiện làm việc và một số nội dung khác nếu người sử dụng lao động yêu cầu.

Trường hợp người sử dụng lao động tuyển người nước ngoài thông qua tổ chức giới thiệu việc làm hoặc trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam làm việc trong các trường quốc tế thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các tổ chức quốc tế liên chính phủ tại Việt Nam thì không phải thông báo nhu cầu tuyển lao động trên báo Trung ương và địa phương theo quy định nêu trên.”

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 5 như sau:

“4. Người nước ngoài phải chuẩn bị các giấy tờ theo quy định tại điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 4 Nghị định này.”

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 như sau:

“3. Người nước ngoài phải chuẩn bị các giấy tờ theo quy định tại điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 4 Nghị định này.”

6. Bổ sung Điều 6a sau Điều 6 như sau:

“Điều 6a. Người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu tại Việt Nam

1. Trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, chủ đầu tư phải quy định nội dung về việc sử dụng người lao động Việt Nam và người nước ngoài theo quy định của pháp luật, trong đó phải ưu tiên sử dụng người lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà người lao động Việt Nam có khả năng thực hiện. Trường hợp gói thầu cần sử dụng người nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu nước ngoài có phương án sử dụng người nước ngoài bao gồm: vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện công việc.

2. Hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu nước ngoài phải có phương án sử dụng người lao động Việt Nam và người nước ngoài theo yêu cầu của chủ đầu tư.

3. Khi thực hiện hợp đồng, nhà thầu nước ngoài phải thực hiện đúng nội dung đã nêu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về việc sử dụng người lao động Việt Nam và người nước ngoài. Nhà thầu nước ngoài có trách nhiệm báo cáo và đề nghị bằng văn bản với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi nhà thầu nước ngoài thực hiện gói thầu hoặc dự án đã trúng thầu về việc tuyển người lao động Việt Nam nêu trên, bao gồm: vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện công việc.

Đề nghị tuyển người lao động Việt Nam của nhà thầu nước ngoài phải kèm theo xác nhận của chủ đầu tư về phương án sử dụng lao động đã được kê khai trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất. Trường hợp nhà thầu nước ngoài có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung số lao động đã xác định trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất thì chủ đầu tư phải xác nhận phương án điều chỉnh, bổ sung nhu cầu lao động cần sử dụng của nhà thầu nước ngoài.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan để giới thiệu, cung ứng người lao động Việt Nam cho nhà thầu nước ngoài. Trong thời hạn tối đa 60 (sáu mươi) ngày, đối với đề nghị tuyển từ 500 người lao động Việt Nam trở lên và 30 (ba mươi) ngày, đối với đề nghị tuyển dưới 500 người lao động Việt Nam mà không giới thiệu hoặc cung ứng người lao động Việt Nam được cho nhà thầu nước ngoài theo đề nghị nêu trên thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định việc cho phép nhà thầu nước ngoài được tuyển người nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam.

5. Nhà thầu nước ngoài phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài lao động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật trước khi người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.

6. Chủ đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra nhà thầu nước ngoài thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng người nước ngoài làm việc cho nhà thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam; theo dõi và quản lý người nước ngoài trong việc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam tại nhà thầu nước ngoài; hằng quý báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình tuyển dụng và quản lý người nước ngoài tại các nhà thầu nước ngoài thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

7. Định kỳ hằng quý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan có liên quan kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam đối với người nước ngoài làm việc tại các dự án, gói thầu do nhà thầu nước ngoài trúng thầu trên địa bàn.”

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 như sau:

“3. Người nước ngoài phải chuẩn bị các giấy tờ theo quy định tại điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 4 Nghị định này.”

8. Bổ sung điểm h, i, k, l và m khoản 1 Điều 9 như sau:

“h) Người nước ngoài làm Trưởng Văn phòng đại diện, Trưởng Văn phòng dự án hoặc người nước ngoài được tổ chức phi chính phủ nước ngoài ủy nhiệm đại diện cho các hoạt động tại Việt Nam;

i) Người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, thuộc phạm vi các ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới của 11 ngành dịch vụ bao gồm: dịch vụ kinh doanh; dịch vụ thông tin; dịch vụ xây dựng; dịch vụ phân phối; dịch vụ giáo dục; dịch vụ môi trường; dịch vụ tài chính; dịch vụ y tế; dịch vụ du lịch; dịch vụ văn hóa giải trí và dịch vụ vận tải;

k) Người nước ngoài vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài;

l) Người nước ngoài đã được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;

m) Các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.”

9. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 9 như sau:

“3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động:

a) Đối với người nước ngoài được cấp giấy phép lao động lần đầu, hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam hoặc đại diện của tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Các giấy tờ của người nước ngoài và các văn bản có liên quan:

+ Đối với người nước ngoài được tuyển dụng theo hình thức hợp đồng lao động phải có các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này và văn bản để chứng minh việc người sử dụng lao động đã thông báo nhu cầu tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người nước ngoài theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 4 Nghị định này.

+ Đối với người nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp phải có các giấy tờ quy định tại điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 4 Nghị định này và kèm theo văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử người nước ngoài sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam.

+ Đối với người nước ngoài quy định tại điểm c và d khoản 1 Điều 1 Nghị định này phải có các giấy tờ quy định tại điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 4 Nghị định này và kèm theo hợp đồng ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài.

+ Đối với người nước ngoài quy định tại điểm e khoản 1 Điều 1 Nghị định này phải có các giấy tờ theo quy định tại điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 4 Nghị định này và giấy chứng nhận tổ chức phi chính phủ nước ngoài được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

+ Người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các gói thầu hoặc dự án của nhà thầu nước ngoài đã trúng thầu tại Việt Nam theo quy định tại Điều 6a Nghị định này phải có các giấy tờ theo quy định tại điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 4 Nghị định này; đối với người nước ngoài được nhà thầu tuyển sau khi đã trúng thầu phải có thêm phiếu đăng ký dự tuyển lao động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Nghị định này và văn bản chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại khoản 4 Điều 6a Nghị định này.

b) Đối với người nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động, hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam hoặc đại diện của tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Các giấy tờ của người nước ngoài và các văn bản có liên quan:

+ Đối với người nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà có nhu cầu làm việc cho doanh nghiệp khác cùng vị trí công việc đã ghi trong giấy phép lao động phải có 03 (ba) ảnh màu theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 4 Nghị định này và giấy phép lao động đã được cấp hoặc bản sao giấy phép lao động đã được cấp.

+ Đối với người nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà có nhu cầu làm công việc khác vị trí công việc đã ghi trong giấy phép lao động phải có các giấy tờ theo quy định tại điểm c, d và đ khoản 2 Điều 4 Nghị định này và giấy phép lao động đã được cấp hoặc bản sao giấy phép lao động đã được cấp.

+ Đối với người nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động nhưng hết hiệu lực hoặc vô hiệu có nhu cầu làm việc cho doanh nghiệp khác cùng vị trí công việc đã ghi trong giấy phép lao động phải có giấy tờ theo quy định tại điểm c và đ khoản 2 Điều 4 Nghị định này và giấy phép lao động đã được cấp hoặc bản sao giấy phép lao động đã được cấp.”

10. Sửa đổi điểm b khoản 5 Điều 9 như sau:

“b) Trong thời hạn 10 (mười) ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Trường hợp không cấp giấy phép lao động phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

11. Bãi bỏ điểm c khoản 5 Điều 9.

12. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 9 như sau:

“6. Đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam, đại diện tổ chức phi chính phủ nước ngoài phải thực hiện việc báo cáo trước 07 (bảy) ngày, kể từ ngày người nước ngoài bắt đầu làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi người nước ngoài thường xuyên làm việc danh sách trích ngang về người nước ngoài với nội dung: họ tên, tuổi, quốc tịch, số hộ chiếu, ngày bắt đầu và ngày kết thúc làm việc, vị trí công việc của người nước ngoài.

Đối với các đối tượng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này thì phải gửi kèm theo các giấy tờ của người nước ngoài quy định tại b, c, d và đ khoản 2 Điều 4 Nghị định này và phải đảm bảo đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 3 Nghị định này.

Đối với các đối tượng quy định tại điểm đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 1 Điều này thì thời hạn báo cáo danh sách trích ngang về người nước ngoài trước ít nhất 07 (bảy) ngày, kể từ ngày người nước ngoài bắt đầu làm việc.”

13. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 10 như sau:

“a) Đối với người nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng lao động, bao gồm:

- Văn bản đề nghị gia hạn giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Bản sao hợp đồng học nghề được ký giữa doanh nghiệp với người lao động Việt Nam để thay thế cho công việc mà người nước ngoài đang đảm nhiệm theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Bản sao hợp đồng lao động;

- Giấy phép lao động đã được cấp.”

14. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 10 như sau:

“4. Trình tự gia hạn giấy phép lao động:

a) Trước ít nhất 10 (mười) ngày nhưng không quá 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày giấy phép lao động hết hạn, người sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.

b) Trong thời hạn 10 (mười) ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải gia hạn giấy phép lao động. Trường hợp không gia hạn giấy phép lao động phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

15. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:

“Điều 11. Cấp lại giấy phép lao động

1. Các trường hợp cấp lại giấy phép lao động:

a) Giấy phép lao động bị mất;

b) Giấy phép lao động bị hỏng;

c) Thay đổi về số hộ chiếu, nơi làm việc ghi trên giấy phép lao động đã được cấp.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động:

a) Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động của người nước ngoài theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó phải giải trình rõ lý do bị mất, bị hỏng, thay đổi số hộ chiếu, nơi làm việc và phải có xác nhận của người sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam;

b) Giấy phép lao động đã được cấp trong trường hợp quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này.

3. Thời hạn của giấy phép lao động được cấp lại bằng thời gian của giấy phép lao động đã được cấp trừ đi thời gian người nước ngoài đã làm việc tính đến thời điểm đề nghị cấp lại giấy phép lao động.

4. Trình tự cấp lại giấy phép lao động:

a) Trong thời hạn 03 (ba) ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày người nước ngoài phát hiện giấy phép lao động bị mất, bị hỏng, thay đổi về số hộ chiếu, nơi làm việc ghi trên giấy phép lao động đã được cấp thì người nước ngoài có trách nhiệm báo cáo người sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam, đại diện tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Người sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam, đại diện tổ chức phi chính phủ nước ngoài phải thông báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi đã cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài về việc giấy phép lao động bị mất, bị hỏng, thay đổi về số hộ chiếu, nơi làm việc ghi trên giấy phép lao động. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày giấy phép lao động bị mất, bị hỏng, thay đổi về số hộ chiếu, nơi làm việc ghi trên giấy phép lao động, người sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam, đại diện tổ chức phi chính phủ nước ngoài phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đã cấp giấy phép lao động đó;

b) Trong thời hạn 03 (ba) ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải cấp lại giấy phép lao động. Trường hợp không cấp lại giấy phép lao động phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.

16. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 14 như sau:

“3. Người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trừ các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này mà chưa được cấp giấy phép lao động thì phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định này. Sau 06 (sáu) tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc chưa nộp được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan công an buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật.”

17. Bổ sung Điều 15a sau Điều 15 như sau:

“Điều 15a. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan công an có thẩm quyền:

a) Cấp thị thực cho người nước ngoài sau khi đã được cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động hoặc cấp lại giấy phép lao động.

b) Không cấp thị thực đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi chưa được cấp giấy phép lao động hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực hoặc vô hiệu, trừ các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.

Không gia hạn tạm trú, buộc xuất cảnh hoặc trục xuất đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi chưa được cấp giấy phép lao động hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực hoặc vô hiệu, trừ các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn trình tự, thủ tục gửi danh sách người nước ngoài được cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động và cấp lại giấy phép lao động của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này.

3. Hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, căn cứ áp dụng và hồ sơ đề nghị hình phạt buộc xuất cảnh hoặc trục xuất đối với người nước ngoài không có giấy phép lao động sau khi nhận được đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.”

18. Bổ sung Điều 16a sau Điều 16 như sau:

“Điều 16a. Trách nhiệm của Bộ Công Thương

Hướng dẫn căn cứ, trình tự, thủ tục để xác định đối tượng là người nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi các ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới của 11 ngành dịch vụ nêu tại điểm i khoản 1 Điều 9 Nghị định này.”

19. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 18 như sau:

“2. Thực hiện cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động và cấp lại giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định này và gửi danh sách người nước ngoài được cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động và cấp lại giấy phép lao động cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để kiểm tra và làm thủ tục nhập cảnh, cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.”

20. Bổ sung khoản 7 Điều 19 như sau:

“7. Hằng năm, người sử dụng lao động phải đăng ký nhu cầu tuyển và sử dụng người nước ngoài bằng văn bản bao gồm: số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, mức lương, thời gian làm việc (bắt đầu và kết thúc) theo từng vị trí công việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp thay đổi nhu cầu sử dụng người nước ngoài thì người sử dụng lao động phải đăng ký bổ sung bằng văn bản nhu cầu tuyển và sử dụng người nước ngoài trước 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày người sử dụng lao động thông báo nhu cầu tuyển người nước ngoài.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo nhu cầu tuyển và sử dụng người nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.”

21. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 20 như sau:

“1. Đối với người nước ngoài là phu nhân, phu quân của những người được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam phải có sự thỏa thuận của giữa Việt Nam với nước liên quan và giấy phép lao động, trừ trường hợp Việt Nam ký hiệp định hoặc thỏa thuận có quy định khác.

Hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp giấy phép lao động đối với phu nhân, phu quân nêu trên thực hiện theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao.

Đối với người nước ngoài là học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài đến Việt Nam thực tập trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thì doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có học sinh, sinh viên thực tập phải báo cáo theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2011.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.