• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/2011
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 22/2011/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 3 tháng 8 năm 2011

THÔNG TƯ

Hướng dẫn chế độ tiền lương đối với công nhân, viên chức xây dựng công trình thủy điện

do Việt Nam đầu tư tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

__________________________

 

Căn cứ Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 2 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1619/VPCP-KTTH ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ, sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với công nhân, viên chức xây dựng công trình thủy điện do Việt Nam đầu tư tại Lào như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về tiền lương, phụ cấp lương, hệ số không ổn định sản xuất và chế độ ăn giữa ca đối với công nhân, viên chức trực tiếp tham gia xây dựng công trình thủy điện do Việt Nam đầu tư tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công nhân, viên chức trực tiếp tham gia xây dựng công trình.

2. Công nhân, viên chức quản lý dự án trực tiếp làm việc tại công trình.

3. Công nhân, viên chức khảo sát, tư vấn, thiết kế trực tiếp làm việc tại công trình.

4. Doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp nhận thầu thi công công trình (sau đây gọi chung là chủ đầu tư, nhà thầu thi công).

Điều 3. Chế độ tiền lương và phụ cấp lương

1. Mức lương tối thiểu được áp dụng theo mức lương tối thiểu chung do Chính phủ Việt Nam quy định tương ứng với từng thời kỳ cho đến khi có quy định mới.

2. Mức lương cấp bậc công việc được tính theo hệ số lương quy định tại thang lương, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước tương ứng với cấp bậc công việc của từng công việc cụ thể theo định mức xây dựng công trình của Bộ Xây dựng.

3. Chế độ phụ cấp lương

a) Phụ cấp khu vực: mức 0,7 tính trên mức lương tối thiểu chung do Chính phủ Việt Nam quy định tương ứng với từng thời kỳ, việc tổ chức thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực.

b) Phụ cấp lưu động: mức 0,6 tính trên mức lương tối thiểu chung do Chính phủ Việt Nam quy định tương ứng với từng thời kỳ, việc tổ chức thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp lưu động.

c) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm: mức 0,4 tính trên mức lương tối thiểu chung do Chính phủ Việt Nam quy định tương ứng với từng thời kỳ, việc tổ chức thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm.

d) Phụ cấp thu hút: mức 70% tính trên lương cấp bậc, chức vụ, lương chuyên môn, nghiệp vụ, việc tổ chức thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thu hút.

e) Phụ cấp đặc biệt: mức 30% so với hệ số mức lương hiện hưởng và hệ số giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó trưởng phòng hoặc tương đương theo hạng công ty được xếp (nếu có) theo các thang lương, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.

4. Hệ số không ổn định sản xuất: mức 15% tính trên lương cấp bậc, chức vụ, lương chuyên môn, nghiệp vụ.

Điều 4. Chế độ ăn giữa ca

1. Mức ăn giữa ca: 20.000 đồng/người/ngày, việc tổ chức thực hiện theo quy định tại khoản 1, mục IV Thông tư số 22/2008/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca trong các công ty nhà nước.

2. Chi phí ăn giữa ca được lập và hạch toán thành khoản mục riêng trong dự toán xây dựng công trình.

Điều 5. Chi trả tiền lương và phụ cấp lương

1. Căn cứ vào dự toán chi phí nhân công và mức độ hoàn thành khối lượng công việc theo tiến độ thi công công trình, nhà thầu thi công xây dựng công trình thực hiện tạm ứng tiền lương hàng tháng cho người lao động theo quy chế trả lương của đơn vị.

2. Hàng năm, căn cứ vào khối lượng hoàn thành công việc và quỹ tiền lương thực hiện tương ứng, nhà thầu thi công xây dựng công trình thực hiện thanh toán đúng, đủ tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác cho người lao động theo quy chế trả lương của đơn vị gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và mức độ đóng góp của người lao động vào hiệu quả chung của đơn vị.

Điều 6. Nguồn kinh phí

Nguồn kinh phí để chi trả cho các chế độ quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư này được quy định như sau:

1. Đối với công nhân, viên chức trực tiếp tham gia xây dựng công trình được tính vào chi phí xây dựng công trình.

2. Đối với công nhân, viên chức quản lý dự án trực tiếp làm việc tại công trình được tính vào chi phí quản lý dự án.

3. Đối với công nhân, viên chức trực tiếp tư vấn, khảo sát, thiết kế công trình được tính vào chi phí tư vấn xây dựng công trình.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm xác định quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện, chi trả tiền lương cho người lao động, quyết toán quỹ tiền lương và chi phí ăn giữa ca với chủ đầu tư.

2. Chủ đầu tư có trách nhiệm:

a) Căn cứ các chế độ quy định tại Thông tư này và các văn bản hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình hiện hành của Bộ Xây dựng, lập dự toán chi phí nhân công trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình. Trường hợp dự án xây dựng công trình thủy điện có tổng mức đầu tư đã được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì điều chỉnh, bổ sung theo quy định của Nhà nước.

b) Tạm ứng và thanh toán cho nhà thầu thi công xây dựng công trình theo quy định.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2011 cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

2. Đối với các dự án thủy điện do Việt Nam đầu tư tại Lào sử dụng vốn nhà nước dưới 30% thì có thể vận dụng chế độ tiền lương, phụ cấp lương, hệ số không ổn định sản xuất và chế độ ăn giữa ca quy định tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư này để làm cơ sở lập dự toán chi phí nhân công, trả lương đối với người lao động.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn bổ sung kịp thời./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Minh Huân

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.