• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 12/09/2011
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Số: 01/2011/NQ-HĐTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 29 tháng 7 năm 2011

NGHỊ QUYẾT

Hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 56/2010/QH12

ngày 24-11-2010 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng Hành chính

______________________

 

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật tổ chức Toà án nhân dân;

Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của Nghị quyết số 56/2010/QH12 ngày 24-11-2010 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính (sau đây viết tắt là NQ số 56);

Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực

1. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Luật tố tụng hành chính được công bố (ngày 07-12-2010) thì áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 69 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính; cụ thể như sau:

a) Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật;

b) Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại khoản 2 Điều 67 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

2. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật từ ngày Luật tố tụng hành chính được công bố (ngày 07-12-2010) đến ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực (ngày 01-7-2011) thì áp dụng theo quy định tại Điều 215 và Điều 236 của Luật tố tụng hành chính; cụ thể như sau:

a) Trường hợp đương sự không có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 02 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật;

b) Trường hợp đương sự có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 215 của Luật tố tụng hành chính (hết thời hạn 02 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật nhưng chưa có kháng nghị mà phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong bản án, quyết định thì người có quyền kháng nghị được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đó);

c) Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 233 của Luật tố tụng hành chính.

3. Để có căn cứ tính thời hạn kháng nghị theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 NQ số 56 và hướng dẫn tại khoản 2 Điều này, Toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải có sổ thụ lý đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và thông báo việc thụ lý đơn đề nghị cho đương sự biết. Trường hợp được hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều này thì người kháng nghị giám đốc thẩm phải chứng minh là đã nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm của đương sự trong thời hạn quy định. Trường hợp cần thiết, Toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm có thể yêu cầu đương sự chứng minh là đã có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn quy định.

Điều 2. Áp dụng pháp luật tố tụng hành chính để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực

1. Kể từ ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực pháp luật (ngày 01-7-2011), việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày này thì thủ tục áp dụng theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

2. Đối với những vụ án hành chính đã được Toà án giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật tố tụng hành chính tại thời điểm giải quyết và bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực (ngày 01-7-2011) thì không căn cứ vào quy định của Luật tố tụng hành chính để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Điều 3. Áp dụng pháp luật tố tụng hành chính để xét xử vụ án hành chính

Kể từ ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực pháp luật (ngày 01-7-2011), việc xét xử sơ thẩm đối với những vụ án hành chính đã được Toà án thụ lý trước ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực; việc xét xử phúc thẩm những vụ án hành chính đã được Tòa án xét xử sơ thẩm trước ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực mà có kháng cáo, kháng nghị; việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trước ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực thì đều được thực hiện theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính.

Điều 4. Điều kiện thụ lý khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai quy định tại Điều 3 NQ số 56

1. Toà án chỉ thụ lý giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai (nội dung quản lý nhà nước về đất đai được quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật đất đai năm 2003) quy định tại Điều 3 NQ số 56 khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Việc khởi kiện được thực hiện trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực (ngày 01-7-2011);

b) Người khởi kiện đã thực hiện việc khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ ngày 01-6-2006 đến ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực (ngày 01-7-2011) mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng họ không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại và họ chưa khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án nhân dân hoặc đã khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án nhân dân, nhưng Toà án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

2. Đối với trường hợp Tòa án đã ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án nêu tại điểm b khoản 1 Điều này và đương sự có đơn khởi kiện thì Tòa án căn cứ vào Điều 3 NQ số 56 để thụ lý giải quyết.

3. Khi thụ lý giải quyết các khiếu kiện quy định tại Điều 3 NQ số 56 và được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, ngoài việc yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ theo quy định tại Điều 72 của Luật tố tụng hành chính thì phải yêu cầu người khởi kiện cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc họ đã thực hiện việc khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ ngày 01-6-2006 đến ngày Luật tố tụng hành chính có hiệu lực. Trường hợp người khởi kiện không thể cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho việc họ đã thực hiện việc khiếu nại thì Toà án yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cung cấp cho mình tài liệu, chứng cứ về việc người khởi kiện đã thực hiện việc khiếu nại và hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có). Trường hợp cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo là người khởi kiện chưa thực hiện việc khiếu nại thì Toà án không thụ lý giải quyết.

4. Việc giải quyết các khiếu kiện theo quy định tại Điều 3 NQ số 56 và được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 30 tháng 6 năm 2011 và có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành./.

Chánh án

(Đã ký)

 

Trương Hoà Bình

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.