• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 09/12/2011
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 48/2011/TT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 25 tháng 10 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non

__________________

 

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 75/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

Căn cứ Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tuần làm việc 40 giờ;

Theo thỏa thuận tại văn bản số 3199/BNV-TCBC ngày 29 tháng 8 năm 2011 của Bộ Nội vụ về dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non, bao gồm: thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm, quy định về giờ dạy, chế độ giảm giờ dạy và quy đổi một số hoạt động chuyên môn khác ra giờ dạy.

2. Thông tư này áp dụng đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy, giáo viên làm công tác quản lý ở các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Điều 2. Mục đích

1. Làm cơ sở để giáo viên mầm non xây dựng kế hoạch giảng dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ; kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

2. Làm căn cứ để người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non phân công, bố trí, sử dụng, tăng cường hiệu lực quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động đối với giáo viên.

3. Làm căn cứ để người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non đánh giá, xếp loại giáo viên hằng năm, đảm bảo tính công khai, công bằng, dân chủ trong việc thực hiện chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của giáo viên.

4. Giúp các cơ quan quản lý giáo dục có căn cứ để kiểm tra, thẩm định, đánh giá và xây dựng chính sách, chương trình giáo dục, bồi dưỡng giáo viên mầm non.

Điều 3. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên

1. Thời gian làm việc trong một năm của giáo viên mầm non là 42 tuần, trong đó:

a) 35 tuần làm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ (sau đây gọi chung là dạy trẻ);

b) 04 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ;

c) 02 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;

d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

2. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non gồm: nghỉ hè và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên là 08 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có);

b) Các ngày nghỉ khác thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động và các quy định hiện hành.

Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.

Điều 4. Giờ dạy của giáo viên

1. Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.

2. Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 04 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.

3. Đối với giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập, mỗi giáo viên dạy đủ số giờ theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này; trong đó, cứ có 01 trẻ khuyết tật/lớp, mỗi giáo viên được tính thêm 0,5 giờ dạy/ngày.

4. Đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo quy định tại Điều lệ trường mầm non, hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục (dạy trẻ hoặc dự giờ dạy trẻ của giáo viên trong trường) 02 giờ trong một tuần; phó hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 04 giờ trong một tuần.

Điều 5. Chế độ giảm giờ dạy và quy đổi một số hoạt động chuyên môn khác ra giờ dạy

1. Chế độ giảm giờ dạy đối với giáo viên làm công tác kiêm nhiệm

a. Giáo viên kiêm nhiệm công tác bí thư chi bộ nhà trường, chủ tịch công đoàn giáo dục nhà trường, chủ tịch Hội đồng trường, thư ký Hội đồng trường, bí thư Đoàn thanh niên được giảm 02 giờ dạy/tuần;

b. Giáo viên kiêm nhiệm công tác trưởng ban thanh tra nhân dân được giảm 02 giờ dạy/tuần;

c. Giáo viên kiêm nhiệm công tác tổ trưởng chuyên môn được giảm 03 giờ dạy/tuần;

d. Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 chức danh và được hưởng chế độ giảm giờ dạy ở chức danh cao nhất.

2. Chế độ giảm giờ dạy đối với giáo viên nữ: giáo viên nữ có con nhỏ từ 12 tháng trở xuống được giảm 05 giờ dạy/tuần.

3. Quy đổi một số hoạt động chuyên môn khác ra giờ dạy

Ngoài nhiệm vụ giảng dạy chính ở trên lớp, giáo viên còn phải thực hiện những hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác theo sự phân công của Hiệu trưởng. Việc quy đổi những hoạt động này ra giờ dạy để tính số giờ dạy cho từng giáo viên được thực hiện như sau:

a) Đối với giáo viên được huy động làm cộng tác viên thanh tra thì thời gian làm việc một buổi được tính bằng 04 giờ dạy;

b) Đối với giáo viên được huy động tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do phòng Giáo dục và Đào tạo, sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì 01 tiết giảng dạy thực tế được tính bằng 01 giờ dạy.

Điều 6. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo, sở tài chính, sở nội vụ, các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, theo thẩm quyền được giao có trách nhiệm tổ chức và kiểm tra việc thực hiện chế độ làm việc của giáo viên mầm non quy định tại Thông tư này.

Điều 7. Trách nhiệm của sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo

Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ làm việc của giáo viên mầm non được quy định tại Thông tư này.

Điều 8. Trách nhiệm của Hiệu trưởng trường mầm non

Hiệu trưởng trường mầm non chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ làm việc, các chế độ, chính sách liên quan đến chế độ làm việc và tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện chế độ làm việc theo quy định tại Thông tư này.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9 tháng 12 năm 2011. Bãi bỏ các quy định trước đây về chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non trái với quy định tại Thông tư này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Nghĩa

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.