• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/07/2014
BỘ TƯ PHÁP
Số: 15/2014/TT-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2014

THÔNG TƯ

Hướng dẫn tìm gia đình thay thế ở nước ngoài cho trẻ em khuyết tật,

trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em từ 5 tuổi trở lên, hai trẻ em

 trở lên là anh chị em ruột cần tìm gia đình thay thế

__________________

 

Căn cứ Luật Nuôi con nuôi ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Con nuôi,

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn tìm gia đình thay thế ở nước ngoài cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em từ 5 tuổi trở lên, hai trẻ em trở lên là anh chị em ruột cần tìm gia đình thay thế.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn tìm gia đình thay thế ở nước ngoài cho trẻ em  khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em từ 5 tuổi trở lên và hai trẻ em trở lên là anh chị em ruột cần tìm gia đình thay thế (sau đây gọi tắt là trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt).

Điều 2. Trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được nhận đích danh làm con nuôi

Trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được nhận đích danh làm con nuôi bao gồm trẻ em thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi.

2. Trẻ em khuyết tật hoặc trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo mà cơ hội được nhận làm con nuôi bị hạn chế theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP bao gồm: trẻ em mắc bệnh viêm gan  B, C, giang mai, lao; trẻ em chỉ có một tai, không có lỗ tai, không có vành tai; trẻ em bị rung giật nhãn cầu mắt, đục thủy tinh thể, bong võng mạc mắt; trẻ em bị cụt tay, cụt chân, thừa hoặc thiếu ngón tay, ngón chân, ngón tay hoặc ngón chân dính vào nhau; trẻ em bị suy tuyến giáp; trẻ em bị teo thực quản; trẻ em bị hẹp, phì hậu môn; trẻ em bị viêm da cơ địa toàn thân; trẻ em bị hen suyễn; trẻ em bị các bệnh về não; trẻ em mắc hội chứng down; trẻ em chậm phát triển tâm thần vận động, trẻ em tự kỷ; trẻ em bị động kinh; trẻ em bị tinh hoàn ẩn; trẻ em bị loạn dưỡng cơ trương lực; trẻ em mắc các bệnh thoát vị khác.

3. Trẻ em mắc các bệnh cần điều trị cả đời, mắc bệnh hiểm nghèo khác căn cứ vào ý kiến của bác sỹ chuyên khoa về các loại bệnh tật mà trẻ em mắc phải; trẻ em bị khuyết tật khác mà cơ hội được nhận làm con nuôi bị hạn chế.

Chương II

THỦ TỤC TÌM GIA ĐÌNH THAY THẾ Ở  NƯỚC NGOÀI CHO TRẺ EM CÓ NHU CẦU CHĂM SÓC ĐẶC BIỆT

Điều 3. Lập danh sách và hồ sơ của trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt cần tìm gia đình thay thế

 1. Khi tiếp nhận hoặc trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, nếu thấy trẻ em thuộc diện quy định tại Điều 2 của Thông tư này, trẻ em từ 5 tuổi trở lên hoặc hai trẻ em trở lên là anh chị em ruột, cơ sở nuôi dưỡng lập ngay danh sách trẻ em kèm theo hồ sơ của trẻ em, xin ý kiến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước khi gửi Sở Tư pháp.

2. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được danh sách kèm theo hồ sơ của trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt, Sở Tư pháp gửi Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp (sau đây gọi là Cục Con nuôi) để Cục Con nuôi đề nghị các Văn phòng con nuôi nước ngoài hỗ trợ khám sức khỏe chuyên sâu, chăm sóc y tế và tìm gia đình thay thế ở nước ngoài cho trẻ em.

3. Trường hợp trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận con nuôi đích danh theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 Luật nuôi con nuôi, thì Sở Tư pháp hướng dẫn cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em lập hồ sơ của trẻ em và nộp cho Sở Tư pháp.

 Điều 4. Hỗ trợ chăm sóc y tế và khám sức khoẻ chuyên sâu cho trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặt biệt cần tìm gia đình thay thế

1. Các Văn phòng con nuôi nước ngoài thông báo cho Cục Con nuôi chương trình hỗ trợ chăm sóc y tế và khám sức khoẻ chuyên sâu cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, tư vấn tâm lý và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên hoặc hai trẻ em trở lên là anh chị em ruột. Chương trình hỗ trợ phải mô tả rõ về khả năng hỗ trợ các loại bệnh tật, khuyết tật của trẻ em, nhu cầu đặc biệt của trẻ em từ 5 tuổi trở lên, trẻ em thuộc nhóm anh chị em ruột, năng lực của nhân viên phụ trách, các công việc chuẩn bị cho cha mẹ nuôi và những biện pháp theo dõi tình hình phát triển của con nuôi.

2. Khi nhận được Danh sách trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt kèm theo hồ sơ do Sở Tư pháp gửi, căn cứ vào các chương trình hỗ trợ của Văn phòng con nuôi nước ngoài, Cục Con nuôi đề nghị Văn phòng con nuôi nước ngoài hỗ trợ khám sức khỏe chuyên sâu và hỗ trợ chăm sóc y tế cho trẻ em; tư vấn tâm lý, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho trẻ em lớn tuổi hoặc trẻ em thuộc nhóm anh chị em ruột được nhận làm con nuôi.

Điều 5. Tìm gia đình thay thế ở nước ngoài cho trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt

1. Trong thời gian hỗ trợ khám sức khỏe chuyên sâu và chăm sóc y tế cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, tư vấn tâm lý và chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên hoặc hai trẻ em trở lên là anh chị em ruột cần tìm gia đình thay thế theo đề nghị của Cục Con nuôi, Văn phòng con nuôi nước ngoài tiến hành tìm gia đình có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận trẻ em làm con nuôi.

2. Khi tìm gia đình thay thế ở nước ngoài cho trẻ em, Văn phòng con nuôi nước ngoài phải thông tin đầy đủ và chi tiết về tình trạng khuyết tật, bệnh tật và nhu cầu chăm sóc đặc biệt của trẻ em, điều kiện gia đình, tâm lý, xã hội của trẻ em để người nhận con nuôi cân nhắc kỹ khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trước khi quyết định nộp hồ sơ nhận trẻ em làm con nuôi.

Điều 6. Hồ sơ của trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt cần tìm gia đình thay thế ở nước ngoài

 Hồ sơ của trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt cần tìm gia đình thay thế ở nước ngoài bao gồm các giấy tờ được quy định tại Điều 32 Luật nuôi con nuôi, khoản 1 Điều 14 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và phải có các giấy tờ chứng minh tình trạng khuyết tật, bệnh tật, nhu cầu chăm sóc đặc biệt của trẻ em.

Điều 7. Lấy ý kiến của những người liên quan và xác minh nguồn gốc của trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt cần tìm gia đình thay thế ở nước ngoài

1. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ sở nuôi dưỡng gửi đến, đồng thời với việc gửi hồ sơ cho Cục Con nuôi theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ trẻ em, tiến hành lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ về việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, đề nghị Công an cấp tỉnh xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi. Văn bản đề nghị xác minh của Sở Tư pháp phải nêu rõ trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt cần được ưu tiên xác minh để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

2. Văn bản xác minh của Công an cấp tỉnh phải kết luận rõ ràng về nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi, không xác định được cha mẹ đẻ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP. Trường hợp xác định được cha mẹ đẻ của trẻ em thì văn bản xác minh phải nêu rõ họ, tên và nơi cư trú của cha mẹ đẻ để Sở Tư pháp tiến hành thủ tục lấy ý kiến của cha mẹ đẻ về việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài.

3. Trường hợp trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được nhận đích danh làm con nuôi theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 Luật nuôi con nuôi, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ của trẻ em do cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em gửi đến, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ trẻ em, tiến hành lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ về việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP.

Điều 8. Xác nhận trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt đủ điều kiện làm con nuôi người nước ngoài

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn thay đổi ý kiến của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ về việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, nếu thấy trẻ em có đủ điều kiện làm con nuôi người nước ngoài thuộc đối tượng được nhận đích danh, Sở Tư pháp có văn bản xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi người nước ngoài.

2. Trước khi xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi người nước ngoài, nếu hồ sơ sức khỏe của trẻ em chưa thể hiện rõ tình trạng khuyết tật, bệnh tật của trẻ em, thì Sở Tư pháp đề nghị cơ sở nuôi dưỡng, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em bổ sung hồ sơ sức khỏe của trẻ em, lấy ý kiến của bác sỹ chuyên khoa về các loại khuyết tật, bệnh tật mà trẻ em mắc phải.

3. Đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, Sở Tư pháp có văn bản xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi người nước ngoài trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xác minh nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi của Công an cấp tỉnh.

4. Sau khi xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi người nước ngoài, Sở Tư pháp có văn bản gửi Cục Con nuôi kèm theo Biên bản lấy ý kiến về việc cho trẻ em làm con nuôi và văn bản của Công an cấp tỉnh về việc xác minh nguồn gốc đối với trẻ em bị bỏ rơi.

5. Trường hợp trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được nhận đích danh làm con nuôi theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 Luật nuôi con nuôi, sau khi xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi người nước ngoài thì Sở Tư pháp gửi hồ sơ của trẻ em cho Cục Con nuôi.

Điều 9. Hồ sơ của người nước ngoài nhận đích danh trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt làm con nuôi

1. Hồ sơ của người nước ngoài nhận đích danh trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt làm con nuôi bao gồm các giấy tờ được quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật nuôi con nuôi và Điều 13 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP.

2. Hồ sơ nhận con nuôi phải nêu rõ người nhận con nuôi chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, có đủ điều kiện kinh tế, gia đình và có kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt.

3. Trường hợp người nhận con nuôi nhận đích danh trẻ em trên 5 tuổi hoặc hai trẻ em trở lên là anh chị em ruột làm con nuôi, thì hồ sơ phải nêu rõ kế hoạch chuẩn bị về tâm lý cho trẻ em, chuẩn bị điều kiện cho trẻ em hòa nhập vào môi trường gia đình, văn hóa, xã hội mới.

Điều 10. Nộp hồ sơ nhận trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt làm con nuôi

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận đích danh trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 Luật nuôi con nuôi nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP.

2. Khi tìm được gia đình có nguyện vọng nhận trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt làm con nuôi theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, Văn phòng con nuôi nước ngoài nộp hồ sơ của người nhận con nuôi cho Cục Con nuôi.

3. Nếu Văn phòng con nuôi nước ngoài chưa nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày trẻ em được xác nhận đủ điều kiện làm con nuôi người nước ngoài, Văn phòng con nuôi nước ngoài phải nộp hồ sơ của người nhận con nuôi để Cục Con nuôi xem xét, quyết định. Trong trường hợp đặc biệt, thời hạn nộp hồ sơ có thể kéo dài đến 60 ngày.

4. Đối với những trẻ em đã được Văn phòng con nuôi nước ngoài hỗ trợ chăm sóc y tế nhưng Văn phòng không thể tìm được gia đình nhận trẻ em làm con nuôi theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, thì Cục Con nuôi đề nghị Văn phòng con nuôi nước ngoài khác tìm gia đình thay thế cho trẻ em.

Điều 11. Thẩm định hồ sơ của người nước ngoài nhận đích danh trẻ em   có nhu cầu chăm sóc đặc biệt làm con nuôi                

1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định tại Điều 10 Thông tư này, Cục Con nuôi tiến hành thẩm định hồ sơ của người nước ngoài nhận đích danh trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt làm con nuôi.

2. Căn cứ tình trạng khuyết tật, bệnh tật và nhu cầu chăm sóc đặc biệt của trẻ em, Cục Con nuôi xem xét, đánh giá gia đình có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu chăm sóc đặc biệt của trẻ em hay không để đảm bảo tìm được gia đình thay thế ở nước ngoài phù hợp với trẻ em.

Điều 12. Thông báo kết quả tìm gia đình thay thế ở nước ngoài cho trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày chấp thuận kết quả tìm gia đình thay thế cho trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt hoặc kể từ ngày nhận được hồ sơ của trẻ em theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Thông tư này, Cục Con nuôi gửi văn bản thông báo cho Cơ quan con nuôi Trung ương của nước ngoài hữu quan và người nhận con nuôi về việc chấp thuận cho nhận đích danh trẻ em làm con nuôi.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Cục Con nuôi, người nhận con nuôi dích danh hoặc Văn phòng con nuôi nước ngoài phải gửi Cục Con nuôi văn bản của cha mẹ nuôi đồng ý nhận trẻ em làm con nuôi và văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hữu quan về việc trẻ em sẽ được nhập cảnh và thường trú ở nước ngoài hữu quan. Trong trường hợp trẻ em khuyết tật hoặc mắc bệnh quá nặng, người nhận con nuôi phải có thời gian để tham vấn ý kiến của bác sỹ thì thời hạn trả lời có thể kéo dài đến 60 ngày.

Điều 13. Quyết định cho trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt làm con nuôi nước ngoài và tổ chức giao nhận con nuôi

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này, Cục Con nuôi chuyển hồ sơ của người nhận con nuôi cho Sở Tư pháp nơi trẻ em được nhận làm con nuôi thường trú để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cho nhận con nuôi.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do Cục Con nuôi chuyển đến, Sở Tư pháp có trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp thông báo cho người nhận con nuôi đến Việt Nam để nhận con nuôi. Người nhận con nuôi phải có mặt ở Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Sở Tư pháp; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trên có thể kéo dài, nhưng không quá 60 ngày. 

Điều 14. Hủy quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài

1. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành Quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài nhưng trẻ em chưa xuất cảnh Việt Nam, người nhận con nuôi có thể gửi đơn đến Cục Con nuôi đề nghị hủy Quyết định nếu người nhận con nuôi đột nhiên mắc bệnh hiểm nghèo không thể tiếp tục nuôi dưỡng con nuôi, hoặc trẻ em được nhận làm con nuôi mắc bệnh quá nặng, cha mẹ nuôi không đủ điều kiện để nuôi dưỡng trẻ em, hoặc vì lý do chính đáng khác.

2. Cục Con nuôi có văn bản thông báo cho Sở Tư pháp để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, hủy Quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15.  Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05  tháng  7  năm 2014.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành 

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Con nuôi, Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở nuôi dưỡng, các Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những việc mới, Cục Con nuôi có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp để kịp thời hướng dẫn./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh Trung Tụng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.