• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2015
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 69/2014/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 27 tháng 11 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định thủ tục xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa

___________________

 

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định thủ tục xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định thủ tục xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa của thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện khi phương tiện thủy nội địa, tàu biển, tàu cá bị tai nạn, sự cố trên đường thủy nội địa và trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với thuyền trưởng, người lái phương tiện, cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giá trị pháp lý của trình báo đường thủy nội địa

1. Trình báo đường thủy nội địa được xác nhận theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư này có giá trị chứng cứ pháp lý khi giải quyết các tranh chấp có liên quan.

2. Trình báo đường thủy nội địa đã được xác nhận theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư này không miễn trừ trách nhiệm pháp lý của thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện đối với các sự việc khác có liên quan.

Điều 4. Ngôn ngữ trong việc lập, xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa

Trình báo đường thủy nội địa được lập, xác nhận bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh; trường hợp trình báo đường thủy nội địa được lập bằng tiếng Anh thì theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện phải trình kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt.

Chương II

THỦ TỤC XÁC NHẬN VIỆC TRÌNH BÁO ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 5. Cơ quan xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa

1. Cảng vụ Đường thủy nội địa xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa của thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện của phương tiện thủy nội địa, tàu biển, tàu cá bị tai nạn, sự cố trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa.

2. Trường hợp phương tiện thủy nội địa, tàu biển, tàu cá bị tai nạn, sự cố trên đường thủy nội địa (ngoài vùng nước cảng, bến thủy nội địa) thì thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện có thể trình báo đường thủy nội địa tại một trong các cơ quan Cảng vụ Đường thủy nội địa, đơn vị quản lý đường thủy nội địa, Cảnh sát đường thủy hoặc Ủy ban nhân dân gần nhất nơi xảy ra tai nạn, sự cố.

Điều 6. Thời hạn trình xác nhận trình báo đường thủy nội địa

1. Trường hợp phương tiện thủy nội địa, tàu biển, tàu cá bị tai nạn, sự cố trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa thì trình báo đường thủy nội địa phải được trình Cảng vụ Đường thủy nội địa trong thời hạn 48 (bốn mươi tám) giờ sau khi xảy ra tai nạn, sự cố.

2. Trường hợp phương tiện thủy nội địa, tàu biển, tàu cá bị tai nạn, sự cố trên đường thủy nội địa (ngoài vùng nước cảng, bến thủy nội địa) thì trình báo đường thủy nội địa phải được trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 5 của Thông tư này chậm nhất 03 (ba) ngày làm việc, kể từ thời điểm xảy ra tai nạn, sự cố hoặc kể từ khi phương tiện thủy nội địa, tàu biển, tàu cá ghé vào cảng, bến thủy nội địa đầu tiên sau khi xảy ra tai nạn, sự cố.

3. Trường hợp tai nạn, sự cố xảy ra có liên quan đến hàng hóa trong hầm hàng thì trình báo đường thủy nội địa phải được trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 5 của Thông tư này trước khi mở nắp hầm hàng. Trường hợp tai nạn, sự cố xảy ra với hàng hóa trong quá trình làm hàng (đã mở nắp hầm hàng) thì thực hiện theo khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp không thể trình báo đường thủy nội địa trong thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này thì trong trình báo đường thủy nội địa phải ghi rõ nguyên nhân của sự chậm trễ đó.

Điều 7. Trình xác nhận trình báo đường thủy nội địa

Khi trình xác nhận trình báo đường thủy nội địa cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 5 của Thông tư này, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện hoặc người được thuyền trưởng, người lái phương tiện ủy quyền phải nộp và xuất trình các giấy tờ sau:

1. Các giấy tờ phải nộp đối với tàu biển:

a) Trình báo đường thủy nội địa theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này (02 bản);

b) Bản trích sao Nhật ký hàng hải những phần có liên quan đến vụ việc (02 bản);

c) Bản trích sao Hải đồ liên quan đến vụ việc (02 bản).

2. Các giấy tờ phải nộp đối với phương tiện thủy nội địa, tàu cá:

a) Trình báo đường thủy nội địa theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này (02 bản);

b) Bản sao Tự họa có mô tả sơ đồ vị trí xảy ra tai nạn, sự cố và đính kèm hình ảnh (nếu có), (02 bản).

3. Các giấy tờ phải xuất trình (bản chính):

a) Đối với tàu biển: các giấy tờ quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này;

b) Đối với phương tiện thủy nội địa, tàu cá: các giấy tờ quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

4. Đối với bản trình báo đường thủy nội địa, ngoài chữ ký của thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện và đóng dấu của tàu biển, phương tiện thủy nội địa, tàu cá (nếu có con dấu), còn phải có chữ ký của máy trưởng hoặc 01 (một) thủy thủ với tư cách là người làm chứng.

5. Ngoài số lượng trình báo đường thủy nội địa được quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều này, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện có thể đề nghị xác nhận thêm các bản khác có cùng nội dung, nếu thấy cần thiết.

Điều 8. Xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa

1. Khi thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện hoặc người được thuyền trưởng, người lái phương tiện ủy quyền nộp và xuất trình đủ các giấy tờ quy định tại Điều 7 của Thông tư này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa vào bản trình báo đường thủy nội địa.

2. Xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa bao gồm các nội dung sau:

a) Ngày, giờ nhận trình báo đường thủy nội địa;

b) Xác nhận việc đã trình báo đường thủy nội địa;

c) Họ, tên, chức danh và chữ ký của người xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa;

d) Đóng dấu của cơ quan xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa.

3. Thời hạn giải quyết xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa không quá 02 (hai) giờ làm việc đối với Cảng vụ đường thủy nội địa và 03 (ba) giờ làm việc đối với các cơ quan có thẩm quyền khác, kể từ khi đã nhận đủ các giấy tờ hợp lệ quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

4. Cơ quan xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa lưu 01 (một) bộ giấy tờ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 của Thông tư này, các giấy tờ còn lại trả cho thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện.

Điều 9. Trình báo đường thủy nội địa bổ sung

1. Thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện có quyền lập trình báo đường thủy nội địa bổ sung nếu thấy cần thiết.

2. Trình báo đường thủy nội địa bổ sung cũng phải được trình cho cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Thủ tục xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa bổ sung được áp dụng tương tự như thủ tục xác nhận việc trình báo đường thủy nội địa.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2015.

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.