• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 11/04/1999
BỘ Y TẾ
Số: 05/1999/TT-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 27 tháng 3 năm 1999

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc khai báo, đăng ký và cấp giấy chứng nhận được sử dụng các chất

có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động

__________________________

Căn cứ vào Điều 96, Điều 185 và 186 của Bộ Luật lao động ngày 23 tháng 06 năm 1994.

Căn cứ Khoản 2 Điều 19 Nghị định 06/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định trách nhiệm của Bộ Y tế xây dựng, ban hành và quản lý thống nhất hệ thống qui phạm vệ sinh lao động.

Căn cứ Nghị định 68/CP ngày 11 tháng 10 năm 1993 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế hướng dẫn việc khai báo, đăng ký và cấp giấy chứng nhận sử dụng các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân (gọi tắt là cơ sở) dưới đây có sử dụng, lưu giữ, vận chuyển, sản xuất kinh doanh (gọi chung là sử dụng) các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động thuộc danh mục do Bộ Y tế quy định phải thực hiện việc khai báo, đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận được sử dụng với cơ quan Thanh tra Nhà nước về vệ sinh lao động thuộc Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Các doanh nghiệp Nhà nước;

- Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, các hợp tác xã, tổ sản xuất, các tổ chức cá nhân;

- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp;

- Các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam;

- Các đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị xã hội khác.

II. KHÁI NIỆM VÀ MỤC ĐÍCH QUẢN LÝ ĐỐI VỚI CÁC CHẤT CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ VỆ SINH LAO ĐỘNG

1. Khái niệm các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động: là các chất độc hại và nguy hiểm trong qúa trình tiếp xúc gây nhiễm độc mãn, nhiễm độc cấp có thể dẫn tới tử vong, gây ung thư, biến đổi gien, tác hại tới qúa trình sinh sản và gây các bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Danh mục các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động do Bộ Y tế qui định tại phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Danh mục này sẽ được bổ sung khi có yêu cầu. Tiêu chuẩn cho phép các chất trong môi trường lao động theo các quy định của Bộ Y tế.

2. Mục đích quản lý các chất này nhằm phòng ngừa trước mắt và lâu dài các tai biến, thảm hoạ về hoá chất, bảo vệ sức khoẻ người lao động, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cho cộng đồng.

3. Các chất này phải được khai báo, đăng ký và kiểm tra theo định kỳ, đột xuất; được sử dụng, bảo quản, lưu giữ và vận chuyển theo quy định về an toàn vệ sinh lao động. Trong qúa trình sản xuất và sử dụng, các cơ sở phải có phương án tối ưu nhằm đề phòng, xử lý sự cố.

III. KHAI BÁO, ĐĂNG KÝ, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐƯỢC SỬ DỤNG CÁC CHẤT CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ VỆ SINH LAO ĐỘNG

1. Khai báo các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động.

a/ Khai báo là sự kê khai , báo cáo các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động với cơ quan Thanh tra Nhà nước về vệ sinh lao động thuộc Thanh tra Nhà nước về Y tế cấp Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt Thanh tra Bộ Y tế hoặc Thanh tra Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

b/ Các chất phải khai báo: Là các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động được đưa vào sử dụng và phát sinh trong qúa trình sản xuất, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển thuộc danh mục qui định tại phụ lục 1 được ban hành kèm theo Thông tư này. Các chất này phải được khai báo về số lượng, nồng độ và mục đích sử dụng các chất đó (theo phụ lục số 2).

c/ Thủ tục khai báo: Các cơ sở phải khai báo các chất thuộc danh mục các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động loại I và II với Thanh tra Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thanh tra Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo các chất thuộc danh mục các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động loại I với Thanh tra Bộ Y tế.

2. Đăng ký và cấp giấy chứng nhận được sử dụng các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động.

2.1. Việc đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận được sử dụng các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động (gọi tắt là giấy chứng nhận) là thủ tục hành chính bắt buộc đối với các cơ sở sử dụng các chất thuộc danh mục qui định của Thông tư này.

2.2. Thanh tra Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận được sử dụng các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động thuộc loại I và II của danh mục kèm theo Thông tư này.

2.3. Thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu được qui định như sau:

Cơ sở gửi hồ sơ đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận tới cơ quan Thanh tra Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đã nhận bản khai báo các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động của cơ sở. Hồ sơ đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận bao gồm:

- Đơn xin đăng ký và cấp giấy chứng nhận gửi Thanh tra Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (phụ lục 3).

- Tóm tắt lý lịch các chất xin cấp giấy chứng nhận (phụ lục 4).

- Kết qủa thẩm định các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động do các cơ quan có thẩm quyền cấp (phụ lục 7).

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận, các cơ quan Thanh tra Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét và cấp giấy chứng nhận (theo mẫu tại phụ lục 8) cho cơ sở có yêu cầu. Giấy chứng nhận có giá trị 36 tháng.

Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, sau 10 ngày cơ quan Thanh tra Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do để cơ sở khắc phục các sai sót.

2.4. Gia hạn giấy chứng nhận:

Trước khi giấy chứng nhận hết hạn một tháng cơ sở gửi hồ sơ xin gia hạn giấy chứng nhận tới cơ quan Thanh tra Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đã cấp giấy chứng nhận lần gần nhất. Hồ sơ xin gia hạn giấy chứng nhận gồm:

- Đơn xin gia hạn giấy chứng nhận (phụ lục 5).

- Giấy chứng nhận đã đựơc cấp lần gần nhất.

- Kết qủa thẩm định các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động do các cơ quan có thẩm quyền cấp (phụ lục 7).

2.5. Cấp lại giấy chứng nhận được sử dụng các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động.

a/ Việc cấp lại giấy chứng nhận áp dụng cho các trường hợp sau:

- Sau khi thay đổi nồng độ các chất đang sử dụng, thay đổi chất mới, thay đổi qui trình công nghệ, thay đổi địa điểm, cải tạo nhà xưởng, kho tàng lưu giữ .

- Sau khi bị thu hồi giấy chứng nhận.

b/ Cơ sở xin cấp lại giấy chứng nhận gửi hồ sơ tới Thanh tra Sở Y tế tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đã nhận bản khai báo các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động của cơ sở. Hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận bao gồm:

- Đơn xin cấp giấy chứng nhận (phụ lục 3).

- Giấy chứng nhận đã cấp lần gần nhất.

- Tóm tắt lý lịch các chất xin cấp giấy chứng nhận (phụ lục 4)

- Kết qủa thẩm định các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động (phụ lục 7).

c/ Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận thực hiện theo qui định tại điểm 2.3 mục 2 của Thông tư này.

2.6. Trong qúa trình được phép sử dụng các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động, hàng năm các cơ sở đều phải thực hiện đánh giá môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo các qui định của pháp luật hiện hành. Những cơ sở không thực hiện theo đúng các qui định ghi trong Thông tư này đều bị thu hồi giấy chứng nhận sử dụng.

Trong thời gian xét được cấp giấy chứng nhận, các cơ sở phải thực hiện theo các kiến nghị của cơ quan thẩm định đối với người lao động trực tiếp và cộng đồng. Trong trường hợp chưa khắc phục được các yếu tố có nguy cơ đến sức khỏe người lao động và cộng đồng xung quanh, Thanh tra Sở Y tế tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền tạm đình chỉ hoạt động và thông báo việc không xét cấp giấy chứng nhận cho cơ sở đó biết.

3. Thẩm định các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động.

a/ Các cơ quan thẩm định các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động gồm:

- Các Trung tâm Y tế dự phòng hoặc Y tế lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Các Viện thuộc hệ Y tế dự phòng của Bộ Y tế.

- Các Trung tâm Y tế lao động các Bộ, ngành và các đơn vị khác được Bộ Y tế chấp thuận. Đối với các đơn vị này khi tiến hành thẩm định bắt buộc phải có sự phối hợp của Trung tâm Y tế dự phòng hoặc Trung tâm Y tế lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

b/ Trong trường hợp có khiếu nại về kết quả thẩm định thì các Viện khu vực thuộc hệ Y tế dự phòng của Bộ Y tế thẩm định lại; nếu vẫn còn tiếp tục khiếu nại về kết quả thẩm định lại của Viện khu vực thì kết quả do Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường thuộc Bộ Y tế là kết quả cuối cùng.

c/ Hồ sơ xin thẩm định gồm:

- Đơn xin thẩm định các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động (phụ lục 6) gửi cho một trong các cơ quan nêu ở điểm a trên.

- Tóm tắt lý lịch các chất xin thẩm định (phụ lục 4)

- Bản kết quả khám tuyển, khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân.

- Giấy chứng nhận (hoặc hợp đồng huấn luyện) đã tập huấn cho người lao động về sử dụng an toàn và vệ sinh lao động trong việc sử dụng hóa chất do các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp.

- Hồ sơ vệ sinh lao động cơ sở và kết qủa đo đạc môi trường lao động trong 12 tháng gần nhất.

d/ Thời hạn thẩm định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin thẩm định, các cơ quan được phép phải thẩm định xong và trả lời kết qủa thẩm định cho cơ sở (phụ lục 7).

e/ Mọi chi phí cho việc thẩm định và cấp giấy chứng nhận được thực hiện theo các qui định hiện hành của Nhà nước.

4. Thu hồi giấy chứng nhận được sử dụng các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động.

Việc thu hồi giấy chứng nhận được áp dụng trong các trường hợp như sau:

a/ Cơ sở không thực hiện đúng mọi qui định, có nguy cơ gây tác hại đối với sức khỏe người lao động, cộng đồng.

b/ Có nguy cơ xảy ra sự cố.

c/ Khai báo và đăng ký các chất không đúng với giấy chứng nhận đã được cấp.

Các cơ quan được phép thu hồi giấy chứng nhận sử dụng các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động là Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thanh tra Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thanh tra Bộ Y tế.

Đối với cơ sở sử dụng các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động khi để xảy ra sự cố gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản phải chịu trách nhiệm theo qui định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, Ngành có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở thuộc quyền thực hiện việc khai báo, đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận theo đúng qui định của Thông tư này.

2. Thanh tra Bộ Y tế, Vụ Y tế dự phòng có trách nhiệm:

a/ Tổ chức hướng dẫn thực hiện việc khai báo, đăng ký và cấp giấy chứng nhận theo thẩm quyền được giao tại Thông tư này .

b/ Định kỳ tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế về tình hình khai báo, đăng ký và cấp giấy chứng nhận trong phạm vi cả nước.

3. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a/ Tổ chức triển khai thực hiện việc khai báo, đăng ký, thẩm định và cấp giấy chứng nhận theo thẩm quyền được giao tại Thông tư này.

b/ Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc khai báo, đăng ký và cấp giấy chứng nhận đối với các cơ sở trên địa bàn địa phương.

c/ Định kỳ báo cáo 6 tháng trước ngày 15 tháng 7 và báo cáo năm trước ngày 15 tháng 1 năm sau cho Bộ Y tế (Thanh tra Bộ Y tế, Vụ Y tế dự phòng) về tình hình khai báo, đăng ký và cấp giấy chứng nhận ở địa phương (phụ lục 9).

4. Các cơ sở sử dụng các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động phải thực hiện đúng mọi qui định tại Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong qúa trình thực hiện có gì vướng mắc đề nghị các Sở Y tế phản ảnh về Bộ Y tế (Thanh tra Bộ Y tế và Vụ Y tế dự phòng) để nghiên cứu giải quyết.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Thưởng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.