• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 26/05/2014
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 1157/QĐ-BNN-TCLN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 26 tháng 5 năm 2014

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy định nghiệm thu thành quả dự án "tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016"

_______________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016;

Căn cứ Quyết định số 3183/QĐ-BNN-TCLN ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hành hướng dẫn Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2015;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định nghiệm thu thành quả dự án "Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)

Cao Đức Phát

 

 

QUY ĐỊNH

 

Nghiệm thu thành quả dự án "tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016"
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1157/QĐ-BNN-TCLN ngày 26/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

____________________________

 

Phần I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định nội dung, trình tự tiến hành nghiệm thu thành quả điều tra rừng, kiểm kê rừng và lập hồ sơ quản lý rừng thuộc dự án "Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016" (sau đây viết tắt là Dự án).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện điều tra rừng, kiểm kê rừng và lập hồ sơ quản lý rừng thuộc dự án "Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016".

Điều 3. Căn cứ nghiệm thu

1. Các văn bản pháp lý

a) Quyết định số: 594/QĐ-TTg, ngày 15/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Dự án "Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016";

b) Quyết định số: 3183/QĐ-BNN-TCLN, ngày 21/12/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành hướng dẫn Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2012 - 2015;

c) Quyết định số: 2152/QĐ-BNN-TCCB ngày 23/9/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Giao nhiệm vụ Quản lý và tổ chức thực hiện Dự án "Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016";

d) Quyết định phê duyệt phương án/kế hoạch triển khai dự án và dự toán của cơ quan có thẩm quyền.

2. Các sản phẩm của Dự án

a) Phương án triển khai thực hiện điều tra, kiểm kê rừng các cấp.

b) Sản phẩm các hạng mục công việc từng công đoạn Điều tra rừng.

c) Sản phẩm các hạng mục công việc từng công đoạn Kiểm kê rừng.

d) Sản phẩm các hạng mục công việc từng công đoạn lập hồ sơ quản lý rừng.

đ) Tài liệu, biên bản bàn giao sản phẩm điều tra, kiểm kê rừng các cấp.

Điều 4. Nội dung nghiệm thu

1. Nghiệm thu khối lượng công việc hoặc sản phẩm: nghiệm thu khối lượng từng loại công việc thực hiện so với khối lượng công việc giao hoặc hợp đồng được ký kết.

2. Nghiệm thu chất lượng công việc hoặc sản phẩm: nghiệm thu chất lượng từng loại công việc thực hiện theo các yêu cầu kỹ thuật đã quy định.

Điều 5. Đơn vị nghiệm thu

1. Đơn vị thực hiện điều tra rừng

a) Đơn vị thực hiện điều tra rừng phải tự kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục, sản phẩm bảo đảm tiến độ, chất lượng và khối lượng thành quả của dự án.

b) Chịu sự giám sát về khối lượng, chất lượng thành quả điều tra rừng của đơn vị tư vấn giám sát.

c) Báo cáo bằng văn bản với chủ đầu tư những thay đổi về mức độ khó khăn, điều kiện thực hiện, nội dung kỹ thuật - dự toán, khối lượng, tiến độ thực hiện và chỉ được thực hiện sau khi có trả lời bằng văn bản của chủ đầu tư.

2. Đơn vị tư vấn giám sát

a) Chịu sự điều hành của chủ đầu tư (Tổng cục Lâm nghiệp/Ban quản lý dự án)

b) Phối hợp chặt chẽ với đơn vị thực hiện điều tra rừng kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện, chất lượng và nghiệm thu khối lượng các hạng mục và thành quả của dự án; thông báo cụ thể tình hình kiểm tra, giám sát kết quả trong thời gian (10) ngày làm việc cho đơn vị thực hiện điều tra rừng và địa phương thực hiện kiểm kê rừng.

c) Tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát khối lượng, chất lượng thành quả dự án cho chủ đầu tư.

3. Chủ dự án (Tổng cục Lâm nghiệp)

a) Chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng, khối lượng hạng mục, sản phẩm của dự án trước Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thành lập hội đồng tư vấn, tổ kỹ thuật hoặc chỉ định đơn vị trực thuộc, hợp đồng với đơn vị tư vấn kiểm tra giám sát để thực hiện kiểm tra, nghiệm thu thành quả dự án và thông báo cho đơn vị thực hiện điều tra biết.

b) Kiểm tra, nghiệm thu, báo cáo tiến độ thực hiện và sản phẩm điều tra, kiểm kê rừng của đơn vị thực hiện sau khi có đầy đủ báo cáo kết quả kiểm tra của đơn vị tư vấn giám sát; nghiệm thu sản phẩm chỉ được thực hiện khi sản phẩm hoàn thiện của dự án và được kiểm tra đánh giá của các đơn vị tư vấn và cơ quan quản lý nhà nước các cấp hành chính tại địa phương.

c) Giải quyết hoặc đề xuất giải quyết những thay đổi, vướng mắc về mức độ khó khăn, điều kiện thực hiện, những nội dung kỹ thuật - dự toán, khối lượng, tiến độ trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền.

d) Đình chỉ, thay đổi đơn vị thực hiện điều tra một phần hoặc toàn bộ dự án, khi thực hiện không đúng nội dung, khối lượng, chất lượng sản phẩm, không đảm bảo tiến độ thực hiện đã phê duyệt của dự án hoặc vi phạm nghiêm trọng các yêu cầu và quy định kỹ thuật của dự án.

4. Địa phương

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về tiến độ, chất lượng, khối lượng hạng mục, sản phẩm của hợp phần kiểm kê rừng. Thành lập tổ nghiệm thu cấp tỉnh (có từ 5 đến 7 thành viên là cán bộ thuộc các cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp của tỉnh. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm làm Tổ trưởng) kiểm tra, nghiệm thu chất lượng, khối lượng sản phẩm kiểm kê rừng.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả nghiệm thu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (theo địa chỉ Ban quản lý Dự án Tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016).

b) Hạt Kiểm lâm là đơn vị tham mưu cho Ủy ban nhân dân Quận/huyện/thị xã tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng, khối lượng hạng mục, sản phẩm kiểm kê rừng trên địa bàn huyện. Chỉ đạo thành lập tổ nghiệm thu cấp huyện (trong đó lãnh đạo Hạt Kiểm lâm làm tổ trưởng) kiểm tra, nghiệm thu chất lượng, khối lượng sản phẩm kiểm kê rừng trên địa bàn.

Điều 6. Mức độ nghiệm thu và giao nộp thành quả

1. Mức độ nghiệm thu

Mức độ kiểm tra, nghiệm thu của đơn vị thực hiện điều tra, kiểm kê rừng; đơn vị tư vấn giám sát và Chủ dự án về chất lượng, khối lượng hạng mục, sản phẩm và thành quản dự án điều tra, kiểm kê rừng thực hiện theo quy định tại quyết định 3183/QĐ-BNN-TCCB ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2012-2015 (chi tiết tại Phụ lục 01)

2. Giao nộp thành quả

a) Giao nộp sản phẩm điều tra rừng

- Danh mục sản phẩm điều tra rừng giao nộp bao gồm: toàn bộ sản phẩm quy định tại Mục I, Phần 4, Quyết định 3183/QĐ-BNN-TCCB ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được kiểm tra, nghiệm thu (có xác nhận của tư vấn giám sát), kèm theo hồ sơ nghiệm thu toàn bộ hợp phần điều tra rừng;

- Các sản phẩm điều tra rừng giao nộp bản giấy và dạng số: 01 bộ Chủ dự án (Ban quản lý dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016); 01 bộ bàn giao cho địa phương (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Chi cục Kiểm lâm); 01 bộ đơn vị thực hiện điều tra rừng lưu.

b) Giao nộp sản phẩm kiểm kê rừng

- Danh mục sản phẩm kiểm kê rừng giao nộp bao gồm: toàn bộ sản phẩm quy định tại Mục II, Phần 4, Quyết định 3183/QĐ-BNN-TCCB ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được kiểm tra, nghiệm thu (được xác nhận đóng dấu theo cấp hành chính), kèm theo hồ sơ nghiệm thu toàn bộ dự án hợp phần kiểm kê rừng;

- Các sản phẩm kiểm kê rừng giao nộp gồm bản giấy và dạng số: 01 bộ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Chi cục Kiểm lâm lưu giữ; 01 bộ Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/do Hạt Kiểm lâm lưu giữ; 01 bộ Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn lưu; 01 bộ giao nộp Trung ương/Ban quản lý dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016.

Phần II

NGHIỆM THU ĐIỀU TRA RỪNG

Điều 7. Nội dung, trình tự nghiệm thu điều tra rừng

1. Nội dung nghiệm thu điều tra rừng

a) Kiểm tra nghiệm thu công tác chuẩn bị giải đoán ảnh vệ tinh, xây dựng bản đồ hiện trạng điều tra rừng

- Kiểm tra nghiệm thu công tác chuẩn bị các loại bản đồ, các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, phiếu biểu, dụng cụ kỹ thuật... thực hiện qua số lượng và chất lượng của các tài liệu, dụng cụ thiết bị so sánh với yêu cầu của dự án;

- Kiểm tra nghiệm thu công tác tập huấn kỹ thuật bao gồm: thời gian tập huấn, số người tham gia, tài liệu tập huấn, báo cáo kế hoạch, kết quả tập huấn, tiến độ và biên bản đánh giá kết quả tập huấn;

- Kiểm tra nghiệm thu mẫu xây dựng khóa ảnh, gồm: đánh giá số lượng, phân bố và chất lượng các mẫu khóa ảnh và so sánh với yêu cầu của dự án;

- Kiểm tra nghiệm thu kết quả giải đoán ảnh vệ tinh: kiểm tra kết quả giải đoán bằng phương pháp phân tích sản phẩm dự án. Chọn ngẫu nhiên số điểm trên mỗi cảnh ảnh để kiểm tra, so sánh kết quả giải đoán về tên trạng thái rừng với kết quả kiểm tra thực địa;

- Đánh giá kết quả kiểm tra nghiệm thu: công tác chuẩn bị đạt yêu cầu khi sản phẩm đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng của dự án; giải đoán ảnh vệ tinh xây dựng bản đồ hiện trạng rừng đạt yêu cầu quy định tại Quyết định số 3183/QĐ-BNN-TCLN ngày 21/12/2012.

b) Kiểm tra nghiệm thu công tác ngoại nghiệp khoanh vẽ các lô rừng

- Kiểm tra tên trạng thái rừng đối với rừng tự nhiên và loài cây, cấp tuổi đối với rừng trồng, gồm ranh giới lô trạng thái, loại rừng, mục đích sử dụng tại các điểm đã chọn ngoài thực địa và so sánh với tên trạng thái rừng, ranh giới lô trạng thái, loại rừng, mục đích sử dụng... của những điểm đó trên bản đồ. Căn cứ vào tỷ lệ sai lệch của tên trạng thái đối với rừng tự nhiên và loài cây, cấp tuổi đối với rừng trồng; ranh giới lô... để đánh giá chất lượng của việc khoanh vẽ loại đất, loại rừng;

- Đánh giá kết quả kiểm tra nghiệm thu: nếu sai lệch tên trạng thái rừng, ranh giới lô, loại rừng, mục đích sử dụng vượt quá mức quy định tại Quyết định số 3183/QĐ-BNN-TCLN ngày 21/12/2012 ở bản đồ hiện trạng và bản đồ kiểm kê rừng là chưa đạt yêu cầu.

c) Kiểm tra nghiệm thu ngoại nghiệp điều tra trữ lượng rừng

- Kiểm tra hiện trường tại mỗi tỉnh chọn kiểm tra sẽ rút ngẫu nhiên đại diện 10% tổng số ô đo đếm để kiểm tra;

- Kiểm tra hồ sơ về việc ghi chép trong các phiếu đo đếm (Các mẫu phiếu quy định tại Quyết định số 3183/QĐ-BNN-TCLN ngày 21/12/2012).

Yêu cầu các phiếu đo đếm phải ghi chép rõ ràng, đầy đủ các mục và đúng với quy định đã nêu trong hướng dẫn kỹ thuật;

- Kiểm tra ngoại nghiệp: kiểm tra vị trí ô đã lập (tâm ô). Phải tìm được tâm ô, hoặc dấu vết của các cạnh ô đã lập; tiến hành thu thập lại các chỉ tiêu (theo Hướng dẫn kỹ thuật điều tra trữ lượng rừng). So sánh kết quả kiểm tra với kết quả điều tra ô tiêu chuẩn, theo quy định tại Quyết định số 3183/QĐ-BNN-TCLN ngày 21/12/2012. Nếu kết quả kiểm tra ô tiêu chuẩn không đạt yêu cầu thì không được nghiệm thu.

d) Kiểm tra nghiệm thu sản phẩm của điều tra rừng

- Nghiệm thu số lượng các sản phẩm: kiểm tra theo danh mục sản phẩm điều tra rừng và số lượng các đơn vị quản lý, đơn vị hành chính ở địa phương, bao gồm các tài liệu ngoại nghiệp, sản phẩm xử lý thành quả nội nghiệp, bản đồ hiện trạng rừng phục vụ kiểm kê rừng, các biên bản kiểm tra, nghiệm thu từng sản phẩm, báo cáo kết quả điều tra rừng v.v...;

- Nghiệm thu chất lượng sản phẩm: kiểm tra tại mỗi điểm, tiến hành xác định ranh giới lô; tên trạng thái, tên loài cây và trữ lượng rừng, loại rừng; mục đích sử dụng rừng để đối chiếu trên bản đồ. Điểm kiểm tra đạt yêu cầu, nếu các chỉ tiêu trên phù hợp với các chỉ tiêu trên bản đồ.

Thành quả điều tra rừng, bao gồm: bản đồ, các chỉ tiêu trữ lượng bình quân, bảng biểu diện tích và trữ lượng rừng... Căn cứ vào độ chính xác cho phép đã được quy định trong hướng dẫn kỹ thuật để đánh giá và nghiệm thu sản phẩm của điều tra rừng tại Quyết định số 3183/QĐ-BNN-TCLN ngày 21/12/2012.

2. Trình tự, thủ tục nghiệm thu

a) Kiểm tra nghiệm thu của đơn vị thực hiện điều tra rừng (tự kiểm tra)

Đơn vị tư vấn thực hiện chủ động kiểm tra, nghiệm thu đối với các hạng mục, sản phẩm theo nội dung tại Khoản 1, Điều này. Hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu (đóng thành tập) của đơn vị tư vấn thực hiện đối với hạng mục, sản phẩm theo niên độ hoặc toàn bộ dự án được lập thành ba (03) bộ, trong đó một (01) bộ gửi cho chủ đầu tư (Ban quản lý dự án Trung ương), một (01) bộ gửi cho đơn vị tư vấn giám sát độc lập và một (01) bộ lưu tại đơn vị tư vấn thực hiện điều tra, bao gồm:

- Phần kiểm tra nghiệm thu:

+ Văn bản đề nghị chủ đầu tư nghiệm thu hạng mục, sản phẩm dự án lập theo Mẫu số 01 - Phụ lục 02,

+ Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện điều tra rừng theo Mẫu số 02 - Phụ lục 02,

+ Báo cáo kiểm tra, nghiệm thu chất lượng, khối lượng theo Mẫu số 03 - Phụ lục 02,

+ Biên bản xác nhận chỉnh sửa, bổ sung cấp đơn vị thực hiện theo Mẫu số 04 - Phụ lục 02 (nếu có),

+ Biên bản bàn giao tài liệu/sản phẩm theo Mẫu số 05 - Phụ lục 02,

+ Các văn bản liên quan khác (nếu có),

+ Các phụ lục về thống kê sản phẩm.

b) Nghiệm thu của đơn vị tư vấn giám sát

Đơn vị giám sát kiểm tra lập hồ sơ nghiệm thu theo niên độ, toàn bộ dự án hoặc theo các công đoạn trên cơ sở kết quả kiểm tra, nghiệm thu từng hạng mục, sản phẩm, dự án.

- Hồ sơ nghiệm thu

Đơn vị tư vấn giám sát lập phiếu ghi ý kiến kiểm tra đối với các hạng mục, sản phẩm đóng thành tập theo nội dung tại Khoản 1, Điều này. Trường hợp đơn vị tư vấn giám sát phát hiện những sai sót vượt quá quy định tại Quyết định số 3183/QĐ-BNN-TCCB ngày 21/12/2012, thì trả lại toàn bộ hồ sơ kiểm tra, nghiệm thu và sản phẩm cho đơn vị thực hiện hoàn thiện, trước khi tiếp tục kiểm tra, nghiệm thu. Kết quả nghiệm thu của đơn vị tư vấn giám sát được lập thành hồ sơ nghiệm thu (đóng thành tập) với ba (03) bộ, trong đó hai (02) bộ gửi cho chủ đầu tư, một (01) bộ lưu tại đơn vị kiểm tra, bao gồm:

+ Báo cáo đánh giá giám sát kết quả kiểm tra, nghiệm thu chất lượng, khối lượng hạng mục, sản phẩm theo Mẫu số 06 - Phụ lục 02

+ Biên bản kiểm tra ngoại nghiệp Mẫu số 07 - Phụ lục 02

+ Biên bản kiểm tra nội nghiệp Mẫu số 08 - Phụ lục 02

+ Biên bản xác nhận chỉnh sửa, bổ sung (nếu có) Mẫu số 09 - Phụ lục 02

+ Biên bản xác nhận khối lượng chất lượng sản phẩm Mẫu số 10 - Phụ lục 02

c) Hồ sơ nghiệm thu của chủ đầu tư (Ban quản lý dự án Trung ương)

Hồ sơ nghiệm thu của chủ đầu tư (đóng thành tập) theo niên độ và toàn bộ dự án với (02) bộ lưu tại chủ đầu tư (Ban quản lý Dự án Trung ương). Hồ sơ gồm:

- Văn bản pháp lý, gồm: Quyết định phê duyệt Dự án; quyết định phê duyệt, dự toán (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung nếu có); Quyết định giao nhiệm vụ cho đơn vị thực hiện; Hợp đồng tư vấn giám sát hoặc văn bản giao nhiệm vụ cho đơn vị tư vấn giám sát và các văn bản liên quan khác;

- Hồ sơ nghiệm thu của đơn vị thực hiện điều tra rừng;

- Hồ sơ nghiệm thu của đơn vị tư vấn giám sát;

- Biên bản nghiệm thu chất lượng, khối lượng sản phẩm điều tra rừng của Hội đồng nghiệm thu (Hội đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập) Mẫu biểu 11 - Phụ biểu 02;

+ Bản xác nhận chất lượng, khối lượng sản phẩm đã hoàn thành theo Mẫu số 12 - Phụ lục 02 (theo niên độ và kết thúc dự án).

Phần III

NGHIỆM THU KIỂM KÊ RỪNG VÀ LẬP HỒ SƠ QUẢN LÝ RỪNG

Điều 8. Nội dung, trình tự nghiệm thu kiểm kê rừng và lập hồ sơ quản lý rừng

1. Nội dung nghiệm thu kiểm kê rừng và lập hồ sơ quản lý rừng

a) Nội dung nghiệm thu kiểm kê rừng

- Kiểm tra công tác chuẩn bị: tập huấn kỹ thuật và các chuẩn bị khác...;

- Kiểm tra ngoại nghiệp: họp dân; kiểm tra đối chiếu kết quả ghi trên phiếu kiểm kê cho từng lô của chủ rừng nhóm I và kết quả ghi trên danh sách các lô rừng của chủ rừng nhóm II, trên bản đồ kiểm kê so với hiện trường kiểm tra; kiểm tra việc kiểm kê trữ lượng…;

- Kiểm tra nội nghiệp: kiểm tra thành quả kiểm kê rừng, các bản đồ, các chỉ tiêu trữ lượng bình quân, bảng biểu diện tích và trữ lượng rừng…;

b) Nội dung nghiệm thu lập hồ sơ quản lý rừng

- Kiểm tra lập Hồ sơ quản lý rừng (Hồ sơ quản lý cho chủ rừng nhóm I: II);

- Kiểm tra việc lập cơ sở dữ liệu quản lý rừng; cơ sở dữ liệu được cập nhật thống nhất vào phần mềm cơ sở dữ liệu kiểm kê rừng (toàn bộ bảng, biểu tổng hợp kết quả các cấp và chủ rừng được in ra từ phần mềm cơ sở dữ liệu kiểm kê rừng);

- Kiểm tra lập Hồ sơ quản lý rừng cấp xã;

- Kiểm tra lập Hồ sơ quản lý rừng cấp huyện;

- Kiểm tra lập Hồ sơ quản lý rừng cấp tỉnh.

2. Trình tự nghiệm thu kiểm kê rừng và lập hồ sơ quản lý rừng

a) Nghiệm thu kiểm kê rừng

- Nghiệm thu nội nghiệp

Kiểm tra tính đầy đủ thông tin cho 100% phiếu kiểm kê rừng, kiểm tra sự phù hợp tên lô và trạng thái rừng giữa phiếu kiểm kê rừng với bản đồ kiểm kê rừng cho 100% lô rừng đối với các xã được lựa chọn.

Tỷ lệ lô kiểm kê rừng đúng đạt 100% thì kết quả kiểm kê rừng đạt yêu cầu.

- Nghiệm thu ngoại nghiệp

Lựa chọn ngẫu nhiên một số xã ở mỗi huyện để kiểm tra. Ở mỗi xã được lựa chọn sẽ rút ngẫu nhiên các thôn để kiểm tra. Ở mỗi thôn chọn ngẫu nhiên các lô rừng để kiểm tra.

Kiểm tra tính đầy đủ của các thông tin ghi trên các phiếu kiểm kê rừng.

Gặp chủ rừng và tổ công tác cấp xã để kiểm tra nắm bắt các thông tin ghi trên phiếu kiểm kê rừng và xác định ranh giới của chúng trên bản đồ kiểm kê rừng, đối chiếu sự phù hợp của thuộc tính ghi trên phiếu kiểm kê, thuộc tính trên bản đồ kiểm kê rừng và kết quả kiểm tra thực tế.

Tỷ lệ lô kiểm kê rừng đúng đạt 100% thì kết quả kiểm kê rừng đạt yêu cầu.

Nếu số lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của dự án sẽ được nghiệm thu. Chất lượng và số lượng sản phẩm không đạt yêu cầu phải thực hiện bổ sung, sửa chữa những sai sót.

b) Nghiệm thu lập hồ sơ quản lý rừng

- Kiểm tra cơ sở dữ liệu kiểm kê rừng (nhập dữ liệu, phương pháp tính toán...);

- Hệ thống các mẫu biểu và bản đồ (mẫu biểu và bản đồ quy định tại Quyết định 3183/QĐ-BNN-TCCB).

Điều 9. Các đơn vị nghiệm thu kiểm kê rừng và lập hồ sơ quản lý rừng

1. Đơn vị thực hiện kiểm kê rừng

Đơn vị thực hiện kiểm kê rừng chủ động kiểm tra, nghiệm thu đối với các hạng mục, sản phẩm theo nội dung sau:

- Báo cáo nghiệm thu chất lượng, khối lượng theo Mẫu số 01 - Phụ lục 03;

- Biên bản bàn giao tài liệu/sản phẩm theo Mẫu số 02 - Phụ lục 03.

2. Đơn vị hành chính các cấp (tỉnh, huyện,)

Đơn vị hành chính các cấp thành lập tổ nghiệm thu. Hồ sơ nghiệm thu gồm:

- Biên bản kiểm tra, nghiệm thu ngoại nghiệp Mẫu số 03 - Phụ lục 03;

- Biên bản kiểm tra, nghiệm thu nội nghiệp Mẫu số 04 - Phụ lục 03;

- Biên bản nghiệm thu khối lượng chất lượng sản phẩm Mẫu số 05 - Phụ lục 03.

3. Đơn vị tư vấn giám sát

Kết quả giám sát được lập thành hồ sơ (đóng thành tập), bao gồm:

- Báo cáo kiểm tra giám sát chất lượng khối lượng hạng mục sản phẩm kiểm kê rừng, lập hồ sơ quản lý rừng theo Mẫu số 06 - Phụ lục 03;

- Các biên bản kiểm tra giám sát nội nghiệp, ngoại nghiệp theo Mẫu số 07 - Phụ lục 03 kèm phiếu ghi ý kiến kiểm tra của đơn vị giám sát (được lập theo tiến độ hoàn thành hạng mục, sản phẩm);

- Biên bản xác nhận khối lượng chất lượng sản phẩm theo Mẫu số 08 - Phụ lục 03;

4. Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án Trung ương)

Hồ sơ nghiệm thu của chủ đầu tư, bao gồm:

a) Hồ sơ nghiệm thu của đơn vị thực hiện kiểm kê rừng và lập hồ sơ quản lý rừng;

b) Hồ sơ nghiệm thu kiểm kê rừng và lập hồ sơ quản lý rừng của đơn vị hành chính các cấp;

c) Hồ sơ nghiệm thu của đơn vị tư vấn giám sát;

d) Biên bản nghiệm thu chất lượng khối lượng hoàn thành dự án (Hội đồng nghiệm thu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập), Mẫu số 09 - Phụ lục 03.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Tổng cục Lâm nghiệp, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm triển khai thực hiện, kiểm tra theo dõi, đôn đốc việc thực hiện theo Quy định này./.

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.