• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 10/12/2015
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 35/2015/TT-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 27 tháng 10 năm 2015

THÔNG TƯ

Quy định về bảo vệ môi trường ngành Công Thương

_________________

 

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một sđiều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyn hạn và cơ cu tổ chức của Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định về bảo vệ môi trường ngành Công Thương.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về bảo vệ môi trường ngành Công Thương trong việc lập, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án; trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; chế độ kiểm tra, báo cáo và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ngành Công Thương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Chương II

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG LẬP CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH

Điều 3. Lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1. Hàng năm, Vụ Kế hoạch có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ Công Thương phê duyệt danh mục các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (sau đây gọi là báo cáo ĐMC).

2. Trên cơ sở danh mục đã được phê duyệt, đơn vị được giao chủ trì xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Công Thương (sau đây gọi là đơn vị chủ trì) xây dựng đề cương và dự toán kinh phí lập báo cáo ĐMC trình Lãnh đạo Bộ Công Thương phê duyệt.

3. Đơn vị chủ trì có trách nhiệm xây dựng báo cáo ĐMC theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường (sau đây gọi là Nghị định số 18/2015/NĐ-CP) trong quá trình xây dựng hoặc điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Công Thương, đồng thời, gửi xin ý kiến Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Kế hoạch và các cơ quan, đơn vị có liên quan đối với báo cáo ĐMC trước khi gửi thẩm định theo quy định.

4. Hình thức và nội dung báo cáo ĐMC theo quy định tại Phụ lục 1.2 và 1.3 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường (sau đây gọi là Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT).

Điều 4. Thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐMC

1. Đơn vị chủ trì lập Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐMC theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo Khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ môi trường để tổ chức thẩm định.

Việc tổ chức thẩm định thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị đinh số 18/2015/NĐ-CP và Chương V Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT.

2. Đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương, đơn vị chủ trì có trách nhiệm lập Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐMC gửi Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tổ chức thẩm định, báo cáo Lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Trình tự như sau:

a) Trong thời hạn không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo ĐMC;

b) Trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp Hội đồng thẩm định, cơ quan thẩm định thông báo bằng văn bản về kết quả thẩm định cho đơn vị chủ trì;

c) Trong thời hạn không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thẩm định, đơn vị chủ trì có trách nhiệm hoàn thiện báo cáo ĐMC theo ý kiến thẩm định, tích hợp kết quả thực hiện ĐMC vào dự thảo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và gửi cơ quan thẩm định hồ sơ báo cáo ĐMC theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT.

Điều 5. Kinh phí lập, thẩm định báo cáo ĐMC

1. Kinh phí lập báo cáo ĐMC được bố trí trong kinh phí xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do ngân sách nhà nước bảo đảm từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế và các nguồn khác nếu có.

2. Kinh phí cho hoạt động thẩm định báo cáo ĐMC được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước chi hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Chương III

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN LẬP DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Điều 6. Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và Kế hoạch bảo vệ môi trường

1. Chủ dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường và Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (sau đây gọi là báo cáo ĐTM) theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP. Việc lập báo cáo ĐTM phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Hình thức và nội dung báo cáo ĐTM theo quy định tại Phụ lục 2.2 và 2.3 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT.

2. Chủ dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 Luật Bảo vệ môi trường có trách nhiệm đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường theo Điều 18 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và Điều 33 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Hình thức và nội dung Kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Phụ lục 5.4, 5.5 và 5.6 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT.

Điều 7. Thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM

1. Chủ dự án có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo ĐTM theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP để tổ chức thẩm định, phê duyệt.

Việc thẩm định báo cáo ĐTM được tiến hành thông qua Hội đồng thẩm định và tổ chức hoạt động thẩm định theo quy định tại Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT.

2. Cơ quan thẩm định thông báo bằng văn bản cho Chủ dự án để nộp phí thẩm định báo cáo ĐTM theo Thông tư số 218/2010/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí thẩm định ĐTM hoặc quy định khác có liên quan.

3. Sau khi nhận được thông báo kết quả thẩm định, Chủ dự án tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo ĐTM và gửi về cơ quan thẩm định để xem xét, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

4. Đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của Bộ Công Thương nhưng không thuộc danh mục các dự án quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, Chủ dự án lập Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM theo quy định gửi Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tổ chức thẩm định, trình Lãnh đạo Bộ Công Thương phê duyệt. Trình tự như sau:

a) Trong thời hạn không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM;

b) Trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp Hội đồng thẩm định, cơ quan thẩm định thông báo bằng văn bản về kết quả thẩm định cho Chủ dự án;

c) Trong thời hạn không quá 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thẩm định, Chủ dự án có trách nhiệm hoàn thiện báo cáo ĐTM theo ý kiến thẩm định, gửi cơ quan thẩm định trình Lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

Điều 8. Kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án

Dự án thuộc đối tượng phải xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, Chủ dự án có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường gửi cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM kiểm tra, xác nhận trước khi dự án vào vận hành chính thức.

Điều 9. Kinh phí lập, thẩm định báo cáo ĐTM

1. Kinh phí lập báo cáo ĐTM được bố trí từ nguồn vốn đầu tư dự án.

2. Kinh phí cho hoạt động thẩm định báo cáo ĐTM được bố trí từ nguồn thu phí thẩm định báo cáo ĐTM.

3. Kinh phí cho hoạt động kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

Điều 10. Các quy định bảo vệ môi trường trong giai đoạn lập dự án đầu tư đối với một số lĩnh vực đặc thù

1. Các dự án có hoạt động khai thác nước mặt (bao gồm cả nước biển), khai thác, sử dụng nước dưới đất phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh phải xin cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển theo quy định về quản lý tài nguyên nước.

2. Các dự án có hoạt động xả nước thải vào các nguồn tiếp nhận phải lập Hồ sơ xin cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định về quản lý tài nguyên nước, trừ trường hợp xả nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đã được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và có thỏa thuận hoặc hợp đồng xử lý, tiêu thoát nước thải với tổ chức, cá nhân quản lý vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.

3. Đối với dự án xây dựng nhà máy thủy điện có hồ chứa nước, trước khi thực hiện tích nước Chủ dự án phải lập kế hoạch thu dọn vệ sinh lòng hồ trình cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM để kiểm tra, chấp thuận bằng văn bản.

4. Đối với các dự án khai thác khoáng sản

a) Xây dựng kế hoạch và thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường cho toàn bộ quá trình khai thác khoáng sản trình cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;

b) Thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.

Chương IV

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH

Điều 11. Các quy định bảo vệ môi trường chung của cơ sở sản xuất, kinh doanh

Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm:

1. Lập kế hoạch quản lý môi trường và niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt.

2. Vận hành các công trình bảo vệ môi trường: Hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất và khí thải đúng quy trình đã phê duyệt trong báo cáo ĐTM hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường đã xác nhận.

3. Thực hiện phân loại và quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường trong trường hợp không tự xử lý.

4. Đối với chất thải nguy hại, phải lập sổ đăng ký chủ nguồn thải, phân loại theo các nhóm khác nhau, lưu giữ trong kho chứa và quản lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

5. Các hoạt động sản xuất thuộc Danh mục nguồn thải khí thải lưu lượng lớn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư này phải tiến hành đăng ký chủ nguồn thải khí thải công nghiệp theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

6. Thực hiện quan trắc môi trường đối với các thông số và tần suất trong báo cáo ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc văn bản tương đương được phê duyệt, xác nhận (Đơn vị thực hiện quan trắc phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật).

Cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm ngoài khu công nghiệp có lưu lượng xả nước thải từ 1000 m3/ngày đêm trở lên (không bao gồm nước làm mát) phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục.

Đối với khí thải, cơ sở thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục.

Hệ thống thiết bị quan trắc phải được kiểm định và hiệu chuẩn theo quy định để đảm bảo độ tin cậy của số liệu quan trắc.

7. Xây dựng hệ thống quản lý môi trường

a) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này phải thực hiện xác nhận hệ thống quản lý môi trường;

b) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này đã áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 còn hiệu lực không phải thực hiện xây dựng hệ thống quản lý môi trường nhưng phải cam kết thực hiện các nội dung quy định tại Điều 27 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Điều 12. Bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất

1. Các tổ chức, cá nhân chỉ được phép nhập khẩu các loại phế liệu từ nước ngoài về làm nguyên liệu sản xuất theo Danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

2. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất hoặc nhận ủy thác nhập khẩu phải được cơ quan quản lý môi trường cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu và thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

Điều 13. Ứng phó sự cố môi trường

1. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm lập kế hoạch, phương án và chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật để ứng phó sự cố môi trường, khắc phục hậu quả do sự cố môi trường.

2. Trường hợp xảy ra sự cố môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm báo cáo trực tiếp về sự cố môi trường và biện pháp khắc phục tới cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đồng thời báo cáo Sở Công Thương tại địa phương xảy ra sự cố và đơn vị chủ quản cấp trên để tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương.

3. Đối với các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có công trình hồ chứa chất thải quặng đuôi, phải lập và phê duyệt phương án vận hành, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường hồ chứa chất thải gửi Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.

4. Cơ quan quản lý môi trường ngành Công Thương có trách nhiệm:

a) Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ các loại sự cố môi trường trong phạm vi ngành Công Thương;

b) Xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ và ứng phó sự cố môi trường ngành Công Thương;

c) Xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường ngành Công Thương hàng năm và định kỳ 05 (năm) năm.

Chương V

KIỂM TRA VÀ BÁO CÁO CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 14. Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường

1. Hàng năm, cơ quan quản lý môi trường ngành Công Thương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra và tổ chức thực hiện. Nội dung kiểm tra công tác bảo vệ môi trường bao gồm kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và việc thực hiện các cam kết trong kế hoạch quản lý môi trường.

2. Việc kiểm tra định kỳ theo kế hoạch phải được thông báo bằng văn bản trước 07 (bảy) ngày làm việc. Trường hợp đột xuất, khi có dấu hiệu vi phạm các quy định bảo vệ môi trường hoặc đơn thư tố cáo, việc kiểm tra không cần thông báo trước bằng văn bản.

3. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh

a) Phải tự kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại cơ sở và cam kết của cơ sở;

b) Chấp hành quyết định kiểm tra, thực hiện nghiêm chỉnh các kết luận của Đoàn kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Điều 15. Báo cáo công tác môi trường

1. Báo cáo công tác môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh

a) Báo cáo công tác môi trường được thực hiện định kỳ 01 (một) lần/năm;

b) Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo công tác môi trường theo quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BCT ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định việc khai báo, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương;

c) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành Công Thương không thuộc đối tượng tại Điểm b Khoản 1 Điều 15 Thông tư này có trách nhiệm báo cáo Sở Công Thương trước ngày 31 tháng 3 năm tiếp theo của năm báo cáo theo quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này để tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương;

d) Trường hợp đột xuất, Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị báo cáo hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản.

2. Báo cáo môi trường ngành Công Thương

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp lập báo cáo tình hình môi trường hàng năm và báo cáo tổng hợp 05 (năm) năm theo các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Trách nhiệm của các cơ quan thuộc Bộ Công Thương

1. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp là cơ quan quản lý môi trường của Bộ Công Thương có trách nhiệm:

a) Tổ chức thẩm định báo cáo ĐMC, báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong báo cáo ĐMC, ĐTM;

b) Thống kê các chỉ tiêu môi trường ngành Công Thương; xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương;

c) Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp xử lý của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ngành Công Thương;

d) Đầu mối công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục sự cố môi trường, phục hồi môi trường ngành Công Thương;

đ) Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

2. Vụ Kế hoạch chủ trì tổng hợp, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt danh mục các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành phải lập báo cáo ĐMC theo quy định của Thông tư này.

3. Các đơn vị thuộc Bộ được giao chủ trì xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, các đề án, dự án có trách nhiệm phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng, thẩm định và trình phê duyệt báo cáo ĐMC và ĐTM.

Điều 17. Trách nhiệm của Sở Công Thương

1. Chủ trì thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc phối hợp với cơ quan quản lý môi trường của Bộ Công Thương kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

2. Tổng hợp và xây dựng báo cáo công tác môi trường ngành Công Thương tại địa phương gửi Bộ Công Thương theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm Thông tư này, trước ngày 30 tháng 4 năm tiếp theo của năm báo cáo.

Điều 18. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh

1. Chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chế độ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, báo cáo về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

2. Xây dựng kế hoạch quản lý môi trường và phổ biến đối với cán bộ công nhân viên của cơ sở, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở.

3. Ngoài quy định nêu trên, các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ Công Thương còn có trách nhiệm:

a) Xây dựng quy chế, quy định bảo vệ môi trường áp dụng cho Tập đoàn, Tổng công ty và hướng dẫn các đơn vị thành viên xây dựng báo cáo công tác môi trường theo quy định tại Thông tư này;

b) Xem xét thành lập bộ phận phụ trách môi trường hoặc bố trí cán bộ chuyên trách tham mưu giúp Lãnh đạo đơn vị quản lý hoạt động bảo vệ môi trường.

Điều 19. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2015.

2. Quyết định số 52/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chế tạm thời về bảo vệ môi trường ngành Công Thương sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn được viện dẫn trong văn bản này có sự thay đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương để xem xét, quyết định./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Quốc Vượng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.