• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/11/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 12/08/2003
CHÍNH PHỦ
Số: 73/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 1 tháng 11 năm 1995

NGHỊ ĐỊNH

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Nghị quyết kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá IX ngày 21 tháng 10 năm 1995;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi và phát triển nông thôn.

Điều 2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý Nhà nước quy định tại chương IV Luật Tổ chức Chính phủ và tại Nghị định số 15/CP ngày 02 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ, Bộ có nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu sau đây:

1. Trình Chính phủ các dự án Luật, Pháp lệnh và các văn bản pháp quy về các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi và phát triển nông thôn. Ban hành các văn bản theo thẩm quyền về các lĩnh vực do bộ phụ trách.

2. Trình Chính phủ chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch dài hạn, trung hạn và tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện sau khi được Chính phủ phê duyệt về các lĩnh vực:

Trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông, lâm sản và phát triển ngành nghề nông thôn.

Quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, khai thác lâm sản.

Quản lý tài nguyên nước (trừ nước nguyên liệu khoáng và nước địa nhiệt), quản lý việc xây dựng, khai thác công trình thuỷ lợi, công tác phòng chống bão lụt, bảo vệ đê điều (đê sông và đê biển), quản lý việc khai thác và phát triển tổng hợp các dòng sông.

Quản lý Nhà nước các hoạt động dịch vụ chuyên ngành.

3. Thống nhất quản lý hệ thống giống và quỹ gen quốc gia (kể cả sản xuất và xuất nhập khẩu) về thực vật và động vật.

4. Tổ chức, chỉ đạo công tác khuyến nông, khuyến lâm.

5. Tổ chức công tác nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ thuộc các lĩnh vực do Bộ phụ trách.

6. Tổ chức, quản lý chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành; chất lương nông lâm sản hàng hoá; quản lý công tác an toàn các công trình đê, đập, an toàn lương thực quốc gia, phòng dịch bệnh động thực vật, an toàn sử dụng các hoá chất trong sản xuất và bảo quản nông sản thực phẩm... thuộc phạm vi trách nhiệm được giao theo quy định của Pháp luật.

7. Chủ trì và phối hợp với các ngành, các địa phương xây dựng và trình Chính Phủ các chế độ, chính sách, chương trình phát triển nông thôn trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội và theo dõi tổng hợp báo cáo Chính phủ về những vấn đề nêu trên.

8. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi do Bộ quản lý theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước và các quy định của Chính phủ về phân cấp hoặc uỷ quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

9. Quản lý về tổ chức và công chức, viên chức theo pháp luật và phân cấp của Chính phủ.

10. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

11. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ và kiểm dịch động thực vật (bao gồm xuất nhập khẩu và nội địa) công tác kiểm lâm, bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều và các dòng sông.

12. Tổ chức và quản lý việc hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc Bộ quản lý.

13. Thực hiện nhiệm vụ thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và những nhiệm vụ của Uỷ ban quốc gia sông Mê Công của Việt Nam giao cho bộ.

14. Tổ chức chỉ đạo công tác phân bố lao động, dân cư, phát triển vùng kinh tế mới và định canh định cư.

15. Tổ chức quản lý các khu rừng phòng hộ và đặc dụng.

16. Quản lý việc cấp và thu hồi giấy phép thuốc các lĩnh vực do Bộ quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm có:

1. Các cơ quan giúp bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước:

a) Các Vụ:

Vụ Kế hoạch và quy hoạch.

Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản.

Vụ Khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm.

Vụ Chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Vụ Hợp tác quốc tế.

Vụ Tài chính Kế toán.

Vụ Tổ chức Cán bộ.

b) Các Cục quản lý Nhà nước chuyên ngành:

Cục Phát triển lâm nghiệp.

Cục Kiểm lâm.

Cục Bảo vệ thực vật.

Cục Thú y.

Cục Khuyến nông và khuyến lâm.

Cục Chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn.

Cục Quản lý nước và công trình thuỷ lợi.

Cục phòng chống lụt bão và quản lý đê điều (kiêm Văn phòng Ban chỉ đạo chống bão lụt Trung ương).

Cục Định canh, định cư và vùng kinh tế mới.

c) Thanh tra.

d) Văn phòng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ của các Vụ, Văn phòng và trình Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ của các Cục Quản lý Nhà nước chuyên ngành.

2. Các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Bộ:

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức Cán bộ - Chính phủ sắp xếp lại các đơn vị nghiên cứu khoa học, các trường đào tạo, các cơ sở Y tế... thuộc các Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thuỷ lợi trước đây trình Thủ tướng Chính phủ có quyết định riêng.

Điều 4. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành, các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.