Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về việc phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết

cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ TƯ

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29/11/ 2006;

Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều; Nghị định số 04/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 về việc thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng;

Căn cứ Quyết định số 92/2007/QĐ-TTg ngày 21/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Quyết định số 1590/2009/QĐ-TTg ngày 09/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam;

Xét Tờ trình số 82/TTr-UBND ngày 29/6/2012 của UBND tỉnh Nam Định về việc phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Nam Định (giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030), kèm theo hồ sơ thiết kế quy hoạch; các báo cáo thẩm định và Văn bản số 1967/BNN-TCTL ngày 29/6/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thoả thuận Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Nam Định;

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với một số nội dung chủ yếu sau:

I.  PHẠM VI QUY HOẠCH

Các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Nam Định được nghiên cứu trong quy hoạch bao gồm sông Hồng, sông Đào và sông Ninh Cơ. Gồm địa giới của 9 huyện và Thành phố Nam Định.

Quy hoạch chi tiết đoạn sông Đáy trên địa bàn tỉnh Nam Định thực hiện theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

II. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ CỦA QUY HOẠCH

1. Mục tiêu chung

- Xác định các giải pháp phòng, chống lũ để đảm bảo an toàn thoát lũ cho hệ thống sông có đê tỉnh Nam Định và chủ động trong công tác phòng chống lụt bão;

- Làm cơ sở để thực hiện quy hoạch đê điều và điều chỉnh các quy hoạch khác có liên quan.

2. Mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể

- Xác định mức bảo đảm phòng, chống lũ cho hệ thống sông có đê tỉnh Nam Định, gồm: sông Hồng, sông Đào và sông Ninh Cơ.

- Xác định lưu lượng lũ thiết kế và mực nước lũ thiết kế tại các điểm chuẩn.

- Xác định mực nước báo động lũ trên các tuyến sông có đê tỉnh Nam Định, tạo cơ sở pháp lý để quản lý đê điều, đồng thời tạo điều kiện khai thác và phát triển bền vững các vùng bãi sông.

- Xác định chỉ giới thoát lũ cho các tuyến sông có đê tỉnh Nam Định theo từng giai đoạn quy hoạch.

- Xác định giải pháp công trình, phi công trình để thực hiện quy hoạch đối với từng tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh.

III. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Mức đảm bảo phòng, chống lũ

Sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ thuộc địa phận tỉnh Nam Định có mức đảm bảo chống lũ có chu kỳ 300 năm, tương ứng với tần suất lũ 0,33% xảy ra tại Sơn Tây; gặp triều cường tần suất 5%; chịu ảnh hưởng của nước dâng do bão tần suất 20% và nước dâng do biến đổi khí hậu. Trong đó đã sử dụng điều tiết 4 hồ (Thác Bà, Hoà Bình, Tuyên Quang và Sơn La) để cắt lũ.

2. Mực nước, lưu lượng lũ thiết kế

Mực nước, lưu lượng lũ thiết kế tại 10 vị trí đặc trưng trên các tuyến sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ (chi tiết theo Phụ lục số 01 đính kèm).

3. Mực nước báo động

  Mức báo động lũ (cấp I, cấp II, cấp III) tại 20 điểm (04 trạm thủy văn và 16 điểm thông báo lũ) trên các tuyến sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ tỉnh Nam Định (chi tiết theo Phụ lục số 02 đính kèm).

4. Chỉ giới thoát lũ

- Xác định chỉ giới thoát lũ gồm 1.514 mốc chỉ giới (có tọa độ cụ thể trong báo cáo tổng hợp) dọc theo các tuyến sông có đê (sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ), trung bình 100 mét có một mốc chỉ giới thoát lũ. Những đoạn sông, tuyến chỉ giới thoát lũ trùng với tuyến đê, cứ 200m có một mốc chỉ giới. Dựa vào các tọa độ của mốc chỉ giới triển khai xây dựng mốc chỉ giới thoát lũ ngoài thực địa.

- Song song với đường chỉ giới thoát lũ có quy định chỉ giới xây dựng cách đường chỉ giới thoát lũ tối thiểu từ 30m đến 50m về phía đê, tùy thuộc địa hình của vùng đệm, hình thành hành lang xanh hoặc kết hợp làm đường giao thông ven sông. Đối với các khu vực có khoảng cách từ chân đê đến tuyến thoát lũ dưới 50m, không nên sử dụng bãi sông tại các khu vực này để xây dựng nhà và các công trình kiên cố khác.

5. Về khai thác sử dụng quỹ đất

Cho phép khai thác, sử dụng các khu vực bối, bãi dọc các tuyến sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ nằm ngoài hành lang thoát lũ, có thể đưa vào sử dụng xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tổng diện tích là 3.122,72ha; diện tích bãi có bối: 2.366,22ha (chi tiết theo Phụ lục số 03 đính kèm).

IV. GIẢI PHÁP VÀ THỨ TỰ ƯU TIÊN THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Công bố Quy hoạch theo quy định của pháp luật

2. Thực hiện các giải pháp công trình

- Xây dựng mốc chỉ giới thoát lũ, mốc chỉ giới xây dựng ngoài thực địa.

- Tu bổ, nâng cấp công trình đê điều đảm bảo yêu cầu chống lũ.

- Nâng cấp 10 đê bối ngoài hành lang thoát lũ theo tiêu chuẩn thiết kế thành đê chính.

- Trồng cây chắn sóng bảo vệ đê.

- Phối hợp với các dự án giao thông, nạo vét làm thông thoáng lòng sông, đảm bảo việc khai thác, sử dụng bãi sông để phát triển kinh tế - xã hội không ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ.

- Di dời nhà cửa, công trình, vật kiến trúc gây cản trở thoát lũ trong phạm vi hành lang thoát lũ và khu đệm.

3. Thực hiện các giải pháp phi công trình

Thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật về đê điều nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, năng lực phòng chống và ứng phó với thiên tai của cộng đồng. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện tìm kiếm cứu nạn; chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

4. Ưu tiên thực hiện

Cắm mốc chỉ giới thoát lũ; tu bổ nâng cấp công trình đê điều: thực hiện theo văn bản số 1243/BNN-TCTL ngày 27/4/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc thực hiện Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông. Ưu tiên tu bổ nâng cấp những đoạn đê chưa đảm bảo chỉ tiêu thiết kế, những cống xung yếu qua đê, làm kè bảo vệ những đoạn sông bãi hẹp hoặc không còn bãi…

Trong khi thực hiện Quy hoạch, những công trình đê điều chưa được đầu tư, nâng cấp đảm bảo tiêu chuẩn chống lũ; những cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà dân chưa di dời ra ngoài hành lang thoát lũ phải chủ động phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn người và tài sản khi xảy ra thiên tai.

V. NGUỒN VỐN VÀ CÁC GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG

1. Tổng mức đầu tư:                        4.104,87 tỷ đồng

Trong đó:   - Giai đoạn 2012-2015: 2.008,92 tỷ đồng

- Giai đoạn 2016-2020: 1.595,05 tỷ đồng

- Giai đoạn 2021-2030:    500,90 tỷ đồng

2. Giải pháp huy động nguồn vốn

- Ngân sách nhà nước đầu tư thuộc chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; dự án tu bổ đê điều hàng năm…

- Huy động các nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ (NGOs), vốn tài trợ của nước ngoài, vốn ODA, WB, ADB, FDE…

- Vốn huy động từ xã hội hóa (doanh nghiệp, nhân dân).

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Điều 4. Thường trực HĐND, các ban HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Nam Định khoá XVII, kỳ họp thứ tư thông qua./.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Hồng Hà