Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn phương pháp xác định đơn giá chỉnh lý tài liệu giấy

____________________________________

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 111/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Lưu trữ quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 03/2010/TT-BNV ngày 29 tháng 4 năm 2010 của Bộ Nội vụ quy định định mức kinh tế kỹ thuật chỉnh lý tài liệu giấy;

Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính tại Văn bản số 9810/BTC-QLG ngày 27 tháng 7 năm 2010, Bộ Nội vụ hướng dẫn phương pháp xác định đơn giá chỉnh lý tài liệu giấy như sau:

Điều 1. Quy định chung

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng: Thông tư này hướng dẫn phương pháp xác định đơn giá chỉnh lý tài liệu giấy để xây dựng dự toán kinh phí thực hiện thuê khoán chỉnh lý tài liệu của các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Đơn giá chỉnh lý tài liệu giấy được tính cho 01 mét giá tài liệu ban đầu đưa ra chỉnh lý bao gồm đơn giá tiền lương và đơn giá vật tư, văn phòng phẩm (VPP).

Điều 2. Phương pháp xác định đơn giá tiền lương

1. Đơn giá tiền lương chỉnh lý tài liệu giấy có hệ số 1,0 được xác định theo các bước như sau:

a) Bước 1: Xác định tiền lương thời gian của từng bước công việc (BCV) trong quy trình chỉnh lý (i = 1, 2, 3, …, 23), ký hiệu là Vi theo công thức sau:

Vi =

Tiền lương cơ bản của BCV + Tiền lương bổ sung theo chế độ BCV + Các khoản nộp theo lương của BCV + Phụ cấp độc hại

(đồng/phút)

26 ngày x 8 giờ x 60 phút

Trong đó:

- Tiền lương cơ bản của BCV bằng mức lương tối thiểu chung Nhà nước quy định cho từng thời kỳ nhân với hệ số lương của BCV (áp dụng theo Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Bảng số 3).

- Tiền lương bổ sung theo chế độ của BCV bằng tiền lương cơ bản của BCV nhân với 0,1 (hệ số ngày nghỉ được hưởng lương theo chế độ).

- Các khoản nộp theo lương của BCV bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn, được tính bằng tổng của tiền lương cơ bản và tiền lương bổ sung theo chế độ của BCV nhân với tỷ lệ quy định của Nhà nước cho từng thời kỳ.

- Phụ cấp độc hại bằng mức lương tối thiểu chung Nhà nước quy định cho từng thời kỳ nhân với hệ số độc hại là 0,2 (quy định tại Công văn số 2939/BNV-TL ngày 04 tháng 10 năm 2005 của Bộ Nội vụ về chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành lưu trữ).

- 26 ngày là số ngày công trong 01 tháng; 8 giờ là thời gian lao động trong 01 ngày và 60 phút là thời gian trong 01 giờ.

b) Bước 2: Xác định đơn giá tiền lương của từng BCV trong quy trình chỉnh lý (i = 1, 2, 3, …, 23), ký hiệu là Vsp.i theo công thức:

Vsp,i = Vi x Tsp,i (đồng/mét giá).

Trong đó:

- Vi­ là tiền lương thời gian của từng BCV, đơn vị tính là đồng/phút.

- Tsp,i là mức lao động tổng hợp của từng BCV, đơn vị tính là phút/mét giá tài liệu. Các mức lao động chi tiết chỉnh lý tài liệu giấy có hệ số 1,0 của quy trình chỉnh lý quy định tại Phụ lục số 02 của Thông tư số 03/2010/TT-BNV ngày 29 tháng 4 năm 2010 của Bộ Nội vụ.

c) Bước 3: Xác định đơn giá tiền lương (Vsp) của cả quy trình chỉnh lý tài liệu theo công thức:

Vsp = Vsp,1 + Vsp,2 + … Vsp,i + … Vsp,23 (đồng/mét giá).

Trong đó Vsp,i là đơn giá tiền lương của từng BCV trong 23 BCV của quy trình chỉnh lý tài liệu.

(Phương pháp xác định đơn giá tiền lương chỉnh lý tài liệu giấy theo Phụ lục đính kèm).

2. Đơn giá tiền lương chỉnh lý tài liệu giấy có hệ số khác hệ số 1,0 xác định theo đơn giá tiền lương chỉnh lý tài liệu giấy có hệ số 1,0 nhân với các hệ số quy định tại Thông tư 03/2010/TT-BNV ngày 29 tháng 4 năm 2010 của Bộ Nội vụ.

Điều 3. Phương pháp xác định đơn giá vật tư, văn phòng phẩm

Đơn giá vật tư, văn phòng phẩm (VPP) cho chỉnh lý 01 mét tài liệu được tính theo công thức:

Đơn giá vật tư, VPP

=

Σ (Số lượng từng loại vật tư, VPP theo định mức)

x

Đơn giá từng loại vật tư, VPP

Trong đó:

- Số lượng của từng loại vật tư, VPP quy định tại Phụ lục số 03 của Thông tư 03/2010/TT-BNV ngày 29 tháng 4 năm 2010 của Bộ Nội vụ.

- Đơn giá từng loại vật tư, VPP tính theo giá thị trường tại thời điểm thực hiện chỉnh lý.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước căn cứ tình hình thực tế tài liệu của đơn vị và hướng dẫn tại Thông tư này để xây dựng dự toán chi ngân sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc thanh quyết toán thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Bộ Nội vụ

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Văn Tuấn