• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2003
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 55/2003/QĐ-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 17 tháng 1 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích ngành Ngân hàng

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 12 tháng12 năm 1997;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 88/1998/NĐ-CP ngày 02/11/1998 của Chính phủ về chức năng, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 195/2001/QĐ-TTg ngày 26/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chủ nhiệm Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích;
Theo đề nghị của Trưởng ban Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích ngành Ngân hàng,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích ngành Ngân hàng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, Cục trưởng Cục Quản trị, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại nhà nước và các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích ngành Ngân hàng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Phó Thống đốc

(Đã ký)

NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG

QUY CHẾ

Hoạt dộng của Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích Ngân hàng

 (Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2003/QĐ-NHNN ngày 17/01/2003 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích ngành Ngân hàng được thành lập theo Quyết định số 1137/QĐ-NHNN ngày 17/10/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (gọi tắt là Ban chỉ đạo). Ban chỉ đạo có trách nhiệm tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tai nạn thương tích trong ngành Ngân hàng.

Điều 2. Tổ chức bộ máy;

- Tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Cục Quản trị Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thường trực cho Ban chỉ đạo, thành lập Tổ giúp việc kiêm nhiệm, bán chuyên trách.

- Các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành, các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước mỗi đơn vị thành lập một Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích do 01 đồng chí trong Ban Giám đốc làm Trưởng ban, Phó trưởng ban là Trưởng phòng Hành chính tổ chức, các ủy viên khác gồm đại diện Đảng ủy, Công đoàn và Đoàn thanh niên.

- Các ngân hàng thương mại nhà nước, mỗi đơn vị thành lập một Ban chỉ đạo tại trụ sở chính Trung ương, do Tổ giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc làm Trưởng ban, Phó trưởng ban thường trực là Chánh Văn phòng hoặc Trưởng phòng hành chính tổ chức, các ủy viên khác gồm đại diện Đảng ủy, Công đoàn và Đoàn thanh niên….Các ngân hàng thương mại nhà nước thành lập các tiểu ban tại các đơn vị chi nhánh trong hệ thống.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 3. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Chỉ đạo việc xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tai nạn thương tích trong ngành Ngân hàng.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch biện pháp nêu tại khoản 1 Điều này.

3. Chỉ đạo việc giáo dục, tuyên truyền, học tập về công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, theo dõi tiến độ triển khai chương trình, thu nhận thông tin, tổng hợp tình hình, tổ chức kiểm tra giám sát, đánh giá kết quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích của các đơn vị trong ngành; định kỳ báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tình hình và kết quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích trong ngành và đề xuất biện pháp xử lý.

Điều 4. Các thành viên trong Ban chỉ đạo gồm có Trưởng ban, Phó trưởng ban và các ủy viên, có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây;

1. Trưởng ban có nhiệm vụ và quyền hạn: là người thay mặt và chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước; xây dựng chương trình hành động và triển khai các kế hoạch về công tác phòng, chống tai nạn thương tích trong toàn ngành Ngân hàng và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Ban.

2. Phó trưởng ban giúp Trưởng ban triển khai và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch của Ban chỉ đạo; thay mặt Trưởng ban chỉ đạo khi Trưởng ban đi vắng, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo theo ủy quyền. Chuẩn bị cho các cuộc họp Ban chỉ đạo theo định kỳ và xử lý các công việc của Ban chỉ đạo. Trực tiếp chỉ đạo Cục Quản trị (phòng chuyên môn) theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện chương trình kế hoạch, kiểm tra đôn đốc các đơn vị trong toàn ngành thực hiện tốt chương trình phòng, chống tai nạn thương tích.

3. Nhiệm vụ của các ủy viên Ban chỉ đạo: Chấp hành sự phân công nhiệm vụ của Trưởng ban, chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn thương tích tại đơn vị mình quản lý, phối hợp với các ủy viên trong Ban chỉ đạo và các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác phòng, chống tai nạn thương tích.

4. Nhiệm vụ của Cục Quản trị Ngân hàng Nhà nước:

Thực hiện chức năng cơ quan thường trực Ban chỉ đạo có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, giúp Ban chỉ đạo soạn thảo các báo cáo về công tác phòng, chống tai nạn thương tích gửi Ban chủ nhiệm phòng, chống tai nạn thương tích của Chính phủ.

- Nghiên cứu, đề xuất kế hoạch, chương trình công tác theo quý, 06 tháng và cả năm của Ban chỉ đạo, giúp Ban chỉ đạo theo dõi tiến độ thực hiện chương trình kế hoạch của các đơn vị trong toàn ngành; tổ chức kiểm tra, tổng hợp tình hình, đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích để báo các Ban chỉ đạo.

- Tiếp nhận báo cáo, thông tin của các đơn vị, tham mưu đề xuất với Ban chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống tai nạn thương tích, chuẩn bị tài liệu và phối hợp với Văn phòng Ngân hàng Nhà nước phục vụ các cuộc họp của Ban chỉ đạo. Được quyền yêu cầu các đơn vị trong ngành gửi báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 5. Chế độ báo cáo.

Báo cáo định kỳ theo quý, 06 tháng, báo cáo cả năm và báo cáo đột xuất. Các đơn vị trong toàn ngành phải chấp hành báo cáo đúng thời hạn về Ban chỉ đạo bằng văn bản (Cục Quản trị). Đối với báo cáo quý yêu cầu báo cáo trước ngày 25 của tháng cuối quý, báo cáo 06 tháng và 01 năm thì chậm nhất là ngày 20 tháng 6 và ngày 20 tháng 12 hàng năm.

Điều 6. Các thành viên trong Ban chỉ đạo đi công tác, học tập dài hạn (03 tháng trở lên) hoặc có thay đổi về nhân sự, thành viên đơn vị đó phải thông báo cho cơ quan thường trực Ban chỉ đạo biết (Cục Quản trị) để cơ quan thường trực báo cáo Ban chỉ đạo để có sự điều chỉnh kịp thời.

Điều 7. Ban chỉ đạo họp định kỳ 03 tháng 01 lần để kiểm điểm việc thực hiện chương trình, kế hoạch, trong trường hợp cần thiết, Trưởng ban có quyền triệu tập họp đột xuất.

Điều 8. Kinh phí cho các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cũng như các hoạt động khắc phục hậu quả do tai nạn thương tích tại các đơn vị được hạch toán vào chi phí hoạt động, chi phí quản lý theo chế độ.

Điều 9. Khen thưởng.

Tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành.

Điều 10. Kỷ luật.

Tập thể và các nhân không chấp hành sự chỉ đạo và điều chỉnh của Ban chỉ đạo, cố tình gây khó khăn thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.

Điều 11. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định./.

 

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Kim Phụng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.