• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/06/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 03/05/2005
CHÍNH PHỦ
Số: 30-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Nam Định, ngày 2 tháng 6 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

của Chính phủ số 30-CP ngày 2-6-1993 về tổ chức, nhiệm vụ,

quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự,

cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên 

___________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 21 tháng 4 năm 1993;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng, Trưởng ban Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 1. - Các cơ quan quản lý công tác Thi hành án dân sự nói tại Khoản 1 Điều 17 của Pháp lệnh thi hánh án dân sự bao gồm:

1. Cục Quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp;

2. Phòng quản lý Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng;

3. Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

4. Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 2. - Cục Quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện việc quản lý Nhà nước về công tác Thi hành án dân sự và tổ chức việc thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh thi hành án dân sự:

a) Chuẩn bị các dự án văn bản về quản lý công tác Thi hành án dân sự, về quy chế chấp hành viên, chế độ, chính sách đối với chấp hành viên, cán bộ làm công tác Thi hành án dân sự;

b) Trình Bộ trưởng quyết định việc thành lập, giải thể các cơ quan Thi hành án dân sự;

c) Chỉ đạo, kiểm tra công tác quản lý thi hành án dân sự ở các địa phương, tổng kết công tác quản lý thi hành án dân sự.

2. Quản lý nghiệp vụ công tác Thi hành án dân sự:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ công tác Thi hành án dân sự;

b) Bồi dưỡng nghiệp vụ cho chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án dân sự;

c) Kiểm tra hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương;

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan Thi hành án, giải quyết khiếu nại các quyết định về Thi hành án của trưởng phòng Thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Điều 44 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Điều 3. - Phòng quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện việc quản lý Nhà nước về công tác Thi hành quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự theo quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự:

a) Chuẩn bị các dự án văn bản về quản lý công tác Thi hành quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự, về chế độ, chính sách đối với chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án trong quân đội;

b) Trình Bộ trưởng Bộ quốc phòng việc thành lập, giải thể các phòng Thi hành án quân khu và cấp tương đương;

c) Tổng kết công tác quản lý Thi hành án trong quân đội.

2. Phối hợp với Cục quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp quản lý nghiệp vụ công tác thi hành quyết định về tài sản trong bản án hình sự của toà án quân sự:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ công tác Thi hành án;

b) Bồi dưỡng nghiệp vụ cho chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án;

c) Kiểm tra hoạt động của các Phòng thi hành án quân khu và cấp tương đương;

d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của chấp hành viên, trưởng phòng Thi hành án, giải quyết khiếu nại các quyết định về thi hành án của trưởng phòng Thi hành án quân khu và cấp tương đương.

Tổ chức, biên chế, kinh phí, trụ sở làm việc, phương tiện hoạt động của Phòng Quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Điều 4. - Các cơ quan Tư pháp địa phương giúp Uỷ ban Nhân dân cùng cấp và cơ quan tư pháp cấp trên trong việc quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự ở địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự và chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Uỷ ban nhân dân cùng cấp và cơ quan Tư pháp cấp trên về tình hình quản lý công tác thi hành án và tổ chức việc Thi hành án dân sự.

Điều 5. - Sở Tư pháp giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan hữu quan trong việc Thi hành án ở địa phương theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự; Giúp Bộ Tư pháp tổ chức kiểm tra, thanh tra công tác Thi hành án của Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; bồi dưỡng nghiệp vụ cho chấp hành viên và cán bộ làm công tác Thi hành án.

Điều 6. - Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp và Sở Tư pháp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan hữu quan trong việc Thi hành án ở địa phương theo quy định tại khoản 1, Điều 7 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Chương II

CÁC CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 7. - Các cơ quan Thi hành án dân sự nói tại khoản 2, Điều 17 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự bao gồm:

1. Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phòng Thi hành án quân khu và cấp tương đương;

2. Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Trưởng phòng Thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là chấp hành viên trưởng, đồng thời là thủ trưởng cơ quan Thi hành án.

Trưởng phòng Thi hành án quân khu và cấp tương đương là chấp hành viên trưởng, đồng thời là thủ trưởng cơ quan Thi hành án.

Đội trưởng Đội Thi hành án quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là chấp hành viên trưởng, đồng thời là thủ trưởng cơ quan Thi hành án.

Điều 8. - Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Giúp Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện việc quản lý công tác thi hành án dân sự trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

2. Quản lý nghiệp vụ công tác thi hành án của Đội thi hành án thuộc phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án cho chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án theo quy định tại Điều 44 của Pháp lệnh thi hành án dân sự; tổng kết thực tiễn thi hành án, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác Thi hành án;

3. Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của toà án theo quy định của Pháp lệnh thi hành dân sự;

Phòng thi hành án thuộc Sở tư pháp có chấp hành viên trưởng, các chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án.

Điều 9. - Phòng Thi hành án quân khu và cấp tương đương có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Tổ chức thi hành các quyết định về tài sản trong các bản án hình sự của toà án quân sự theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự;

2. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác thi hành án.

Phòng Thi hành án quân khu và cấp tương đương có chấp hành viên trưởng, các chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án.

Điều 10. - Đội thi hành án thuộc Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của toà án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự;

2. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác thi hành án dân sự.

Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có chấp hành viên trưởng, các chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án.

Điều 11. - Khiếu nại hành vi trái pháp luật của chấp hành viên thi hành án trong quân đội do Trưởng phòng thi hành án quân khu và cấp tương đương giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu đương sự còn khiếu nại quyết định của Trưởng phòng Thi hành án Quân khu và cấp tương đương, thì trưởng Phòng quản lý thi hành án thuộc Bộ quốc phòng giải quyết và trả lời cho đương sự trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của trưởng phòng quản lý thi hành án thuộc Bộ quốc phòng có hiệu lực thi hành.

Khiếu nại hành vi trái pháp luật của Trưởng phòng Thi hành án quân khu và cấp tương đương do Trưởng phòng Quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng giải quyết trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu đương sự còn khiếu nại quyết định của trưởng phòng Quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, thì Bộ trưởng bộ Quốc phòng giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành.

Điều 12. - Tổng biên chế, kinh phí của các cơ quan thi hành án dân sự do Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định và phân bổ biên chế, kinh phí cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Tổ chức, biên chế, kinh phí, trụ sở làm việc, phương tiện hoạt động của các Phòng thi hành án quân khu và cấp tương đương do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Cục quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Phòng quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, Phòng thi hành án thuộc Sở Tư pháp, phòng Thi hành án quân khu và cấp tương đương, Đội thi hành án thuộc Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có con dấu quốc huy.

Chương III

CHẤP HÀNH VIÊN

Điều 13.

1. Công dân Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm chấp hành viên, chấp hành viên trưởng:

a) Trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, khách quan, có phẩm chất đạo đức tốt;

b) Có kiến thức pháp lý cần thiết;

c) Nắm vững nghiệp vụ thi hành án;

d) Có sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Chấp hành viên quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải có các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều này và có các tiêu chuẩn cụ thể sau đây:

a) Có trình độ đại học pháp lý hoặc tương đương;

b) Đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án.

3. Chấp hành viên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều này và có các tiêu chuẩn cụ thể sau đây:

a) Có trình độ đại học pháp lý hoặc tương;

b) Đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án;

c) Có thâm niên công tác luật từ ba năm trở lên, hoặc đã làm chấp hành viên quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ít nhất là hai năm.

4. Chấp hành viên trưởng, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải có đủ tiêu chuẩn cụ thể sau đây:

a) Đã làm chấp hành viên quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ít nhất hai năm;

b) Có năng lực quản lý, điều hành công việc thi hành án.

5. Chấp hành viên Trưởng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có đủ các tiêu chuẩn cụ thể sau đây:

a) Đã làm chấp hành viên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ba năm trở lên hoặc đã làm chấp hành viên trưởng quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh từ hai năm trở lên;

b) Có năng lực quản lý, điều hành công việc thi hành án.

6. Chấp hành viên, chấp hành viên trưởng thi hành án trong quân đội phải có các tiêu chuẩn chung quy định tại khoản 1 Điều này và có các tiêu chuẩn cụ thể do Bộ trưởng Bộ quốc phòng quy định sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Điều 14. - Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chấp hành viên, chấp hành viên trưởng Phòng Thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Cục trưởng cục quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chấp hành viên trưởng Đội thi hành án quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chấp hành viên, chấp hành viên trưởng làm nhiệm vụ thi hành quyết định về tài sản trong bản án hình sự của toà án quân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ quốc phòng theo đề nghị của trưởng phòng Quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.

Điều 15. - Chấp hành viên được cấp thẻ chấp hành viên để sử dụng trong khi thi hành nhiệm vụ.

1. Thẻ chấp hành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp; khi thay đổi chức vụ, chấp hành viên được đổi thẻ khác phù hợp với chức vụ mới; khi thôi giữ chức vụ thì phải trả lại thẻ, khi chấp hành viên bị thi hành kỷ luật thì bị thu hồi thẻ.

2. Nếu mất thẻ chấp hành viên, thì phải báo cáo ngay cho đồn công an gần nhất và cơ quan Thi hành án nơi chấp hành viên công tác.

3. Nghiêm cấm việc sử dụng trang phục và thẻ chấp hành viên vào mục đích cá nhân. Nếu lợi dụng trang phục và thẻ chấp hành viên làm điều phi pháp, thì bị xử lý theo pháp luật.

Cấm mọi hành vi giả mạo hoặc lợi dụng trang phục, thẻ chấp hành viên để thực hiện hành vi trái pháp luật.

Điều 16.

1. Chấp hành viên được cấp:

- Phù hiệu gắn trên mũ và ve áo;

- Quần áo thu đông, quần áo xuân hè;

- Các trang phục khác.

Phù hiệu gắn trên mũ làm bằng kim loại dày 1.5mm, hình tròn, đường kính 30mm, phía trái và phải phù hiệu mỗi bên có 4 bông lúa vàng, phía trên cùng nơi tiếp giáp giữa hai ngọn bông lúa là ngôi sao vàng đắp nổi đường kính 1,8mm, chính giữa phù hiệu là một lá chắn và hai thanh kiếm đặt chéo, phía sau mũi kiếm chúc xuống phía dưới, hai đuôi kiếm nhô lên phía trên, đường kính 1,5 mm, mầu bạch kim, trên nền đỏ có những tia của ngôi sao phía trên chiếu xuống, xung quanh hình lá chắn có 12 vòng nhỏ như 12 đầu đinh, phía dưới có nửa bánh xe răng, đường kính 4mm mầu xanh thẫm, nằm ngang giữ vòng có ba chữ "T.H.A" (viết tắt của ba chữ thi hành án) mầu bạch kim nổi.

Phù hiệu gắn trên ve áo hình bình hành dài 50mm, rộng 32mm nền màu xanh lơ, giữa bề mặt phù hiệu (trên hình bình hành) gắn lá chắn, hai thanh kiếm, chiều cao từ đầu kiếm đến mũi kiếm 25mm, chiều rộng lá chắn 10mm xung quanh phù hiệu viên màu bạch kim chiều rộng đường viền 3mm, chiều dài và chiều ngang bằng phù hiệu. Phù hiệu của chấp hành viên trưởng có viền kim loại mầu vàng.

3. Trang phục chấp hành viên gồm có quần áo thu đông, quần áo xuân hè, mũ kêpi, mũ cứng, cơravat, giầy da, dép nhựa, bít tất, thắt lưng da, áo mưa, cặp da đựng tài liệu.

Mẫu, màu sắc quần áo do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể.

4. Thẻ chấp hành viên màu hồng tươi, bề ngang 75 mm, bề dài 100 mm, gồm 2 mặt:

Mặt trước có ghi:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 
  1/01/clip_image001.gif" width="218" />

 

THẺ CHẤP HÀNH VIÊN

Số :

Họ, tên:

Ngày , tháng , năm sinh:

Chức vụ:

Đơn vị công tác:

Bên trái có phù hiệu chấp hành viên, dưới phù hiệu là ảnh chấp hành viên cỡ 3 x 4 cm (giáp lai góc dưới phía bên phải đóng dấu nổi).

(Ký tên, đóng dấu).

Từ góc trên bên trái đến góc dưới bên phải thẻ có gạch chéo rộng 10 mm, mầu đỏ tươi. Giữa gạch chéo có hình ngôi sao 5 cánh mầu vàng.

Mặt sau có ghi "Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của chấp hành viên trong việc thi hành án".

Điều 17. - Các trang phục được cấp gồm có:

- Quần áo thu đông mặc ngoài một bộ bốn năm.

- Quần áo xuân hè mặc ngoài một bộ hai năm.

- Áo sơ mi dài tay một cái một năm.

- Giầy da một đôi hai năm.

- Thắt lưng giả da một chiếc hai năm.

- Dép nhựa hai đôi một năm.

- Tất chân hai đôi hai năm.

- Cơravat một cái hai năm.

- Áo mưa một chiếc một năm.

- Mũ kêpi một chiếc hai năm.

- Mũ cứng một chiếc hai năm

- Cặp da đựng tài liệu một chiếc bốn năm.

3. Nguyên tắc cấp và sử dụng trang phục được quy định như sau:

- Chấp hành viên được cấp trang phục theo thời hạn quy định.

Không cho người khác mượn, mua bán, đổi chác, làm quà tặng.

- Trường hợp trang phục bị mát hoặc hư hỏng có lý do chính đáng thì được cấp hoặc đổi lại.

- Nếu chuyển công tác khác hoặc nghỉ theo chế độ thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể có thể thu hồi phù hiệu.

4. Chấp hành viên công tác ở các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở ra phía Bắc và Tây Nguyên được cấp phát quần áo thu đông, quần áo xuân hè; ở các tỉnh Quảng Ngãi trở vào phía Nam không cấp quần áo thu đông mà được thay bằng hai bộ xuân hè.

Điều 18.

1. Chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ thì được khen thưởng theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

2. Chấp hành viên không thi hành đúng bản án, quyết định của toà án, trì hoãn việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trái pháp luật; vi phạm phẩm chất đạo đức của người chấp hành viên thì bị xử lý kỷ luật: cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 19. - Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 20. - Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 21. - Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 68-HĐBT ngày 6 tháng 3 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.